Bi hài với "thần dược" giải rượu


"Bảo bối" cho những cuộc nhậu

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 đã khiến dân nhậu và giới tài xế bấn loạn.

Đánh vào tâm lý lo sợ mức phạt "quá chát" của người điều khiển phương tiện giao thông, những ngày gần đây, trên thị trường đang nở rộ dịch vụ rao bán "thần dược" chống say rượu. Với những lời rao giảng, mời gọi có cánh như "uống vào là hết men, vô tư lái xe", "nhậu hoài không say..."...

Viên giải rượu dạng nén được bán lẻ tràn lan trên thị trường.

Lần theo mục quảng cáo trên trang web NT39, chúng tôi được nhân viên tư vấn "ngọt ngào" giới thiệu về công dụng của "thần dược" giải rượu mà đại lý của mình đang sở hữu. Nhân viên tư vấn cho biết, nhà thuốc có 21 loại giải rượu, tất cả đều nhập khẩu từ các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nhật... được bào chế hoàn toàn từ cây cỏ thiên nhiên có chứa các hoạt tính kháng rượu, giải độc tuyệt vời.

Ngoài ra, thuốc còn giảm thiểu các cảm giác mệt mỏi do rượu, bia gây ra. Hỗ trợ giải độc gan, hạ men gan, tránh dị ứng cũng như phù nề cơ thể do phản ứng với đồ uống có cồn...

Sau một hồi cho đi "vòng quanh thế giới" với hầm bà lằng công dụng của viên giải rượu, nhân viên tư vấn chốt lại một câu chắc nịch: "Anh chị mua một hộp, bên em biếu một hộp nhỏ. Đây là chương trình tri ân khách hàng nhân dịp Tết Nguyên đán". Giá mỗi hộp/100 viên là 650 ngàn, còn hộp biếu chỉ 10 viên. Cô nàng tư vấn nhiệt tình hướng dẫn cách sử dụng của "thần dược" giải rượu.

Trước khi vào cuộc nhậu 30 phút uống 3 viên, trong quá trình nhậu đến độ ngà ngà uống thêm 3 viên nữa, đảm bảo các "con ma men" trong người sẽ tự động bị "thần dược" tiêu diệt. Nhưng để "rút" hết chất cồn đang còn hừng hực trong miệng và đánh tan các mạch máu đỏ lử vằn vện ở mắt và mặt thì phải uống thêm 3 viên sau khi cuộc nhậu tàn.

Nghỉ ngơi tầm 15 phút là có thể chạy xe phăng phăng về nhà. Chẳng may xui xẻo gặp CSGT đo nồng độ cũng rất bình tĩnh, thổi nhiệt tình vào, đảm bảo không còn một "con cồn" nào trong người.

Nhân viên tư vấn nói với người mua, phải dùng một lần để biết công dụng. Nếu sai thì lần sau không mua nữa, cũng chỉ mất vài trăm ngàn cho một kết quả tốt đẹp phía trước. Chúng tôi đồng ý mua một hộp và xin địa chỉ của nhà thuốc để tới tận nơi xem sản phẩm. Tuy nhiên, nhân viên tư vấn nói sẽ giao hàng tận nơi vì nhà thuốc không mở bán trực tiếp.

Một hộp thuốc giải rượu được quảng cáo đầy đủ công dụng và cách dùng trên bao bì.

"Đây là sản phẩm nhập ngoại, rất đắt đỏ. Nếu thuê mặt bằng thì giá phải gấp đôi gấp ba, bên em bán cho khách hàng là giá thấp nhất rồi", cô nhân viên giãi bày. Sau đó, nhân viên tổng đài liên tục gọi điện thúc giục chúng tôi thanh toán tiền để chuyển thuốc.

Để kiểm chứng viên giải rượu diệu kỳ đến mức nào, chúng tôi tới một nhà thuốc trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP. Hồ Chí Minh) hỏi mua. Tại đây, người bán thuốc đưa ra 2 loại, một dạng viên và một dạng bịch. Về công dụng, dạng viện có giá 10 ngàn đồng/viên, mỗi lần uống 1 viên trước cuộc nhậu 20 phút sẽ giảm thiểu được cơn say đến nhanh và chứng đau đầu.

Dạng bịch có giá 45 ngàn/bịch, uống ngay khi bắt đầu nhậu và tác dụng "uống mệt nghỉ" tức là không biết say là gì. Làm đúng theo chỉ dẫn của nhà thuốc, chúng tôi dùng hết một bịch "thần dược" và tiến hành uống rượu. Chúng tôi uống nhiều hơn tửu lượng bình thường của mình và bắt đầu có cảm giác váng vất, quay quay.

Trong người nóng ran, chân tay, mắt và mặt đỏ ửng đúng với triệu chứng của người say rượu. Chúng tôi nghỉ ngơi khoảng 30 phút để đẩy hết "con men" trong người đi và thử đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, nồng độ cồn trong người của chúng tôi vượt quá mức quy định. Như vậy, "thần dược" giải rượu đã không mang lại tác dụng gì.

Chúng tôi quay trở lại tiệm thuốc đã mua "thần dược" để phản ánh thì chủ tiệm nhẹ nhàng giải thích: "Loại thuốc này có tác dụng thanh lọc gan, giải độc tố cho cơ thể người uống rượu chứ đâu phải uống mãi không say. Nếu muốn giải rượu nhanh thì phải uống thêm viên nén sâm", ông chủ nói và đưa ra một vỉ thuốc nén màu nâu nói là "thuốc giải rượu nhâm sâm Hàn Quốc" có giá 720 ngàn/hộp. Giữa ma trận "thần dược" cùng cách lý giải của người bán thuốc, các "tửu ca" chỉ còn cách khóc ròng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức (Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh) cho biết, thực chất các loại sản phẩm giải rượu, bia trên thị trường hiện nay là một dạng thực phẩm chức năng với tác dụng chính là hỗ trợ một phần quá trình chuyển hóa rượu qua việc bù một số vitamin, muối, đường… cho cơ thể chứ không diệu kỳ như quảng cáo.

Méo mặt vì "thần dược"

"Thần dược" giải rượu bỗng dưng trở thành chủ đề "hot" trong mấy ngày gần đây và mặt hàng này cũng đang bán rất chạy. Tuy nhiên, giới "thần sầu" lại méo mặt bởi một lần cả tin với viên giải rượu. Cách đây 2 ngày, anh Lê Công Khanh (35 tuổi, nhân viên ngân hàng tại quận 3, TP. Hồ Chí Minh) có buổi tiệc sinh nhật "sếp" nên đã quá chén.

Tuy không say nhưng biết chắc trong người có nồng độ cồn vượt ngưỡng an toàn nên anh Khanh sử dụng viên giải rượu đã mua sẵn từ trước. Nghỉ ngơi 15 phút theo đúng chỉ dẫn, anh Khanh ung dung lái xe ra về. Khi gần tới nhà, anh Khanh gặp chốt CSGT và bị đưa vào đo nồng độ cồn.

Lúc này, anh Khanh vẫn rất tự tin ở "thần dược" nên vui vẻ cười nói. Nồng độ cồn của anh Khanh đo được vượt quá ngưỡng cho phép, anh Khanh bị phạt 3 triệu đồng, tước bằng lái xe 12 tháng. Anh Khanh vô cùng tức giận, cả đêm không ngủ được, cứ nghĩ đến cú phạt "ma men" lại thêm phần cay đắng.

Dở khóc dở cười với viên giải rượu, ngày chủ nhật vừa qua, anh Hoàng Thanh Cường (42 tuổi, ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh) có buổi "lai rai" vỉa hè với nhóm bạn đồng niên. Trước khi đi, anh Cường "tu" hết một bịch nước giải rượu. Vào cuộc nhậu, anh Cường cười thầm trong bụng "tối nay sẽ cho mấy thằng gục hết".

Rất tự tin, anh Cường uống nhiệt tình, cụng ly liên tục mà không cần quan tâm đến giới hạn của tửu lượng. Cuối cùng, viên giải rượu đã đánh anh gục tại chỗ, say không còn biết trời đất là gì. Bạn bè phải khiêng anh về tận nhà giao cho vợ. Sáng hôm sau tỉnh dậy, anh Cường không thể nhớ nổi chuyện gì đã xảy ra với mình tối hôm qua.

Chưa kịp trấn tĩnh thì vợ anh chìa ra đoạn clip quay lại cảnh "ma men thần sầu" của chồng. Anh Cường vừa ngượng vừa xấu hổ. "Thần dược" đã làm mất hết hình tượng của người đàn ông vốn có tiếng hào hoa, lịch lãm. Sau trận đó, anh Cường "cạch mặt" luôn với viên giải rượu.

Những "tín đồ" của "ma men" mua viên giải rượu hoàn toàn không hiểu được tác dụng thật của nó nên gây ra những ẩn họa khôn lường đối với sức khỏe. Theo các chuyên gia, trong 5 phút sau khi uống rượu, chất ethanol (cồn) trong rượu bắt đầu xâm nhập vào các mạch máu. 30 đến 120 phút tiếp theo là khoảng thời gian ethanol tiếp tục lan truyền đến các bộ phận khác trong cơ thể.

Và đây cũng là lúc chất cồn "ngấm" vào não, tạo ra cảm giác say. Và khi dùng thuốc chống say, chúng ta đã vô tình giữ lại những chất độc mà cơ thể đang cố gắng vận dụng cơ chế tự bảo vệ để đào thải ra ngoài.

Theo Bác sĩ Đông y Lê Văn Hiển, Trung tâm nghiên cứu dược liệu Miền Đông thì thuốc chống say rượu có ảnh hưởng rất xấu đến chức năng gan, khi phối hợp với rượu sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa.

Nếu lạm dụng loại thuốc này, chất độc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương và gan… lâu dần gây ra những căn bệnh xơ gan, ung thư gan... Rượu, bia dù uống ít hay nhiều, đều là chất độc có khả năng phá hoại hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Khi say nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước là cách giải rượu tốt nhất.

Không có thuốc nào chữa được say rượu

Tại một nhà thuốc trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), khi chúng tôi hỏi mua thuốc giải rượu, nhân viên nhà thuốc giới thiệu sản phẩm giải rượu loại chai 75 ml của Hàn Quốc, giá 50 ngàn đồng, mỗi lần uống một chai trước hoặc sau 30 phút nhậu là cơ thể sẽ không còn cồn (?); hay loại viên giải rượu của Nhật Bản, uống 2 viên trước khi nhậu và 2 viên sau nhậu 30 phút “đảm bảo sẽ hết say”. Loại này bán cả hộp 30 viên giá 496 ngàn đồng…

Một loại “kẹo giải rượu” được rao bán trên mạng xã hội.

Hiện nay, nhiều loại kẹo giải rượu đangđược rao bán khá nhiều trên mạng xã hội. Giá kẹo dao động từ 50 – 55.000 đồng/túi 3 viên, giá một hộp gồm 10 gói là 450 - 500ngàn đồng. Và thực tế cũng đã có nhiều người lên mạng tìm mua kẹo giải rượu mong “thoát nạn” khi bị kiểm tra nồng độ cồn. Thế nhưng, theo các chuyên gia thực chất các loại kẹo này nhiều lắm cũng chỉ giúp người dùng tăng tửu lượng, giải rượu nhanh giúp tỉnh táo hơn. Kẹo giải rượu không thể giúp người uống đưa nồng độ cồn về 0. Nhưng theo Bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh, về mặt cơ chế, các sản phẩm giải rượu ức chế sự hấp thu rượu, tăng đào thải như lợi tiểu. Nhưng nếu uống quá nhiều rượu thì không thuốc nào giải được. Ngoài ra, thuốc hay sản phẩm giải rượu nhằm giảm hấp thu rượu nhưng không thể giải quyết được vấn đề cồn trong máu, trong hơi thở.

Theo các nhà chuyên môn, hiện nay chưa có sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng đưa nồng độ cồn về 0. Hiện trên thị trường có nhiều loại dược phẩm được giới thiệu là “thuốc giải rượu”. Thực chất, đây là thực phẩm chức năng, chứa các thành phần như vitamin B1, B6, B12, axit glutamic... Những chất này được cho là góp phần tham gia quá trình chuyển hóa rượu. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào chứng minh những “thuốc” này có khả năng bảo vệ hoặc phục hồi tổn thương các cơ quan do rượu, hoặc làm mất trạng thái say xỉn.

Ngoài ra, không ít “thuốc giải rượu” có nguồn gốc, xuất xứ, thành phần không rõ ràng. Vì vậy, một trong những thành phần của chúng có thể gây tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng cho người sử dụng. Chẳng hạn,“thuốc giải rượu” tham gia vào quá trình chuyển hóa rượu. Vì vậy, chúng cùng lúc được chuyển hóa qua gan, làm tăng gánh nặng cho cơ quan này, tăng nguy cơ suy gan cấp… (Ánh Xuân)

Ngọc Thiện

Nguồn tin: cand.com.vn