Hướng dẫn cách đối phó với tin nhắn đòi nợ khống.

Hướng dẫn cách đối phó với tin nhắn đòi nợ khống.
Thời gian qua, nhiều trường hợp người dân dù không vay mượn, không bảo lãnh, thậm chí không hề quen biết người vay mượn tiền qua các ứng dụng (app) cho vay tiền nhưng lại bị các đối tượng "khủng bố" đòi nợ bằng điện thoại, tin nhắn và thậm chí bị bêu xấu trên các trang mạng xã hội.
Thời gian qua, nhiều trường hợp người dân dù không vay mượn, không bảo lãnh, thậm chí không hề quen biết người vay mượn tiền qua các ứng dụng (app) cho vay tiền nhưng lại bị các đối tượng "khủng bố" đòi nợ bằng điện thoại, tin nhắn và thậm chí bị bêu xấu trên các trang mạng xã hội.

Chị N.T.T.T trình báo cơ quan Công an về việc bị các đối tượng
 “khủng bố” đòi nợ.
 
Chị N.T.T.T hiện là một giáo viên trên địa bàn huyện Điện Biên. Từ trước đến nay chị chưa từng vay tiền qua mạng, nhưng thời gian gần đây, chị liên tục bị các đối tượng dùng nhiều hình thức để làm phiền, đòi nợ như: sử dụng số lạ gọi điện thoại đe dọa, tạo áp lực về tâm lý, tinh thần, yêu cầu chị trả tiền nợ; thậm chí, các đối tượng còn sử dụng nick facebook ảo đăng tải nhiều lần, trên nhiều hội nhóm hình ảnh của chị ghép với người vay tiền với nội dung “truy tìm đối tượng vay tiền và những đối tượng bao che câu kết đi vay tiền ăn chơi không thanh toán nợ nần”…
Tương tự như vậy, anh Nguyễn Văn Cường - một người dân trên địa bàn phường Mường Thanh cho biết, có ngày anh có tới hơn 20 cuộc điện thoại gọi đến bằng rất nhiều các số điện thoại khác nhau với nội dung đe dọa, thách thức bằng những lời nói mang tính chất côn đồ, tục tĩu...
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, một là trong danh bạ điện thoại của người vay tiền qua app có số điện thoại của bạn; hai là khi vay tiền qua app, chỉ cần cung cấp thông tin chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân là có thể vay được tiền. Do đó, một số đối tượng xấu đã lợi dụng việc đánh cắp thông tin hoặc sử dụng thông tin công khai của bạn để quấy nhiễu, làm phiền dù bạn không hề liên quan đến khoản vay đó.
Từ tình hình trên, Cơ quan công an khuyến cáo người dân một số biện pháp xử lý khi bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin "khủng bố" đòi nợ mặc dù không vay tiền, cụ thể như sau:
Trước hết cần phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình (Nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng);
Thông báo, hướng dẫn cách xử lý cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền;
Sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ. Đối với các trang Facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ.
Người dân có thể trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời;
Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: Thông tin về giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…
Để vừa đảm bảo nhu cầu vay tiền, vừa bảo vệ người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người dân khi có nhu cầu vay tiền phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay với các hình thức phù hợp.
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong đơn vị mình không vay qua app không rõ nguồn gốc, không được nhân danh đơn vị hoặc cung cấp số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp để vay tiền./.

Tác giả bài viết: ANĐB