Hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân trong triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.

Ra đời ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH được thành lập vào ngày 18/4/1946, xây dựng, tôi luyện, trưởng thành và ngày càng lớn mạnh. Tên gọi của lực lượng có những thay đổi trong mỗi giai đoạn lịch sử, nhưng dù ở giai đoạn nào Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an cũng luôn quan tâm xây dựng lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH

 Ra đời ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH được thành lập vào ngày 18/4/1946, xây dựng, tôi luyện, trưởng thành và ngày càng lớn mạnh. Tên gọi của lực lượng có những thay đổi trong mỗi giai đoạn lịch sử, nhưng dù ở giai đoạn nào Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an cũng luôn quan tâm xây dựng lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, luôn coi đây là lực lượng nghiệp vụ quan trọng, mang tính chiến lược của ngành Công an. Được giao phó những trọng trách lớn trong sự nghiệp bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng, to lớn vào những thành tựu chung của đất nước và của lực lượng Công an nhân dân trong suốt 75 năm qua. Lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã được những phần thưởng cao quý như: Huân chương Quân công hạng Nhì (1985); Huân chương Hồ Chí Minh (2006); Huân chương Chiến công hạng 3 (2007); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (2011); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3 (2017). Nhiều đơn vị, cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát QLHC về TTXH được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều tấm gương anh dũng hi sinh để bảo vệ cuộc sống bình yên của Tổ quốc. Năm 2021, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
Quyết định số 1368/QĐ-TTg ngày 03/09/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Mục tiêu của Dự án là xây dựng cơ sở dữ liệu CCCD thống nhất trên toàn quốc. Thực hiện thu nhận và quản lý dữ liệu đăng ký CCCD tự động trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin giúp lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, tiện lợi nhất. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về CCCD, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự. Hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Tại Hội nghị triển khai Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân và sơ kết 6 tháng thực hiện Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngày 09/09/2020 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Công an các đơn vị, địa phương nghiên cứu, quán triệt đầy đủ nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Bộ Công an để thống nhất nhận thức trong toàn lực lượng về tầm quan trọng, tính cấp bách của việc xây dựng Dự án sản xuất cấp và quản lý căn cước công dân. Tập trung nguồn lực, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đảm bảo tiến độ, lộ trình đã đề ra. Đồng thời khẩn trương thực hiện thu nhận vân tay, lăn tay thay cho vân tay phẳng phục vụ dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, đảm bảo tổ chức thực hiện cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân từ nay đến ngày 01/07/2021.
Lúc sinh thời Bác Hồ đã từng nói: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Thật vậy, để thực hiện lời Bác, mỗi người dân trên đất nước Việt Nam ta đều phải cố gắng phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt để trở thành một bông hoa ngát hương trong khu rừng hoa rực rỡ của nước nhà. Xung quanh chúng ta có biết bao tấm gương về nghị lực sống, về sự nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong gian khổ để nở hoa thơm cho đời. Hay những con người có những đóng góp thầm lặng, có đạo đức và lối sống cao cả, tên tuổi tuy không được vinh danh trên các phương tiện đại chúng nhưng lại để cho biết bao người xung quanh phải học tập và noi theo. Hưởng ứng cuộc thi viết về hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân trong triển khai dự án cơ sở dữ liệu Quốc Gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Tôi xin được chia sẻ về một tấm gương tiêu biểu trong lực lượng Công an nhân dân với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, với lòng nhiệt tình và giàu lòng nhân ái của một người cán bộ Công an nhân dân đã nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp của Đảng, nhà nước và lực lượng Công an nhân dân nói riêng. Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Phú Thọ, Trung tá Vũ Thị Kim Chúc sinh ngày 15/12/1973, hiện đang là đội phó Đội QLHC về TTXH - Công an huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chúc là một người con của vùng đất có bề dày lịch sử. Được tuyển vào lực lượng Công an nhân dân năm 1994, làm việc tại Công an huyện Điện Biên, trải qua các cương vị, các đội khác nhau đồng chí luôn có thái độ chính trị tốt, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Với một người phụ nữ thì vừa quán xuyến công việc gia đình, nuôi dạy các cháu và làm tốt nhiệm vụ tại cơ quan không phải là điều dễ dàng. Chính vì vậy, trong công việc chị phải suy nghĩ để sắp xếp sao cho gọn gàng, khoa học nhằm tiết kiệm thời gian, công sức thực hiện mà vẫn đạt hiệu quả cao. Hàng ngày sau khi giao ca, Trung tá Vũ Thị Kim Chúc vượt trên 30 km để về nhà, sau đó bắt tay ngay vào công việc cùng chồng chăm sóc cháu nhỏ. “Nhìn ánh mắt, nụ cười của các cháu nhỏ bé thơ, người thân như tiếp thêm sức mạnh, động lực tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thượng tá Vũ Thị Kim Chúc bày tỏ.
Với tâm huyết và kinh nghiệm nhiều năm trong nghề của một người cán bộ làm công tác QLHC về TTXH, chị cũng luôn thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ những chiến sĩ công an trẻ tuổi là đàn em của mình trưởng thành và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nữ Trung tá Công an đã truyền lại kỹ năng, nhiệt huyết và tình yêu nghề cho những chiến sĩ trẻ. Đặc biệt nhắc nhở các chiến sĩ thực hiện “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ.
Nhờ những nỗ lực không ngừng mà trong suốt nhiều năm liền, từ năm 1994 đến nay. Thượng tá Vũ Thị Kim Chúc được các lãnh đạo Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên trao tặng nhiều danh hiệu như chiến sĩ thi đua cơ sở, Huân chương chiến công…… Chị được Huyện ủy tuyên dương là cá nhân tiêu biểu trong việc thực hiện xây dựng Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. “Là một người công an, bản thân tôi luôn cố gắng, phấn đấu làm theo lời Bác dạy, vì nhân dân để phục vụ. Điều mà tôi luôn tâm niệm là làm sao hoàn thành tốt mọi công việc, nhiệm vụ được giao, đề xuất xử lý các loại hồ sơ đúng người, đúng quy định pháp luật, không để sai sót hay để mất hồ sơ” - Trung tá Vũ Thị Kim Chúc chia sẻ.
Phải được chứng kiến  Đội Cảnh sát Quản lý hành chính, Công an huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên ngày đêm vất vả bên những hồ sơ công dân, chúng ta mới thấm thía hết những đóng góp thầm lặng của các cán bộ công an nơi đây, khi công việc luôn bận rộn, nhưng sự nhiệt tình, hăng say của các anh, chị trong phục vụ nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu. Trong những con người cần mẫn ấy, có Thượng tá Vũ Thị Kim Chúc.
Được phân công làm công tác tiếp dân, giải quyết hồ sơ cấp phát thẻ Căn cước công dân nên hàng ngày chị phải trực tiếp làm việc với hàng trăm người dân. Cũng có người vui vẻ, dễ tính, nhưng cũng có người nóng nảy, làm khó, song với bất kỳ công dân nào chị cũng ân cần tiếp đón, hướng dẫn thủ tục tận tình và đúng pháp luật. Để nâng cao hiệu quả công việc, chị còn tranh thủ làm thêm ngoài giờ mỗi tuần 6 tiếng, làm việc vào ngày nghỉ để kịp trả hồ sơ đúng hạn cho người dân, thậm chí rút ngắn thời gian trả hồ sơ theo quy định là 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc. Trong thời gian gần đây, riêng bản thân chị đã tiếp nhận và xử lý hơn 40.000 hồ sơ, hướng dẫn cho trên 11.000 người dân đến làm thủ tục Căn cước công dân, đồng thời choàng gánh thêm công việc cho những đồng chí mới về Đội QLHC – TTXH.
Chị đã cùng các lãnh đạo Công an huyện, Đội QLHC – TTXH tham gia tích cực thực hiện dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhất là giai đoạn nước rút trong năm 2020, tiền đề quan trọng trong việc thực hiện dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD, như: tham gia kiểm tra, phúc tra, nghiệm thu, cập nhật, chỉnh sửa tính chính xác của thông tin dân cư đã thu thập trên hệ thống quản lý, trực tiếp đối chiếu, kiểm tra thông tin với người dân…… đã thu thập trên hệ thống quản lý từ năm 2018. Chị còn là một người phụ nữ đã tìm tòi nghiên cứu, sử dụng thành thạo các phần mềm trên hệ thống, nhất là các kỹ năng thu nhận vân tay, chụp ảnh, xử lý đồng bộ hồ sơ CCCD.
Từ khi thực hiện chiến dịch đến nay, Trung tá Vũ Thị Kim Chúc đã nhiều hôm phải thức trắng đêm xử lý hồ sơ, kề vai sát cánh cùng đồng đội, hoàn thành nhiệm vụ trong khả năng cao nhất. Hành trang của các cán bộ là một chiếc chiếu, ba lô quần áo để theo chân tổ cấp CCCD lưu động khắp các xã, bản; vượt qua khó khăn để phục vụ nhân dân. Nhiều chiến sỹ trong tổ cấp CCCD đã nói với chị “Mấy tháng rồi em không về thăm nhà, thăm con. Nhiều chiến sỹ trẻ chưa vợ đã nói Cha mẹ hối cưới vợ nhưng em hứa phải quyết tâm hoàn thành thật tốt nhiệm vụ rồi mới nghĩ đến việc yên bề gia thất; Còn những đồng chí con nhỏ trong tổ cấp CCCD khi gọi điện cho chồng,con còn khóc không nói được lời  nào”.
Hiện nay chị Kim Chúc cùng hai tổ công tác đã thu nhận gần 10.000 hồ sơ cấp CCCD cho người dân, quyết tâm đạt kết quả cao nhất trước ngày 30/6/2021, xứng đáng với niềm tin yêu của người dân.
Khi tham gia vào chiến dịch, Trung tá Vũ Thị Kim Chúc xác định đây là trách nhiệm, vinh dự của lực lượng CAND. Chị cùng đồng đội, nhiều đêm thức trắng phục vụ nhân dân và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Những ngày qua, vùng lòng chảo Điện Biên lúc nắng như đổ lửa, lúc mưa to gió lớn. Chị tâm sự dù bất kỳ trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải vượt qua, chấp nhận mọi hy sinh, mất mát vì nhân dân phục vụ, tận tụy với công việc theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND. Trung tá Vũ Thị Kim Chúc luôn nhiệt tình, động viên, giải thích cho người dân thông cảm và hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của thẻ CCCD gắn chip điện tử.
Ngoài ra chị còn chủ động tham mưu cho Ban chỉ huy Đội thực hiện cấp căn cước lưu động cho những trường hợp là người già yếu, ốm đau bệnh tật, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.
Đáng chú ý có nhiều địa phương vùng sâu, vùng sa như xã Phu Luông, xã Mường Lói ….. đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề ra nhờ sự nỗ lực cùng với những sáng kiến, cách làm hay của lực lượng Công an. Là huyện miền núi, với hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng ngay từ đầu chiến dịch cấp CCCD có gắn chíp điện tử, Công an huyện Điện Biên đã triển khai nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo nhằm đẩy nhanh tiến độ công việc.
Cụ thể là ngoài việc cấp cố định tại trụ sở UBND các xã, lực lượng Công an còn bố trí phương tiện đến những nơi địa hình phức tạp đưa đón người dân, nhất là các trường hợp cao tuổi, tàn tật về các điểm cấp lưu động. Xúc động khi được cán bộ Công an đã cho xe đến tận nơi đón. Nhiều cụ già trong các xã cho biết, đường từ nhà mình đến trụ sở UBND xã quá xa "Nếu đi bộ thì phải mất nửa ngày mới đến nơi nên may mà có ôtô, xe máy đến đón chứ không thì chưa chắc đã đi làm được". Cùng với việc bố trí phương tiện đưa đón các cụ cao tuổi, Công an huyện Điện Biên còn tiến hành rà soát những trường hợp tàn tật trên địa bàn để chủ động phân công cán bộ đến tận nơi hỗ trợ gia đình trong quá trình làm thủ tục cấp CCCD.
Trung tá Vũ Thị Kim Chúc chia sẻ: "Là địa bàn có người dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ cao, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nhiều nơi, nhất là vùng sâu vùng xa, dân cư sống thưa thớt, đường sá đi lại cách trở, đó là chưa kể bà con vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc làm CCCD có gắn chíp. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động sản xuất nông nghiệp lâu năm đã khiến các ngón tay bị cứng, chai sạn, đường vân tay bị mờ nên công đoạn lấy vân tay chiếm rất nhiều thời gian. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ cấp CCCD".  
Trung tá Vũ Thị Kim Chúc cho biết thêm, đơn vị tập trung lực lượng tuyên truyền đến từng thôn bản, đặc biệt tại các buổi tuyên tuyền có sự tham gia của chính quyền địa phương, Công an xã, cán bộ tư pháp. Không những thế, lãnh đạo Công an huyện cũng trực tiếp có mặt để tuyên truyền và từ cơ sở đến các cấp, các ngành cùng vào cuộc đã góp phần hoàn thành tiến độ sớm hơn so với kế hoạch.
Ngoài việc triển khai linh hoạt các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD, Công an huyện Điện Biên cũng phân công lực lượng chia làm 3 ca liên tục, từ 5h sáng cho đến khi hết công dân, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ. Kết quả đến nay toàn bộ công dân trong độ tuổi trên địa bàn huyện Điện Biên đã hoàn thiện hồ sơ cấp CCCD và là địa phương hoàn thành chỉ tiêu trong chiến dịch cấp CCCD mà Công an tỉnh Điện Biên phát động.
Ngoài việc tăng ca, làm xuyên đêm, tăng cường cán bộ các đội nghiệp vụ, Công an các xã từ giữa tháng 4 vừa qua, Công an huyện Điện Biên đã triển khai thực hiện mô hình xe cấp CCCD lưu động đến từng thôn, xã. Theo đó đã huy động nhiều chiếc xe ôtô khác nhau với một chút thay đổi nhỏ đã trở thành phương tiện kết nối đặc biệt giữa người dân các xã vùng sâu với chiếc CCCD có gắn chíp điện tử hiện đại. Không chỉ chuyên chở máy tính, máy ảnh, máy lấy vân tay và các loại hồ sơ từ Trung tâm hành chính công của huyện đến các xã, thị trấn, chiếc xe còn trực tiếp trở thành địa điểm để các cán bộ chụp ảnh, lấy vân tay của công dân.
 Trung tá Vũ Thị Kim Chúc đã trao đổi, việc thực hiện cấp CCCD lưu động trên xe nhằm tận dụng tối đa thời gian, thay vì phải tháo lắp máy tại mỗi điểm lưu động, cán bộ dành thời gian đó để cấp CCCD được cho nhiều bà con hơn.
Vì các xã ở cách xa nhau, thời gian di chuyển lâu, lại đến nhiều điểm trong thời gian ngắn nên việc thực hiện cấp CCCD ngay trên xe tiết kiệm được rất nhiều thời gian, đồng nghĩa với việc nhiều bà con sẽ được tiếp cận với những lợi ích vượt trội của thẻ CCCD có gắn chip điện tử. Là địa bàn biên giới cửa khẩu với địa bàn gồm cả vùng núi cao, vùng nông thôn, thành phần dân cư đa dạng, để tổ chức thực hiện và hoàn thành 10.000 CCCD trong 1 thời gian ngắn, Công an huyện Điện Biên đã huy động 40 CBCS, chia làm 3 ca từ 5h đến khi hết dân, thậm chí có những nơi đến nửa đêm vẫn còn công dân có nhu cầu thì vẫn làm cho đến 1 - 2h sáng hôm sau.
Trung tá Vũ Thị Kim Chúc là một tấm gương tiêu biểu trong triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Một chiến sĩ Công an nhiệt tình, trách nhiệm tâm huyết với công việc. Có nhiều mô hình, sáng kiến và phương pháp làm việc hiệu quả trong triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Một người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà,luôn tận tâm, tận tình với đồng nghiệp và với người dân. Trung tá Vũ Thị Kim Chúc là một tấm gương sáng để các thế hệ dưới như tôi có thể học hỏi, tiếp thu những điều mà Chị đã và đang làm được.

 
 
 

Tác giả bài viết: Lê Hồng Dương - Công an huyện Điện Biên

Nguồn tin: congan.dienbien.gov.vn