09:18 EDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 3562

Máy chủ tìm kiếm : 275

Khách viếng thăm : 3287


Hôm nayHôm nay : 155197

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4456496

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 51401994

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Xuân muộn

Thứ năm - 01/04/2021 04:05


Chiều cuối Thu, từng làn gió heo may bứt những chiếc lá khế vàng thả nhẹ nhàng xuống sân chùa. Tiểu Xoan đang cầm chổi quét, chợt nghe có tiếng gọi: "Sư tiểu làm phúc cho con gặp sư bác Ngọc Dung". Tiểu Xoan dựng chiếc chổi ở gốc cây rồi ra mở cổng...

Ngồi đối diện với sư bác là một cô gái trẻ chừng hơn hai mươi tuổi, nước da bánh mật, tóc xõa ngang vai, khuôn mặt rạng rỡ. Sư bác rót nước mời cô gái rồi chậm rãi nói:

- Thí chủ gặp ta có việc gì?

- Thưa thầy, con tên là Thúy. Con có người chú ruột năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi, hiền lành, chịu khó mà đường tình của chú ấy trắc trở quá. Vì bị liệt hai chân không đi được, chú sai con đến xin gặp bạch thầy mở lòng từ bi, giải hạn cho chú con được phước lành.

- Từ đây đến nhà chú con bao xa?

- Dạ, khoảng hơn ba mươi cây số. Hôm nào đi được, con đưa xe đến đón thầy.

- Ta rất bận. Thương người khốn khó, ta nhận lời. Con cho biết tên tuổi, nguyên quán, nơi ở… của chú con để ta viết sớ. Đến sáng thứ năm tuần sau, tức ngày mười sáu âm lịch, ta tự đi xe máy đến, con khỏi phải đón.

- Chú con tên là Hồng Thanh Tâm, bốn hai tuổi, quê ở Tuyên Quang. Hiện nay chú con làm ăn, sinh sống ở thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Sư bác chợt giật mình, không giấu được vẻ ngạc nhiên trên nét mặt. Một lát sau, sư bác lấy lại bình tĩnh, ân cần nhìn cô gái trẻ hỏi tiếp:

- Tưởng ở đâu, chứ Mỹ Luông thì ta biết. Thế vợ con chú Tâm thế nào?

- Dạ. Chú con chưa có vợ.

Sững sờ trước những thông tin cô gái vừa cung cấp, sư bác muốn biết rõ ngọn nguồn về con người này nên tiếp tục thăm dò:

- Chú con hiền lành, chịu khó vậy, chắc có uẩn khúc gì mới chưa lấy vợ chứ?

Sư bác chăm chú như nuốt lấy từng lời khi nghe cô gái kể:

- Năm hai mươi hai tuổi, chú Tâm yêu tha thiết một cô gái cùng quê Tuyên Quang, tên là Ngọc Hoa, nhưng gia đình cô ấy ngăn cản vì không “môn đăng hộ đối” nên quyết phá bằng được tình yêu giữa hai người. Do quá uất ức, cô ấy đã bỏ nhà đi biệt tích. Chú Tâm nhiều lần lặn lội đi tìm mà không thấy. Chú ấy thề sẽ không lấy ai ngoài cô Ngọc Hoa. Nửa năm sau đó, chú Tâm vào bộ đội. Trong một lần đi huấn luyện về, khi đi ngang qua bản Mường, thấy một cháu bé chừng hơn một tuổi đang bò đến sát mép hố vôi mới tôi còn đang bốc hơi, chỉ trong tích tắc nữa là cháu bé lộn cổ xuống hố. Không còn cách nào nhanh hơn, chú Tâm nhào tới ngăn được thảm họa cho cháu bé. Nhưng cái giá để đổi lấy sự sống của cháu bé cũng không nhỏ. Do lở đất, hai chân của chú Tâm trượt xuống hố vôi nên đã bị liệt. Gia đình cùng bà con lối xóm vô cùng khâm phục và thương xót cho chú ấy… Nói chưa dứt câu, cô gái cúi mặt xuống giấu giọt nước mắt đang lăn xuống má.

Minh họa: Lương Xuân Đoàn

Sư bác Ngọc Dung ngồi lặng đi như người mất hồn, mặt biến sắc. Bà cố nén nỗi đau để hỏi tiếp:

- Thế cuộc sống của chú Tâm bây giờ ra sao?

