19:02 EDT Thứ năm, 18/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 1113

Máy chủ tìm kiếm : 26

Khách viếng thăm : 1087


Hôm nayHôm nay : 161015

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2961884

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55115773

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Thông tuệ giữa “đại dịch thông tin”

Thứ tư - 15/04/2020 21:15

1. “Infodemic” (đại dịch thông tin) là một thuật ngữ được ghép bởi “epidemic” có nghĩa là “đại dịch” và “information” là “thông tin” theo nghĩa tiếng Anh. “Đại dịch thông tin” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2003 trong một bài báo được đăng trên tờ Washington Post khi tác giả, nhà khoa học chính trị người Mỹ David J.Rothkop, nói về dịch bệnh SARS.

Theo lời kể của ông với một nhà báo của tờ Wall Street Journal thì bởi nhận ra sự tương đồng giữa cách thức một bệnh dịch lan ra trong cộng đồng dân chúng và cách thức một ý tưởng nào đó được lan truyền như con virus trên môi trường Internet nên ông đã gắn “thông tin” với “đại dịch” để hình thành nên thuật ngữ này. Với dịch SARS, ông cho rằng, “đại dịch thông tin” còn tác động tới cộng đồng thậm chí lớn hơn cả dịch bệnh đã gây ra nó.

Trên trang cá nhân mới đây, bác sĩ Trần Văn Phúc từ Hà Nội đã kể lại những ký ức đau đớn của ông và nhiều đồng nghiệp trong dịch sởi tại Hà Nội năm 2014 khi ông và các đồng nghiệp “chỉ biết cúi gằm mặt để giấu đi sự bất lực” khi “nhìn đứa trẻ chết dần dưới tay mình”. Thời điểm ấy, khi mới chỉ rải rác vài ca biến chứng nặng liên quan đến sởi thì trên mạng xã hội, những thông tin sai lệch đội lốt khoa học, trộn lẫn giữa khoa học và suy diễn vô căn cứ đã gieo hoang mang cho dân chúng, nhất là những bà mẹ có con nhỏ khiến người ta tin rằng, cứ đỏ mắt, ho, sốt là sởi.

Và thế là - bác sĩ Trần Văn Phúc nhớ lại - “sự hoảng loạn bao trùm đủ gây nên sự hỗn loạn cực kì nguy hiểm, trong đó có những đứa trẻ chỉ mắc bệnh nhẹ, nhưng vì nỗi lo sợ của phụ huynh nên phải đưa con nhập viện, hệ quả là sự lây chéo và bội nhiễm mà cuối cùng đứa trẻ phải gánh chịu”. Đã có những đứa trẻ chết oan uổng, không phải vì dịch bệnh mà vì “đại dịch thông tin” như thế...

Chúng ta không chỉ đang đương đầu với một dịch bệnh mà còn đang chiến đấu với một “đại dịch thông tin”. Ảnh: Phong Sơn.

Ai cũng hiểu rằng, nỗi hoảng loạn trước cái chết là nỗi hoảng loạn bản năng nhất của con người và nó mang đầy đủ những thuộc tính người nhất. Con người biết sợ hãi cái chết cũng chính là biết trân trọng cuộc sống và biết bảo vệ quyền được sống. Đó cũng là một trong những lý do khiến lĩnh vực y tế luôn là mảnh đất màu mỡ của tin tức giả mạo.

Theo một kết quả khảo sát của báo Le Monde (Pháp) công bố vào tháng 9-2017, trong 101 đề tài tin giả trên Facebook được khảo sát, thông tin về sức khỏe con người phát sinh nhiều tin giả nhất. Tại Việt Nam, tính đến đầu tháng 3, đã có hơn 300 trường hợp đưa tin sai về COVID-19 bị các cơ quan chức năng xử lý, trong đó có 2 dạng phổ biến:

Thứ nhất, bịa đặt các thông tin về tiến triển của dịch bệnh: số lượng người chết, người cách ly, vùng cách ly, giả danh chuyên gia cảnh báo tình hình dịch bệnh với mục đích gây hoang mang dư luận

Mới đây nhất, Bộ Y tế đã từng phải thông tin cảnh báo người dân về một thông tin giả đang lan truyền trên mạng xã hội với nội dung: “Giáo sư Bách, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cho biết: Chúng ta chỉ có tầm 4-6 ngày để nó chuyển giai đoạn từ 30 ca lên mức 100-500 ca! Và khoảng 8-12 ngày (sau khi thiết lập mốc 500) để lên mức 1.000-5.000 ca! Rất cần truyền thông để bà con ở nhà! Hạn chế đi lại 1 tuần để đợt sóng này biểu hiện lâm sàng hết và khoanh lại!!! Rất ngắn ở mức này”.

Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng Bộ Y tế cho biết, qua kiểm tra, đây hoàn toàn là tin "fake" vì trong thành phần của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch không có người tên là Bách. Cá nhân phó giáo sư, tiến sĩ Trần Xuân Bách (nick name Bi Ti) cũng xác nhận trên trang cá nhân là ông không đưa thông tin này, đây là tin giả mạo.

Loại tin giả thứ hai là bịa đặt về phương thức chữa trị, trong đó có những lời khuyên rợn người như “uống nước tiểu”, uống nước tẩy trắng, thậm chí nuốt ma túy đá để tiêu diệt virus Corona hoặc “Hà Nội sẽ phun thuốc khử trùng toàn bộ bầu trời”...

Chưa có một khảo sát nào cho biết có bao nhiêu người đã tin hoặc trót tin và làm theo tin tức giả mạo nhưng cứ nhìn vào số lượng người bị xử lý vì phát tán tin giả, nhìn vào số lượt nhấn like và share những thứ tin tức tào lao, thiếu căn cứ trên các nền tảng mạng xã hội, nhìn vào khung cảnh chen lấn, xô đẩy ở các chợ và siêu thị chưa đầy 12 tiếng sau khi công bố ca bệnh số 17 ở Hà Nội đủ thấy sự tác động nguy hại có khi còn hơn cả dịch bệnh của “đại dịch thông tin” như cảnh báo của WHO.

Công chúng sẽ còn nhắc nhiều đến sự kiện tin giả được coi là dẫn đường cho tội ác trong lịch sử tàn bạo của nó, đó là tại Trent, Ý vào Chủ nhật, lễ Phục sinh năm 1475. Một đứa bé 2 tuổi rưỡi tên Simonino đã mất tích và một thầy thuyết giáo dòng Franciscan, Bernardino da Feltre, trong hàng loạt bài giảng của ông tuyên bố cộng đồng người Do Thái địa phương đã sát hại đứa trẻ, rút và uống máu của nó để mừng lễ Vượt qua. Toàn bộ cộng đồng Do Thái của thành phố đã bị bắt giữ và tra tấn. 15 người bị tuyên là có tội và bị đưa lên giàn thiêu.

Cho dù nhận ra đó là một tin tức giả mạo và Giáo hoàng cố gắng can thiệp, ngăn chặn việc lan truyền nó nhưng bất lực. Ngay cả đến tận ngày nay, cho dù các sử gia đã xác nhận rõ ràng rằng, chuyện người Do Thái giết rồi uống máu trẻ em là hoàn toàn ngụy tạo và nhiều câu chuyện đã bị dựng đứng từ thế kỷ 12 nhưng tin tức giả này vẫn chưa được dẹp bỏ. Câu chuyện này là một trong nhiều minh chứng cho thấy hậu quả nặng nề và sự tồn tại dai dẳng của tin tức giả mạo.

2. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, sự dễ dàng tiếp cận các công cụ xuất bản tin tức khiến cho việc tạo ra và phát tán các thông tin giả mạo trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Kỹ thuật sản xuất nội dung tin tức giả mạo và kỹ năng sắp đặt nó trong các chiến dịch truyền thông đen cũng được đẩy thêm một bước. Tin tức giả mạo trong thời kỹ thuật số đã được sản xuất bằng thủ thuật tinh vi nhờ áp dụng công nghệ.

Công nghệ Deep Fake có thể dễ dàng sản xuất ra những video dạng “đầu Ngô mình Sở” gắn khuôn mặt người này vào thân hình người kia, gắn giọng nói người này vào người kia một cách hoàn hảo mà công chúng bình thường nếu nhìn lướt, xem lướt sẽ rất dễ tin là thật. Bằng cách đó, những fake news dạng video hoàn toàn có thể gắn phát ngôn của nhân vật này vào miệng nhân vật kia như thật, gắn mặt ông A vào hình ảnh ông B đang ôm hôn một cô gái khiến người xem tin là ông A (chứ không phải ông B) đang ôm hôn cô ấy.

