Giữ "mạch máu" giao liên thông suốt

Giữ "mạch máu" giao liên thông suốt
Có lệnh là lên đường, bất kể thời điểm, những cán bộ, chiến sỹ (CBCS) của Phòng Bưu chính liên tục đi về như con thoi, nối tiếp nhau để thông tin chỉ đạo, điều hành từ công văn, tài liệu được giao nhận thông suốt, không bị gián đoạn...

Có một khâu công tác nghiệp vụ trọng yếu, cơ mật, nhanh chóng, bảo đảm trực tiếp phục vụ sự chỉ đạo, chỉ huy, chiến đấu 24/24h của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương thuộc Văn phòng Bộ Công an, đó là công tác giao liên của lực lượng Bưu chính. Có lệnh là lên đường, bất kể thời điểm, những cán bộ, chiến sỹ (CBCS) của Phòng Bưu chính liên tục đi về như con thoi, nối tiếp nhau để thông tin chỉ đạo, điều hành từ công văn, tài liệu được giao nhận thông suốt, không bị gián đoạn...

Ôn lại những dấu mốc lịch sử từ lúc hình thành đến nay, Thượng tá Lê Thuần Dũng, Trưởng Phòng Bưu chính cho biết, công tác bưu chính (giao liên) CAND ra đời và hoạt động ngay từ những ngày đầu thành lập lực lượng Công an (19-8-1945), song lúc đó chưa được tổ chức thành một lực lượng chuyên trách.

Đến ngày 15/7/1976, Bộ Nội vụ quyết định thành lập Đội Giao liên trực thuộc Vụ Nghiên cứu tổng hợp; năm 1981 nâng lên thành Phòng Thông tin Bưu chính thuộc Cục Thông tin liên lạc, tiền thân của Phòng Bưu chính, Văn phòng Bộ Công an hiện nay. Đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, với sự phát triển mạnh mẽ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử đã mang lại lợi ích to lớn trong hoạt động quốc phòng, an ninh, kinh tế xã hội, đối ngoại... song cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức đan xen, ảnh hưởng tới công tác bảo đảm an ninh, trật tự…

Thượng tá Lê Thuần Dũng, Trưởng phòng Bưu chính, Văn phòng Bộ Công an chủ trì họp bàn công tác chuyển giao công văn, tài liệu.

Từ đó, đặt ra cho toàn lực lượng Công an nói chung, lực lượng Tham mưu CAND nói riêng nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi công tác bưu chính Công an phải đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ an ninh, an toàn trong chuyển phát công văn, tài liệu.

Là người gắn bó hơn 20 năm trong lực lượng giao liên, Trung tá Nguyễn Hải Tùng, Đội trưởng Đội Kế hoạch Hậu cần, Phòng Bưu chính vẫn còn nhớ như in chuyến đi đầu tiên giao nhận công văn, tài liệu là từ Thủ đô Hà Nội lên tỉnh Điện Biên. "Năm 1998, chiếc xe U-oát của đơn vị đưa chúng tôi men theo quốc lộ 6 lên Hòa Bình, Sơn La rồi sang Điện Biên. Đường xóc, bụi, xe không có điều hòa nên anh em phải dùng khăn to quấn kín quanh đầu, hở mỗi đôi mắt cho đỡ bụi.

Đoàn gồm 1 đồng chí tổ trưởng, 1 đồng chí giao liên và 1 đồng chí bảo vệ", anh kể. Lúc lên đèo Pha Đin (giáp ranh giữa xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên - PV), xe phải dừng lại lấy đà để leo đèo. Vậy mà khi đổ đèo thì mưa to, lũ về làm ngập nửa bánh xe. "Mưa to đến mức, chúng tôi co ro để che chắn cho công văn, tài liệu, mưa hắt vào cửa kính, nước chảy từ trên nóc xe xuống khiến anh em ai nấy đều ướt từ đầu đến chân. Khoảng cách Hà Nội - Điện Biên cỡ 500km mà lúc đi mất 3 ngày, khi về mất 2 ngày, bấy giờ chưa có điện thoại để liên lạc...", Trung tá Nguyễn Hải Tùng nhớ lại.

Tổ công tác Phòng Bưu chính lên đường làm nhiệm vụ.

Bắt đầu từ chuyến đi đáng nhớ đó, anh đã thực hiện làm nhiệm vụ khắp các cung đường từ Tây Bắc đến miền Trung - Tây Nguyên, vào TP Hồ Chí Minh và cả chuyến xa nhất đến mũi Cà Mau. Thường những chuyến đi kéo dài 4-5 ngày, các anh tự mang xoong nồi, mì, gạo, đến bữa là dừng xe mượn nhà dân nghỉ ngơi, nấu ăn. Nhiều chuyến đi rất vất vả, như mưa lũ Tây Bắc khiến xe bị trôi khi đi qua ngầm, mùa mưa đất sạt lở, có lúc phải nằm chờ ở đỉnh đèo để cứu hộ nổ mìn thông đường mới đi tiếp.