- Thương cảm hoàn cảnh của chú Tâm, sau khi ra quân, bố mẹ con đã đưa chú ấy đến làng nghề mộc ở thị trấn Mỹ Luông học nghề chạm trổ gỗ. Với nghị lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn của bản thân và đôi bàn tay khéo léo của mình, nên chỉ sau một thời gian ngắn học hỏi, thực tập, chú Tâm đã được chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ nhận vào làm việc. Đến nay, những họa tiết điêu khắc, hoa văn, chạm trổ của chú Tâm trên các sản phẩm gỗ như tủ thờ, bàn ghế, kệ, các loại tượng, câu đối… được khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt, chú ấy còn tự thiết kế và chạm khắc những bức tranh gỗ rất đẹp, được cả khách hàng nước ngoài ưa thích, đặt mua. Nhờ vậy mà thu nhập hằng tháng của chú Tâm cũng được gần chục triệu đồng, là niềm mơ ước của không ít người làm nghề thủ công nơi đây…

Không còn tâm lực nào để nghe tiếp, sư bác nói với cô gái như người hụt hơi: "Thôi con về đi". Rồi sư bác vội vã đi vào gian phòng phía trong trước sự nghi ngại của cô gái…

Hoàng hôn hắt qua cửa sổ làm giọt nước mắt còn đọng trên khóe mắt của sư bác Ngọc Dung ánh lên một màu vàng nhạt. Bà nằm trên chiếc giường một trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn, nét mặt đăm chiêu tư lự. Tiếng "tích tắc" của chiếc kim đồng hồ treo tường phát ra đều đều, đưa bà trở lại với ký ức của gần hai mươi năm về trước.

Sinh ra ở một huyện miền núi thuộc tỉnh Tuyên Quang, Ngọc Hoa sống trong tình thương yêu vô bờ của bố mẹ. Nhà tuy nghèo, nhưng là con gái đầu lòng, Ngọc Hoa được chăm sóc chu đáo nên rất bụ bẫm và kháu khỉnh. Cuộc sống đang xuôi chèo mát mái thì một tai họa bất ngờ ập đến với gia đình cô.

Đêm ấy, sau hai ngày mưa dầm dề liên tục, vụ lở đất đem theo hòn đá tảng lăn xuống trúng đầu hồi nhà làm ông bố chết ngay tại chỗ khi Ngọc Hoa chưa đầy năm tuổi. Sau vụ ấy, bà Lành (mẹ Ngọc Hoa) như điên như dại hằng tháng trời. Rồi thời gian cũng dần làm nguôi ngoai đi nỗi đau, sức khỏe của bà trở lại bình thường.

Ở độ tuổi hai mươi lăm, bà Lành vẫn còn tràn trề sinh lực. "Gái một con trông mòn con mắt", xưa nay người đời nói chẳng sai. Thời thiếu nữ nàng đã đẹp, nay càng quyến rũ hơn. Những đường cong thiên thần trên thân thể nàng đã làm hút hồn cánh đàn ông.

Ở đời, hoa chưa có chủ, ong bướm muốn ghé qua âu cũng là lẽ thường tình. Đã không ít người kiếm cớ lui tới ve vãn hoặc xin cưới nàng làm vợ, nhưng nàng chưa nhận lời ai. Bà định bụng ở vậy nuôi cho con khôn lớn, mọi chuyện sẽ tính sau. Nhưng sự đời nhiều khi buộc con người phải chấp nhận số phận ngoài ý muốn. Lão chủ thầu xây dựng đã bước vào cuộc đời của mẹ con bà Lành như một định mệnh…

Một buổi chiều đầu hạ năm ấy, trời đầy mây u ám sau trận mưa rả rích đến hơn ba tiếng đồng hồ. Đang nhặt rau trong bếp, bỗng có tiếng gọi thất thanh làm bà Lành giật mình:

- Bà Lành ơi, con bà bị lũ cuốn trôi rồi.

Như người mất hồn, bà Lành vừa chạy vừa kêu gào thảm thiết ra phía bờ suối. Dòng suối đục ngầu cuồn cuộn chảy như một con trăn khổng lồ trườn mình về phía hạ lưu. Bà Lành rẽ đám đông đang chỉ tay về phía cuối dòng nước chảy xiết, chạy như con thiêu thân dọc theo bờ suối.