Cũng bằng công nghệ, như DeepNude, những kẻ sản xuất tin giả hoàn toàn có thể biến một người đang mặc quần áo chỉnh tề thành khỏa thân. Công chúng đã từng thấy những tin tức giả kiểu đó mà tin giả đại sứ Mỹ tại Nga John Teff có mặt trong đoàn biểu tình tưởng nhớ Boris Nemtsov, nhân vật thường chỉ trích Tổng thống Putin, trên tay cầm ảnh chân dung Boris Nemtsov được lan truyền trên nhiều trang mạng tại Nga hồi 2017 là một ví dụ.

Trên thực tế thì Đại sứ Mỹ tại Nga John Teff không tham gia biểu tình. Bức ảnh ông chụp đăng báo Moscow Times từ năm 2015 đã được những người sản xuất tin giả chỉnh sửa, ghép thêm chân dung Boris Nemtsov vào tay ông.

Ảnh: Phong Sơn.

Sự phát triển của nền tảng công nghệ một mặt hỗ trợ tốt cho việc sản xuất tin tức, mặt khác nó cũng khiến cho công chúng trở nên khó khăn hơn nhiều trong việc nhận diện tin tức giả mạo. Nhất là đối với những tin tức giả mạo thuộc lĩnh vực sức khỏe. Đánh trúng vào nỗi hoảng hốt trước cái chết, bệnh tật, nỗi hoảng hốt được coi là bản năng và phổ quát trong mỗi con người, tin tức giả mạo rất dễ dẫn dắt công chúng.

Khi bị rơi vào đại dịch thông tin, chìm đắm trong cơn hoảng loạn, rất có thể con người sẽ tự tắt đi trong mình hàng loạt những kỹ năng cần thiết của một công chúng thông tuệ khi tiếp nhận thông tin. Kỹ năng kiểm chứng, phán đoán, suy luận bằng tư duy độc lập và logic dường như biến mất và điều đó sẽ dọn đường cho chúng ta bước vào lối đi mà tin tức giả bày ra dẫn dắt.

Tất nhiên, sẽ giống hệt như phòng chống dịch bệnh, con người sẽ không bao giờ chịu ngồi yên, thụ động, chịu đựng trước chủng virus mới. Các biện pháp phòng chống tin giả, thậm chí triệt xóa nó từ góc độ thượng tầng vẫn đang triển khai với hy vọng sẽ tìm ra một loại vaccine để chống lại cái “đại dịch thông tin” kia.

Mới đây, WHO đã tổ chức một cuộc họp kéo dài một ngày với một số hãng công nghệ hàng đầu, bao gồm Facebook, Amazon và Google, để thảo luận về việc làm thế nào giảm bớt sự lan truyền của thông tin sai lệch bằng các hàng rào kỹ thuật. Một nguồn tin từ WHO cho biết nhóm các công ty công nghệ hàng đầu đang bắt đầu đẩy mạnh các nỗ lực chống lại tin tức giả về COVID-19.

Nhưng, cũng giống như chống dịch, cho dù những nỗ lực tìm ra vaccine vẫn miệt mài được tìm kiếm trong phòng thí nghiệm thì tự thân mỗi người vẫn phải tự mình áp dụng các biện pháp phòng chống mang tính cá nhân như rửa tay, đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người hoặc bổ sung dinh dưỡng, tập luyện để nâng cao sức đề kháng... Cho nên, tương tự đối với đại dịch thông tin, cho dù những biện pháp thượng tầng cần thiết và hiệu quả thì hàng rào đầu tiên và quan trọng để ngăn ngừa tin giả vẫn là từ công chúng.

Sự phòng ngừa từ cá nhân nhưng nếu tích cực thì sẽ không còn mang tính chất đơn lẻ mà thực sự trở thành một biện pháp cần thiết không kém gì các biện pháp thượng tầng nếu xét về hiệu quả. “Thông hiểu truyền thông” - thuật ngữ chỉ khả năng tiếp cận, đánh giá, phân tích để nhằm hiểu rõ thông tin từ báo chí và mạng xã hội - đã đến lúc không chỉ của riêng nhóm công chúng thông tuệ. Sự thông hiểu truyền thông sẽ là rào chắn để mỗi công chúng ngăn ngừa sự lây nhiễm những tin tức giả mạo trong vòng xoáy thật - giả của “đại dịch thông tin”...

Đặng Huyền

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp