Tăng cường công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống khủng bố

Tăng cường công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống khủng bố
Vừa qua, Đoàn công tác Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh đã tiến hành kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống khủng bố tại các đơn vị Sở VHTT&DL, Sở TT&TT, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Điện Biên, UBND TP Điện Biên Phủ và UBND huyện Nậm Pồ.
Vừa qua, Đoàn công tác Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh đã tiến hành kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống khủng bố tại các đơn vị Sở VHTT&DL, Sở TT&TT, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Điện Biên, UBND TP Điện Biên Phủ và UBND huyện Nậm Pồ.

Đoàn công tác Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh đã tiến hành kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống khủng bố tại Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên.

 

Hiện nay, công tác phòng, chống khủng bố là nhiệm vụ hàng đầu trong bảo vệ an ninh quốc gia ở nước ta nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng, mặc dù chưa xảy ra các vụ việc liên quan đến khủng bố, nhưng những biểu hiện của các hoạt động tội phạm gần đây cũng tiềm ẩn mầm mống, nguy cơ khủng bố. Đặc biệt, lợi dụng chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, một số đối tượng trong nước đã liên lạc, móc nối với một số tổ chức nước ngoài liên quan đến khủng bố, hoạt động ly khai, tự trị.

Xuất phát từ vị trí trung tâm hành chính, kinh tế của tỉnh, nơi có nhiều công trình trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa, nhiều dự án lớn đang triển khai từng bước làm thay đổi diện mạo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Thành phố Điện Biên Phủ cùng với Sở VHTT&DL, Sở Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Điện Biên - những ngành có tính chất đặc thù, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực mà các đối tượng phản động, phần tử xấu, các loại tội phạm triệt để lợi dụng, khai thác thành tựu công nghệ cao, mạng internet, mạng xã hội để chống phá, kích động, tuyên truyền, lôi kéo, lừa đảo đã và đang là những mục tiêu nhắm đến của các đối tượng phạm tội khủng bố.

Đoàn công tác Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh đã tiến hành kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống khủng bố tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

 

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các công trình quan trọng mang ý nghĩa, tầm vóc lịch sử, chính trị đặc biệt như bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi A1, Đồi D, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, hầm Đờ cát tơ ri…; lĩnh vực thu hút lượng lớn đầu tư nước ngoài như ngành ngân hàng cùng các lĩnh vực có tính chất phức tạp và tốc độ phát triển nhanh như: quản lý báo chí, xuất bản; bưu chính, viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin; chuyển đổi số; bảo đảm an toàn an ninh thông tin, điện tử; phát thanh, truyền hình; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở và hạ tầng thông tin, truyền thông luôn phải đối mặt với âm mưu “Diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”; các nguy cơ khủng bố, tài trợ khủng bố, rửa tiền, tàng trữ, lưu hành tiền giả hoặc thông tin, bình luận trái chiều... nhằm thực hiện các hành vi chống phá cũng như phá hoại nền kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Trên cơ sở nhận thức đúng đắn, đầy đủ về công tác phòng, chống khủng bố, các đơn vị được kiểm tra đợt này đã quan tâm quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản của các cấp tới cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động của đơn vị, nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác của mỗi cá nhân. Tại trụ sở cũng như các mục tiêu quan trọng đã bố trí lực lượng bảo vệ chuyên trách làm nhiệm vụ, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống khủng bố tại các mục tiêu; xây dựng các tình huống, phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT, PCKB và tổ chức diễn tập phần cơ chế để chủ động khi có tình huống xảy ra; phối hợp với các đơn vị chức năng thường xuyên rà soát, xử lý các nghi vấn trong hoạt động; thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật Nhà nước…

Phòng, chống khủng bố là cuộc đấu tranh vô cùng cam go, phức tạp, quyết liệt, không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách mà là cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện các nguy cơ từ trong “trứng nước”, giúp chúng ta chủ động hơn trong công tác đấu tranh, góp phần giữ vững ANTT phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội./.

 

Tác giả bài viết: Trường Long