16:37 EDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 7112

Máy chủ tìm kiếm : 327

Khách viếng thăm : 6785


Hôm nayHôm nay : 191181

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4526001

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 51471499

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Tiếng thở dài trên cánh đồng muối cổ Tam Đồng

Chủ nhật - 21/03/2021 22:56


Nói đoạn Hải đưa tay chỉ vào một công trình kiến trúc cổ kính cách đó chỉ một thôi đường và bảo, đó chính là phủ thờ Bà Chúa của nghề muối nước Việt mình đấy.

Chuyện xưa, tích cũ

Trong bộ thần tích đền Bà Chúa Muối do quan học sĩ Nguyễn Bính cùng thư lại Nguyễn Hiền sao chép từ thời Lê Cảnh Hưng, cách đây hơn 300 năm, ghi rằng: Bà Chúa Muối họ Nguyễn, húy Nguyệt Ảnh, sinh vào năm Canh Thìn 1280. Bà là con gái yêu của vợ chồng diêm dân nghèo Nguyễn Hiền - Phùng Thị Mậu tại Tam Đồng, thuộc trang Quang Lang, huyện Thụy Vân, phủ Thái Bình. Bây giờ, Quang Lang thuộc xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, Thái Bình.

Tương truyền, bà Nguyệt Ảnh là người vô cùng xinh đẹp, nết na, thuần khiết. Mỗi bước bà đi có mây che trên đầu. Một lần bà ngược thuyền lên kinh đô thay cha mẹ bán muối. Lính canh thành thấy người con gái đẹp bán muối lại luôn có mây che nắng trên đầu nên đã tâu sự lạ lên nhà vua. Đức vua Trần Anh Tông liền cho triệu Nguyệt Ảnh nhập cung. Sau đó vua lập Nguyệt Ảnh làm phi và đặc biệt sủng ái.

Phủ thờ Bà Chúa Muối.

Cảm giác mình gặp khó trong việc sinh nở, Nguyệt Ảnh sinh phiền muộn. Chia sẻ với nỗi niềm của nàng phi mình rất mực yêu thương, nhà vua cho phép bà về quê sống cùng gia đình, phong đất lập phủ. Nguyệt Ảnh mang theo về quê rất nhiều châu báu được vua ban. Bà dùng số vàng bạc ấy giúp dân làng Tam Đồng mở rộng nghề muối. Nguyệt Ảnh được phong là Bà Chúa Muối. Bà Ảnh sống cùng cha mẹ một thời gian rồi lâm bệnh và qua đời vào ngày 14-4 âm lịch, năm Mậu Tuất - 1298. Khi đó nàng Nguyệt Ảnh vừa tròn 18 xuân xanh.

Thương xót Nguyệt Ảnh, vua Trần Anh Tông liền sai bộ Lễ về Quang Lang làm lễ an táng cho nàng. Đức vua lại sai bộ Công xây lăng mộ, đền thờ và ban sắc phong: “Nhất truy phong Từ ý Thái hòa Đệ tam cung phi Linh ứng Tôn thần!”; sắc cho trang Quang Lang hương khói phụng thờ “Bà Chúa Muối”.

Độc đáo làng muối cổ, và…

Dẫu là người rất khiêm cung, nhưng Tạ Quang Hải vẫn không giấu được niềm kiêu hãnh thầm kín. Ấy là khi anh nói, ra đời và phát triển từ thời nhà Trần, Tam Đồng là làng muối cổ nhất dải đất hình chữ S. Từ thuở sơ khai, người dân Tam Đồng có truyền thống sản xuất muối theo phương pháp phơi cát thủ công. Đây chính là một nét văn hóa độc đáo của làng muối Tam Đồng, không chỉ với riêng nghề muối trong nước mà còn với cả thế giới.

Muốn có được hạt muối sinh ra từ nước biển, một trong những yêu cầu cơ bản đầu tiên: độ mặn nước biển phải cao. Nhưng thay vì phải phụ thuộc vào độ mặn của nước biển, từ thời Bà Chúa Muối, diêm dân Tam Đồng đã khắc phục điều đó theo cách rất riêng: phơi cát để tăng độ mặn của nước biển.

Theo truyền thống, người Tam Đồng dẫn nước theo mương vào đến tận mỗi ruộng muối. Sau đó bà con tát nước lấy đầy các mương nhỏ xen kẽ trong các ruộng cát “giống”. Đồng thời, họ cho nước vào đầy bể chứa. Từ bể chứa, nước sẽ tự thẩm thấu vào các luống cát “giống” mà người ta vãi ra trên các luống cát. Cuối mỗi ngày, bà con sẽ gom cát phơi lại đem lọc cùng nước biển, sau đó để lắng, trước khi đem phơi thành muối.

Nói về giá trị của việc phơi cát “giống” ngấm nước biển sau đó lọc cùng nước biển, Hải giải thích, động thái đó sẽ làm tăng độ mặn của nước biển. Thường thì nước biển có độ mặn xê dịch khoảng từ 10‰ -15‰. Nhưng nếu thực hiện công đoạn phơi cát rồi lọc cùng nước biển, độ mặn sẽ tăng lên khoảng 35‰ - 37‰. Nước biển lúc này được gọi là nước “chạt”. Độ mặn nước “chạt” càng cao, năng suất muối thu được nhiều hơn.

Hải thổ lộ, diêm dân Tam Đồng là những người vô cùng kỹ tính và cầu toàn với mảnh sân phơi muối của mình. Theo đó, sân phơi muối phải được làm từ sỉ than của các lò nung gạch. Như vậy sân phơi sau khi tráng xi - măng mới không bị nứt, tránh tình trạng nước “chạt” bị thất thoát.

Sân phơi muối cũng đòi hỏi cao về độ phẳng và cân bằng. “Phẳng” để thuận lợi trong quá trình thu hoạch muối. “Cân bằng” để nước “chạt” không dồn về chỗ thấp, làm cho không kịp khô trong ngày, dẫn đến năng suất muối thấp. “Cái sự lạ” của làng muối cổ Tam Đồng cũng là ở đó.

…Những người cuối cùng níu giữ nghề tổ

Vào cuối buổi chiều đẹp đến nao lòng ấy, trên đường từ trong làng ra thăm cánh đồng muối cổ Tam Đồng, tôi háo hức tưởng tượng ra rằng, mình sẽ được tận mắt chứng kiến một không khí tấp nập, đầy hưng phấn bởi cái cảm giác “được mùa” sau một ngày vắt kiệt sức mình trong nắng và gió biển mặn mòi của bà con diêm dân.

Nhưng thật tiếc, tôi đã “bé cái nhầm”. Trước mắt tôi là một bức tranh với những gam xám xịt buồn thảm đến se thắt lòng dạ. Hàng loạt những ruộng muối hoang tàn; hàng loạt những hệ thống ô chạt, bể lọc hoàn toàn không có người lau rửa. Và hàng loạt những sân muối ngày nào giờ chỉ toàn lau sậy cao ngập đầu. Chỉ loáng thoáng đâu đó một vài người cao tuổi đang cặm cụi chang cát trong cô độc.

Dừng tay vun muối thành đống, ông Phạm Văn Dâng, tuổi ngoài 80 với hơn 60 năm gắn bó với nghề muối vui vẻ rót bát nước vối đãi khách. Ông lão tự hào khoe, gia đình mình đã từng mấy đời “sống chết” với cánh đồng muối cổ gần ngàn năm tuổi này.

Ấy thế nhưng, khi tôi tò mò hỏi về giá muối bán ra, bất giác ông Dâng nhệch miệng cười như khóc. Và giọng người diêm dân già khắc khổ ấy chợt như nghẹn lại: “Chả giấu gì anh, hạt muối Tam Đồng của tôi vẫn “mặn” như cái thuở Bà Chúa Muối thay mặt cha mẹ dẫn thuyền mang muối vào kinh thành Thăng Long bán đấy. Nhưng mà giá “đầu ra” hiện nay của hạt muối Tam Đồng lại “nhạt”, “nhạt” không thể tưởng tượng nổi!”.

Cái sự “nhạt” mà ông Dâng nói chính là giá muối mà diêm dân Tam Đồng bán ra xuống thấp một cách thảm hại, không ai dám tin: chưa đầy 1.300 - 1.400 đồng/kg. “Cố hết sức rồi, nhưng rốt cuộc, thu nhập bình quân của diêm dân Tam Đồng cũng chỉ đạt từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng. Hạt muối bây giờ không thể nuôi nổi người nữa rồi, nhưng tôi không nỡ quay lưng lại với nghề tổ. Nhưng nhiều người mà nhất là đám trẻ thì không. Có lẽ không bao giờ chúng theo nghiệp cha ông nữa đâu anh ạ!”.

Vô tình bắt gặp cái nhìn ngạc nhiên của tôi, ông Dâng chua chát giải thích, đại ý rằng, thấy cha chú ngày ngày vắt kiệt sức mình cho hạt muối suốt từ mờ đất cho tới đêm khuya, nhưng rốt cuộc, giá trị ngày công lao động chả thể mua nổi 1/3 bát phở quê giá chỉ 10 ngàn đồng/bát.

“Bảo thế sao lớp trẻ Tam Đồng lại chả “bỏ của chạy lấy người” khỏi quê cha đất tổ?!” - Ông Dâng cười mếu xệch - “Mà này, vài năm nữa, lứa tuổi tôi về giời cả, không còn người theo nghiệp tổ thì cánh đồng muối cổ mấy trăm năm tuổi của làng Tam Đồng tôi thành ra cái thứ chết tiệt gì đây hả anh?!”. Nói rồi ông Dâng hướng đôi mắt hoe đỏ đầy vẻ hoang mang, bấn loạn về phía những sân muối hoang tàn vô hồn, um tùm cỏ dại.

Run run bàn tay gầy guộc xương xẩu lau những giọt mồ hôi trên khóe mắt chăng đầy vết chân chim, bà Nguyễn Thị Dọng rầu rĩ nói với khách: “Năm ngoái làm hai sào hai thước cũng không ăn thua gì vì giá muối rẻ lắm. Quần quật trầy vẩy cả một năm mới được mấy triệu bạc mà vất vả, nhọc nhằn, con cháu phải phụ thêm. Ngày xưa, nước còn sạch làm một ngày hai thúng 60kg. Nhưng giờ, nếu nắng to, may lắm mới được 30 - 40kg muối chả ăn thua gì sất bác ạ!”.

Bà Dọng kể, đâu như vào những năm 60 của thế kỷ trước, diện tích canh tác của làng muối cổ Tam Đồng có tới hơn 40 ha cơ đấy. Nhưng đến năm 2020, làng Tam Đồng chỉ còn chưa đầy 30 hộ sản xuất trên tổng diện tích chỉ xấp xỉ…3ha mà thôi. “Nhà bác chả biết đấy thôi, giờ ở Tam Đồng chỉ rặt cánh già như tôi mong trời cho nắng để được ra với cánh đồng xưa của Bà Chúa Muối mà thôi. Nhọc người thật đấy, nhưng mà vui đáo để bác ạ!” - bà lão Dọng kết thúc câu chuyện của mình bằng cái cười tươi rói.

Bà Nguyễn Thị Nhẹn, tuổi cũng đã ngót nghét 60, một diêm dân có tiếng là chuyên tâm với nghề lại hoan hỉ chia sẻ với tôi thế này: “Thường thường tôi làm ba sào nhưng thấy cánh đồng bỏ hoang quá nhiều nên tiếc của giời, làm thêm bốn sào nữa là bảy sào cả thảy. Gắn bó với hạt muối từ tấm bé, giờ làm ăn thất bát, nhưng tôi vẫn muốn được sống mãi với nghề!”.

Bất ngờ thở hắt ra một tiếng, bà Nhẹn tiếp lời bằng cái giọng nghèn nghẹn: “Nhưng mà cứ binh tình này, có nhẽ chỉ còn đám già “gần đất xa giời” chúng tôi là những người cuối cùng còn sót lại của làng là ham làm nghề thôi anh ạ. Nhưng cũng tới lúc cánh tôi phải “đi” chứ. Vậy nên, chỉ mong sao “ông” Nhà nước sớm biết đến cái nỗi truân chuyên chìm nổi của hạt muối Tam Đồng mà có cách duy trì, bảo tồn cho con cháu các đời sau còn có cơ duyên được biết nơi chôn nhau cắt rốn của mình từng có một cánh đồng muối cổ nhất nước Việt Nam, tuổi đời đã ngót ngàn năm rồi còn gì. Được thế, Bà Chúa Muối của làng tôi sẽ mát mặt nơi suối vàng lắm đấy nhá!”.

Lê Công Hội

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp