Công nghiệp âm nhạc Việt Nam “còn lâu mới thành hình”


Khi nghệ sĩ và công ty quản lý "bóc phốt" nhau

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, hai vụ việc “bóc phốt” nhau diễn ra liên tiếp, lùm xùm trên báo chí; kéo theo đó không chỉ cuộc “khẩu chiến” giữa nghệ sĩ – công ty quản lý; mà còn cuộc chiến giữa các fan với nhau. Đặc biệt, cùng với quá trình “bóc phốt” chưa có điểm dừng này, những chiêu trò, những scandal cố tình dàn dựng,… cũng dần được phơi bày giữa bàn dân thiên hạ, khiến cho ấn tượng về showbiz Việt vốn “ảo” càng thêm “ảo”.
Lùm xùm giữa Orange, Lyly và Châu Đăng Khoa vẫn chưa kết thúc.

Sau một vài sản phẩm hợp tác thành công trong thời gian qua như MV “Người lạ ơi”, MV “Tình nhân ơi”, và mới đây là MV “Chân ái”…, ai cũng nghĩ mối quan hệ giữa ca sỹ Orange và nhạc sĩ Châu Đăng Khoa là một thành trì không thể sụp đổ. Thế nhưng, mới đây, Orange cùng với ca sĩ Lyly đã cùng nhau lên tiếng “bóc phốt” công ty quản lý Superbrtothers (do nhạc sĩ Châu Đăng Khoa làm chủ tịch) khiến cả showbiz chấn động.

Nội dung vẫn loanh quanh câu chuyện thiếu minh bạch về tài chính, năng lực quản lý, cũng như tạo chiêu trò để đánh bóng tên tuổi, khẳng định “ơn nghĩa và minh bạch, tôn trọng là hai chuyện khác nhau”.

Jack và K-ICM thuở “còn mặn nồng”.

Cả hai đều có nguyện vọng rời khỏi công ty này. Đáp lại “phốt” do hai ca sỹ trước đây trực thuộc công ty, nhạc sĩ Châu Đăng Khoa cũng không “vừa” khi đáp trả trên truyền thông, nói chung “bên tám lạng, bên nửa cân”… Dù tới thời điểm hiện tại, có vẻ, cuộc “khẩu chiến” vẫn chưa có điểm dừng; nhưng có một điều chắc chắn: Từ nay, Orange, Lyly và Superbrtothers “đường ai nấy đi”.

Trong khi đó, ồn ào, lùm xùm giữa Jack và Công ty ICM của “mẹ nuôi” Tạ Hà và K-ICM vẫn chưa hạ nhiệt. Sự việc được bắt nguồn từ cuối năm ngoái, khi Jack vắng bóng khỏi các sự kiện và bị xóa khỏi danh sách nghệ sĩ của công ty, kênh youtube “bốc hơi” một cách bất ngờ. Cộng đồng mạng xôn xao trước thông tin anh bị công ty đối xử bất công, chèn ép đến mức nhập viện.

Không những vậy, những nghệ sĩ từng chung công ty quản lý với Jack đều đồng loạt lên tiếng, khiến cho những sản phẩm mới của K-ICM nhận gạch đá và bị gắn nút dislike (không thích – PV) “khủng” trong lịch sử Vpop từ fan, fandom (một nhóm bao gồm những người có cùng văn hóa, đồng cảm và có cùng sở thích với nhau- PV) của Jack.

Hậu lùm xùm, K-ICM đang bị tấn công với 1 triệu nút “dislike” khi ra mắt sản phẩm mới.

Trước Orange, Lyly và Superbrtothers, Jack và K-ICM, có thể kể ra nhiều trường hợp khác nữa về sự sụp đổ này trong showbiz Việt. Tất cả đều bắt nguồn từ thù lao không thỏa đáng, bóc lột sức lao động, không có tiếng nói chung trong phát triển nghệ thuật.

Sơn Tùng M-TP trước khi tự thành lập công ty giải trí của riêng mình cũng từng vướng vào những lùm xùm với Văn Production của nhạc sĩ Huy Tuấn vào năm 2014. Cuối năm đó, Sơn Tùng M-TP nhận được văn bản cấm diễn trong vòng 6 tháng (từ 1/11/2014 tới 30/4/2015) từ công ty vì nhiều lần vi phạm hợp đồng lao động, tự ý hủy diễn khiến công ty phải đền bù 1,5 tỷ đồng, nhiều lần không chấp hành quy định, thậm chí tự ý ký hợp đồng quảng cáo và hợp tác với Quang Huy.

Đáp lại thẳng thừng, nam ca sĩ cho biết công ty không tạo điều kiện để nghệ sĩ phát huy hết khả năng chuyên môn và điều kiện sức khỏe của nam ca sĩ cũng không cho phép đáp ứng lịch trình quá dày đặc mà phía công ty đặt ra.

Tronie từng là thành viên trong nhóm nhạc 365. Đến tháng 7/2013, nam ca sĩ có bài viết trên mạng tố công ty bóc lột và không tôn trọng sau thời gian dài vắng mặt tại các buổi diễn. Anh tung bản hợp đồng lao động giữa anh và Công ty VAA, đồng thời chia sẻ việc nhận một tháng 2-3 triệu đồng là không xứng đáng với công sức làm việc. Sau đó, Ngô Thanh Vân tổ chức họp báo phủ nhận những cáo buộc của học trò.

Đầu năm 2107, ca sĩ Erik cũng gây bất ngờ tuyên bố rời khỏi nhóm Monstar và Công ty ST.319 vì lý do tỷ lệ ăn chia phần trăm không công bằng, bị công ty xúc phạm nhân phẩm, phạt tiền vì lỗi nhỏ, ngăn cấm chuyện tình cảm. Trong khi đó, đại diện Công ty ST.319 “tố” Erik nói sai sự thật, không trung thực, ý thức kém, vi phạm nội quy nhiều lần dù đã được nhắc nhở, thậm chí là về mặt đạo đức. Hai bên “khẩu chiến” qua lại cho tới khi đường ai nấy đi sau đó.

Công nghiệp âm nhạc mới chỉ ở giai đoạn… sơ khai

Ở Hàn Quốc, mô hình nghệ sỹ trực thuộc công ty quản lý không còn xa lạ, thậm chí đó là một trong những yếu tố thúc đẩy tính chuyên nghiệp của một nền công nghiệp âm nhạc nói riêng và nền công nghiệp giải trí nói chung. Có thể kể ra rất nhiều ví dụ về sự hợp tác thành công; chẳng hạn các “ông lớn” YG Entertainment với BigBang, 2NE1, Blackpink, PSY, Se7en…; JYP Entertainment với B.O.A, EXO của SM Town, Bi (Rain), Wonder Girls, 2PM, Miss A…; Big Hit Entertainment với “đế chế” BTS…; Woollim Entertainment với INFINITE; FNC với FT Island, CNBlue, AOA…; SM Entertainment với TVXQ, Super Junior, Girls Generation, SHINee, f(x), Red Velvet, NCT và EXO…

Sau tất cả, Sơn Tùng M-TP tự lập công ty riêng của mình.

Khi nghệ sĩ trực thuộc công ty quản lý, công ty sẽ sử dụng mọi nguồn lực của mình để hỗ trợ các nghệ sĩ phát triển, chẳng hạn: quản lý, trang phục, hình ảnh, đào tạo chuyên môn, trình diễn, truyền thông, sản phẩm.

Về phần nghệ sĩ, họ có trách nhiệm tuân thủ những cam kết đã ký trước đó, thực hiện những gì mà công ty chủ quản đặt ra để cả hai bên đều đạt được những kết quả tốt nhất. Lợi nhuận sẽ được phân chia theo thỏa thuận kí kết giữa hai bên. Khi một trong những cam kết trên không được bảo toàn, “chúng ta không thuộc về nhau”, “đường ai nấy đi” là chuyện sớm muộn.

Nổi tiếng là nền công nghiệp giải trí bài bản và có quy củ, trong thời gian qua; thế nhưng, Kpop cũng đang dần bộc lộ một vài điểm xấu và bản chất bên trong lớp vỏ hào nhoáng khi ngày càng có nhiều scandal xuất hiện liên quan đến việc bóc lột sức lao động, quỵt lương…

Tuy nhiên, xét bình diện chung, mô hình kết hợp giữa nghệ sĩ và công ty quản lý vẫn tạo nên sự hiệu quả; nhất là đã đưa âm nhạc cùng với phim ảnh của Hàn Quốc “xuất khẩu” đi khắp thế giới; mang về một khoản lợi nhuận kếch xù cho nghệ sĩ lẫn công ty. Vì thế, ở Hàn Quốc, rất khó để thống kê được số lượng công ty giải trí mới ra đời mỗi ngày.

Ở Việt Nam, nhìn chung, nghệ sỹ “tự lực cánh sinh” nhiều hơn. Thay vì chỉ chuyên tâm trau dồi chuyên môn, nghệ sỹ ở ta phải tự xây dựng kế hoạch phát triển bản thân, từ những việc nhỏ nhất như trang phục, hóa trang, đặt lịch biểu diễn… cho tới quảng bá hình ảnh… Họ vừa là nghệ sỹ vừa là quản lý của chính mình. Vì thế, ở một mặt nào đó, họ cũng tự hạn chế khả năng của mình; những rủi ro ngoài chuyên môn cũng sẽ lớn hơn.

Ở ta, dù không nở rộ như Hàn Quốc nhưng cũng có những công ty quản lý ca sĩ ra đời và phát triển. Có thể kể đến một số cái tên như WEPRO với Ưng Hoàng Phúc, H.A.T, Weboys, Phạm Quỳnh Anh, Trịnh Thăng Bình, Hamlet Trương, Hoàng Thùy Linh; Văn Production với Sơn Tùng M-TP, Văn Mai Hương; Công ty St.319 với Min, Erik, Monstar, Hứa Kim Tuyền; Ali Hoàng Dương, Bảo Thy…

Công ty 6Sense với Đông Nhi, Song Luân… Hồng Ân Entertainment với Chi Dân, Hoàng Tôn,Vương Anh Tú… Công ty 1989s Production với Bích Phương, Tiên Cookie, Soobin Hoàng Sơn, Thùy Chi, Quốc Thiên…

Tuy nhiên, không phải cái bắt tay nào cũng có kết quả tốt đẹp; bằng chứng là đã xảy ra những rạn nứt, đổ vỡ, lôi nhau lên mặt báo như những ví dụ kể trên. Nhìn chung, mô hình nghệ sĩ trực thuộc công ty quản lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp như một nhạc sĩ nhận xét.

Những ràng buộc pháp lý thiếu chặt chẽ, thực thi Luật Lao động,… vẫn đang là những điểm trừ. Điều đó cộng với những yếu tố khác nữa như vấn đề bản quyền, chất lượng sản phẩm,… làm cho bức tranh nền công nghiệp âm nhạc mới chỉ ở sơ khai. Vẫn còn một con đường dài trước mặt, mới tạm gọi là thành hình, như kỳ vọng của không ít nghệ sĩ.

Cốc Vũ

Nguồn tin: cand.com.vn