10:33 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 4009

Máy chủ tìm kiếm : 114

Khách viếng thăm : 3895


Hôm nayHôm nay : 136361

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2593754

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 49539252

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Thăm làng gốm cổ của Thái Lan

Thứ hai - 04/01/2021 08:17


Ấn tượng làng gốm cổ ở Pottery Legend

Ratchaburi là một tỉnh có diện tích khoảng 5.196.5 km2 nằm về phía tây của Thái Lan, cách Bangkok khoảng 160km. Đây là một tỉnh giàu tài nguyên thiên nhiên và văn hóa để phát triển du lịch như chợ nổi Damnoen Saduak (Damnoen Saduak Floating Market), công viên môi trường quốc tế Sirindhorn (The Princess Sirindhorn International Environmental Park), các bãi biển thơ mộng, hoang sơ (Hua Hin beach), các làng nghề truyền thống: Pottery Legend và Rattanakosin Water Jar Factory…

Ratchaburi được xem là thành phố của lu/ vại đựng nước ("City of Water Jars" hay "City of Earthenware Jars") với hai địa điểm sản xuất nổi tiếng là Pottery Legend và Rattanakosin Water Jar Factory. Đây là doanh nghiệp do gia đình quản lý và được kế thừa qua rất nhiều thế hệ để gìn giữ nguyên bản truyền thống và văn hóa làm gốm Thái. Kỹ thuật làm gốm ở Ratchaburi bắt nguồn từ gốm Trung Quốc cổ đại do những người đến định cư đầu tiên đem tới vào khoảng thế kỷ thứ XIII.

Tác giả bài viết ở làng gốm cổ.

Địa điểm chúng tôi tham quan khảo sát là nơi sản xuất gốm cổ Pottery Legend (encient earthen jars at Pottery Legend in Rachaburi). Ratchaburi ngày nay không chỉ nổi tiếng vì sản xuất lu vại đựng nước nữa mà còn cả chậu trồng hoa, cây kiểng, đồ gốm mỹ nghệ…

Hầu hết các sản phẩm đều được làm từ đất sét chất lượng cao đặc sắc tại địa phương, loại đất sét đen và đỏ. Một số cơ sở sản xuất còn pha trộn với đất sét ở các vùng khác để tạo ra tính đa dạng của sản phẩm, kết cấu và trang trí. Hoa văn trang trí được khắc nổi hoặc chìm vô cùng đa dạng, sống động, tinh xảo và độc đáo. Trong đó, hoa văn, họa tiết hình rồng là phổ biến nhất theo văn hóa truyền thống Thái Lan cho rằng thần "Naga" hay thần Rồng, là một vị thần linh thiêng trong văn hóa Phật giáo và văn hóa Khmer.

Gốm ở Ratchaburi được làm hoàn toàn bằng tay, từ nhào đất, tạo hình, trang trí hoa văn và công đoạn cuối cùng là nung gốm trong một cái lò xây bằng gạch gọi là "Dragon Stove" dùng gỗ bạch đàn và gỗ cao su làm nhiên liệu. Gốm ở Ratchaburi cũng được xuất đi các vùng khác trong nước và xuất khẩu.

Gốm trang trí cách điệu hiện đại.

Khi đến với làng gốm cổ Pottery Legend ở Ratchaburi, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi đó là cách bài trí không gian của cơ sở này vừa lạ vừa đẹp. Bước qua khỏi cánh cổng rộng, trước mắt chúng tôi là bốn khu nhà với màu sắc và kiểu dáng khác nhau xếp theo hình vòng cung, từ bên tay phải của chúng tôi chính là khu trưng bày và bán hiện vật, bên trong là một phòng chiếu phim giới thiệu về lịch sử và sản phẩm của làng gốm, sau đó là khu giới thiệu cảnh làm gốm, vẽ hoa văn, lò nung, các sản phẩm tiêu biểu qua các thời kỳ, cuối cùng là khu vực trải nghiệm làm gốm, vẽ hoa văn trên gốm cho du khách.

Tòa nhà nằm ở giữa là một nhà hàng nơi sẽ thết đãi du khách các món ăn đặc sản Thái vào bữa trưa trước giờ tham quan. Kế bên là một tòa khác màu nâu sẫm gồm 1 tầng thượng phục vụ các món uống cho du khách. Cuối cùng là khu vệ sinh tập trung và cái quán nhỏ bên ngoài cũng phục các món uống theo kiểu dân gian.

Ở khu trung tâm kết nối các toà nhà là một sân khấu nhỏ có thể biểu diễn nghệ thuật vào buổi tối. Đó cũng là nơi trưng bày các sản phẩm lu, vại qua các thời kỳ, kiểu dáng khác nhau. Nhìn tổng thể, nét truyền thống xen lẫn hiện đại ngay từ cổng vào cho đến khu trưng bày, bán hàng lưu niệm, ngoại thất, nội thất, khu ăn uống, nhà vệ sinh. Tất cả đều được trang trí bằng gốm tự sản xuất từ màu sắc nguyên thủy của đất cho đến các loại men màu hiện đại tươi sáng, rực rỡ.

Điều đọng lại ở phòng chiếu phim thông qua một bộ phim hoạt hình ngắn vui nhộn, hài hước chúng tôi hiểu thêm về nghề gốm, kỹ thuật làm gốm, các sản phẩm và cách thức tiêu thụ sản phẩm. Sau đó chúng tôi được chứng kiến tận mắt nghệ nhân tạo hình sản phẩm gốm, đi tham quan bảo tàng để khám phá các sản phẩm gốm trong các thời kỳ khác nhau.

Quả thật gốm ở Ratchaburi có sự thay đổi theo thời gian. Sự thay đổi ấy chủ yếu là ở vẻ ngoài của gốm như hoa văn họa tiết trang trí có thể chìm hay đắp nổi, bề mặt của sản phẩm có thể trơn láng hay xù xì thô ráp, hình dạng có thể cao hay thấp, tròn đều hay có cạnh theo các thời kỳ khác nhau trong lịch sử. Còn về nguyên liệu chính, người Thái vẫn bảo tồn theo truyền thống của mình. Họ không muốn đánh mất bản sắc hay hồn cốt của sản phẩm.

Hai trải nghiệm thú vị

Tham quan xong những khu vực trưng bày quan trọng, du khách sẽ bước vào khu vực tạo hình hoa văn họa tiết trên sản phẩm. Với bàn tay tài hoa, điêu luyện của mình, nghệ nhân cho chúng tôi thấy các đường nét uốn lượn mềm mại của rồng, hoa, lá trên sản phẩm không khác gì in từ máy ra.

Cảnh tạo hình gốm.

Sau đó, du khách sẽ có hai loại trải nghiệm với làng gốm cổ này. Trải nghiệm thứ nhất là cách tạo hình các sản phẩm từ đất sét dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Hoạt động này phù hợp với các bạn trẻ vì họ thích hoạt động, sáng tạo và cảm nghiệm. Nếu du khách tạo ra sản phẩm đẹp, ưng ý và muốn đem về nhà làm quà. Họ sẽ phải ghi lại địa chỉ, các nghệ nhân ở đây sẽ giúp hoàn thiện sản phẩm, nung, đóng gói và gửi về tận tay du khách (trong trường hợp này du khách sẽ phải trả thêm chi phí).

Kế đó, là trải nghiệm thứ hai, du khách sẽ tìm hiểu cách vẽ hoa văn họa tiết trang trí lên sản phẩm. Các du khách sẽ được tặng một cái bình gốm hay cái ly với một bảng màu và chổi, cọ, và được các nghệ nhân hướng dẫn cách thao tác để sáng tạo theo tưởng tượng hay sở thích của mình. Khoảng 30-40 phút sau, khi hoàn thành xong, các sản phẩm này sẽ được bao gói cẩn thận cho du khách mang về làm quà. Đây cũng là một cách làm du lịch độc đáo, giúp níu giữ, thu hút du khách đến với làng gốm cổ. Quả là một suy nghĩ rất khôn khéo, sáng tạo của người Thái Lan mà chúng ta cần tham khảo.

Chính sách phát triển các làng nghề truyền thống ở Thái Lan

Khi đến với làng gốm cổ này, tìm hiểu thêm, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng, Chính phủ Thái Lan đã, đang có những chính sách chiến lược để hỗ trợ, phát triển các làng nghề truyền thống của họ, trong đó có làng gốm cổ này.

Theo Viện nghiên cứu phát triển du lịch (ITDR) (2013), Thái Lan có khoảng 70.000 làng nghề thủ công truyền thống, một con số không hề nhỏ. Để khai thác kỹ năng, thế mạnh của các làng nghề truyền thống ở miền bắc Thái Lan, nhằm tăng thêm thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, Chính phủ Thái Lan đã triển khai dự án OTOP (One Tambon One Product: mỗi làng nghề một sản phẩm) từ năm 2001.

Rồng trên bình gốm mộc.
Hình ảnh con rồng và hoa văn trên một bình gốm với chất men màu ngọc lam.

Đây là chiến lược từ sáng kiến của Cục xúc tiến xuất khẩu (DEP) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan. Chương trình "One Tambon One Product" (OTOP) thực sự không phải là phát kiến quá mới mẻ. Nó bắt nguồn từ ý tưởng "One Village One Product Movement" (OVOP) do Morihiko Hiramatsu khởi xướng ở Nhật Bản từ năm 1979. Sau đó, một số nước ở Châu Á như Trung Quốc, Đài Loan đã áp dụng ý tưởng này và được đổi thành OTOP (One Town One Product, hoặc One Tambon One Product) để phù hợp với nhu cầu và thực tế của mỗi nước.

Thái Lan là nước phát triển dự án OTOP rất thành công qua cách thức thực hiện đồng bộ, nhất quán để mang lại hiệu quả cao. OTOP nhấn mạnh đến một sản phẩm mang đặc trưng riêng của mỗi làng kết tinh từ kỹ năng, văn hóa, truyền thống, phong thổ...

Trong dự án này, chính phủ Thái Lan đã đồng hành và hỗ trợ các cộng đồng địa phương thông qua các hoạt động sau:

Một là, kết nối địa phương với toàn cầu, thông qua việc hỗ trợ tiêu chuẩn hóa sản phẩm, hoàn tất đóng gói, tiếp thị, tổ chức kênh phân phối ở hải ngoại" (Theo Viện nghiên cứu phát triển du lịch (ITDR). (2013). Kinh nghiệm phát triển du lịch làng nghề ở Thái Lan và một số địa phương tại Việt Nam. http://www.itdr.org.vn/vi/kinh-nghiem-ptdl/kinh-nghiem-quoc-te/ (truy xuất ngày 10/09/2018)).

Hai là, chỉ thị cho các trường đại học mở các phòng vi tính tạo phần mềm thiết kế các mẫu sản phẩm OTOP nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để có thể tăng doanh thu.

Ba là, lập ra các trang thông tin nhằm giúp khách hàng nước ngoài có thể đặt mua hàng qua mạng Internet.

Bốn là, tổ chức các chuyến du lịch tới các làng nghề để du khách trong và ngoài nước có thể tận mắt thấy được các sản phẩm OTOP được sản xuất như thế nào.

Với chính sách khuyến khích và hỗ trợ của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, hiện nay ở Thái Lan có khoảng 36.000 mô hình OTOP, mỗi mô hình tập hợp từ 30 đến 3.000 thành viên tham gia. Dự án OTOP sau gần 20 năm thực hiện đã đạt được những hiệu quả sau:

Trước hết là nó giúp nghề thủ công truyền thống của Thái Lan được duy trì: giúp cho người dân Thái có công ăn việc làm, tăng thu nhập, làm ra nhiều sản phẩm đặc sắc của từng địa phương. Nhờ đó gìn giữ, trao truyền được giá trị văn hóa truyền thống: sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại chỗ, dựa vào tri thức truyền thống bản địa để làm ra sản phẩm đặc trưng của địa phương. Từ các hoạt động này mà phát triển du lịch thông qua đa dạng hóa loại hình du lịch: du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa. Từ đó mà giới thiệu quảng bá con người và nền văn hóa Thái Lan ra thế giới.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn là vấn đề cấp thiết, đầy thách thức của các quốc gia dân tộc, nhất là trong thời đại của kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng như hiện nay. Bảo tồn không phải là giữ cho các giá trị bất biến, mà giữ lại những giá trị cốt lõi mang tính bản sắc riêng của từng loại hình di sản để chúng còn trường tồn chứ không phải mai một hay tàn lụi theo thời gian.

Tham quan làng gốm cổ Pottery Legend ở Ratchaburi (Thái Lan) tôi vừa được tham quan trải nghiệm cách làm gốm và học hỏi, chiêm nghiệm cách thức bảo tồn làng nghề truyền thống của họ. Người Thái đã thành công khi họ có sự vào cuộc đồng bộ và mạnh mẽ của chính phủ với những quyết sách phù hợp và sự sáng tạo riêng của các làng nghề.

Trên chuyến xe chiều trở về khách sạn thuộc Trường đại học Silpakorn nơi tôi sang công tác, trong tâm trí tôi chợt ùa về những ưu tư trăn trở về cách thức làm thế nào biến văn hóa thành động lực, sức mạnh mềm để phát triển kinh tế bền vững cho các làng nghề truyền thống và văn hóa truyền thống Việt Nam bằng cách học tập kinh nghiệm của dân tộc Thái đã thành công trong việc gìn giữ và trao truyền phát huy được các giá trị di sản ưu việt của họ.

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp