Nhật ký làm căn cước công dân Cho đồng bào các dân tộc vùng cao, biên giới

Nhật ký làm căn cước công dân Cho đồng bào các dân tộc vùng cao, biên giới
- Ngày 18/3/2021 Sáng nay là ngày đầu tiên mình tham gia chiến dịch cấp căn cước công dân trên địa bàn huyện Điện Biên. Ngay từ chiều qua, lãnh đạo Công an huyện đã họp, phân công 06 tổ công tác, mỗi tổ gồm 12 đồng chí, tỏa đi 06 địa bàn trong huyện để triển khai thực hiện chiến dịch. Đích đến hôm nay của tổ mình là xã Phu Luông, huyện Điện Biên.
- Ngày 18/3/2021
 Sáng nay là ngày đầu tiên mình tham gia chiến dịch cấp căn cước công dân trên địa bàn huyện Điện Biên. Ngay từ chiều qua, lãnh đạo Công an huyện đã họp, phân công 06 tổ công tác, mỗi tổ gồm 12 đồng chí, tỏa đi 06 địa bàn trong huyện để triển khai thực hiện chiến dịch. Đích đến hôm nay của tổ mình là xã Phu Luông, huyện Điện Biên.
Phu Luông là một xã biên giới giáp với nước bạn Lào, cách trung tâm huyện Điện Biên khoảng 70km, và cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 102 km, có địa hình phức tạp.
Anh em trong tổ mình đều là dân thành phố Điện Biên Phủ, nên hẹn nhau 5 giờ sáng tập trung tại trụ sở Công an tỉnh rồi cùng xuất phát. Tính toán tầm 11 giờ là có mặt tại UBND xã Phu Luông.  
Tháng 3, buổi sáng, trời vẫn còn se se lạnh.
Hôm trước đã phân công nhau rồi, nên hôm nay ai nấy đã sẵn sàng nào mì tôm, gạo, mắm muối, nào máy móc, nào dây điện, nào ổ điện, ba lô quần áo… Tất cả đều chất lên xe máy, mỗi người đèo một ít - chuẩn bị cho một chuỗi hành trình dài ngày tại các xã vùng cao, biên giới.
Đi được khoảng ba tiếng, trời đất bỗng tối um, gió cuộn bay mù mịt. Anh Hưng – Người được phân công làm tổ trưởng, hô lớn: “ Sắp mưa to rồi đấy, anh em xem chắn giữ cẩn thận máy móc, phương tiện nhé, không có mưa ướt là hỏng hết!”.
Giữa đồng không mông quạnh chẳng biết trú vào đâu. Tất cả đều dừng lại, lấy thêm áo mưa đã thủ sẵn quấn quanh đồ đạc trong tiếng gào rú của gió rừng và những hạt mưa xối xả. Cơn mưa rừng bất chợt, làm anh em không kịp trở tay.
Con đường lên xã Phu Luông giờ đã được bê tông hóa phẳng phiu, thỉnh thoảng có đôi chỗ đất đá lởm chởm, rải rác đường cấp phối. So với những năm trước thì đường bây giờ đẹp hơn nhiều. Trước đây, đường lên Phu Luông toàn đường đất, nếu chẳng may mưa lớn, thì việc đi lại ở đây quả là một cực hình. Cô bạn tôi, từng là giáo viên cắm bản trên đây, đã bao lần dở khóc, dở cười kể lại những chuyến đi bão táp khi lên Phu Luông mà gặp cảnh trời mưa. Đất đồi núi quyện với nước mưa tạo nên một thứ hỗn hợp sền sệt, dính bết, cuốn lấy bánh xe làm cho không ai tài nào đi được, trừ có dắt bộ, mà dắt bộ cũng khổ vì đường trơn trượt, giầy dép và xe như được nhào nặn, bồi thêm hàng chục kg bùn đất.
Như dự kiến, tầm hơn 11 giờ chúng tôi đã có mặt tại UBND xã Phu Luông. 3 đồng chí Công an cắm xã và đồng chí Chủ tịch xã đang có mặt ở đấy.
Anh em đưa xe tấp vào chỗ có mái che ở sân, dỡ đồ đạc. Quần áo ai cũng ướt mèm. May quá đồ đạc không sao, thế là yên tâm rồi.
Sau khi máy móc được đưa vào trụ sở xã cất cẩn thận. Đồng chí Chủ tịch xã bảo chúng tôi: “ Tôi và anh em Công an xã đã liên hệ cho các đồng chí ở 3 nhà dân, cứ 04 người ở một nhà”. Nói rồi ông cùng anh em Công an xã đưa từng nhóm chúng tôi đi.
Nhóm  tôi – 04 người được đưa vào nhà một người Thái. Nhà có 08 người, gồm 02 vợ chồng chủ nhà, 05 đứa con (đứa lớn 15 tuổi, đứa bé nhất 02 tuổi) và 01 bà cụ - là mẹ ông chủ nhà.
Căn nhà sàn lợp ngói cũ kĩ, chật chội, nền sàn lát bằng gỗ ọp ẹp, đi trên mặt sàn mỗi bước chân đều phát ra tiếng cót két, đây đó đã nhuốm màu rêu phong.
Tổ trưởng Hưng hỏi ông Chủ tịch xã: Không có chỗ nào khá hơn chút à anh? Chỗ này chật quá, anh em những tận 04 người.
Ông Chủ tịch xã lắc đầu: “Tôi với mấy anh công an xã đã rà hết rồi, nhà dân nào được nhất là đưa các anh đến, chỗ này lại gần trụ sở UBND xã nên các anh sẽ tiện đi lại hơn”.
Phu Luông là một trong những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên, được nhà nước hỗ trợ đầu tư theo Chương trình 135. Nên phần lớn đời sống nhân dân còn rất nghèo nàn và lạc hậu. Gần như 100% đồng bào ở đây thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Phí làm căn cước công dân gắn chíp điện tử ở đây được nhà nước miễn 100% cho bà con.
Sau một hồi do dự, 04 chúng tôi quyết định xin gia chủ được tổ chức nấu ăn, ở dưới ngay gầm nhà sàn của họ.
Buổi chiều chúng tôi dọn dẹp gầm sàn sạch sẽ, trải 04 cái chiếu đơn đã mang sẵn. Bếp thì kê tạm bằng 8 viên gạch bố trí ở góc vườn, củi thì lên đồi tự kiếm, nồi xoong đã chuẩn bị sẵn. Vậy là có chỗ ăn, ở “đàng hoàng” rồi. Toàn đàn ông với nhau nên mọi thứ hết sức đơn giản.
Đêm đầu tiên ở Phu Luông, tôi không sao chợp mắt được, người ngứa rinh rích vì bị bọ chó cắn, mùi chuồng gà, chuồng vịt, cộng với mùi âm ẩm của đất bốc lên… tạo thành một thứ mùi đặc trưng khiến tôi thấy nôn nao.
 
- Ngày 19/3/2021
 Chuông đồng hồ báo thức, 4h30. Chúng tôi bật dậy như cái lò so, nhanh chóng đun nước, úp mì tôm ăn để kịp 05 giờ bắt đầu công việc tại UBND xã. Gia đình chủ nhà cũng đã lục tục thức dậy từ bao giờ. Anh em đang xì xụp úp mì tôm ăn, thì thấy 2, 4 rồi 6 con mắt đang ròm ròm nhìn mình từ dưới chân cầu thang nhà sàn – Đấy là 03 đứa con bé nhất của anh chủ nhà.
Anh Hưng tổ trưởng vẫy tay: “ này, mấy đứa ăn mì tôm không? Ra đây chú làm cho”. Vừa kịp dứt lời thì cả 3 đứa chạy lại. Chúng tôi nhường cho 3 đứa 3 bát mì đã úp sẵn, còn mình làm bát khác. Nhìn 3 đứa trẻ ăn một cách ngon lành, tôi hỏi: “ Có biết đây là cái gì không?” - cả 3 đứa lắc đầu. “Mì tôm đấy! ăn có ngon không?” - cả 3 đứa gật gật. Chúng cho biết đây là lần đầu tiên chúng được ăn “món này”.
Buổi sáng, gia đình ông chủ thường nhịn đói, 5h cả nhà cùng đi làm nương, chỉ có mỗi bà cụ và 01 đứa bé nhất ở nhà. Ngày họ chỉ có 02 bữa: bữa trưa và bữa tối. Cuộc sống lam lũ nên nhìn vợ chồng anh chủ nhà mới 40 tuổi mà trông như đã 60.
Bữa sáng xong xuôi, mấy anh em túc tắc đi bộ ra UBND xã cách đấy khoảng mấy chục mét. Mới có 05 giờ, trời vùng cao còn đang bảng lảng sương mù, vậy mà đã thấy người dân đứng chen chúc nhau từ bao giờ. Quần áo, trang phục rực rỡ sắc màu.
- Chào bà con! Chúng tôi chẳng ai bảo ai  đồng loạt cất tiếng chào thật to.
Đây đó tiếng bà con cũng râm ran chào lại: “Chào các cán bộ nhé!”
Anh Hưng, đội trưởng thông báo: “ Đề nghị bà con xếp hàng trật tự theo thứ tự, ai đến trước, làm trước, ai đến sau, làm sau”. Anh nói xong, 02 đồng chí Công an xã người Khơ Mú, người Lào tiếp tục phiên dịch ra tiếng Khơ Mú, tiếng Lào cho đồng bào dễ hiểu. Mọi người đứng xếp hàng ngay ngắn và kì lạ thay họ hết sức giữ trật tự.

 
 
Với 15 người (gồm cả 03 đồng chí Công an xã) trong một tổ, chúng tôi chia ra làm 3 ca để làm CCCD. Ca 1 sẽ bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Ca 2 từ 12 giờ trưa đến 19 giờ tối. Ca 3 sẽ tiếp tục làm từ 19 giờ tối đến khi hết người làm CCCD thì thôi.
Theo trao đổi của đồng chí  Nguyễn Thanh Phương - Trưởng Công an xã Phu Luông, thì Phu Luông có 527 hộ = 2.279 nhân khẩu. Có 05 dân tộc cùng sinh sống gồm: Thái, Lào, Mông, Khơ Mú và Kinh. Với hệ thống máy của 1 tổ, một ngày chúng tôi có thể tiếp nhận khoảng 350 đến 400 hồ sơ. Tính sơ sơ, để cấp hết căn cước công dân cho bà con của xã, chắc cũng phải làm cật lực ngót ngét 5 ngày.
- Ngày 20/3/2021.
Ca của tôi hôm nay sẽ làm từ 19 giờ tối đến khi nào không còn ai làm nữa thì thôi. Buổi tối người dân vẫn tập trung đông đảo, háo hức chờ đến lượt mình. Buổi chiều, nghe kể lại có cụ già người Khơ Mú, tự đi bộ hơn 40km về trung tâm xã làm CCCD, mà mình nể phục quá. Cụ hơn 70 tuổi, đi bộ từ nhà là 3 giờ sáng, 4 giờ chiều là đến UBND xã, nhìn cụ mồ hôi mồ kê đầm đìa, ai thấy đều thương nên nhường cụ làm trước. Làm xong cụ bảo: “ Giờ tao lại về bản đây!”. Tuổi già sức yếu, thấy thương cụ quá, mấy anh em bảo nhau bỏ tiền túi thuê một ông xe ôm trở cụ về tận bản.
Đang mải nghĩ đến chuyện buổi chiều, bỗng tiếng trẻ sơ sinh khóc ré lên, mọi người đều quay lại.
“Trời ơi, sao con còn đỏ hỏn thế này, lôi nó đến đây làm gì?” - Tiếng đồng chí Thanh, người làm cùng ca với tôi.
Người phụ nữ đang ôm nựng đứa con, vừa vỗ nhẹ vào mông nó, vừa đu đưa cánh tay  vỗ về đứa trẻ, vừa trả lời: “ Em vừa đẻ được 3 hôm, nhà chẳng có ai trông cháu nên đành mang cháu đi theo. Nhà em cách đây 10 cây ạ”.
Anh Hưng đội trưởng thấy vậy bảo: “ Đề nghị bà con thông cảm cho trường hợp này nhé, chúng tôi ưu tiên làm cho chị này trước để 2 mẹ con còn về, cháu bé còn non quá!” -  Nói rồi anh đưa tay đón lấy đứa bé, 1 tay thì bế nó, 1 tay gõ trên bàn phím điền các số liệu, để chị kia tranh thủ làm thủ tục tờ khai, lăn tay và chụp ảnh.
Đứa bé thấy hơi lạ càng khóc ré lên, anh Hưng đứng dậy, vừa rung rung đôi bàn tay bế đứa bé, vừa cất lên lời hát ru mềm mại, trầm ấm :
 “ À ơi, con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non
Cò về nuôi cái cùng con….”
Anh cứ hát ru như thế, mãi rồi đứa bé chẳng chịu nín, mẹ nó trông càng sốt ruột, sau khi hoàn tất các nội dung, vội vàng chạy nhanh ra đón đứa bé về.
Ở Phu Luông, mật độ dân số khoảng 15 người/ km2, dân cư thưa thớt, đồng bào đa phần thuộc diện hộ nghèo. Để đi làm CCCD, ai cũng thấy mang theo mình một gói cơm nắm, tranh thủ lúc đói giở ra ăn, chờ đợi đến lượt mình. Nhìn gói cơm nắm trắng tinh với vài hột muối, ai sang hơn thì có thêm tí vừng lạc mà anh em CBCS trong tổ ai nhìn thấy cũng xót xa.
Bây giờ đồng bào đã về hết, ca tối cũng đã hoàn thành nhiệm vụ, ngó đồng hồ đã 2 giờ 30 phút sáng. Chúng tôi bàn giao lại các hồ sơ đã thu thập (cả hồ sơ trên giấy và trên phần mềm) cho đồng chí Giang - Công an huyện Điện Biên để kiểm tra, căn chỉnh, đối chiếu, xử lý thông tin, sau đó gửi về Bộ Công an. Đồng chí Giang hôm nào xong công việc của mình cũng phải 5, 6 giờ sáng. Hầu như chẳng đêm nào được ngủ.
- Ngày 21/3/2021 – Ngày nảy sinh phát kiến mới: Cách lấy dấu vân tay mờ, vân tay không rõ ràng
Đồng bào xã Phu Luông, nhiều người không biết chữ phổ thông. Với những người không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông, chúng tôi phải nhờ anh em phiên dịch hộ, lấy thông tin cá nhân để rồi tự viết hộ họ vào hồ sơ, sau khi đối chiếu cẩn thận, yêu cầu họ điểm chỉ.
Đồng bào hầu hết làm nương, rẫy, công việc vất vả, nặng nhọc nên theo năm tháng, vân tay cũng mòn đi, nhất là những cụ già. Có cụ lăn mãi mà máy  không nhận. Rất mất thời gian, chậm cả tiến độ đề ra. Vụ này làm anh em rất đau đầu, không nghĩ ra cách nào để khắc phục. Mà những trường hợp vân tay mờ, vân tay không rõ ràng nhiều lắm.
Sau khi ca tối hoàn thành, dù đã rất muộn, nhưng mấy anh em trong tổ vẫn họp nhau lại bàn bạc xem cách khắc phục việc trên thế nào.
Vân -  Trung úy, đứa nhỏ tuổi nhất trong tổ kêu ca: “Trời ơi, em khát khô cả cổ họng mà không có lúc nào đứng lên để uống nước được, đồng bào cứ hết lượt này, lại đến lượt khác vào làm CCCD, nên buộc mình phải cuốn theo để làm cho kịp”. Nói rồi nó chạy vào góc nhà UBND xã – nơi để cái tủ lạnh bé xíu, lấy ra 01 cục đá bỏ tỏm vào mồm: “ Ôi khát nước quá không biết!”  Nó lại lấy một viên đá nữa, xoa xoa vào 2 lòng bàn tay.
Thấy thế anh Hưng đội trưởng quát – Này! Đang bảo bàn chuyện lấy cái vân tay, sao mày không ra đây tập trung cơ chứ! Ra đây đi!
Thằng bé, nghe thấy thế, vụt chạy lại, ngồi thụp xuống chiếu: “Này! Các anh nhìn xem, tay em vừa sờ vào đá vân tay tự nhiên dúm lại, có vẻ nổi rõ hơn chưa?”. Nó xòe bàn tay cho mọi người xem. Ừ nhỉ? Rõ hơn thật, vân tay rõ hơn thật!
Anh Hưng dơ tay phát bốp một cái vào đùi: “ ừ, thế là có cách rồi đấy. Từ mai anh em mình chuẩn bị một thùng đá nhé, ai vân tay mờ, không rõ, khó lấy, cho lăn vào đá lạnh trước, rồi mới lăn máy”.
Cả tổ khoái chí, với phát minh này, thầm cảm ơn Vân. Đâu đó trong cuộc sống nhiều khi tồn tại những phát kiến hết sức tình cờ.
Tối đó ai về ngủ cũng say, để chuẩn bị tinh thần và sức khỏe cho một sáng làm việc tiếp theo.
- Ngày 22/3/2021 – Ngày đầu tiên thực hiện biện pháp lấy dấu vân tay mờ, không rõ bằng cách chườm đá, đồng thời là ngày cuối cùng tại Phu Luông
Hôm nay, đồng bào đến làm CCCD có vẻ ít hơn. Đại úy Nguyễn Thanh Phương – Trưởng Công an xã nhẩm tính: “ Còn ngót ngét gần trăm hồ sơ nữa là xong đấy, anh em mình cố nốt hôm nay nữa là hoàn thành nhiệm vụ”.
Một xô đựng đá nhỏ được anh em để sẵn bên cạnh nơi lấy dấu vân tay. Hôm nay, chẳng biết kiểu gì mà đồng bào đến làm CCCD ai cũng mờ dấu vân tay, rất khó lấy. Đã sẵn có biện pháp chuẩn bị, chúng tôi đưa vào áp dụng luôn. Thật như một phép mầu, sau khi chà tay vào đá lạnh một lát, toàn bộ số người mờ dấu vân, dấu vân không rõ ràng, khi lăn tay trên máy đều hết sức rõ nét.

 
Chúng tôi đùa nhau: “vụ này, có khi phải đem ra phổ biến kinh nghiệm trong toàn quốc, em Vân dễ mà được Ban Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng đột xuất vì có sáng kiến hay”.
Khoảng 19 giờ tối, không còn bóng dáng người dân nào trong trụ sở UBND xã Phu Luông, đại úy Phương kiểm đếm lại số hồ sơ đã hoàn thiện, nói: “vậy là sau 05 ngày miệt mài, vất vả, tích cực, khẩn trương, tổ công tác làm CCCD tại Phu Luông đã hoàn thành nhiệm vụ. Tối nay, anh em mình xem làm tí gì cay cay để chia tay nhỉ. Tôi có 02 con gà rồi, dân vừa cho sáng nay, họ bảo thấy thương cán bộ quá, cho anh em để cải thiện”.
Buổi tối, anh em quây quầy tại điểm nhà anh người Thái – nơi nhóm của chúng tôi đang ở. Chúng tôi mời cả chủ tịch xã, 08 người trong gia đình anh người Thái. Đồ ăn chỉ có 02 con gà, ít mì tôm nấu với nước dùng gà, rau cải hái nhà anh chủ nhà, mấy con cá khô chúng tôi mang theo từ trước, một nồi cơm trắng, thế mà vui, ai cũng ngà ngà đến tận sáng hôm sau.
- Ngày 23/3/2021 – Ngày đầu tiên ở Mường Lói
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ làm CCCD ở Phu Luông, ngay ngày hôm sau, chúng tôi nhận được lệnh di chuyển đến Mường Lói – cũng là một xã biên giới thuộc diện nghèo nhất cả nước.
Mường Lói cách Phu Luông chỉ khoảng 12km. Là địa bàn rộng, từ trung tâm xã đến bản xa nhất khoảng 40 km. Về mùa mưa lũ, các đường đi lại đều sạt, lở, khó khăn cho việc đi lại từ các bản về trung tâm xã. Dân số với 2.422 nhân khẩu, 475 hộ, gồm 03 dân tộc: Lào, Khơ Mú, Mông. Xã Mường Lói có 08 thôn bản, 02 trường học, nhân dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, tỷ lệ hộ nghèo = 188 hộ, hộ cần nghèo: 137 hộ. Như vậy già một nửa dân số của xã Mường Lói là nghèo và cận nghèo.
 Để truyền đạt thông tin đến người dân về việc làm CCCD  là một việc hết sức khó khăn và không kém phần gian nan vì Mường Lói có đến 06 bản không có điện lưới quốc gia, 05 bản không có sóng điện thoại.
Cách đây khoảng 1 tuần, Chủ tịch xã đã phải họp với 08 ông trưởng bản, thông báo, thống nhất về ngày giờ Công an sẽ đến xã làm CCCD cho bà con. Sau cuộc họp, Trưởng bản sẽ có trách nhiệm đến từng hộ dân thông báo (đối với bản không có điện lưới quốc gia), còn những bản có điện lưới thì chỉ cần ông Trưởng bản thông báo trên loa phóng thanh là xong.
Chúng tôi  tổ công tác hôm nay rút lại còn 09 đồng chí (03 đồng chí bị điều sang làm ở xã Mường Nhà), kết hợp với 03 đồng chí Công an xã Mường Lói tiếp tục chia thành các ca để làm  giống như đã làm ở xã Phu Luông.
 

Lần này, tổ công tác chúng tôi không được bố trí ở trong nhà dân nữa, ông Chủ tịch xã bảo, thôi bố trí cho anh em ăn, ở luôn trong trụ sở xã cho tiện.
Vừa đặt chân đến Mường Lói là 6h, trời vẫn còn nhá nhem tối, sương sớm vẫn còn giăng mắc quanh sân, nhưng anh em trong tổ cho triển khai công việc ngay.
Bà con được thông báo trước đó hàng tuần, cũng đã có mặt khá đông. Bà con ở Mường Lói cũng như bà con ở Phu Luông đa phần là những hộ nghèo. Người nghèo bao giờ cũng biết lo xa, nên ai nấy đến làm CCCD đều mang theo một bọc cơm nắm. Dân Mường Lói đồng bào ít người biết tiếng Kinh, nên việc tìm và làm dịch giả để chuyển thể từ tiếng Kinh sang tiếng Khơ Mú, tiếng Mông, tiếng Lào khi anh em trong tổ muốn tuyên truyền hoặc giải thích các nội dung liên quan đến vấn đề CCCD cũng hết sức vất vả. Chúng tôi phải trưng dụng 03 cán bộ xã để làm việc này.
Anh Tẩn A Minh (sinh năm 1988), thường trú ở bản Lói, xã Mường Lói cho biết: “ Đi làm CCCD để vay tiền ngân hàng cho tiện.Tới đây tao muốn vay tiền để mua một con bò kéo. Cán bộ nó tận tình quá, nó hướng dẫn tao làm nhanh”. Không khí làm việc ở Mường Lói hết sức khẩn trương, mỗi người mỗi việc. Chúng tôi, người thì tiếp nhận hồ sơ, người thì lăn tay, người nhập dữ liệu, chụp ảnh…Tuy nhiên máy móc nhiều khi trục trặc, không chiều lòng người, lúc thì máy thu nhận vân tay khó nhận dạng, khi thì đường truyền chậm dữ liệu, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ. Điện lưới thì phập phù, mỗi lúc mất điện lại phải khởi động lại máy, mất bao nhiêu thời gian của người dân. Với phương châm: “ Không để ai phải ra về mà chưa được làm thủ tục” nên chúng tôi tranh thủ từng phút , từng giây cho bà con.
Hôm qua, vợ đồng chí Hạnh trong tổ gửi theo xe của anh em lên Phu Luông công tác một ít bánh mì , rau xanh và mấy chục quả trứng gà. Trưa nay cả tổ chúng tôi được đổi món. Mấy anh làm ca sáng, đến gần 12 giờ trưa phải tranh thủ vừa ăn bánh mì, vừa làm. Chúng tôi hết sức nỗ lực để làm sao trước 1/7/2021 hoàn thiện mục tiêu Bộ Công an giao cho Công an  tỉnh Điện Biên 411.000 CCCD.
….  Ngày 14/5/2021- Ngày đầu tiên đặt chân đến Huyện Nậm Pồ
Nhiệm vụ làm Căn cước công dân trên địa bàn huyện Điện Biên cơ bản đã hoàn thành. Hôm nay, tổ chúng tôi lại được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia chiến dịch cấp Căn cước công dân trên địa bàn huyện Nậm Pồ.
Nậm Pồ được thành lập năm 2013 trên cơ sở chia tách 10 xã của huyện Mường Nhé: Pa Tần, Chà Cang, Nà Khoa, Nà Bủng, Nà Hỳ, Na Cô Sa, Nậm Tin, Nậm Nhừ, Nậm Chua, Vàng Đáng  và 5 xã của huyện Mường Chà: Chà Tở, Nậm Khăn, Chà Nưa, Si Pa Phìn, Phìn Hồ.
Huyện Nậm Pồ có 15 đơn vị hành chính cấp xã, thì cả 15 xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ đói nghèo cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc ít người. Toàn huyện có 8/15 xã giáp biên với hơn 120km đường biên giới giáp Lào. Là một huyện nghèo nhất của tỉnh Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 56% (số liệu năm 2019).
Si Pa Phìn là điểm đầu tiên của huyện Nậm Pồ mà chúng tôi đặt chân đến. Giữa những ngày tháng 5 “rực lửa” – gọi là “rực lửa” vì đúng vào thời điểm nắng nóng cục bộ. Những cơn gió Lào cộng với cái nắng gay gắt của miền biên ải chẳng khác gì chảo lửa xối vào mặt, vào đầu. Ngồi trong ngôi nhà lợp mái tôn làm việc mà mồ hôi cứ thánh thót rơi, mặc dù bên cạnh có chiếc quạt máy.
Giữa vùng đồi núi trùng điệp, mở mắt ra là thấy rừng, thấy suối, đất đai thì nhiều nhưng chẳng thể canh tác, phải cố gắng lắm cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào mới đủ ăn. Cuộc sống mưu sinh khó khăn, không tích lũy, nên hầu như cái gì ở đây cũng chỉ là tạm bợ.
Ở Si Pa Phìn, chúng tôi được chính quyền xã bố trí cho làm căn cước công dân ngay tại  trụ sở UBND xã. Thời tiết oi nồng, nắng nóng, chỉ ngồi một chỗ thôi đã cảm thấy mệt rồi. Anh em chẳng ai bảo ai, tích cực, khẩn trương, mỗi người một việc, sẵn kinh nghiệm làm ở nhiều địa bàn trên huyện Điện Biên nên chúng tôi ai nấy đều như một dây chuyền sản xuất đang vào guồng, cùng nhau đẩy nhanh tiến độ trong sự nỗ lực chung để dân khỏi chờ đợi.
Đang say sưa thực hiện nhiệm vụ, anh Hưng - Tổ trưởng nhận được điện thoại, nhìn nét mặt anh chuyển dần sắc thái từ bình thường sang căng thẳng, thảng thốt, tôi biết chắc có chuyện chẳng lành. Nghe xong điện thoại, anh đứng dậy ghé tai tôi nói nhỏ: “Dưới tỉnh gọi lên, đang có 1 ca dương tính Covid – 19 có lịch sử dịch tế liên quan tới địa bàn xã Si Pa Phìn”. “Hả???” – Tôi há hốc mồm.
Chúng tôi nhìn nhau trong lo lắng, rồi lướt nhìn một lượt xung quanh: đồng bào tôi, người thì đứng, người thì ngồi, vẫn đảm bảo giãn cách, nhưng trông ai cũng nhễ nhại mồ hôi, bơ phờ vì chờ đợi suốt cả buổi mệt mỏi trong cái nắng vùng biên cương. Thôi, thông báo cho bà con về vậy.
Anh Hưng, đứng trước bà con dõng dạc: “ Thưa bà con, theo thông tin tôi vừa nắm được, hiện có 1 ca dương tính với covid – 19 có liên quan đến địa bàn xã nhà, nên việc làm căn cước công dân hôm nay sẽ phải hoãn lại. Đợi khi nào tình hình dịch bệnh ổn định, chúng tôi sẽ thông báo để đồng bào tiếp tục làm ạ. Đồng thời, cũng yêu cầu bà con, chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, hạn chế đến các địa điểm đông người, khai báo y tế trung thực, vệ sinh cá nhân, khử khuẩn”.
Sau buổi sáng hôm đấy, chúng tôi được lệnh tiếp tục ở lại xã Si Pa Phìn phối hợp cùng CBCS Công an huyện Nậm Pồ chống dịch. Chẳng ai ngờ được tình thế lại có thể xoay chuyển đột ngột thế này. Bao nhiêu quyết tâm hừng hực từ đầu về cố gắng đạt chỉ tiêu làm căn cước công dân của cấp trên giao, giờ đành tạm gác lại.
Ngay ngày hôm đó, chúng tôi bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ, thời gian gấp gáp, không cho một ai chậm chễ, bởi chậm một bước là dịch bệnh sẽ lan rộng ra, khó bề kiểm soát. Chúng tôi được bổ sung vào các đội truy vết, cùng phối hợp với anh em Công an xã, bên y tế huyện, y tế xã, khẩn trương truy vết các F có liên quan đến ca bệnh trên địa bàn xã Si Pa Phìn.
Do lịch trình dày đặc của F0 trên địa bàn, nên quá trình truy vết phát hiện rất nhiều F1, F2, sợ nhất là ca bệnh này lại liên quan trực tiếp đến trường học (Trường Tiểu học bán trú Tân Phong, xã Si Pa Phìn) - nơi có đông học sinh và giáo viên. Theo quy định, cứ F1 là phải cho cách ly tập trung ngay.
Một nơi yên bình, xa xôi, heo hút, vùng biên cương của Tổ quốc, ít người đặt chân đến, chẳng ai nghĩ cái con virut corona kia có thể mò lên đây…Vậy mà…, đúng là mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Cuộc sống Si Pa Phìn vốn yên bình là thế, vậy mà giờ đây khi cơn bão Covid đi qua, mọi thứ đều bị đảo lộn. Nhiều gia đình trở thành F0, nhiều gia đình đi cách ly gần hết, cuộc sống đã vốn khó khăn, khổ sở giờ lại chồng chất thêm những khó khăn. Nhiều gia đình, bố mẹ đi làm ăn xa, khi biết tin con, biết tin người thân có liên quan đến các ca nghi nhiễm, khi về được đến nhà thì con cái, người thân đã phải đi cách ly rồi, chẳng kịp gặp nhau, chẳng kịp dặn dò, động viên nhau.
 Có một câu chuyện cảm động mà anh em chúng tôi trong nhóm làm Căn cước công dân ở xã  Si Pa Phìn biết được, đó là ngày 17/5/2021, trên facebook cá nhân của cô giáo Tươi  - Trường tiểu học bán trú Tân Phong, Si Pa phìn (có nick name là CUC BONG) – cô giáo được xác định là F0, có viết bài nhờ cộng đồng mạng  tìm hộ con gái đang học lớp 3a1, tên Thủy Tiên, tên ở nhà gọi là Bông, cháu thuộc diện F1 phải đưa đi cách ly tập trung – sau này cũng trở thành F0. Cô giáo không biết hiện con mình đang cách li ở nơi đâu, muốn nhắn nhủ con bao điều trước khi mẹ được đưa về chữa bệnh tại  Bệnh viện Dã chiến thành phố Điện Biên Phủ. Mãi rồi nhờ cộng đồng mạng mới biết con mình đang cách ly ở xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ.          
Gần 2h sáng ngày 19/5/2021 anh em sau 3 ngày mệt mỏi với công tác truy vết, phòng chống dịch giờ mới được gặp nhau. Anh Hòa – cùng đội làm căn cước công dân đưa cho tôi một bài thơ bảo: “ cậu đọc cho mọi người xem thế nào!”.
Người chưa bao giờ làm thơ – mà bỗng dưng lại sáng tác được thơ, lại còn hay nữa , thấy thật lạ. Ngẫm ra, nhiều khi trong khó khăn, hoạn nạn con người ta lại tự phát hiện ra những khả năng tiềm ẩn của bản thân mà trước đây trong cuộc sống bình thường chưa bao giờ có được. Tôi đem bài thơ này ra đọc cho cả đội nghe, nghe xong ai cũng nước mắt rưng rưng. Nội dung bài thơ ấy như sau:
“ Gửi tặng bạn Cúc Bông”
 
Chiều qua nghe tin dữ
Si Pa Phìn xa xôi
Giặc Covi đến phá
Nước mắt tràn lên môi
 
Có gia đình cô giáo
Cả nhà đều F0
Con gái tên bé Bông
Mới vừa tròn 9 tuổi
Mẹ cách ly một chỗ
Con cách ly một nơi
Mẹ gọi hoài chẳng thấy
Tìm con trong chơi vơi…
 
Có gia đình 9 khẩu
7 người đi cách ly
Còn 2 người ở lại
Khóc than suốt đêm dài
 
Lớp học vui là thế
Y, Ô …cô dạy em
Chỉ vừa qua một đêm
Giờ thành khu  y tế
 
Lặng im nghe em kể
Nỗi buồn nơi rẻo cao
Nơi đói nghèo nhất nước
Mà lòng thấy nao nao
 
 Em ơi, cố lên nào!
Ta cùng nhau chống dịch
Quyết tâm ta sẽ thắng
Vào một ngày không xa
Cuộc đời lại nở hoa
Để em vui tới lớp”
 
Cuộc sống của đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Chiến dịch cấp căn cước công dân được Công an tỉnh Điện Biên triển khai, thực hiện đã giúp cán bộ chiến sỹ chúng tôi có được cơ hội về với dân, được gần dân hơn, được thực tế chứng kiến tận mắt và hiểu thêm những khó khăn, vất vả mà những người dân nơi biên cương cực Tây của Tổ quốc đang phải từng ngày vật lộn, đối mặt. Cũng chính chiến dịch này giúp chúng tôi trưởng thành hơn, hiểu sâu sắc hơn về lòng dân, nâng cao hơn kỹ năng ứng xử, giao tiếp với nhân dân, từ đó thấy mình phải có trách nhiệm làm tròn bổn phận hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Căn cước công dân gắn chíp điện tử có nhiều ưu điểm về bảo mật, lưu trữ thông tin, tạo thuận lợi cho người sử dụng, góp phần phục vụ đắc lực công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới nền Chính phủ số, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của cả nước, và đây là xu hướng tất yếu trong việc phát triển xã hội hiện nay.
Cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp,  Những CBCS Công an tỉnh Điện Biên vừa phải tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bênh covid – 19, vừa phải thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, ngành, nhân dân giao phó, trong những nhiệm vụ ấy có nhiệm vụ hoàn thành các chỉ tiêu Bộ Công an giao về số lượng cấp căn cước công dân. Với lòng quyết tâm của mỗi CBCS, tôi tin chiến dịch này chúng ta sẽ nhất định sẽ thành công, căn cước công dân sẽ sớm được phát đến tận tay bà con và hơn hết cả chúng ta sẽ sớm ca khúc khải hoàn khi lần thứ 4 chiến thắng giặc Covid - 19./.
 
                                           

Tác giả bài viết: Phạm Thị Thúy Hằng - Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an tỉnh Điện Biên

Nguồn tin: congan.dienbien.gov.vn