Viết cho đồng đội tôi

Chiến dịch này không có máu và hoa Chẳng có bản hùng ca theo cùng năm tháng Nhưng sẽ còn nhiều đêm dài thức trắng

Chiến dịch này không có máu và hoa
Chẳng có bản hùng ca theo cùng năm tháng
Nhưng sẽ còn nhiều đêm dài thức trắng
Miệt mài cùng con số với đường vân.
Nhiều đồng đội phải tạm biệt người thân
Lặn lội, tăng ca, đảo lộn giờ sinh học
Sẽ có mẹ cả đêm dài trằn trọc
Đợi cửa, con về, chờ giấc ngủ bình yên.
Mẹ đừng mong, vì tiếng gọi thiêng liêng
Khi Tổ quốc cần, con ngại chi gian khổ
Để đất mẹ tiến vào thời đại số
Ngẩng cao đầu cùng cường quốc năm châu.
Cuộc chiến này chẳng có thắng, thua đâu
Những được mất không phải ai cũng rõ
Bận lòng chi lời phàn nàn đâu đó
“Vừa chạy vừa xếp hàng” nào dễ thẳng ngay.
Có cụ già thất lạc bấy lâu nay
Bỗng tìm được người thân vui như hội
Có người con về được nơi nguồn cội
Có bệnh nhân cấp cứu kịp giờ vàng...
Công an nhân dân - Mang sứ mạng vẻ vang
Đồng đội ơi, vững tin cùng đi tới
Qua đêm nay sẽ bước sang trang mới
Cuối con đường là hạnh phúc muôn nơi...
 
 
Một bài thơ để bạn đọc nhớ tên
 
Lẽ thường xưa nay, thơ viết về công việc vốn dĩ đã khó hay, viết về việc hướng dẫn công tác đăng ký quản lý cư trú, cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân... của những cán bộ, chiến sỹ Công an Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, lại càng khó hay hơn. Vậy mà, đọc xong bài thơ “VIẾT CHO ĐỒNG ĐỘI TÔI” của Trung tá Chu Mạnh Cường (Công an tỉnh Điện Biên), tôi thật sự ngạc nhiên về tứ thơ và nhất là tâm trạng, nỗi niềm mà viên sỹ quan Công an gửi qua từng câu chữ.
Ngay khổ đầu bài thơ, “thông điệp” mà Chu Mạnh Cường muốn mở lòng với bạn đọc, đó là sự giản dị, khiêm nhường qua công việc đặc thù của những cảnh sát Quản lý hành chính. Là “chiến dịch” đấy nhưng không có máu (hiểm nguy), không có hoa (chúc mừng) và không có cả những khúc hát động viên. Thay vào đó là những đêm thức trắng, thậm chí là nhiều đêm thức trắng làm căn cước công dân cho kịp với thời hạn kế hoạch trên giao.
Chiến dịch này không có máu và hoa
Chẳng có bản hùng ca theo cùng năm tháng
Nhưng sẽ còn nhiều đêm dài thức trắng
Miệt mài cùng con số với đường vân.
Tiếp theo, người mẹ hiện lên dẫu không có hình hài, không có vóc dáng; thay vào đó là tâm trạng với đêm đêm đợi cửa, thao thức nằm chờ bước chân con. Phải là người mẹ yêu con đã đành, nhưng còn là người mẹ lúc nào cũng cảm giác con mình như còn bé bỏng, dại khờ. Phải nhìn thấy con trở về và trở về vẹn nguyên, lành lặn thì mẹ mới có được “giấc ngủ bình yên”.
          Nơi nhiệm sở hoặc tại địa bàn các khu dân cư, những người lính Cảnh sát QLHC về TTXH lặng lẽ làm việc, mặc dù không phải người dân nào cũng đồng thuận, sẻ chia với chủ trương thay Chứng minh thư nhân dân bằng Căn cước công dân (điện tử). Đâu đó có những lời phàn nàn nhưng đấy là những tiếng nói đơn lẻ, thiếu một cái nhìn căn cơ, toàn diện. Có thể ai đó nghĩ rằng việc thay căn cước như vậy chỉ tạo điều kiện cho Nhà nước, cho ngành Công an dễ quản lý công dân, dễ nắm những xáo trộn dân cư, những diễn biến an ninh - trật tự các địa bàn thôn xóm... Tuy nhiên, vấn đề có tính hai mặt và “mặt thứ hai” thì đã rõ ngay, hiệu quả ngay và nhất là tính nhân bản được chứng minh ngay:
          Có cụ già thất lạc bấy lâu nay
Bỗng tìm được người thân vui như hội
Có người con về được nơi nguồn cội
Có bệnh nhân cấp cứu kịp giờ vàng...
          Thế đấy, chủ trương thay Chứng minh thư nhân dân bằng Căn cước công dân, trước hết, đã đem lại những lợi ích ngoài sức tưởng tượng của người dân. Còn gì sung sướng hơn, cảm động hơn khi có trường hợp thất lạc nhau nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm, giờ tìm được nhau qua những tình huống rất tình cờ nhưng lại rất nhân văn. Có người vì lý do nào đó không biết quê hương - nơi chôn núm ruột đầu đời - yêu dấu, nay qua việc thay căn cước công dân đã tìm được thôn xóm của mình, anh em của mình, mồ mả tổ tiên mình...
Công an nhân dân - Mang sứ mạng vẻ vang
Đồng đội ơi, vững tin cùng đi tới
Qua đêm nay sẽ bước sang trang mới
Cuối con đường là hạnh phúc muôn nơi...
Đây là khổ cuối để khép lại bài thơ. Nói “khép lại” bài thơ nhưng thực chất là mở ra những kỳ vọng vào hiệu quả của công việc, kỳ vọng vào hạnh phúc muôn nơi, khi những người dân cần đến Căn cước công dân trong tình huống nào đó trong cuộc sống cũng như công việc.   
          Về nghệ thuật, bài thơ “VIẾT CHO ĐỒNG ĐỘI TÔI” được làm theo thể thơ mỗi khổ 4 dòng, mỗi dòng 7 - 8 chữ; trong một khổ chữ cuối cùng của câu thứ 2 vần với chữ cuối cùng của câu thứ 3; chữ cuối cùng của vần trên (câu thứ 4), vần với chữ cuối cùng của câu thứ nhất khổ tiếp theo. Đây là thể thơ không quá khó nhưng với người chưa sáng tác nhiều, sẽ rất vất vả khi phải tìm cho được những chữ ở vị trí cốt yếu, với yêu cầu hội đủ các yếu tố: Thanh - vần - nghĩa. Với Chu Mạnh Cường, có thể coi đây là cuộc chơi “thử sức” mình chăng?
Bằng cái cách như thế, Chu Mạnh Cường đến với tứ thơ, nhìn chung, bằng niềm lạc quan yêu đời, tròn trịa và nhân hậu. Do đó, đọc Chu Mạnh Cường, hiển nhiên chúng ta không thấy những câu thơ ám ảnh, bù vào đó là nội dung mà mỗi khi nhớ đến ta lại có cảm giác nao nao ở trong lòng. Ngay cả khi anh triết lý, ta cũng thấy rất nhẹ nhàng, chừng mực và khiêm nhường. Chúng ta, ai cũng có một cuộc đời. Có thể không phải cuộc đời của ai cũng giống ai, song khi đọc bài thơ chúng ta phân vân, nghĩ ngợi về trách nhiệm công chức, trách nhiệm công dân và trên hết là trách nhiệm của một chiến sỹ “vì dân phục vụ” như lời huấn thị ngày nào của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Sau hơn 20 năm vào nghề, Chu Mạnh Cường hiện cấp bậc Trung tá, Đội trưởng Đội hướng dẫn công tác đăng ký quản lý cư trú, cấp quản lý chứng minh nhân dân, căn cước công dân; Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an tỉnh Điện Biên. Thú thực, đây là bài thơ đầu tiên và cũng là bài thơ duy nhất (đến thời điểm này) tôi được đọc ở anh, do vậy, dễ hiểu vì sao tôi thoáng chút ngạc nhiên và không khỏi có cảm giác thú vị. Tuy nhiên, là người mấy chục năm gắn bó với văn nghệ Điện Biên, nên tôi biết chắc chắn một điều là Chu Mạnh Cường không làm nhiều thơ, ít nhất là về phương diện công bố tác phẩm. Chạnh nghĩ, ông bà mình có câu: “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, với thơ, nhiều về số lượng không đủ để nói lên điều gì. Ít mà hay và hay mới là quan trọng, mới để bạn đọc nhớ tên. Bằng tất cả sự chân thành, xin chúc mừng Chu Mạnh Cường với thi phẩm “VIẾT CHO ĐỒNG ĐỘI TÔI”!   
 

 
 

Tác giả bài viết: Chu Văn Cường - Trương Hữu Thiêm

Nguồn tin: congan.dienbien.gov.vn