Chạy được một đoạn, bà Lành đứng sững lại khi thấy một người đàn ông đang vác đứa bé trên vai đi ngược chiều về phía bà. Khi nhận ra người đó là ông Thất và đứa bé đúng là con gái mình, bà vừa la, vừa khóc thảm thiết:

- Ối! Con ơi là con, sao tôi lại khổ thế này.

Ông Thất dừng chân, nói trong tiếng thở gấp, trấn an:

- Bà yên tâm đi, cháu sống rồi. Khi thấy cháu đi đến giữa chiếc cầu tre thì trượt chân ngã xuống suối, bị nước cuốn trôi. Tôi vội vàng lao xuống nhưng không kịp. Tôi bơi nhào theo dòng nước chảy xiết với hy vọng mong manh. Đến đoạn gần cửa sông, người mệt nhoài, định quay lại thì bất ngờ phát hiện cháu mắc kẹt ở ngọn cây bị đổ ngang suối. Tôi vội dốc ngược người cháu cho ra hết nước rồi làm hô hấp nhân tạo, bây giờ cháu cũng đã hồi tỉnh.

Bà Lành lấy tay quệt nước mắt, vừa mừng vừa tủi. Bà cặm cụi theo sau ông Thất vác đứa con về nhà mình…

Cái ơn cứu mạng đứa con gái, lại trong hoàn cảnh chăn đơn gối chiếc đã khiến bà Lành miễn cưỡng chấp nhận về làm vợ ông Thất hơn bà gần hai mươi tuổi, đã có một đời vợ và ba đứa con gái. Bà đẻ cho ông được hai đứa con trai, ông mừng lắm.

Nuôi bảy miệng ăn, nhưng với cái chức chủ thầu xây dựng có tiếng trong vùng thì kinh tế nhà ông chẳng khó khăn gì. Riêng với Ngọc Hoa được ông Thất rất quan tâm. Tiền học hành, mua sắm quần áo ông lo chu tất. Ông còn mua chiếc xe đạp Nhật chính hiệu cho Ngọc Hoa đi học.

Những mùa trăng nối tiếp nhau đi qua trên những đỉnh núi miền sơn cước. Ngọc Hoa lặng lẽ lớn lên, càng lớn càng giống mẹ như hai giọt nước, chỉ giống bố ở chiều cao và tính cẩn thận. “Gái thập tam”, Ngọc Hoa phổng phao hơn các bạn nữ sinh cùng trang lứa. Những đường cong mượt mà đã hiện rõ sau làn áo, báo hiệu thời thiếu nữ.

Vào một đêm hè, cả nhà đi vắng, Ngọc Hoa đang tắm ở sân giếng thì ông bố dượng đi đám hỷ về, ra giếng rửa chân. Chợt lão đứng lặng. Trăng non đầu tháng chảy tràn trên thân thể nõn nà của cô gái đang chuẩn bị đến tuổi dậy thì khiến phần “con” trong lão trỗi dậy.

Đang có chút hơi men, lão ngẩn người ra… thèm muốn, những toan nhào tới cô gái. Bất ngờ, hai con chuột đuổi nhau va vào chân làm lão giật mình. Một thoáng do dự, lão kịp trấn tĩnh, quay gót bước vào nhà như vừa kết thúc một giấc mơ…

Cuộc sống gia đình đang đầm ấm thì vào một buổi sáng cuối đông, từng đợt gió mùa ào ào thổi về, đem theo cái lạnh thấu xương từ phương Bắc. Bà Lành bị đột quỵ do nhồi máu cơ tim phải đi cấp cứu ở bệnh viện huyện, rồi bệnh viện tỉnh. Nhưng vì bệnh nặng, ba ngày sau đó trái tim bà đã ngừng đập.

Sự ra đi đột ngột của người mẹ làm Ngọc Hoa như ngây dại, người sút đi trông thấy. Ngày nào người ta cũng thấy cô ra nghĩa trang thắp hương rồi kêu khóc thảm thiết bên mộ mẹ. Lần đầu tiên trong đời, Ngọc Hoa cảm nhận được nỗi đau và mất mát quá lớn, một nỗi buồn vô tận…

Nhờ có sự động viên, an ủi của các chị gái (con bố dượng) nên cô cũng dần vơi đi nỗi buồn đau theo năm tháng. Ngọc Hoa sống hòa đồng với mọi người trong tình thương yêu và sẻ chia của bà con lối xóm.

Sang tuổi mười tám, Ngọc Hoa hội tụ đầy đủ sự tinh túy của nhan sắc như bông lan rừng thanh khiết. Nhiều chàng trai chợt đến, chợt đi trước sự từ chối tế nhị nhưng cương quyết của cô. Ngọc Hoa nhận lời yêu tha thiết, chân thành của chàng trai cô đơn là bạn hồi còn học phổ thông. Biết chuyện, ông Thất gọi Ngọc Hoa lên vừa nhẹ nhàng khuyên nhủ, vừa có ý đe dọa:

- Con ạ, bố biết con đang yêu thằng Tâm ở xóm dưới. Nhưng nhà nó nghèo kiết xác, bố mẹ chết hết cả, nếu con lấy nó sẽ khổ suốt đời. Bố đã nhắm cho con một thằng đang làm Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, con ông Phó Chủ tịch huyện. Lấy nó, nhà cửa, kinh tế gia đình con không phải lo, mà chân thư ký văn phòng Ủy ban nhân dân huyện đối với con chẳng khó khăn gì.

- Nhưng con chỉ yêu anh Tâm thôi.

- Không được. Từ nay bố cấm con không được quan hệ với thằng khố rách áo ôm đó.

- Từ trước tới nay con luôn tôn trọng mọi quyết định của bố. Riêng chuyện tình yêu và hôn nhân, bố để con tự quyết định.

- Mày dám cãi lại bố hả ? Nếu không nghe lời bố thì đi khỏi nhà này.

Mấy ngày sau, ông Thất đồng ý để nhà trai đem cơi trầu đến "dạm ngõ". Tuy là dạm ngõ, nhưng ông Thất chuẩn bị đón tiếp khá chu đáo. Ông còn đặt hơn chục mâm cơm để đón tiếp hai họ. Nghi lễ diễn ra rất long trọng, chỉ có điều, nhân vật quan trọng là "cô dâu tương lai" lại vắng mặt. Ngọc Hoa đã trốn biệt từ lúc nào làm ông Thất mất mặt với họ nhà trai.

Từ sau lần ấy, người ta không thấy bóng hình của Ngọc Hoa đâu nữa. Dân làng xì xào, bàn tán. Có người nói: “Trai nuôi con vợ mất công”… Không ai ngờ rằng, Ngọc Hoa đã vượt gần hai ngàn cây số xin vào nương nhờ cửa Phật ở một ngôi chùa hẻo lánh thuộc tỉnh An Giang. Và cũng từ đó, Ngọc Hoa đổi tên thành Ngọc Dung...

*

Cạch, cạch, cạch. Tiếng gõ cửa đưa Ngọc Dung trở về với thực tại. Tiểu Xoan đến cạnh giường bà nhỏ nhẹ nói:

- Mời sư bác xuống ăn cơm ạ.

- Ta hơi mệt. Tiểu và mọi người cứ ăn trước đi.

Từ khi vào chùa đến nay, chưa bao giờ sư bác ốm đau hay mệt mỏi phải bỏ cơm. Linh cảm của người đã từng trải qua một thời thiếu nữ đầy bất hạnh, éo le, sư trụ trì lờ mờ đoán ra điều gì đã đến với sư bác.

Bà thương yêu Ngọc Dung luôn tu nhân tích đức, làm tròn bổn phận của người tu hành. Nhưng bà biết người con gái này vẫn còn nhiều vương vấn với bụi trần nên khó thoát tục nổi. Khẽ mở cánh cửa khép hờ, ngắm nhìn khuôn mặt suy tư ẩn chứa nỗi buồn của Ngọc Dung, sư trụ trì thương cảm cho người con gái đã lỡ thời xuân sắc. Đứng một lát, bà âu yếm hỏi:

- Ngọc Dung à, con có điều gì bí ẩn nói ta nghe?

- Dạ, con chỉ hơi mệt thôi ạ.

- Không giấu ta được đâu, có phải con đã biết được thông tin về “bạn trai” của con trước đây?

- Vâng. Thưa cụ, anh ấy hiện ở thị trấn Mỹ Luông và vẫn sống độc thân.

- Thế con có muốn trở lại với đời?

- Nhưng chúng con đã bặt tin nhau quá lâu, xin cụ cho con được tiếp tục nương nhờ cửa Phật.

- Mô phật. Con đừng tự hành mình như thế. Ta biết căn số của con nhẹ đường tu nặng đường tình, ta sẽ làm lễ hoàn tục cho con…

Đêm ấy, Ngọc Dung thao thức không sao chợp mắt được. Nàng nghĩ lung lắm. Nàng thương mình thì ít mà thương chàng Tâm thì nhiều. Có lẽ vì mình mà anh ấy phải sống cô đơn, vất vả từ bấy đến giờ. Nàng thương anh vì đôi chân bị liệt, cuộc sống sẽ vô vàn khó khăn. Mình phải giúp sức cho anh ấy, bù đắp những mất mát, thiệt thòi của anh.

Nàng bồi hồi nhớ lại một đêm thu năm nào, trời xanh cao không một gợn mây, trăng rằm tròn vành vạnh, sáng như ban ngày đến mức Ngọc Dung nhìn rõ cả mụn trứng cá của Tâm mới mọc trên sống mũi. Ngồi bên Tâm dưới gốc đa cạnh sân đình, nàng nhận những nụ hôn cháy bỏng, nhưng nàng chỉ cho phép Tâm khám phá một phần cơ thể, còn riêng cái phần thiêng liêng ấy, nàng bảo phải chờ đến đêm tân hôn.

Tôn trọng sự quả quyết của nàng, Tâm không đòi hỏi gì thêm. Ngọc Dung không thể ngờ rằng, đó là đêm cuối cùng của mối tình đầu nghiệt ngã. Sau này, hoàn cảnh đưa đẩy cô về nương thân cửa Phật, có lúc nàng cảm thấy ân hận. Nàng nghĩ: "Giá như đêm ấy mình cứ hiến dâng… tất cả cho anh ấy…". Cơn gió heo may luồn qua khe cửa sổ làm Ngọc Dung se lạnh. Nàng kéo chiếc vỏ chăn trùm lên ngực rồi thiếp đi…

Một ngày Thu, tiết trời trong mát. Dạo bước dưới ánh nắng vàng đặc quánh như mật ong, hương cau ngan ngát theo gió thoảng làm cho Ngọc Hoa bâng khuâng. Những cánh hoa cau đậu trên đầu Ngọc Hoa trắng xóa. Đứng giữa sân, quan sát ngôi nhà cấp bốn mới lợp ngói đỏ tươi, trái tim nàng loạn nhịp. Một lúc sau, Ngọc Hoa khẽ khàng hỏi:

- Anh Tâm có nhà không?

Giọng nói mượt mà, êm dịu nghe quen lắm, nhưng Tâm vẫn chưa nhận ra người gọi mình là ai nên hỏi lại:

- Ai đấy?

- Ngọc Dung đây - Ngọc Hoa dí dỏm đáp.

Tâm giật mình. Cháu Thúy nói với mình là sư bác Ngọc Dung hẹn ngày mai mới đến cơ mà, sao nay sư bác đã đến? Chắc mai là ngày mười sáu âm, sư bác bận lắm. Đúng rồi, nghe dân vùng này nói sư bác rất đông khách nên bận tối ngày, chỉ những trường hợp đặc biệt sư bác mới nhận lời đến làm lễ tại nhà. Nghĩ vậy, Tâm vội vàng ra mở cửa. Sau giây phút sững sờ, Tâm reo lên:

- Ngọc Hoa phải không?

- Vâng. Em Ngọc Hoa đây!

Nói rồi, Ngọc Hoa nhào tới ôm chầm lấy Tâm. Nước mắt của hai mảnh đời dang dở được dịp tuôn trào làm bờ vai của Tâm và Ngọc Hoa nóng hổi…

Chợt những tiếng chuông chùa âm vang làm Ngọc Dung bừng tỉnh. Thì ra nàng vừa trải qua một giấc mơ. Nàng bật dậy mở cửa sổ. Phía Đông, vầng sáng hắt lên đám chân mây màu hồng nhạt, báo hiệu một ngày mới sắp bắt đầu. Ngọc Dung ngắm nhìn những giọt sương mai đậu trên các cánh hoa hồng mới nở lung linh như những hạt ngọc, lấp lánh. Nàng hồi hộp đợi chờ giờ phút thiêng liêng mà nhà chùa làm lễ hoàn tục cho mình, lòng bồi hồi xao xuyến…

Truyện ngắn của Trần Phúc Dương

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp