09:24 EDT Thứ năm, 18/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 4302

Máy chủ tìm kiếm : 50

Khách viếng thăm : 4252


Hôm nayHôm nay : 132707

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2912971

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55066860

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Trung tướng Phạm Sinh: Tưởng rằng đã quên

Chủ nhật - 19/04/2020 22:11

Năm 2019, tôi tìm đến ông để xác minh một sự việc. Đó là trong chương trình truyền hình trực tiếp "Điện Biên Phủ - điểm hẹn hòa bình" tối 5/5/2019, có cựu chiến binh Trần Trọng Bình, chiến sĩ Trung đoàn 98, Đại đoàn 316, hiện sinh sống tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) nhân danh nhân chứng lịch sử kể chuyện đánh đồi A1. Ban chỉ huy Trung đoàn 98 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hiện chỉ còn Trung tướng Phạm Sinh, lúc đó là Quyền Chính ủy Trung đoàn.

Chỉnh huấn trước khi mở chiến dịch

Nhà riêng của Trung tướng Phạm Sinh bình dị sau những tán cây tại một con phố thuộc quận Hà Đông. Ông đã ngoài 90 tuổi, lại mới từ bệnh viện về, trí nhớ đã giảm sút nhiều, song nghe tôi trình bày xong, ông nhẹ nhàng: "Cậu ấy là lính của Trung đoàn 98 mà lại kể chuyện đánh đồi A1 à? Lạ nhỉ! Trung đoàn 98 thì phải đánh đồi C1 và đồi C2 chứ. Tại sao Trung đoàn 98 đánh đồi A1 mà tôi là chỉ huy cao nhất của Trung đoàn tôi lại không biết nhỉ?".

Tròn 10 năm trước đó, năm 2009, Trung tướng Phạm Sinh kể với nhóm làm sách "Chuyện những người làm nên lịch sử: Hồi ức Điện Biên Phủ (1954 - 2009)" (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia) như sau: "Tôi đảm nhiệm lãnh đạo toàn diện, cả quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, đời sống… Người chính ủy phải theo dõi sát để nắm được tư tưởng, tâm tư thể hiện trong hành động của anh em, để kịp thời động viên. Sau mỗi trận lại củng cố quyết tâm để chuẩn bị cho trận tiếp theo".

Về nhiệm vụ của Trung đoàn 98 được Bộ Tư lệnh chiến dịch phân công tiêu diệt C1, sau đó phát triển xuống C2 - là một quả đồi thấp hơn, dính liền với C1 bởi một "yên ngựa" (nên các chiến sĩ Điện Biên còn gọi là đồi Yên Ngựa). C2 nằm vào phía trong tập đoàn cứ điểm, C1 án ngữ phía ngoài.

Trung tướng Phạm Sinh chia sẻ: "Khi đánh C1, trong lúc giao tranh lâu dài, việc giữ vững lòng quyết tâm của anh em rất quan trọng. Chúng tôi luôn thông báo tình hình của địch, của ta, diễn biến của chiến trường, nhờ vậy mà gần 30 ngày đêm trên C1, ác liệt lắm nhưng anh em không ai chùn lòng".

Trung tướng Phạm Sinh Ảnh: KMS.

Trước khi bước vào chiến dịch, cả đại đoàn thực hiện chỉnh huấn để chấn chỉnh tư tưởng các chiến sĩ. Lúc này ở hậu phương bắt đầu tiến hành Cải cách ruộng đất. Những lá thư từ quê nhà gửi đến báo tin gia đình được chia ruộng đất khiến bao chiến sĩ xuất thân gia đình bần cố nông nức lòng. Còn những chiến sĩ xuất thân thành phần tầng lớp trên phải gột rửa tư tưởng phong kiến, thực dân đã ảnh hưởng từ tấm bé ra khỏi trí óc. Họ phải tuyên bố trước toàn đơn vị từ bỏ ảnh hưởng của địa chủ, phong kiến, quan lại. Thiếu tướng - Phó Giáo sư Nguyễn Dũng Chi (1927 - 2018), nguyên Phó Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự - Bộ Tổng tham mưu (nay là Cục Khoa học Quân sự - Bộ Quốc phòng); Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 251 (Trung đoàn 174, Đại đoàn 316) kể lại về cuộc chỉnh huấn tại đơn vị trước khi bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông nhắc đến Bùi Hữu Quán, Tiểu đoàn trưởng 215 nổi tiếng của Trung đoàn 98.

Người gốc Thái Bình, Tiểu đoàn trưởng Bùi Hữu Quán có cha làm Tri phủ. Như bao chiến sĩ khác, trong đợt chỉnh huấn này phải tuyên bố chối bỏ nguồn gốc phong kiến quan lại bóc lột nông dân.

Sinh thời, Thượng tướng Vũ Lăng kể trong hồi ký, khi nhận nhiệm vụ đánh C1, cả Trung đoàn 98 đều vô cùng phấn chấn. Để chuẩn bị tiêu diệt C1, đơn vị đã kiên trì đào trận địa, liên tục 18 đêm liền với nhiều tổn thất. Pháo địch từ Hồng Cúm nện xuống khiến cho đêm nào cũng có thương binh, tử sĩ. Ít thì 2-3 người, có đêm lên tới 9-10 người. Thậm chí có hôm, khi vừa mới ra khỏi cửa rừng, một nửa tiểu đội đã bị mất biến trong một đợt bom dữ dội.

Đúng 17 giờ chiều 30/3/1954, trọng pháo bắt đầu gầm lên mở màn cho cuộc tiến công đồi C1 của Trung đoàn 98. Sau hai quả pháo, chiếc cột cờ của Pháp trên đồi C1 biến mất. "Giỏi quá!", Trung đoàn trưởng Vũ Lăng thốt lên. Từ đầu dây nói bên kia, Tiểu đoàn trưởng chủ công Bùi Hữu Quán cũng reo lên: "Xuya lắm! Xuya lắm! Anh em phấn khởi lắm!" (Xuya là tiếng lóng của bộ đội lúc đó, có nghĩa là tốt, đẹp lắm).

Ít phút sau, tiểu đoàn chủ công dưới sự chỉ huy của Bùi Hữu Quán xung kích lên tới chân cột cờ. Lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" được chiến sĩ Cải kéo lên, bay lồng lộng trong khói lửa. Tiểu đoàn trưởng Quán gọi dây nói báo cáo Trung đoàn trưởng, tiếng ông như thét lên từ phía bên kia: "Chúng tôi đã chiếm được cột cờ!".

Vậy là sau nửa tiếng chiến đấu, quân ta đã hoàn toàn làm chủ C1, quân địch đã bị tiêu diệt và bắt sống toàn bộ. Bộ Tư lệnh chiến dịch nhận được tin chiến thắng đã quyết định tặng thưởng cho tiểu đoàn chủ công Huân chương Quân công hạng Ba. Nghe tin, trái tim Trung đoàn trưởng Vũ Lăng như bị ai bóp nghẹt lại, hai chân ông bủn rủn muốn ngã xuống. Quyền Chính ủy Phạm Sinh vội đỡ ông đi nằm.

Người bạn tâm tình của Thượng tướng Vũ Lăng

Trên giá sách của Trung tướng Phạm Sinh có cuốn "Thư tình từ chiến hào" (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân) của Thượng tướng Vũ Lăng. Ông tặng lại cho tôi để làm tư liệu. Mở ngay trang đầu tôi thấy có dòng chữ trân trọng của bà Hoàng Việt Hoa, phu nhân Thượng tướng: "Kính tặng Anh Phạm Sinh, người bạn tâm tình của anh Vũ Lăng".

Trung tướng Phạm Sinh nhận Huy hiệu 75 tuổi Đảng (29/8/2019).

Tỉnh dậy, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng thấy mình vẫn còn nằm ở sở chỉ huy. Quyền Chính ủy Phạm Sinh đang trao đổi ý kiến với Trung đoàn phó Lê Hoàn. Ông thấy câu chuyện giữa hai người có vẻ rất khẩn cấp và nghiêm trọng.

Quyền Chính ủy Phạm Sinh trao đổi, sau khi chiếm được C1, quân ta tiếp tục đánh xuống C2 nhưng đã vấp phải những lưới lửa ác liệt ở Yên Ngựa. Những khẩu trọng liên bốn nòng nào đó, không rõ ở đâu đã bắn xối xả vào đội hình của quân ta nhiều lần. Pháo ở Hồng Cúm dội về, Mường Thanh bắn tới, cản bước các đợt xung phong của đơn vị.

Trung đoàn 98 đã ở vào một tình thế bất lợi. Nếu không mau chóng giải quyết thì chiến sĩ sẽ còn thương vong gấp bội, mà rồi C1 sẽ mất đứt hoàn toàn! Quyền Chính ủy Phạm Sinh, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng và Trung đoàn phó Lê Hoàn chụm đầu cùng thảo luận rồi đề nghị lên Đại đoàn 316: Một là, Trung đoàn 98 tiếp tục đánh C2, nhưng yêu cầu Đại đoàn sẽ bảo đảm cho việc đánh phản xung phong ngày hôm sau. Hai là, trước tình hình khó khăn này, cho rút. Nếu Đại đoàn cho rút thì xin cho rút sớm, vì để sáng mai mới rút e sẽ còn khó khăn hơn nữa.

Quân phản kích của địch đánh mạnh vào C1. Tiểu đoàn chủ công không chịu rút khỏi C1. Khi mệnh lệnh tới, Tiểu đoàn trưởng Bùi Hữu Quán và Chính trị viên Hoàng Niệm (sau này là Thiếu tướng, Tư lệnh Binh chủng Thông tin Liên lạc - Bộ Quốc phòng) đều rất ngạc nhiên.

Họ nhận định rằng: Lúc này rút không lợi nữa, chỉ tổ thương vong thêm. Tiểu đoàn đã họp cấp tốc tại trận, quyết định lãnh đạo bộ đội ở lại chiến đấu và cử Tiểu đoàn trưởng Bùi Hữu Quán trở về báo cáo. Sau đó, Tiểu đoàn trưởng Bùi Hữu Quán hy sinh. Còn lại Chính trị viên Hoàng Niệm chỉ huy đã đánh lui được 4 đợt xung phong rất liều lĩnh của địch. Biết tin, Quyền Chính ủy Phạm Sinh không giấu được cảm động, nói: "Chúng mình đặt cậu ấy làm chính trị viên, quả đúng!".

***

Biết ông tuổi cao, chẳng mấy khi có dịp được trò chuyện, lại sẵn mạch hồi ức, tôi tranh thủ hỏi về cuộc đời binh nghiệp của ông. Dòng sông ký ức khúc mờ khúc tỏ, nhiều chuyện tưởng rằng đã quên nhưng rồi lại róc rách trở về.

Trung tướng Phạm Sinh sinh năm 1926, quê ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông tham gia khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám 1945 giành chính quyền ở tỉnh Hà Nam, rồi làm Trưởng ban Chính trị Trung đoàn 34 (nay là Lữ đoàn Pháo binh 45 - Tất Thắng). Học xong lớp bồi dưỡng chính trị tại Trường Trung cấp Chính trị ở Đại Từ, Thái Nguyên, ông được điều động sang làm Trưởng ban Chính trị - Cục Chính trị (nay là Cục trưởng Cục Chính trị - Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng).

Làm công tác Đảng, công tác chính trị ở bất cứ cơ quan nào, dù ở Trung ương hay xuống đơn vị cơ sở, Trung tướng Phạm Sinh luôn đi tiên phong. Khi Bộ Quốc phòng quyết định mở chiến dịch Trần Hưng Đạo (Chiến dịch Trung du - từ ngày 26/12/1950 đến ngày 17/1/1951), Trưởng ban công tác Chính trị Phạm Sinh tham gia Phòng Chính trị tiền phương của Tổng cục Chính trị tại mặt trận.

Sau tổn thất nặng nề của Trung đoàn 98 Đại đoàn 316 khi đánh vào vùng địch hậu Bắc Ninh, Chính ủy Lê Quang Ấn hy sinh, nhiều cán bộ Ban Tham mưu Trung đoàn bị giặc bắt; đơn vị phải xây dựng lại, ông được cử về làm Quyền Chính ủy Trung đoàn 98.

Cuộc đời của một vị tướng "nhân bất phong sương vị lão tài" cứ dài theo kháng chiến. Ông làm Chính ủy nhiều đơn vị, Binh chủng Tăng thiết giáp, Quân đoàn 3, Binh đoàn 32, để rồi cập bến nghỉ hưu khi làm Bí thư Đảng ủy - Phó Tư lệnh về Chính trị (nay là Chính ủy) Quân khu 2.

Kiều Mai Sơn

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp