01:18 EDT Thứ sáu, 19/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 1146

Máy chủ tìm kiếm : 42

Khách viếng thăm : 1104


Hôm nayHôm nay : 40719

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2981998

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55135887

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Vượt qua thử thách Nam Sudan

Thứ tư - 20/05/2020 21:06

Chuyến đi đặc biệt

Vượt chặng đường dài bằng ¼ đường xích đạo từ Việt Nam đến Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình - là chuyến đi đặc biệt của 63 cán bộ gồm các y, bác sĩ, nhân viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC 2.2).

Đặc biệt là bởi để chuẩn bị cho ngày lên đường, họ đã trải qua 2 năm rèn luyện thể lực, vượt qua các kỳ thi tiếng Anh để lấy chứng chỉ IELTS, tập huấn về chuyên môn y tế, huấn luyện các kỹ năng sinh tồn trong môi trường châu Phi để đáp ứng yêu cầu khắt khe của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Hành trang của họ ngày lên đường có những giọt nước mắt bịn rịn chia tay của người thân, lá cờ đỏ sao vàng trên tay và cả giây phút xúc động trong lễ chào cờ trang nghiêm ngay tại sân bay Nội Bài.

Giây phút đầu tiên khi đặt chân xuống sân bay quốc tế ở thủ đô Juba của Nam Sudan, cả đoàn đều có cảm giác lóa mắt vì nắng chói chang và nóng đến ngột ngạt.

Ai cũng ngạc nhiên khi thấy sân bay là nền đất, nhà ga được lợp bằng mái tôn. Con đường di chuyển về căn cứ Bentiu cũng là đường đất, lồi lõm, bụi bặm và xơ xác.

Thỉnh thoảng ở ven đường có đám trẻ con gầy gò, đen đúa đang lăn lộn, đùa giỡn trong vũng nước đục ngàu. Dù đã tìm hiểu trước về đất nước này và chuẩn bị tâm thế lên đường, nhưng những bác sĩ quân y cũng chưa thể hình dung hết được cuộc sống khổ cực, bất ổn của người dân nơi đây.

Điểm đến của đoàn công tác được gọi là "Bentiu paradise", tức là "thiên đường Bentiu" - cách gọi trào lộng chỉ vùng đất Bentiu khắc nghiệt, bạo loạn và đói khổ. Thời điểm cả đoàn sang nhận nhiệm vụ đúng lúc Sudan đang ở tháng trọng điểm của mùa khô.

Bầu trời Bentiu cao xanh, những con đường đất bốc bụi mờ mịt, in hằn dấu giày, vết lốp xe. Nhìn đâu cũng thấy bụi đầy trong ánh mắt, những dãy nhà container, hàng rào thép gai khô khốc, hào nước nông toẽn và đám lau sậy phất phơ.

Giữa "thiên đường" đó, BVDC 2.2 đảm nhiệm khám chữa bệnh cho khoảng 2 nghìn quân nhân và chuyên gia của phái bộ Gìn giữ hoà bình LHQ tại Nam Sudan - những người đang thực hiện sứ mệnh bảo vệ người dân và hỗ trợ triển khai hiệp ước giảm leo thang xung đột giữa quân Chính phủ nước này và phe đối lập.

Một ngày BVDC 2.2 tiếp nhận bệnh nhân đến từ nhiều quốc gia và xử lý đủ thứ bệnh, từ đau răng, tiêu hóa, cơ, khớp đến chấn thương, sốt rét và tim mạch...

Khoa khám bệnh được coi là đầu mối của bệnh viện, tiếp nhận bệnh nhân trước khi phân loại để khám và điều trị theo các chuyên khoa như khoa ngoại, nha khoa hoặc vật lý trị liệu. Các bác sỹ Việt Nam ở trong nhà container và làm việc cũng trong container.

Trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, việc khám chữa bệnh tuỳ theo từng trường hợp cụ thể sẽ được tính toán kỹ lưỡng, vừa tiết kiệm chi phí vừa hiệu quả.

Chỉ mới 4 tháng thực hiện nhiệm vụ, BVDC 2.2 đã tiếp nhận gần 600 lượt bệnh nhân khám và điều trị, thực hiện thành công 4 ca tiểu phẫu, 1 ca trung phẫu và 1 ca đại phẫu.

Đội vận chuyển đường hàng không (AMET) đã vận chuyển thành công 3 bệnh nhân nặng lên BVDC cấp 3 tuyến trên. Những thành quả đó được phái bộ LHQ đánh giá cao, bạn bè quốc tế tin tưởng và khen ngợi.

Cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến 2.2 tham gia tuyên truyền phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Bentiu, Nam Sudan.

Những ám ảnh yêu thương

Thiếu tá, bác sỹ Quản Thu Thuỷ thuộc khoa Khám bệnh là một trong 10 nữ quân nhân của BVDC 2.2 nói với tôi rằng, đây là bệnh viện tuyến cuối và có chuyên môn cao nhất trong khu vực nên thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các BVDC tuyến dưới chuyển đến.

Nhiều ca bệnh nặng, khó chẩn đoán, các bác sỹ vừa phải tiến hành hội chẩn liên khoa, liên viện, vừa phải tác nghiệp độc lập, quyết đoán để cứu chữa kịp thời cho người bệnh. Khi đã nhận nhiệm vụ thì nữ bác sỹ, y tá, điều dưỡng không hề thua kém các bác sĩ nam, đều xông xáo, nhiệt tình và trách nhiệm.

Bệnh nhân quốc tế đến khám bệnh đều có thiện cảm với các bác sĩ quân y của Việt Nam. Những anh lính Ghana, Mông Cổ, Ấn Độ luôn nở nụ cười và thốt lên bằng giọng lơ lớ "Vietnam is very good".

Có bệnh nhân hoàn toàn không nói được tiếng Anh nên việc khám bệnh gặp khó khăn. Lúc này các bác sĩ phải dùng dấu hiệu để giao tiếp và luôn quan sát bệnh nhân để khai thác triệu chứng bệnh.

Lo lắng và quan tâm đến sức khoẻ bệnh nhân, Thiếu tá Thuỷ luôn dặn dò tỉ mỉ, từ việc uống thuốc đến chế độ ăn uống giữ vệ sinh, nghỉ ngơi hợp lý. Còn Thiếu tá Tạ Thị Kiều Hoa - điều dưỡng viên khoa Nội thì luôn tận tuỵ hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh tập vật lý trị liệu để nhanh chóng hồi phục sức khoẻ.

Những ngày Việt Nam bùng phát dịch COVID-19, cả đoàn ai cũng lo lắng cho gia đình. Với 2Gb dung lượng data miễn phí mỗi tháng, họ dành để cập nhật tin tức ở Việt Nam và liên lạc với gia đình qua những cuộc gọi bập bõm, đứt quãng.

Ban ngày, công việc bận bịu khiến nỗi nhớ nhà ít có cơ hội len vào tâm trí. Nhưng khi đêm xuống, trong những ca gác dưới cái lạnh thấu xương, dưới ánh trăng sáng vằng vặc trên bầu trời Bentiu thì nỗi nhớ gia đình, quê hương lại cồn cào.

BVDC 2.2 nằm giáp ranh với khu khu bảo vệ thường dân của LHQ. Cuộc sống đói khổ, tạm bợ của người dân nơi đây khiến ai cũng xót xa. Thay vì đến trường, cả ngày lũ trẻ lang thang nghịch đất nghịch rác, gặp ai cũng chìa tay xin ăn vì đói.

Gia đình nào cũng đông đúc, ít thì 6-7 đứa con, nhiều thì 9-10 đứa, đứa nọ bế đứa kia, ngơ ngác đến tội nghiệp. Càng thương người dân nơi đây, các y bác sỹ càng cố gắng làm tốt nhiệm vụ đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, nhân viên LHQ để họ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, cho cuộc sống người dân bớt đi những bất ổn và bệnh tật.

Vài tháng ở Bentiu, dưới cái nắng gay gắt lên đến 50-60 độ C vào ban ngày và giảm xuống còn hơn 10 độ vào ban đêm, làn da những nữ bác sĩ sạm dần. Chẳng có tiệm cắt tóc nữ, chẳng có spa làm đẹp, chị em nào cũng để tóc dài tự nhiên.

Bộ quân phục cùng chiếc mũ nồi xanh là "thời trang" chủ đạo và quen thuộc. Vui nhất là dịp tết cổ truyền, dịp 8/3, chị em diện bộ áo dài hồng có họa tiết hoa sen, bộ bà ba và chiếc khăn rằn để hát múa giao lưu với các đoàn bạn, để chụp ảnh trong khuôn viên bệnh viện.

Ở Bentiu, thừa thãi bụi và nắng nóng nhưng lại thiếu nước sạch và rau xanh. Bởi vậy, chiều chiều sau giờ làm việc, anh chị em lại cùng nhau cải tạo đất, trồng rau phục vụ bữa ăn hàng ngày.

Những luống rau muống, luống cải, rau dền, những mẻ giá đỗ tự làm là thành quả lao động của những bác sĩ kiêm nhà làm vườn khéo léo. Giàn mồng tơi xanh rì, giàn mướp sai lúc lỉu trên giàn như mái che cho đường đi ở giữa hai dãy nhà.

Để có thêm từng chút xanh, các bác sĩ tận dụng cả can nhựa, chai nước để trồng mọi loại cây. Một củ hành tây, củ khoai lang cũng được ngâm trong chai nước để nhựa sống nảy mầm. Dù tằn tiện, nhưng mỗi bữa cơm có rau xanh là điều hạnh phúc.

Hoa cũng không thể thiếu ở Bentiu. Hoa mười giờ nở tím hồng cả sân, hoa hướng dương vàng rực kiêu hãnh dưới nắng. Màu xanh của hoa và rau trái khiến không gian BVDC 2.2 mát mắt hơn, giống một ốc đảo xanh giữa vùng đất trống trải.

Các nữ y bác sỹ mặc áo dài truyền thống chụp ảnh cùng đồng đội tại Bệnh viện dã chiến 2.2 nhân ngày 8/3/2020 (ảnh do BVDC 2.2 cung cấp).

Căng mình chống COVID-19

Dưới nắng nóng của quốc gia Đông Phi, công cuộc phòng chống COVID-19 của cán bộ, nhân viên BVDC 2.2 càng thêm vất vả và căng thẳng.

Từ căn cứ Bentiu, Trung tá Võ Văn Hiển, Giám đốc BVDC 2.2 cho tôi biết rằng, ngay từ tháng 2 và tháng 3 năm nay, dù lúc đó ở Nam Sudan chưa có ca nhiễm SARS-CoV-2 nhưng ngoài việc đảm bảo công việc khám chữa bệnh, đội ngũ y bác sỹ tích cực tham gia các chương trình huấn luyện trực tuyến do phái bộ tổ chức, diễn tập tình huống phát hiện, xử lý bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19.

Mọi nguồn lực, trang thiết bị của bệnh viện được huy động để phục vụ công tác phòng chống dịch. Từ khẩu trang y tế, trang bị bảo hộ cá nhân, xà phòng sát khuẩn đến thuốc, máy thở, ôxy.

Khu cách ly bệnh nhân COVID-19 được chuẩn bị sẵn với đầy đủ các máy móc, trang thiết bị y tế cần thiết. Hàng ngày, tất cả bệnh nhân đến khám và điều trị tại BVDC 2.2 đều được sàng lọc, đo thân nhiệt, tổ chức khai báo y tế.

Ngày 5/4, Nam Sudan ghi nhận ca mắc SARS-CoV-2 đầu tiên tại đất nước này. Hơn ai hết, các bác sĩ đều nhìn nhận được nguy cơ lây lan của dịch COVID-19 tại phái bộ là rất cao do môi trường mang tính đa quốc gia tại đây. Đặc biệt, khu bảo vệ thường dân ngay sát cạnh bệnh viện với hơn 100.000 người sống trong điều kiện vệ sinh, y tế, cơ sở vật chất thiếu thốn cũng dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch.

Với vai trò là bệnh viện tuyến đầu, các y bác sỹ còn liên tục cập nhật kiến thức về khám, chẩn đoán, điều trị COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như tổ chức các buổi thảo luận, phổ biến kiến thức trong chẩn đoán, điều trị với các bệnh viện cấp 1 của Ghana, Ấn Độ, Mông Cổ. Công tác tuyên truyền rộng rãi cho nhân viên LHQ về các biện pháp phòng, chống dịch cũng được chú trọng.

Hiện tại, BVDC 2.2 còn được phái bộ giao nhiệm vụ kiểm soát, sàng lọc y tế tại sân bay Rubkona và cổng căn cứ LHQ ở Bentiu nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng. Tất cả đòi hỏi tinh thần lạc quan, nỗ lực vượt khó ở mức cao nhất của các chiến sĩ mũ nồi xanh trên tuyến đầu chống dịch. n

Huyền Châm

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp