06:14 EDT Thứ ba, 19/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 3594

Máy chủ tìm kiếm : 14

Khách viếng thăm : 3580


Hôm nayHôm nay : 210049

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2667442

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 49612940

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Trên đỉnh rừng Ma Hón

Chủ nhật - 28/03/2021 23:23


Cơn mưa sập đến vào cuối buổi sáng. Tiếng mưa ràn rạt trên mái lá giữa rừng Ma Hón. Ở trong lán, Nhuệ đang chuẩn bị bữa cơm trưa. Mùi cá khô bốc lên khăn khẳn, hòa với mùi ngòn ngọt của niêu canh rau rừng vừa hái lúc sáng sớm, làm Nhuệ nhớ bữa cơm đủ đầy với Liên. Một tháng mới được ăn cơm với vợ vài hôm.

Phải những hôm ấy, chỉ cần nhìn cái eo thon và mái tóc đen lòa xòa sau chiếc gáy trắng ngần của Liên, Nhuệ sẽ thấy lòng thổn thức, bất kể trên mâm là món ăn gì. Chỉ có điều… Nhuệ khều than, nén tiếng thở dài. Liên dạo này đổi nết, dễ cáu bẳn, hay gắt gỏng vô cớ dù Nhuệ không hiểu mình đã làm sai chuyện gì.

- Hết đợt mưa này, mà xuống bản được, tôi sẽ mượn xe máy phóng ra thị trấn, mua ngay cân thịt. Nhai cá khô chán lắm rồi.

Sang từ bên ngoài nói vọng vào, giọng nửa chán nản, nửa háo hức. Trời mưa suốt nửa tháng nay, lúc nhỏ dầm dề, lúc lớn ào ạt. Mưa khiến đường rừng trơn trượt khó đi. Nhưng cái chính là bọn lâm tặc thường lợi dụng thời tiết xấu để vào đốn gỗ. Thành ra, ba anh kiểm lâm trên đỉnh rừng Ma Hón phải ở lại bám chốt, ăn mì tôm, cá khô, măng khô trường kỳ.

Từ đỉnh rừng xuống bản mất sáu, bảy cây số dốc đứng, chỉ có thể cuốc bộ; nên dù không mưa, một tháng ba, bốn lần các anh mới thay nhau xuống bản, khi mua cân thịt, lúc mua con cá suối hoặc đôi chục trứng gà, trữ thêm ít đồ khô. Mua xong, đem lên rừng kho mặn ăn dần. Không có tủ lạnh, muốn mua đồ tươi nhiều cũng không thể giữ lâu được mà ăn...

- Giá giờ có đĩa sâu măng thì thú, nhể!

Sang lại uể oải chép miệng. Là anh ta đang nhớ đến mấy hôm trước... Tài vào rừng suốt buổi, mang về được một ống tre dài, đổ ra toàn sâu măng, con nào con nấy béo mây mẩy. Tối ấy, nhờ tài nấu ăn ""thần sầu"" của Nhuệ, ba anh em có món sâu rang lá chanh rừng thơm nhức mũi. Cái vị sâu béo ngậy như trồi lên trong cuống họng, đủ khiến Sang nuốt nước miếng liên hồi khi nhớ lại. Nhuệ ngồi im bên bếp, vun đám than hồng ủ lại nồi cơm.

Mưa tạnh được một lúc, vẫn chưa thấy Tài về. Chợt, có tiếng bước chân người từ xa vọng lại. Nhuệ dỏng tai nghe. Suốt 6 năm sống trong rừng, đôi tai Nhuệ đã luyện được khả năng nghe rất nhạy. Anh có thể nghe thấy tiếng bước chân người từ cách xa hàng vài trăm mét. Không phải tiếng bước chân của Tài. Ai nhỉ? Chẳng lẽ là Thoái?

Chưa để Nhuệ kịp nghĩ xong, Sang đã reo lên the thé:

- Ồ, cô giáo lên đấy à? Mưa gió thế này cô lên làm gì?

- Em mang ít thức ăn tươi lên cho các anh đây mà. Nửa tháng nay không thấy các anh xuống bản rồi.

Minh họa: Tô Chiêm

Ra là Thoái thật. Thoái cởi đôi ủng dính đầy đất thịt dẻo quẹo rồi bước thoăn thoắt lên thang tre. Gấu váy và hai tay áo ướt sũng nước. Mắt Sang sáng trưng khi thấy tay Thoái lôi từ trong gùi ra dễ đến 2 cân thịt lợn, một miếng sách trâu tươi, hai chục quả trứng gà. Còn có thêm ít gạo nếp nương, vài quả bầu non và ít gừng tỏi khô.

- Cô để đó vào đây ngồi cho ấm đã. Người cô ướt hết rồi kìa.

Nhuệ nhóm to bếp lửa, giục Thoái. Lúc này, Thoái mới ngẩng đầu lên. Lọn tóc đen láy che ngang mặt khiến Nhuệ chợt sững người. Nếu không phải Thoái đang khoác bộ váy Thái, Nhuệ hẳn đã tưởng Liên, vợ anh.

Thoái là cô giáo dạy tại điểm trường lẻ dưới bản. Năm nay đã 29 tuổi, trai bản lấy vợ hết rồi, mà Thoái chưa chịu lấy chồng. Năm năm về trước, Thân, chồng sắp cưới của Thoái, người Kinh, cũng là giáo viên điểm trường không may gặp nạn. Từ đó đến giờ, cô giáo Thoái xinh đẹp nhất vùng Ma Hón không yêu ai, không cưới ai.

- Trên bản Sáng vừa rồi lại có lũ ống đấy, các anh ạ. Lũ quét qua bản vào giữa buổi trưa. Hai đứa trẻ đang chơi gần suối bị cuốn. Bản ấy bao năm nay có bị lũ ống đâu. Dân trên nguồn phá rừng nhiều, giờ đâu đâu cũng lũ.

Giọng Thoái trầm buồn. Từ ngày được Nhuệ cứu giữa con suối chảy xiết, sau buổi vào bản Mìn vận động trẻ em ra điểm trường đi học, Thoái trở nên thân thiết với ba anh kiểm lâm trên đỉnh rừng Ma Hón. Thỉnh thoảng, cô hay ghé lán, mua giúp các anh chút đồ ăn. Lâu dần, Thoái như cô em gái của cái chốt kiểm lâm cô đơn nhất núi rừng miền Tây này.

Tài về đến nơi cũng là lúc đồ ăn vừa chín. Xong bữa, Tài lúi húi rửa bát bên ống nước. Sang nằm đu đưa trên võng, miệng nhầy mỡ, mắt lim dim thỏa mãn. Gấu váy Thoái cũng đã khô. Thấy cô sửa soạn gùi, Nhuệ bảo:

- Cô Thoái để chiều hẵng về chứ.

- Thôi, em về sớm, còn đi qua bãi Hổ Vồ. Để chiều thì sợ chết khiếp.

Sang lè lưỡi cười cười:

- Cô giáo mà cũng tin vào chuyện ma mãnh à?

Thoái mủm mỉm không trả lời. Nhuệ vác súng đi theo tiễn cô một đoạn. Càng đi xuống, rừng Ma Hón càng dày, toàn cây lâu năm cao lút mắt, đứng ken nhau xanh sẫm. Trong cái thảm xanh trùng điệp ấy, có một tán lim cổ thụ vươn cao hẳn lên nền trời. Người Ma Hón gọi đó là cây thiêng. Cây lim ngàn năm tuổi, cành lá trùm cả một vùng rộng lớn. Bên dưới tán lim, là nghĩa địa Hổ Vồ. Đến gốc cây thiêng ấy, Nhuệ và Thoái không ai bảo ai, tự nhiên đứng lại. Cơn mưa rừng vừa đi qua, mọi thứ còn đẫm ướt âm u, bãi Hổ Vồ trông càng thê lương. Mấy chục ngôi mộ xếp đá, hình thù kỳ dị, nằm im lìm cạnh con suối rụng đầy lá lim. Bao năm nay, rất ít người trong bản Ma Hón dám bén mảng đến nơi này.

