Chống dịch, từ ý thức đến trách nhiệm với cộng đồng

Việt Nam sau đợt đầu chống dịch thành công dừng lại ở con số 16 bệnh nhân thì đến ngày 6-3, bệnh nhân dương tính với COVID-19 số 17 xuất hiện rồi sau đó tăng dần, vượt qua con số 30. Các hành vi gây nguy hiểm cho cả cộng đồng như trên đã khiến dư luận cả nước bức xúc.

Vô trách nhiệm - hậu quả khôn lường

Chiều 9-3, cộng đồng mạng xã hội dậy sóng trước thông tin hết sức bất ngờ. Ông Lê Thanh H., giám đốc một công ty điện gió (trú tại Hà Nội) đang thực hiện dự án tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã tráo người để trốn cách ly theo yêu cầu phòng dịch COVID-19. Trước đó, ông H. cùng 3 nhân viên đi từ Hà Nội đến Huế trên chuyến bay có nữ du khách người Anh bị nhiễm COVID-19.

Sau khi xuống sân bay Phú Bài-Huế, cả 4 người tự thuê xe ra Quảng Trị và lưu trú tại 2 khách sạn. Lúc được yêu cầu thực hiện cách ly do nghi nhiễm COVID-19, ông H. đã cho nhân viên cách ly thay mình. Khi cơ quan chức năng phát hiện, ông H. mới ra trình diện để cách ly.

Đây quả là câu chuyện hy hữu và không ai có thể ngờ tới. Trong khi trước đó, câu chuyện về bệnh nhân số 17 - cô gái mang tên N. trú ở số nhà 125 phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội không khai báo y tế trung thực khi đi qua vùng dịch trở về nước đã khiến dư luận cả nước bất bình, thậm chí là lên án.

Công an quận Hoàn Kiếm tổ chức kiểm tra, tuyên truyền tại các quán bar, cơ sở kinh doanh tập trung đông người về phòng dịch.

Đêm 6-3, chưa bao giờ người dân Hà Nội tỏ ra hoang mang và nóng giận như thế. Có vẻ như số đông mọi người đều thức đến gần sáng để tìm đọc, bàn luận về ca dương tính với COVID-19 mang số 17 ở Việt Nam khi chúng ta đã chuẩn bị tinh thần công bố hết dịch. 23h10 cuộc họp khẩn diễn ra trong đêm. Đây là lần đầu tiên có một cuộc họp giữa chính quyền Thủ đô với cánh báo chí trong đêm khuya với tình trạng cấp bách, nghiêm trọng đến như vậy.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chính thức thông tin cho báo chí về ca nhiễm COVID-19. Bệnh nhân là Nguyễn H.N., sinh năm 1993, xuất cảnh tại sân bay Nội Bài, nhập cảnh vào Anh ngày 16-2 thăm người nhà. Ngày 18-2, N. từ London sang Milan (Italy) du lịch. Đến ngày 20-2, N quay lại London rồi đi Pháp và quay lại Anh.

Ngày 29 bệnh nhân này có biểu hiện ho nhưng không đi khám và trở về nước trên chuyến bay số hiệu VN0054 của Hãng Hàng không Việt Nam Airlines vào rạng sáng 2-3. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, bệnh nhân được lái xe riêng của gia đình đưa về nhà tại 125 phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội.

Đến ngày 5-3, thấy xuất hiện sốt, ho nhiều, bệnh nhân đã đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc, cơ sở 55 Yên Ninh, Ba Đình và sau đó được đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, có kết quả dương tính với COVID-19. Lúc này, người ta mới đánh giá lại hành trình đi lại của N và rà soát những người tiếp xúc với cô. Kết quả xét nghiệm của N được công bố đã làm Hà Nội mất ngủ.

Ngay trong đêm 6-3, khu vực từ số nhà 125 đến 139 phố Trúc Bạch được cách ly, sau đó khử khuẩn toàn bộ. Hàng trăm người tiếp xúc (F1) và người tiếp xúc với người tiếp xúc (F2) đã được cách ly theo dõi y tế. Điều đáng lo ngại là sau đó, 2 người tiếp xúc gần với N. là người lái xe và bà bác cũng đã dương tính với COVID-19.

Trên chuyến bay từ Anh trở về đó có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã cách ly và có kết quả âm tính với COVID-19. Tuy nhiên, ông Th. từng công tác ở một cơ quan Trung ương đi cùng chuyến bay đã có kết quả dương tính với virus này sau khi đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người.

Cảnh sát giao thông Hà Nội phát khẩu trang miễn phí phòng chống dịch Covid-19.

Trước đó, khi tình hình dịch bệnh đang ở đỉnh điểm căng thẳng tại Vũ Hán, Trung Quốc và đã phức tạp ở Hàn Quốc thì một phụ nữ lại lên mạng livestream khoe chiến tích thoát khỏi kiểm soát y tế và không phải cách ly sau khi trở về Việt Nam từ vùng dịch ở Hàn Quốc. Những hành vi thiếu trách nhiệm đó tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Luật sư Nguyễn Tiến Trung, Giám đốc Công ty TNHH luật Trung Nguyễn cho biết, hành vi đánh tráo người cách ly có thể bị xử lý về mặt hành chính, sẽ bị xử phạt theo điểm b, khoản 1, Điều 10, Nghị định 176/2013 đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp này có thể bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng. Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Trường hợp người trốn tránh cách ly y tế nhưng sau đó được xác định dương tính với COVID-19 thì sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 của Điều 10, Nghị định 176/2013. Ngoài ra, nếu người dương tính với COVID-19 có hành vi trốn tránh cách ly làm lây lan dịch bệnh thì có thể bị khởi tố về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người” theo quy định tại điều 240 của Bộ luật hình sự.

Phải có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho rằng, nói đến trách nhiệm xã hội thì có vẻ mênh mông và cao siêu, quan trọng là người dân cần thực hiện đúng tuyên truyền của cơ quan chuyên môn về phòng dịch bởi hiện người dân chưa chấp hành nghiêm, còn chủ quan.

Ông nêu quan điểm: “Người dân phải có trách nhiệm khai báo hải quan, cơ quan kiểm dịch tại sân bay, cơ quan chức năng cần có đạo đức công vụ để làm nghiêm túc. Đối với trường hợp cô Nguyễn H.N. và một số vị lãnh đạo trên chuyến bay VN0054, tôi không trách cô gái nhiều mà tôi trách các vị lãnh đạo nhiều hơn. Bởi họ là những người quan trọng, hiểu biết về pháp luật, phải có trách nhiệm cao hơn.

Khi đã thấy có dấu hiệu của bệnh mà vẫn đi làm, tiếp xúc với nhiều người, như vậy là thiếu trách nhiệm, là vi phạm Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Nghị định 176/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế”.

Ông Nguyễn Trọng An cũng cho rằng, nhiều người dân Việt Nam vẫn rất chủ quan, chưa chấp hành nghiêm, thể hiện qua việc Nhà nước kêu gọi, Bộ Y tế hướng dẫn hàng tháng trời mà vẫn có những người thiếu trách nhiệm như vậy. Khi dịch bệnh xảy ra thì có sự gây rối nhiễu xã hội, đó là hiện tượng vơ vét hàng hóa trong siêu thị, là sơ tán ra khỏi Hà Nội... Hiện tượng đó thể hiện sự tuyên truyền chưa tới người dân và người dân chưa thực hiện nghiêm túc, thực hiện đúng tuyên truyền của cơ quan phòng dịch và cơ quan quản lý về xã hội.

Người dân cần tuân thủ quy định phòng dịch theo khuyến cáo của ngành y tế. Ảnh: Phong Sơn.

Khi phát hiện bệnh nhân N. số 17 dương tính với COVID-19, cộng đồng mạng đổ xô vào phê phán, chửi rủa, thậm chí là tìm hiểu đời tư, đưa thông tin cá nhân của bệnh nhân này lên mạng xã hội bêu riếu. Đưa ra quan điểm về hiện tượng này, bác sĩ Nguyễn Trọng An nói: “Tôi phê phán. Ai cũng có thể mắc lỗi. Bản thân bạn chưa nhiễm nhưng có thể bạn cũng nhiễm. Bản thân bạn chưa mắc lỗi nhưng cũng có thể sẽ mắc lỗi, khó tránh được. Rõ ràng ta có thể phê phán cô này biết mà vẫn đi chơi vào vùng dịch, có dấu hiệu bệnh nhưng không khai báo... vẫn có thể được phép đưa ảnh nhưng phải che mặt để cảnh báo với cộng đồng đây là người vô trách nhiệm. Thế nhưng, đừng xúc phạm và nhục mạ vì đó là hành vi sai.

Tôi mong muốn toàn bộ người dân chấp hành đúng hướng dẫn của ngành y để phòng, chống lây nhiễm. Người dân phải rất bình tĩnh, bỏ tư tưởng đám đông, quá lo lắng gây ra rối loạn, xáo trộn xã hội. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Y tế, sẽ có khai báo quản lý y tế cho tất cả người dân, kéo theo sau là lượng công việc lớn cần sự vào cuộc của người dân, Nhà nước cùng phối hợp, đảm bảo người dân tham gia và thực hiện tốt những quy định để phòng, chống tránh lây lan của dịch bệnh này”.

Thực hiện khai báo y tế toàn dân

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một bộ phận xấu đã tung tin lên mạng xã hội, cho rằng nhà nước ta che giấu dịch bệnh hoặc có những luận điệu làm sai lệch bản chất sự việc, lái sự việc theo hướng khác để gây hiểu lầm, nói xấu chế độ... Bởi vậy, mỗi người dân cần có ý thức chọn lọc thông tin, phân biệt thông tin gây nhiễu, tránh tuyên truyền gây hoang mang cho người khác. Đó chính là thể hiện trách nhiệm với xã hội, với chính bản thân mình và gia đình. Trách nhiệm với xã hội thể hiện trong việc hợp tác, phát ngôn, lựa chọn thông tin. Người dân phải đồng hành cùng Chính phủ bằng những việc cụ thể.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 sáng 9-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc dịch lan rộng là không thể tránh khỏi vì nước ta đã hội nhập rất sâu với thế giới, việc đi lại rất nhiều, vùng lây nhiễm hết sức đa dạng. Do đó, chúng ta phải có biện pháp hết sức mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, chủ động, kịp thời cách ly vùng lây nhiễm.

Bắt đầu từ ngày 10-3, mọi người dân Việt Nam có thể khai báo y tế thông qua ứng dụng NCOVI, đồng thời cập nhật các thông tin, chỉ dẫn mới nhất về dịch COVID-19 từ cơ quan chức năng.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 bước sang một giai đoạn mới, phức tạp và nguy hiểm hơn trước. Cả nước đã sẵn sàng cho cuộc chiến đấu mới với quyết tâm như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói: “Chúng ta đã chiến thắng trong chiến dịch mở màn, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Và nhất định chúng ta phải chiến thắng cả cuộc chiến này”. Thế nhưng, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành, chính quyền các cấp, cần sự hợp tác tích cực của mọi người dân, cần thể hiện trách nhiệm với cộng đồng hơn lúc nào hết.

Thông tin sai về dịch bệnh có thể bị phạt tù đến 7 năm

Luật sư Nguyễn Tiến Trung cho biết, ngày 3-2, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định mới quy định rõ hơn các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội so với Nghị định số 174/2013/NĐ-CP trước đây.

Cụ thể, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.

Đối với cá nhân tung tin sai sự thật trên mạng xã hội, tùy theo hành vi vi phạm của cá nhân mà pháp luật có hình thức xử lý khác nhau, có thể là xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức xử phạt từ 10-30 triệu đồng hoặc có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Việt Hà

Nguồn tin: cand.com.vn