16:59 EDT Thứ tư, 24/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 838

Máy chủ tìm kiếm : 31

Khách viếng thăm : 807


Hôm nayHôm nay : 73266

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3437109

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55590998

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Thiên tai và dịch bệnh không chừa bất cứ một quốc gia nào

Thứ tư - 15/07/2020 21:09


Một thế giới đầy công cụ chiến tranh nhưng vô ích

"Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh" là một câu nói rất nổi tiếng được ghi lại từ thời cổ đại. Đó vẫn luôn là một sự chuẩn bị chiến lược cho tất cả các chính quyền trong việc bảo vệ người dân của mình, có thể không đủ tiềm lực để chạy đua vũ trang nhưng họ cũng chuẩn bị thật nhiều những loại vũ khí hiện đại nhất trong điều kiện có thể của đất nước.

Báo cáo thường kỳ của Viện Hòa bình Stockholm (SIPRI) vẫn được đưa ra đều đặn hàng năm cho thấy chi tiêu quân sự thế giới đã tăng không ngừng trong suốt 30 năm qua kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc. Số liệu mới nhất cho thấy, chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2019 đã lên tới 1917 tỷ USD, là mức cao nhất kể từ khi được ghi nhận.

Mức chi phí này đã cao hơn 3,6% so với năm 2018 đồng thời chiếm khoảng 2,3% GDP toàn cầu. Với ít nhất 40% chi phí quân sự dành cho việc mua sắm bảo quản vũ khí đạn dược, có thể thấy chúng ta đang thực sự sống trong một thế giới đầy những công cụ chiến tranh.

Những khoản tiền khổng lồ vẫn đang được ném vào những thứ vũ khí hiện đại nhất.

Cuộc cách mạng công nghệ đang thúc đẩy những loại vũ khí mới ra đời với độ chính xác cao, sức hủy diệt lớn nhưng cũng đắt đỏ hơn rất nhiều. Một quả tên lửa tomahawk có giá trung bình là 1,6 triệu USD, trong khi chiếc máy bay Su-57 có giá thành là 50 triệu USD.

Khi mà những cuộc chiến trong tương lai không chỉ diễn ra trên mặt đất, trên biển hay trên không thì hàng chục tỷ USD khác vẫn đang được ném vào những dự án vũ khí không gian hay vũ khí điện tử mỗi ngày mà không có dấu hiệu trì hoãn nào cả. Vấn đề là, tất cả số vũ khí đó có tác dụng gì trong cuộc chiến lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2?

Nhân loại thực sự đang đứng trước một cuộc chiến. Sáu tháng sau ngày COVID-19 mới xuất đầu lộ diện, hơn 10 triệu người lây nhiễm chính thức được ghi nhận, gần 500 nghìn người tử vong và hơn một nửa nhân loại bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hoạt động bị đình trệ.

Ảnh hưởng đến kinh tế xã hội chưa thể được thống kê đầy đủ nhưng chắc chắn sẽ không thua bất cứ cuộc chiến nào từng có trong lịch sử. Những cuộc bạo động bùng phát ở Mỹ và nhiều nước khác thời gian gần đây cũng có nguyên nhân xuất phát từ những biến động xã hội từ cuộc khủng hoảng này. Và nên nhớ, cuộc chiến đó vẫn chưa kết thúc.

Trong khi đó thì tất cả số xe tăng, máy bay chiến đấu thế hệ mới hay những tàu chiến hiện đại nhất đều đang trở nên vô dụng. Khi những lực lượng quân đội được cho là hùng mạnh nhất thế giới cũng không giữ cho chúng ta an toàn nữa, có lẽ đã đến lúc thay vì nhìn vào những vũ khí hiện đại, những con số chi tiêu khổng lồ, chúng ta cần phải đánh giá lại thực sự hiệu quả của những hoạt động bảo vệ nền hòa bình của mình.

Có một thực tế rằng, quân đội hùng mạnh nhất thế giới đang là đội quân thất bại nhất trong việc bảo vệ người dân của chính mình trước kẻ thù nhỏ bé nhất từng xuất hiện.

Tính đến ngày 20 tháng 6 năm 2020, chỉ hơn 3 tháng sau khi nạn nhân đầu tiên tại Mỹ tử vong vì COVID- 19 đã có thêm 120 ngàn người Mỹ thiệt mạng trong đại dịch. Con số này lớn hơn số người chết trong những cuộc chiến mà nước Mỹ đã tham gia kể từ trước tới nay.

Với chi phí quốc phòng năm 2019 lên tới 732 tỷ USD, chiếm 38% tổng chi phí toàn cầu, rõ ràng người dân Mỹ có quyền đòi hỏi một sự bảo vệ hiệu quả hơn từ những người lính của mình.

Nhưng không đủ để bảo vệ những người dân của mình.

Điều tương tự cũng xảy ra ở nhiều quốc gia khác. Phần lớn quân đội trên thế giới đã không thể thực hiện những hoạt động thông thường trong bối cảnh một cuộc chiến mới đe dọa người dân của họ hàng ngày.

Những nước có chi tiêu quân sự lớn nhất thật tình cờ lại đang là những bị thiệt hại nặng nề nhất giữa đại dịch. Vẫn có những hoạt động quân sự được tiến hành để hỗ trợ chống dịch, nhưng không phải theo cách mà chúng ta thường thấy.

Những người lính Trung Quốc xuất hiện trên đường phố Vũ Hán để bảo vệ người dân không phải với súng ống đạn dược mà bằng cách mang rau quả, nhu yếu phẩm đến từng hộ gia đình.

Trong khi quân đội Ý sử dụng những chiếc xe bọc thép để chuyên chở xác của những người chết vì bệnh dịch đến nghĩa địa chứ không phải những người lính ra chiến trường. Còn những chiếc máy bay vận tải quân sự lớn nhất thế giới được huy động để chuyên chở các món hàng y tế từ khắp nơi trên thế giới.

Không viên đạn nào được bắn ra để tiêu diệt con virus, không chiếc máy bay chiến đấu nào được cất cánh, thậm chí cách tốt nhất để bảo vệ đất nước lúc này lại là đắp chiếu tất cả đống vũ khí đó lại.

Đã đến lúc cần đánh giá lại vấn đề an ninh

Sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001, quân đội Mỹ đã được tăng đáng kể chi tiêu quân sự để tiến hành những cuộc chiến chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan - cả thực tế lẫn trong tưởng tượng - nhằm bảo vệ người dân của mình an toàn trước một thảm họa mới. Nhưng nếu so sánh thì cuộc tấn công tòa tháp đôi ở New York thiệt hại gần như không đáng kể so với số người chết vì COVID-19 lần này.

Khi nguyên nhân khiến bùng phát đại dịch được chỉ rõ là do môi trường bị hủy hoại phát tán những loại virus mới cùng hệ thống y tế yếu kém thì đây là lúc thích hợp nhất để nước Mỹ xem lại những ưu tiên của mình. Cuộc bùng phát bạo lực gần đây cũng đặt cho các nhà lãnh đạo Mỹ câu hỏi về việc bảo vệ người dân của mình từ phía bên trong.

Ông Joe Biden, ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tháng 11 tới đây, đã nêu ý tưởng về vị trí mới trong nội các chuyên tập trung vào các mối đe dọa do đại dịch và các vấn đề khí hậu trong tương lai.

Trong khi đó, nhiều nghị sĩ cũng cho rằng nước Mỹ phải xác định lại chương trình nghị sự an ninh của mình khi coi đại dịch, biến đổi khí hậu, thiệt hại môi trường và những biến động xã hội là những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng.

Một ý tưởng về ngân sách quốc phòng mới với các ưu tiên khác nhau, để có những cơ quan khác ngoài Bộ Quốc phòng bảo vệ đất nước đã được nêu ra trong những cuộc thảo luận gần đây. Những diễn biến cho thấy đã đến lúc phải điều chỉnh một "khái niệm an ninh mới" vượt ra ngoài những cân nhắc quân sự và chi tiêu vũ khí thông thường.

Rất dễ hiểu, khi mà chi tiêu quốc phòng tăng thì thường dẫn đến việc các quốc gia chuyển tiền ra khỏi hệ thống chăm sóc sức khỏe, y tế, an sinh xã hội hay các biện pháp bảo vệ môi trường. Nhưng ngay lập tức giảm chi tiêu quốc phòng để dồn vào y tế hay môi trường cũng không thể giải quyết được vấn đề.

Khác với vài tên khủng bố chỉ căm ghét nước Mỹ, COVID-19 không chọn quốc tịch hay màu da để tấn công. Không một quốc gia đơn lẻ nào đủ khả năng để đánh bại kẻ thù giấu mặt này. Việc đóng cửa biên giới sẽ trở nên vô dụng hay chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi thậm chí còn gây tổn hại tới các quốc gia.

Khi thông tin không đầy đủ, nguồn lực bị phân tán, thay vì có đủ sức mạnh để đương đầu với đại dịch, nhiều quốc gia giàu có nhất còn rơi vào cảnh túng quẫn tồi tệ đến khó tin.

Chi tiêu ít hơn cho các khả năng phòng thủ thông thường để dành nguồn lực cho các mối đe dọa khác là cần thiết, nhưng để đối phó với nguy cơ dịch bệnh và các mối đe dọa phi quân sự khác, các quốc gia cần nhất vẫn là sự hợp tác dựa trên lòng tin và sự chân thành. Đó là điều đang không tồn tại trong môi trường an ninh hiện nay.

Tử Uyên

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp