Bi kịch từ những mái ấm không trọn vẹn

Một điểm chung, dễ nhận thấy của các đối tượng phạm tội này đó là tất cả đều sinh ra trong những gia đình không hoàn thiện, có bố thì không có mẹ hoặc ngược lại. Bi kịch từ những mái ấm gia đình không hạnh phúc là một trong các nguyên nhân dẫn đến vết trượt của những nam thanh niên bắt đầu từ nghiện game online.

Cán bộ điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm lấy lời khai đối tượng Trường.

Nỗi đau của những người vừa làm ông bà, vừa làm cha mẹ

Ngày tháng 10, trời tối nhanh hơn... Căn nhà gỗ tuyềnh toàng của ông nội Đinh Văn Giáp (SN 1995, trú xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, Yên Bái), kẻ gây ra vụ cướp xôn xao dư luận, càng thêm tiêu điều. Từ hôm xảy ra sự việc đau lòng, ông bà nội của Giáp chẳng dám ngẩng mặt nhìn bà con trong bản. Vẫn biết Giáp là đứa trẻ ngỗ nghịch, bất trị nhưng quả thật họ chẳng ngờ đứa cháu nội lại có thể gây ra một tội ác tày trời đến vậy.

Trong căn nhà gỗ vừa mua lại của một người trong bản, xung quanh thưng bằng bùn đất, đồ đạc chẳng có gì đáng giá, người đàn ông đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm ngồi thẫn thờ. Mấy hôm nay, ông chẳng thiết tha gì đến việc đan lưới bắt chim, còn vợ ông thì cũng đổ bệnh. Ông bà không có công sinh nhưng có công dưỡng... Giờ đứa cháu nội phạm một tội tày trời như thế thì chắc đến lúc nhắm mắt xuôi tay, ông bà cũng khó gặp mặt. Nghĩ đến cảnh ngộ của gia đình, bất giác những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo của người ông gần 80.

Ngày bố mẹ Giáp chia tay, hai anh em Giáp còn là những đứa trẻ ngây thơ, vụng dại. Sau cuộc chia tay, bố Giáp bỏ đi làm ăn biền biệt. Kinh tế gia đình chỉ trông vào mấy đồng tiền còm từ việc đan lưới bắt chim và cấy cày trên cánh đồng cạn nên thường xuyên thiếu đói. Về phần mẹ Giáp, sau khi đi lấy chồng thì cũng một đi không trở lại, chẳng bao giờ đoái hoài đến hai đứa con đã dứt ruột sinh ra. Ông bà nội của Giáp vì thế bất đắc dĩ vừa làm ông bà vừa làm cha mẹ, vừa nuôi dưỡng vừa dạy dỗ.

Thiếu thốn tình cảm cùng sự dạy dỗ của cha mẹ, những đứa trẻ trở nên ngỗ nghịch. Năm 2013, Giáp bị bắt giữ về tội mua bán người. Trong thời gian anh ta ở trại thì cậu em trai cũng vướng vòng lao lý về tội trộm cắp tài sản. Năm 2018, Giáp ra trại nhưng với bản tính côn đồ, đối tượng vẫn chứng nào tật nấy. Ban đầu chỉ là việc trộm cắp vặt, sau đó tần suất nhiều hơn. Và rồi đỉnh điểm của sự việc này là vụ giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).

Trong vụ án này, Giáp đã lôi kéo Đinh Văn Trường (SN 2000, trú cùng huyện Văn Chấn) cũng là một đối tượng có hoàn cảnh gia đình đặc biệt cùng thực hiện hành vi phạm tội...

Một kế hoạch phạm tội chi tiết đã được hai kẻ thủ ác bàn bạc rồi phân công nhau thực hiện, cướp đi mạng sống của người thanh niên đang tuổi xuân phơi phới. Lời khai của hai kẻ thủ ác đồng thời cũng là những game thủ tại cơ quan CSĐT Công an huyện Bắc Từ Liêm đã cho thấy những tác hại nghiêm trọng của game online. Sau khi bán chiếc điện thoại lấy tiền chơi game và ăn chơi ở Hà Nội, cả hai đã thực hiện vụ cướp kinh hoàng vào tối 26-9. Trường là người dẫn đưa “con mồi” đến khu vực vắng người, còn Giáp trực tiếp hành động.

Cán bộ điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm lấy lời khai đối tượng Giáp.

Thượng tá Lê Xuân Hanh, Phó trưởng Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) phân tích cho thấy tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội hiện nay đang có những diễn biến phức tạp. Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội có cả yếu tố gia đình, nhà trường và xã hội. Phần lớn tội phạm trẻ tuổi đều xuất thân trong gia đình có cha, mẹ là người vi phạm pháp luật tham gia các tệ nạn xã hội hoặc gia đình thường xảy ra bất hòa...

Một số trường hợp có bố mẹ ly hôn, ngoại tình. Trường hợp khác, gia đình có điều kiện về kinh tế nhưng cha mẹ quá nuông chiều hoặc quá mải mê làm ăn, không có thời gian gần gũi, chia sẻ với con cái, từ đó dẫn đến lối sống buông thả. Môi trường xã hội cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành nhân cách của thanh, thiếu niên. Nhiều trường hợp do không được trang bị kiến thức cần thiết về kỹ năng sống nên dễ bị tác động bởi các hiện tượng tiêu cực, hình thành lối sống buông thả. Phần khác do ảnh hưởng của phim ảnh và đặc biệt là các trò chơi điện tử trên mạng Internet.

Hai đối tượng Giáp và Trường tại cơ quan Công an.

Mong được ăn bữa cơm với gia đình

3 tên cướp nhí mà chúng tôi có dịp tiếp xúc tại Công an quận Hoàng Mai cũng có hoàn cảnh tương tự. Các đối tượng có tuổi đời còn rất trẻ, trường hợp nhiều nhất phải gần 2 tháng nữa mới đủ tuổi trăng tròn. Ở tuổi này, lẽ ra cả 3 vẫn miệt mài trên ghế nhà trường, được bố mẹ chăm chút từ bữa ăn đến giấc ngủ thì các em lại vướng bụi trần...

Khi tiếp xúc với 3 tên cướp nhí, trong lòng chúng tôi dâng lên một chút xót thương. Ẩn sau vẻ bề ngoài vẻ lỳ lợm, có phần gai góc là những tâm hồn còn khá non nớt. Cả 3 rơm rớm nước mắt, khi chúng tôi nhắc đến bố mẹ và những người thân trong gia đình rồi sẻ chia về sự thiệt thòi của mình khi có những mái ấm gia đình không trọn vẹn.

Trong vụ án này, hành vi manh động và liều lĩnh của 3 tên cướp nhí rất đáng lên án nhưng những lời tâm sự của chúng khiến chúng tôi phải giật mình nhìn lại về trách nhiệm của những bậc sinh thành; bài học đau xót về công tác quản lý của gia đình.

Trần Xuân Quang (SN 2003, trú tại Nguyễn Chính, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai), đối tượng nhỏ tuổi nhất trong nhóm cướp nhằm vào xe ôm Grab đã rơi nước mắt khi chúng tôi hỏi về cha mẹ. Xuân Quang kể lại rằng, bố mẹ chia tay khi Quang chỉ là một đứa trẻ. Mẹ Quang sau đó đã ăn ở với một người đàn ông khác như vợ chồng, còn bố sau khi lập gia đình với người đàn bà mới cũng chẳng đoái hoài gì đến cậu ta...

“Cháu ở với bố nhưng bố suốt ngày say xỉn”, Ngô Nhật Quang (SN 2004, trú tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng), lí nhí chia sẻ khi chúng tôi hỏi về hoàn cảnh riêng của mình. Sự thiếu quan tâm của cả bố và mẹ cùng những hình ảnh lếch thếch của người cha, sau những trận rượu say mềm người đã khiến cậu bé ấy cảm thấy chán chường. Khi bố mẹ “đường ai người nấy đi”, hai chị em Quang ở với mẹ. Những tưởng cuộc sống êm đềm đó sẽ tiếp diễn, chẳng ngờ...

Quang vẫn còn nhớ như in cái ngày định mệnh đó. Hôm đó, mẹ Quang dắt em về nhà của bố rồi để lại. Quang chẳng thể ngờ rằng đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng với mẹ. Cho đến bây giờ, cái cảm giác hẫng hụt, trống rỗng đó vẫn in đậm trong tâm trí non nớt của Nhật Quang. Đôi lúc trong mơ, nó chợt nhớ đến mẹ... Nhưng những câu chửi cộc cằn của người cha trong những lúc say lại kéo cậu thanh niên mới lớn ấy trở lại với hiện tại trần trụi. Và nó chẳng có thú vui nào khác ngoài việc vùi đầu trong những trò chơi điện tử. Đây cũng là địa điểm mà 3 tên cướp nhí gặp nhau.

“Bất chợt nhìn thấy một đứa trẻ được cha đưa đến trường, Nguyễn Ngọc Minh Hiếu (SN 2004, trú tại Tân Mai, Hoàng Mai) lại nhớ đến cha... Hoàn cảnh của Hiếu cũng khá éo le, mẹ bị bệnh còn cha thì đã qua đời từ sớm nên nó thiếu đi vòng tay chăm sóc của cha mẹ. Từ những điểm chung bất đắc dĩ đó, nhóm đối tượng đã dễ dàng gắn kết với nhau.

“Bây giờ thiếu tiền thì chỉ có đi cướp”, bắt đầu chỉ với một câu nói vu vơ của Nhật Quang trong lúc cả nhóm ngồi tại một quán Internet, cả 3 bắt đầu thực hiện hàng loạt vụ cướp tài sản. Chúng chuẩn bị hung khí là những tuýp nước dài, có gắn dao nhọn ở trên đầu để gây án. Nạn nhân nhóm đối tượng nhằm vào là những người đi xe ôm Grab ở các tuyến đường khác nhau.

Sau khi thuê các lái xe ôm Grab, đối tượng sẽ điều động về khu vực hồ Đền Lừ, Hoàng Mai, sau đó dùng hung khí đánh hoặc đe dọa các bị hại để cướp tiền, xe máy của nạn nhân. Nghĩ là làm, khoảng 2h50 phút ngày 12-9, Nhật Quang, Xuân Quang và Hiếu đi “săn” con mồi. Khi đi qua số 120 Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, các đối tượng gặp anh Chu Quang Ngọc, lái xe máy Grab đang chờ đón khách. Trong vai một vị khách có nhu cầu đi xe, Nhật Quang đã chủ động thuê anh Ngọc chở đến Trường Tiểu học Đền Lừ, thuộc quận Hoàng Mai.

Sau đó, các đối tượng thực hiện theo kế hoạch đã được bàn bạc trước đó. Nhật Quang ngồi sau xe máy của nạn nhân Ngọc, còn Xuân Quang và Hiếu điều khiển phương tiện không biển kiểm soát về trước. Ngay khi anh Ngọc chở Nhật Quang về đến Trường Tiểu học Đền Lừ thì Xuân Quang và Hiếu dùng hung khí phủ đầu nạn nhân bằng một cú trời giáng. Và trong khi nạn nhân đang choáng váng trước sự việc xảy ra thì chúng ta đã khống chế, lấy đi số tiền 1 triệu đồng.

Cũng với thủ đoạn tương tự, các đối tượng liên tiếp gây ra 8 vụ cướp manh động và liều lĩnh khác, thời điểm cũng vào lúc rạng sáng. Ngoài vụ cướp tài sản trên, khoảng 2h40 phút ngày 15-9, các đối tượng tiếp tục thuê anh Nguyễn Văn Trọng chở về khu vực Trường Tiểu học Đền Lừ, cướp đi chiếc xe máy của anh Trọng, mang đến nhà Đặng Quý Đôn (trú tại quận Hoàng Mai) gửi và vay 6 triệu đồng để chi tiêu chung.

Dạy con từ thuở còn thơ

Để phòng ngừa tội phạm trong thanh, thiếu niên, gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng. Đồng chí Võ Xuân Tấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàng Mai cho rằng mỗi gia đình phải thực sự là tổ ấm, là chỗ dựa đầu tiên cho đứa trẻ khôn lớn, trưởng thành. Chính tình yêu thương, sự giáo dục của bố mẹ sẽ là liều “kháng sinh” giúp các em có đủ sức đề kháng trước một môi trường thực tế và trên không gian mạng đầy cám dỗ.

Muốn làm như vậy, các bậc cha mẹ phải có những kiến thức cơ bản về phòng, chống tội phạm, thường xuyên quan tâm, gần gũi, chia sẻ với các con. Từ việc gần gũi, sẽ giúp các bậc sinh thành nắm bắt được tâm lý, từ đó lựa chọn cách giáo dục phù hợp với hoàn cảnh và tính cách của con em. Việc thường xuyên gần gũi còn giúp bố mẹ có thể kịp thời nắm bắt được những biến đổi về tâm, sinh lý của con, các mối quan hệ và những biểu hiện không bình thường..., từ đó, kịp thời uốn nắn.

Cùng với đó, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Nhà trường, gia đình phải thường xuyên có sự “tương tác” với giáo viên chủ nhiệm. Từ đó, kịp thời có được thông tin về con em mình trong việc học tập, các mối quan hệ xã hội. Nếu các con em có biểu hiện giao du với đám bạn bè xấu, thường xuyên bỏ học đi chơi game và các biểu hiện nghi vấn có liên quan đến tệ nạn xã hội thì phải nắm bắt để kịp thời uốn nắn...

Chính quyền địa phương và lực lượng công an cơ sở phải thường xuyên nắm bắt tình hình địa bàn, tìm ra nguyên nhân và điều kiện nảy sinh tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên... Từ đó, phối hợp với nhà trường và gia đình kịp thời trao đổi thông tin. Trong trường hợp phát hiện có biểu hiện vi phạm thì phải thông báo với gia đình và nhà trường để có các biện pháp thích hợp quản lý. Các mô hình giáo quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên tại cộng đồng dân cư sẽ phát huy tác dụng, góp phần ngăn chặn tội phạm.

Xuân Mai

Nguồn tin: cand.com.vn