Rồi vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị nắng chang chang với những cồn cát trắng xóa lóa mắt, ngồi xe U-oát không điều hòa, anh em phải chuẩn bị khăn ướp đá lạnh đắp lên đầu cho hạ nhiệt. Có những chuyến cung đường xa, dài ngày phải đi một mình do thiếu người... Thế nhưng, xác định nhiệm vụ luôn được đặt lên hàng đầu, những CBCS giao liên vẫn không ngừng làm nhiệm vụ, gối chuyến liên tục để đảm bảo thông tin, công văn, tài liệu, sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Bộ đến Công an các địa phương luôn thông suốt, kịp thời.

Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng, Thiếu tá Phạm Quốc Hoàn, Phó Đội trưởng Đội giao, nhận công văn tài liệu cùng CBCS được phân công thành lập một tổ công tác phản ứng nhanh từ Hà Nội tăng cường vào Huế "đóng đô" để thay thế cho đội ở Đà Nẵng, làm nhiệm vụ vận chuyển công văn, tài liệu đi các tỉnh miền Trung. "Chuyến đầu tiên, chúng tôi phải gửi công văn xin ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để được lưu thông trên địa bàn. Anh em mang nhiều trang thiết bị như máy tính, máy photo, máy khử quẩn, quần áo bảo hộ, khẩu trang, nước rửa tay..., chủ động thực hiện quy tắc "5K" để phục vụ giao liên thông suốt cho khu vực miền Trung", anh nói.

Phòng Bưu chính bàn giao tài liệu cho các đồng chí đi công tác tuyến tỉnh.

Công tác giao liên là bất kể giờ giấc, phục vụ 24/24h, chỉ cần có lệnh là lên đường. Có những công văn hỏa tốc giữa đêm cần chuyển ngay, thậm chí nhiều văn bản cần báo cáo điểm nóng về an ninh, trật tự, chỉ đạo chuyên án, nghiệp vụ cần chuyển trực tiếp, báo cáo ngay trong đêm. Thông tin cứ liên tục, liên tục nên có lúc anh em vừa trở về lại lên đường, hoặc có công văn đi nửa chặng đường thì anh em lại quay về để cập nhật bản mới hơn...

"Còn nhớ, năm 2004, có công văn hỏa tốc của lãnh đạo Bộ gửi Công an TP Đà Nẵng, anh em ra sân bay nhưng không mua được vé đi Đà Nẵng nên sau đó phải bay vào TP Hồ Chí Minh rồi mới từ TP Hồ Chí Minh bay ra Đà Nẵng. Đó là những ngày cận Tết Nguyên đán, chúng tôi ăn Tết tại Đà Nẵng, xong nhiệm vụ trở về thì đã sang năm mới. Cũng có lần thực hiện nhiệm vụ tại Đà Nẵng mà không đặt được vé, thay vì bay 1,5 tiếng, anh em giao liên phải đi ô tô trong 14 tiếng để kịp tiến độ được giao", Trung tá Nguyễn Hải Tùng chia sẻ.

Cán bộ Phòng Bưu chính bàn giao công văn, tài liệu cho Công an các địa phương.

Những ngày gần đây, tình hình dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh hết sức căng thẳng với hàng nghìn ca bệnh mỗi ngày, Trung tá Hoàng Thị Mỹ Linh, Đội trưởng Đội Bưu chính TP Hồ Chí Minh cùng CBCS đang phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thiếu thốn, vất vả: cường độ làm việc cao, công việc nhiều, thường xuyên, liên tục trong khi biên chế ít; quá trình thực hiện nhiệm vụ trong thời điểm giãn cách xã hội, hàng quán đóng cửa... "Vượt lên trên tất cả, chúng tôi đều động viên nhau đoàn kết, trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng Đội Bưu chính TP Hồ Chí Minh thành "ngôi nhà thứ hai" - nơi ấm áp tình đồng chí, đồng đội và sự hăng say công việc", chị tâm sự.

Trải qua 45 năm chiến đấu và trưởng thành, Phòng Bưu chính, Văn phòng Bộ Công an vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" (1996); tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì (1986); Huân chương Chiến công hạng Nhất (1991); Huân chương Quân công hạng Nhì (2006). Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung và Tây Bắc, Phòng Bưu chính đã khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Chính phủ tặng Cờ "Ðơn vị thi đua xuất sắc" cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tác giả bài viết: Quỳnh Vinh

Nguồn tin: cand.com.vn