Giảng viên trẻ CAND giành được nhiều học bổng

Giảng viên trẻ CAND giành được nhiều học bổng
Vượt qua 577 hồ sơ ứng viên Chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước do Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF), Tập đoàn Vingroup tổ chức, Thượng úy Phạm Văn Thành, giảng viên Khoa Tự động và Phương tiện kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, Trường Đại học PCCC đã được nhận học bổng trị giá 150 triệu đồng.


Đây là năm thứ hai liên tiếp Thượng úy Phạm Văn Thành được nhận học bổng từ Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).

Thượng úy Phạm Văn Thành nhận bằng khen “Gương mặt trẻ tiêu biểu” của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thượng úy Thành còn dành được nhiều học bổng khác trong quá trình học tập, nghiên cứu như 3 năm liên tiếp được nhận Học bổng dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh xuất sắc của Tập đoàn Toshiba, học bổng Odon-Vallet. Đặc biệt, trong quá trình làm tiến sĩ tại Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Thượng úy Phạm Văn Thành đã được nhận bằng khen “Gương mặt trẻ tiêu biểu” của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, bài báo xuất sắc tại hội nghị khoa học dành cho nghiên cứu sinh.

Thượng úy Phạm Văn Thành hiện đang là nghiên cứu sinh năm thứ 3 tại Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong những ngôi trường có bề dày lịch sử về học tập và nghiên cứu. Trong quá trình làm tiến sĩ tại Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Thượng úy Thành đã đạt được những thành tích khoa học trong nghiên cứu cũng như trong học tập đáng ghi nhận.

Thượng úy Thành đã hoàn thành các môn học, các chuyên đề chuyên môn và tiểu luận tổng quan đạt điểm số xuất sắc (A+); đã đăng 3 bài báo trên các tạp chí ISI uy tín thuộc lĩnh vực Khoa học Công nghệ và tham gia báo cáo tại 6 hội nghị Khoa học quốc gia và quốc tế uy tín có liên quan tới đề tài tiến sĩ mà giảng viên trẻ đang làm.

Trong năm học 2019-2020, Thượng úy Thành đã viết và đăng 2 bài trên tạp chí ISI/Scopus, đã gửi 1 bài báo vào tạp chí ISI, đồng thời Thành cùng thầy hướng dẫn đã hoàn thành bản thảo 1 bài báo, dự kiến sẽ gửi vào tạp chí ISI thuộc top 5% tạp chí uy tín trên thế giới; tham gia báo cáo tại 2 hội nghị khoa học quốc tế, cũng như tham gia phản biện nhiều bài báo cho các tạp chí và hội nghị quốc tế.

Thượng úy Thành còn là thành viên chính của đề tài khoa học cấp Bộ với đề tài “Nghiên cứu chế tạo thiết bị tự động truyền tin báo cháy đa vùng thông minh, sử dụng mạng thông tin di động tích hợp trong các hệ thống báo cháy tự động”; tham gia hướng dẫn và hướng dẫn chính nhiều sinh viên/nhóm sinh viên của Đại học PCCC và Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội đạt thành tích cao, nhiều nhóm sinh viên đoạt giải nhất, nhì sinh viên NCKH cấp trường và nhiều sinh viên bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp với điểm số xuất sắc.

Đặc biệt, trong năm 2020, Thượng úy Phạm Văn Thành đã mạnh dạn đề xuất viết luận án tiến sĩ bằng tiếng Anh để nâng cao năng lực ngoại ngữ, chất lượng luận án và truyền lửa đam mê nghiên cứu, học tập cho thế hệ sinh viên, học viên và đã được Giám đốc Đại học Quốc gia đồng ý.

Hiện tại, Thượng úy Phạm Văn Thành đang nghiên cứu đề tài “Xây dựng hệ thống phát hiện và định vị lính cứu hỏa gặp sự cố khi làm nhiệm vụ sử dụng một số kỹ thuật học máy và xử lý tín hiệu tiên tiến”.

Đây là đề tài nghiên cứu mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao do hiện nay trong nước và trên thế giới, bài toán định vị trong nhà/công trình dựa trên dữ liệu thu thập từ cảm biến mà không cần thiết lập trước các điều kiện (ví dụ như các trạm thu phát, hay các access points..) còn tồn tại nhiều nhược điểm và độ chính xác chưa cao. Đặc biệt, đề tài nghiên cứu này được ứng dụng cho lính cứu hỏa trong điều kiện cháy nổ phức tạp.

Chia sẻ về niềm vui khi 2 năm liền được nhận học bổng từ Quỹ Đổi mới sáng tạo của Vingroup, Thượng úy Thành cho biết: “Bên cạnh những giá trị về mặt vật chất, học bổng của Quỹ VinIF còn mang giá trị to lớn về mặt tinh thần giúp em và các bạn học viên, nghiên cứu sinh yên tâm học tập, nghiên cứu. Trước mắt, Thành sẽ sử dụng số tiền từ học bổng để mua thêm linh kiện, thiết bị để phục vụ cho đề tài nghiên cứu “Xây dựng hệ thống phát hiện và định vị lính cứu hỏa gặp sự cố khi làm nhiệm vụ sử dụng một số kỹ thuật học máy và xử lý tín hiệu tiên tiến” để đảm bảo chất lượng cho công trình khoa học mà em đang nghiên cứu cũng như các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy tại Trường Đại học PCCC, Bộ Công an mà em đang công tác; tham gia các hội nghị khoa học quốc tế có uy tín”.

Tác giả bài viết: Hùng Quân

Nguồn tin: cand.com.vn