- Anh có nghe thấy không? - Thoái chợt quay lại nhìn Nhuệ bằng đôi mắt sâu thăm thẳm.

- Cô nghe thấy gì? Tôi chỉ nghe tiếng nước chảy.

- Em nghe thấy tiếng của "nó". Cố em bảo, "nó" vẫn ở đâu đó trong cánh rừng này. Thỉnh thoảng, em vẫn nghe "nó" gầm âm âm trong tiếng suối. Nhất là khi đi qua bãi Hổ Vồ. Hay em tưởng tượng nhỉ?

Nhuệ không trả lời, nhưng bất giác thấy sống lưng gai ướt. Thoái đang nhắc đến con hổ chột một mắt của rừng Ma Hón. Con hổ trong trí tưởng tượng của dân bản, hay con hổ có thật?

Tiễn Thoái nửa đường, Nhuệ quay lại. Ngang qua bãi Hổ Vồ, anh dừng thật lâu. Vẫn chỉ có tiếng suối chảy ào ào. Thỉnh thoảng một vài cơn gió trườn qua, mang theo tiếng lá cây xào xạc. Chuyện về bãi Hổ Vồ và con hổ chột một bên mắt, Nhuệ đã nghe nhiều lần. Người kể lại cho anh chính là cụ Thàn già nhất bản. Ông cụ có phiến ngực cứng như tấm phản và mái tóc trắng muốt.

Cụ Thàn là cố nội của Thoái. Ông bà nội rồi cha mẹ của Thoái đều đã qua đời, mà cụ Thàn vẫn như cây lim xanh giữa rừng Ma Hón. Nhà sàn của cụ chon von trên mô đất cao đầu bản. Dân trong bản nói cụ đã gần trăm tuổi. Mấy năm ở đây, Nhuệ thấy cụ chẳng già đi. Da mặt hồng nâu, đôi mắt hấp háy sáng, lấp lánh niềm vui hồn hậu. Lần nào ghé nhà, Nhuệ cũng được cụ mời uống rượu ngô trong bát, ăn thịt chua ủ trong ống tre và kể chuyện về rừng Ma Hón.

- Cán bộ Nhuệ biết đấy, khắp cả vùng này, rừng đã bị chặt phá nhiều, chỉ có rừng Ma Hón là còn giữ được. Vì bản ta tin vào con Ma Trành. Rừng Ma Hón trước nhiều hổ. Mẹ ta đi lên nương, bị hổ lôi vào rừng. Ta có đứa bạn gần nhà, chỉ vì mon men đến bìa rừng chơi mà cũng vị hổ vồ. Đến khi tìm được, bộ lòng nó đã bị moi ra hết...

Giọng ông cụ khàn khàn, vang vang. Mỗi lần nghe cụ kể, Nhuệ đều thấy một quá khứ hoang hoải từ đâu đó vọng về.

Ngày ấy, người bản Ma Hón bị hổ vồ nhiều lắm. Những năm động rừng, hươu, nai, lợn lòi, cầy cáo... tràn về bản ăn ngô, ăn sắn, bắt gà. Hãi nhất là bầy hổ đói mồi. Chúng lảng vảng bên nương vắng bắt bò và ngựa. Nhiều con liều lĩnh vào tận bản săn người. Bản Ma Hón nhà ai cũng dựng bằng gỗ lim vững chãi, trang bị cung tên, lao độc... Mặt trời chưa lặn hết, người đã phải đóng cửa cài then. Vậy mà cứ sểnh ra lại có người bị hổ vồ mất xác.

Cái bãi Hổ Vồ giữa rừng chính là nghĩa địa, nơi bản Ma Hón chôn người chết do bị hổ giết hại. Trong những ngôi mộ ấy, chẳng cái xác nào nguyên vẹn. Người còn lại cánh tay, người còn cái đầu, người còn khúc chân... Có người hổ ăn gần hết, chỉ còn mấy dẻ xương, cũng đành đem về táng.

Người Ma Hón tin những người chết vì hổ vồ sẽ biến thành Ma Trành, suốt đời phải đi theo hầu hạ con hổ ấy. Ma Trành hay hóa thành cô gái đẹp, trù quến, lừa bắt người cho hổ ăn thịt. Có như thế nó mới được đầu thai sang kiếp khác. Bởi vậy, người trong bản ít dám lai vãng vào bãi Hổ Vồ. Rừng Ma Hón trở thành nơi linh thiêng bao đời không ai dám phạm.

Đấy là chuyện của ngày xưa. Sau này, trai bản Ma Hón sắm được súng kíp, săn bằng hết hổ trong rừng. Chỉ duy nhất còn lại một con hổ chúa. Đạn có mắt tránh nó. Tên có chân chạy khỏi người nó. Bẫy biết nói bảo nó đừng giẫm lên... Có người thanh niên 18 tuổi trong bản từng liều chết vào rừng. Người ấy đứng trước mặt nó, giương súng bắn trúng vào mắt trái của nó. Vậy mà nó không chết. Nó đứng nhìn thật lâu, một con mắt ròng ròng máu. Rồi nó lừng lững bỏ đi. Đến bây giờ, nghe nói nó vẫn lẩn khuất đâu đó giữa rừng Ma Hón.

Lần nào kể đến đó, trán cụ Thàn cũng đầm đìa mồ hôi. Nhuệ không tin câu chuyện ấy. Bao năm đi tuần giữa rừng Ma Hón, anh nào thấy bóng dáng con hổ ấy đâu. Vả lại, làm gì có con hổ nào sống lâu đến thế?

Khi đợt mưa rừng dầm dề qua đi, Nhuệ xuống núi. Lần này, anh không ghé cụ Thàn mà đi thẳng về nhà. Đã ba tuần rồi anh không gặp vợ. Sóng điện thoại không vươn tới đỉnh rừng, chẳng biết Liên sống thế nào cho qua cữ mưa gió.

Căn nhà tre tạm bợ của Nhuệ nằm ngoài trung tâm xã, cách Ma Hón độ năm cây số đường rừng. Liên bảo, cô không thích vào bản, buồn lắm. Ở trung tâm xã tuy vẫn vắng heo vắng hút, nhưng muốn mua chút bánh trái dưới xuôi còn dễ. Vào bản, điện không, nước sạch không. Cả bản trăm nóc nhà mà có mỗi cái cửa hàng tạp hóa bé tẹo, trên bày lơ phơ ít gói mì tôm, vài lạng cá khô, ba bốn hộp pin, cùng lắm là thêm vài túi bim bim và bánh gạo.

Liên đẹp, vẻ đẹp phốp pháp, mềm mại. Người con gái đẹp ấy đã bỏ quê hương, theo Nhuệ lên chốn rừng xanh núi đỏ này được bốn năm. Vợ Tài và Sang đều ở quê, không ai lên trên này cùng chồng cả. Với Liên, ngoài tình yêu, Nhuệ còn có lòng biết ơn là vì thế.

- Anh còn biết đường về cơ đấy - Liên đón Nhuệ bằng khuôn mặt rầu rĩ, lạnh lùng.

- Thôi nào, anh xin lỗi. Mưa rừng, bọn anh phải tăng cường tuần tra, phòng bọn lâm tặc phá rừng nên anh không về được.

Nhuệ tiến sát ôm vòng eo thon mềm của vợ. Liên dằn dỗi đẩy chồng ra.

- Trời mưa tầm tã. Cái nhà thì dột. Đến củi trong bếp cũng ướt rỉ ướt rả, nấu bát cơm không nấu nổi mà ăn. Điện mất. Tối đến có mình tôi. Anh định để tôi sống thế này đến bao giờ?

Liên khóc. Nhuệ ôm đầu ngồi xuống bên chiếc giường tre vẹt mỏng. Ngày mới lên đây, Liên nhìn con đường quanh co dốc lên dốc xuống, gập ghềnh sỏi đá, nén tiếng thở dài. Được hai năm, Liên không nén nữa.

- Anh xem, đầy người có chồng làm kiểm lâm đều ăn sung mặc sướng. Còn tôi, bốn năm rồi ở trong cái căn nhà rách rưới nơi rừng rú này. Cứ tưởng theo anh lên rừng vài năm, rồi vợ chồng có tấm có món, cùng nhau về quê. Anh cứ bám riết lấy cái xó xỉnh này làm gì? Anh còn đi biền biệt, đến mụn con cũng không có.

Bao nhiêu lần Liên dằn dỗi là bấy nhiêu lần Nhuệ nín nhịn. Nín nhịn vì yêu. Và vì thấy mình có lỗi không lo cho vợ được cuộc sống đủ đầy. Buổi tối, cơn giận dỗi của Liên cuối cùng cũng dịu. Khi đã qua cơn ân ái nồng nhiệt, hai vợ chồng ôm nhau trên chiếc giường tre, da sát da, má kề má. Liên nũng nịu:

- Anh à, em chỉ muốn vợ chồng mình có cuộc sống yên ổn, vài năm nữa tìm đường rời khỏi đây. Chứ sống mãi thế này thì sống sao được? Anh Phát mấy hôm mưa đều đến. Anh ấy bảo em khuyên anh đừng cứng nhắc quá...

Máu nóng dồn lên trên thái dương Nhuệ. Anh nghiến chặt răng:

- Em đừng nhắc đến tên nó trước mặt anh. Thằng khốn.

- Người ta có ý tốt cả. Anh ấy cũng vì thương vợ chồng mình. Nếu không, anh ấy đã không đưa cả cục tiền cho em bảo cầm lấy mà sửa cái nhà...

Nhuệ ngồi bật dậy:

- Cái gì? Hắn đưa tiền? Em có lấy?

Liên phệu phạo:

- Đấy, chưa gì mà lại thế. Người ta đưa mà em chưa cầm.

- Em nghe đây. Anh cấm! Tuyệt đối không được cầm của hắn, dù chỉ một xu.

Liên nhìn chồng bằng ánh mắt sắt lại, lạnh lùng. Cô cười khẩy, để tấm thân lõa lồ, ôm gối ra chiếc ghế tre bên ngoài. Đến cánh cửa buồng, Liên buông một câu mỏng khoẻn:

- Anh sợ mất rừng, mà không sợ mất vợ à?

Nhuệ nằm xõa xượi trên giường. Câu hỏi của Liên khiến anh đau đớn đến rúm ró khuôn mặt. Cái dáng tay Phát béo tròn mũm mĩm, mặt nhầy mỡ, đeo kính đen, mặc bộ đồ bóng bẩy hiện về trong tâm trí Nhuệ. Phát tiếng là chủ một xưởng gỗ mỹ nghệ ngoài thị trấn, nhưng Nhuệ biết, thật ra hắn là tay lâm tặc trùm sò. Hắn mua chuộc được quan huyện, mua chuộc mấy tay kiểm lâm biến chất, mua chuộc được cả đám trai bản nghiện ngập của vùng miền Tây. Chỉ cần có ít tiền, đám trai ấy sẽ liều mạng vào rừng chặt gỗ, ruổi qua mấy con đường mòn bí mật mang về cho Phát. Việc của y là tìm cách tẩu tán xuống xuôi. Nguyên một dải rừng nguyên sinh khắp miền Tây, một tay Phát phá giãn. Chỉ còn rừng Ma Hón là hắn chưa chạm tới được.

"Vàng trong nhà nó đã chắc cũng đựng đầy cả cái ếp khẩu đựng xôi của nhà ta". Có lần, cụ Thàn đã nói với Nhuệ câu ấy. Nhuệ thì biết, điều mà Phát thèm muốn nhất chính là cây lim xanh nghìn tuổi trên bãi Hổ Vồ. Khắp cả núi rừng miền Tây, không có cây lim nào như thế. Có người sẵn sàng trả rất nhiều tiền, chỉ cần y đốn hạ được cái cây ấy mang về dưới xuôi. Người bản Ma Hón tin câu chuyện Ma Trành, tin con hổ một mắt còn sống, tin cả cụ Thàn và mấy anh kiểm lâm trên đỉnh rừng nên Phát không làm gì được. Đã mấy lần, hắn nhờ người đánh tiếng với chốt kiểm lâm của Nhuệ, nhưng đáp lại là thái độ từ chối kiên quyết, lạnh lùng. Một sáng nắng, Sang đi tuần, phát hiện gần lán có ba chiếc quan tài rỗng xếp gần nhau...

Ý nghĩ về Phát khiến Nhuệ không ngủ suốt một đêm. Khi anh rời nhà vào sáng hôm sau, Liên vẫn nằm ngoài ghế tre, quay lưng vào vách, làn áo mỏng mặc vội, trễ nải. Tia nắng sớm lọt qua liếp tre, soi rõ chiếc eo thon và phần gáy nõn nà. Sương mai lành lạnh khiến lòng Nhuệ thoáng co rút lại trong niềm âu lo xa xôi ập đến.

Nhuệ ghé nhà cụ Thàn. Bên bếp, Thoái đang dỡ xôi. Mùi nếp nương thơm lừng và ấm rẫy trong sáng mai vùng biên ải. Khi nghe tiếng bước chân, Thoái ngẩng lên, nhìn thấy Nhuệ, mắt cô bừng sáng.

- Cán bộ Nhuệ xuống núi đấy à? Ở đây, ăn bữa xôi với già.

Cụ Thàn đang ngồi giữa nhà, vững chãi như cây lim xanh giữa rừng Ma Hón. Giọng nói của cụ, lúc nào cũng thế, khàn và vang. Thoái dọn trước mặt Nhuệ và cụ một ếp khẩu xôi đầy vun, thêm 2 quả trứng vịt dầm nát trong bát mắm nhiều mắc khẻn, rồi vội vã mang cặp trở lại trường. Đi đến thang gác, cô quay lại bảo Nhuệ:

- Anh Nhuệ, em thấy mấy hôm nay lão Phát cứ lảng vảng chỗ anh em nhà Thậm. Anh cẩn thận nhé.

Nhà Thậm sống ở cuối bản, ngay dưới chân khe nước nhỏ chảy ra con suối lớn. Cả hai anh em Thậm đều nghiện thuốc phiện rất nặng. Căn nhà sàn của chúng bạc phếch, toang hoang. Dân bản không thương, bởi chúng lười làm, lại có tật hay trộm vặt. Con gà, con dê non thả rông lỡ đi ngang qua gầm sàn nhà chúng, kiểu gì cũng biến mất không dấu vết.

- Có khi phải họp bản thôi cụ ạ. Con thấy tay Phát đang muốn đốn hạ cho bằng được cây lim xanh ở bãi Hổ Vồ. Cây lim mà ngã xuống, thì rừng Ma Hón cũng tan tác mất.

Cụ Thàn im lặng châm mồi lửa vào nõ điếu. Khói phả thành từng vòng mờ ảo xung quanh cụ. Khuôn mặt nâu hồng góc cạnh chìm dần trong màn khói trắng. Chỉ cần một lời của cụ Thàn, dân bản sẽ không dám trái. Đã bao lần những kiểm lâm như Nhuệ phải nhờ đến cụ để lấy lòng tin của bản…

- Ừ. Phải họp thôi. Mà, cán bộ chờ ta một chút.

Cụ Thàn trở vào chỗ nằm, lát sau cầm ra một chiếc vỏ đạn súng kíp, đưa cho Nhuệ.

- Ta tặng anh vật này. Đây chính là vỏ của viên đạn bắn vào mắt con hổ chúa. Ta biết anh không tin con hổ ấy còn sống. Nhưng mà ta tin. Người trai bản 18 tuổi vào rừng tìm con hổ năm ấy chính là ta…

Nhuệ thảng thốt ngẩng mặt nhìn lên. Đôi mắt cụ Thàn nheo lại, lấp lánh nụ cười quắc thước.

Nhưng cụ Thàn không kịp họp bản.

Khuya ấy, mưa bay lất phất. Căn nhà của cụ Thàn đột nhiên bùng cháy lên như tháp lửa. Mưa không ngăn được ngọn lửa hung dữ liếm ngoàm ngoạp vào từng thớ gỗ trăm năm. Dân bản nháo nhào chuyền tay từng xô nước suối dập lửa. Thoái gào khóc. Đám khói đen ngùn ngụt bốc lên, kéo theo mùi xăng nồng nặc. Khi Nhuệ vào đến nơi, đám cháy tan, ngôi nhà giờ chỉ còn tro tàn nham nhở, lấp lánh than đỏ. Tiếng người dáo dác vọng lên: "Là anh em thằng Thậm đây mà. Lúc chập tối thấy nó quanh quẩn ở nhà cụ Thàn mãi". "Khi nãy từ xã vào, tôi thấy em thằng Thậm dẫn thằng Phát với người phụ nữ đẹp và mấy đứa trai nữa đi lên rừng Ma Hón. Trời mưa, lại tối, nó vào rừng làm gì?".

Nhuệ như sực tỉnh. Anh nói thật to: "Thôi chết, chúng nó lợi dụng trời mưa, đốt nhà cụ Thàn để đánh lạc hướng dân bản. Chắc nó vào rừng đốn trộm cây lim xanh rồi". Cuống cuồng, anh mang theo khẩu súng định chạy ngược lên đỉnh Ma Hón. Bí thư Thước ngăn Nhuệ lại. "Chúng nó phá rừng thiêng của bản ta, giết hại cụ Thàn. Các anh kiểm lâm cho dân bản tham gia với". Không đợi Nhuệ gật đầu, trai bản, không ai bảo ai, tự về nhà lấy gậy gộc, cuốc xẻng, đèn pin rầm rập theo chân Nhuệ.

Trời tối, đường rừng đứng trơn tuột vì mưa nhỏ, nhưng Nhuệ thấy bước chân mình thoăn thoắt. Trong ánh sáng lấp lóa của đèn pin, mọi thứ đều mông lung mờ ảo. Ý nghĩ về cây lim xanh chiếm trọn trong tâm khảm Nhuệ, khiến anh gần như quên tự hỏi: "Người đàn bà đẹp đi với Phát là ai?".

Leo lên được vài cây số, đến đoạn đèo nhỏ quanh co, um tùm lá, chuẩn bị vào khu nghĩa địa Hổ Vồ, mưa trở nên nặng hạt, gió cũng vật vã hơn. Chợt, Nhuệ dừng lại, lắng tai nghe. Có tiếng bước chân của nhiều người đang chạy lại rất gấp. Nhuệ còn như nghe thấy cả tiếng thở hổn hển, cuống cuồng. Chỉ vài phút sau, từ trong đám lá đen ngóm, hàng chục bóng người xô tới. Thấy ánh sáng đèn chúng rú lên, mọp xuống. Thì ra là anh em thằng Thậm cùng mấy đứa trai bản khác. Mặt thằng Thậm trắng bệch dưới ánh đèn pin, bàn tay loang lổ máu. Nó líu lưỡi: "Cứu... cứu với. Nó đang đến. Nó đang đến". Có ai đó quát lên: "Nó nào". Thậm úp mặt xuống đất ướt, giọng càng hoảng loạn: "Con hổ. Con hổ một mắt. Nó chắn ngang giữa đường, nhìn chúng tôi. Mắt nó có lửa. Mồm nó phì ra hơi nóng. Tha tội cho tôi. Tha tội cho tôi…".

Tất cả đột nhiên im lặng, sững sờ. Có tiếng gầm gào đâu đó vọng vào mưa gió, nghe vừa xa, vừa gần, vừa như thực, lại vừa như mơ...

- Thằng Phát đâu? - Nhuệ hỏi.

- Nó bảo không có con hổ nào. Nhưng tất cả chúng tôi đều thấy. Khi chúng tôi bỏ chạy, nó bắn theo, làm tay tôi chảy máu. Rồi nó dẫn người đàn bà đẹp đi sâu vào rừng. Nó loạn trí rồi.

Tim Nhuệ nhói lên khi nghe Thậm nhắc đến người đàn bà đẹp. Lẽ nào...

- Anh em dẫn mấy tên này về bản đi. Bây giờ chỉ còn hai đứa thôi, nó lại có súng, rất nguy hiểm. Cứ để việc này cho kiểm lâm chúng tôi xoay xở.

Nói rồi, Nhuệ vác súng, cầm theo chiếc đèn pin chạy ngược vào bãi Hổ Vồ. Mưa đã ngớt hạt, nhưng gió càng lúc càng rú rít. Tiếng suối chảy âm âm át cả tiếng gió. Đến bãi Hổ Vồ, anh soi trên đường, thấy mọi dấu chân đều biến mất. Biến mất vào đêm. Không vết dấu. Có 4, 5 tiếng súng đì đùng hoảng loạn ở phía bên kia bãi Hổ Vồ. Rồi tất cả lại chìm vào im lặng. Nhuệ dừng lại. Ánh đèn pin nhỏ nhoi xuyên vào bóng tối. Cây lim xanh vẫn còn đó, sừng sững trên nền trời đen thẫm. Nhuệ thở phào. Chợt, tim anh ngừng đập. Bên kia con suối, ở bãi Hổ Vồ, một con mắt thú sáng quắc, đỏ lòe đang nhìn anh chăm chú. Con mắt vừa rực rỡ, vừa kiêu hãnh, lại vừa hoang dại đến ghê người. Con mắt không hề chớp. Nhuệ như bị thôi miên, chân tay không cử động được. Mọi thứ xung quanh dừng như đều đông cứng. Con mắt nhìn anh hồi lâu, rồi quay đi, chìm vào bóng tối. Có tiếng gầm vang vọng trong óc Nhuệ, rồi lan khắp núi rừng…

Gần sáng, Nhuệ lên tới lán, mới biết cả Sang và Tài đều bị anh em thằng Thậm và lũ trai bản khác đánh úp, trói nghiến vào cây cột gỗ trong lán từ chập tối hôm qua. Khi được Nhuệ cởi trói, Sang lắp bắp:

- Khi nãy tôi nghe có tiếng gầm. Như tiếng hổ ấy. Các anh có nghe thấy không? Lạ thật, rừng này làm gì còn hổ nhỉ?

*

Khi những cơn mưa mùa thu đi qua, rừng Ma Hón xanh lấp lánh, um tùm trong nắng. Cỏ trên mộ cụ Thàn cũng lên xanh mơn mởn. Nhuệ dọn hẳn vào trong bản. Căn nhà ngoài trung tâm xã, kể từ hôm Liên bỏ đi theo Phát đêm ấy, Nhuệ chưa về lại một lần. Cả hai mất tích trong đêm mưa, không thấy vân mòng. Lũ lâm tặc bị giải về trại giam; còn thằng Thậm thì hóa điên, ngày ngày ngồi bươi đống phân bò, phân dê dưới thang gác nhà sàn.

Đàn ông trong bản đi rừng về, kể chuyện gặp con hổ một mắt lang thang, lúc ẩn lúc hiện trong bãi Hổ Vồ. Người ta rỉ tai nhau: Đi theo sau nó là một người đàn ông béo tốt cùng một người đàn bà đẹp, có chiếc eo thon và gáy cổ trắng ngần lòa xòa tóc rối…

Truyện ngắn của An Thư

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp