Ngăn chặn thực trạng núp bóng người việt thâu tóm đất biên giới, ven biển.

Ngăn chặn thực trạng núp bóng người việt thâu tóm đất biên giới, ven biển.
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim đề cập tình trạng hàng trăm nghìn ha đất do người Việt Nam mua giúp người nước ngoài và chất vấn trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trong kiểm tra, giám sát, tham mưu giải pháp gì cho Chính phủ...

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim đề cập tình trạng hàng trăm nghìn ha đất do người Việt Nam mua giúp người nước ngoài và chất vấn trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trong kiểm tra, giám sát, tham mưu giải pháp gì cho Chính phủ...

Chiều 11/11, Quốc hội tiến hành chất vấn tư lệnh ngành cuối cùng trong đợt chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 là Bộ trưởng Bộ (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng.
Nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng là giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia; tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.


Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn, hai vấn đề mà đồng bào cử tri cả nước quan tâm là phòng chống dịch thế nào, tác động đến kinh tế xã hội ra sao. Bộ KH&ĐT được ví như "Bộ tham mưu" về kinh tế của đất nước, thay mặt các Bộ trong khối kinh tế để giúp Quốc hội giải đáp được thực trạng, xu hướng, bối cảnh tới đây, trong nước và quốc tế, kế sách nào để xây dựng chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch; vai trò của đầu tư công sắp tới cũng như lý do giải ngân chậm và giải pháp tháo gỡ...
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu vấn đề những kinh nghiệm từ gói hỗ trợ trong dịch COVID-19 của quốc tế; đồng thời chất vấn quan điểm của Bộ KH&ĐT về mục tiêu, đối tượng chương trình phục hồi phát triển kinh tế. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dịch COVID-19 vừa qua tác động mọi mặt từ kinh tế đến xã hội của thế giới và Việt Nam. Đối với thế giới, họ đã có những quyết sách và chính sách rất nhanh.

"Thứ nhất, họ có gói hỗ trợ rất lớn, chưa có tiền lệ. Thứ 2 là chấp nhận tăng trần nợ công, và bội chi ngân sách. Thứ 3 là họ thực hiện những biện pháp này rất nhanh. Chính vì thế, cùng với tiêm chủng nhanh, các nước đã hồi phục nhanh về kinh tế", Bộ trưởng phân tích.

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy.
Dẫn chứng về nhận định này Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, Mỹ đã bỏ 27,9% GDP để hỗ trợ, chấp nhận tăng nợ công, đẩy tỷ lệ nợ công của Mỹ lên 133% GDP. Tương tự như vậy, Trung quốc tăng nợ công đến 66,8% GDP. Về chính sách tài khóa, các nước này tăng chi cho y tế, phòng chống dịch, trợ giúp xã hội các hộ gia đình thu nhập thấp. Hỗ trợ về tiền mặt, lương thực, tiền điện, miến giảm thuế. Hỗ trợ dòng tiền với các ngành kinh tế ưu tiên và đầu tư hạ tầng...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sau khi nghiên cứu, tiếp thu chuyên gia trong ngoài nước cùng với tình hình thực tiễn ở trong nước, Bộ KH&ĐT tiến hành thực hiện phù hợp chính sách tài khóa và tiền tệ, gắn kết chặt chẽ chiến lược phát triển kinh tế 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, kế hoạch tài chính công, kế hoạch cơ cấu nền kinh tế. Thực hiện các chính sách có tác động ngay, kịp thời hỗ trợ và tính đến vấn đề dài hạn như xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Một số ĐBQH đề cập tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, như đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang), Tạ Văn Hạ (Quảng Nam); đồng thời, truy trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, chất vấn nguyên nhân và giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và những năm tiếp theo...

Thừa nhận đây không phải lần đầu vấn đề giải ngân đầu tư công được nêu tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng liệt kê hàng loạt nguyên nhân, cả chủ quan, khách quan như: Công tác chuẩn bị dự án kém, mang tính hình thức nhiều, qua loa, sau khi được chấp thuận chủ trương mới thực hiện một cách thực tế, lúc đó lại mất thời gian làm lại, sửa đi sửa lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian.

ĐBQH Vũ Trọng Kim.
Về giải phóng mặt bằng, theo ông đây là câu chuyện muôn thuở, nếu các quy định về đất đai chưa giải quyết được triệt để, vì vẫn bị vướng mắc về nguồn gốc đất, giá đền bù, tranh chấp, ý thức người dân... làm chậm tiến độ. Ngoài ra là công tác đấu thầu, không được bố trí vốn đối ứng... Riêng năm 2021, có thêm nguyên nhân là bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, phải giãn cách xã hội ảnh hưởng đến nhiều vấn đề về nguyên vật liệu, thiếu nhân công lao động, chi phí tăng cao...
Nêu giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, công tác này cần thực hiện tốt hơn, quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn các Nghị quyết của chính phủ. Tổ công đặc biệt của Thủ tướng cần phát huy tinh thần để tháo gỡ vướng mắc. Bộ cũng đang rà soát, xem có vướng mắc gì trong Luật hay không để đề xuất sửa...
ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đề cập đến tình trạng 162.000 ha đất "bẩn" do người Việt Nam "núp bóng" mua cho người nước ngoài và chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên cả nước, trong đó có 63.000 ha đất khu vực biên giới, ven biển từng được nêu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
"Đây là việc làm không đúng quy định, vi phạm Luật đất đai, không chính danh, không đúng đối tượng vì mua giùm, mua thay. Bộ KH&ĐT đã tiến hành kiểm tra, giám sát như thế nào, Bộ cần tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Luật đất đai, sửa đổi Luật Đầu tư, nếu không để như vậy sẽ không đảm bảo cho quá trình phát triển của đất nước thời gian tới", đại biểu chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là vấn đề rất lớn mà ông chưa có điều kiện nắm rõ một cách chính xác tình hình thực tế ở các địa phương này ra sao.
"Với trách nhiệm của mình, Bộ KH&ĐT sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ có các chính sách để quản lý đất đai do các nhà đầu tư nước nước ngoài "núp bóng" doanh nghiệp Việt Nam thâu tóm, chiếm giữ, đặc biệt ở các vùng ven biển, sát biên giới - vùng hết sức nhạy cảm", Bộ trưởng trả lời, ghi nhận, đánh giá cao ý kiến của đại biểu và xin phép sẽ nghiên cứu, tìm hiểu, báo cáo Quốc hội sau.

 

Tác giả bài viết: Quỳnh Vinh (Theo Báo CAND)