Idlib và bài toán khó cho NATO

Liên tiếp 2 vụ không kích xảy ra vào đêm 27 và ngày 28-2 tại ngôi làng Balioun thuộc tỉnh Idlib khiến 34 lính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng, hàng chục người bị thương. Đây là thành viên của một đoàn quân Thổ Nhĩ Kỳ được tăng cường đến Idlib để hỗ trợ phiến quân Syria chống lại quân đội Chính phủ Syria trong cuộc chiến nhằm đánh bật phiến quân Syria ra khỏi cứ địa cuối cùng.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc quân đội Chính phủ Syria đã gây ra các vụ không kích. Trong một động thái gọi là để trả đũa cho các vụ không kích này, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một loạt vụ tấn công cả trên không và trên bộ khắp tỉnh Idlib. Fahrettin Altun, cố vấn truyền thông của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho báo chí biết các vụ tấn công đó đã phá hủy 5 trực thăng và 2 hệ thống phòng không, một số xe tăng, vô hiệu hóa 309 binh sĩ Chính phủ Syria.

Ngày 1-3, thêm 2 chiến đấu cơ của quân đội Syria bị quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi bên trong lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, thông tin được các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tung ra không thống nhất, có độ chênh rất lớn. Trong khi đó, một tổ chức giám sát chiến tranh tại Syria xác nhận có khoảng 20 binh sĩ Syria tử vong trong các cuộc trả đũa.

Không chỉ có hành động trả đũa, Ankara còn yêu cầu NATO họp khẩn về vụ việc và kêu gọi phương Tây thiết lập một “vùng cấm bay” tại tỉnh Idlib nhằm hạn chế các cuộc không kích của quân đội Syria. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh đi xa hơn, kêu gọi Liên Hiệp Quốc họp khẩn về vấn đề Idlib nhưng dường như không mấy thành viên hưởng ứng lời kêu gọi này.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu với báo chí sau cuộc họp khẩn ở Brussels.

Theo giới quan sát, tuy đáp ứng yêu cầu của Ankara, thái độ của khối NATO cho thấy họ không thật “mặn mà” với việc can thiệp sâu vào Syria. Sau cuộc họp khẩn tại Brussels vào ngày 28-2, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng các nước thành viên của khối này đã bày tỏ “đoàn kết đầy đủ” với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng ông Stoltenberg đã không vội đưa ra lời hứa hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì thế, cho biết các nước thành viên NATO “sẽ xem xét các khả năng họ có thể làm để hỗ trợ thêm cho Thổ Nhĩ Kỳ”.

Theo giới quan sát, điều này có thể hàm nghĩa là tăng cường sứ mệnh trinh sát hiện hữu của NATO tại nước này và gia cố thêm hệ thống phòng không Patriot do Tây Ban Nha vận hành. Tuyệt nhiên người ta không thấy ông Stoltenberg nhắc gì đến việc thiết lập cái gọi là “vùng cấm bay” ở tỉnh Idlib của Syria. Vì vấn đề này đã không được các thành viên NATO quan tâm hay ủng hộ.

Ông Stoltenberg cho rằng, việc thiết lập vùng cấm bay tại tỉnh Idlib là không cần thiết và quá nguy hiểm, bởi điều đó có thể đụng chạm trực tiếp đến không quân Nga đang có mặt tại Syria để hỗ trợ cho Damascus. NATO mong muốn duy trì “hiện trạng” hơn là thay đổi “tư thế”.

Trong khi đó, Erdogan cũng đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump để hy vọng được giúp sức. Nhưng, theo giới quan sát, Nhà Trắng đã từng tuyên bố sẽ chỉ cung cấp hỏa lực phòng không chừng nào Thổ Nhĩ Kỳ chịu từ bỏ tên lửa S-400 của Nga.

Các cuộc đụng độ giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng thân Chính phủ Syria tại tỉnh Idlib đang diễn ra ngày càng nhiều và leo thang về mức độ nghiêm trọng. Điều này đặt ra nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Ankara và Moscow. Dư luận quốc tế cho rằng những gì sẽ diễn ra từ đây trở đi sẽ có ảnh hưởng rộng rãi cho cả hai nước và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Quan trọng hơn, các động thái tiếp theo sẽ xác định giai đoạn cuối của cuộc chiến Syria, nó sẽ kết thúc như thế nào và số phận hơn 3 triệu người mất nhà cửa vì chiến tranh sẽ ra sao.

Bản thân Tổng thống Erdogan không muốn trực tiếp đối đầu với Nga. Sau vụ không kích đêm 27-2, đã xuất hiện một số đoạn video không rõ nguồn gốc được các tổ chức quan sát chiến tranh tung ta với hàm ý không quân Nga đã thực hiện vụ không kích. Nhưng Ankara chỉ đổ cho quân đội Chính phủ Syria gây ra vụ không kích (đến nay Damascus chưa lên tiếng xác nhận) mà không trực tiếp cáo buộc Nga vì như thế đòi hỏi một sự phản pháo, giống như họ đã làm với quân đội Syria. Điều này hết sức nguy hiểm vì cơ bản không ai có thể đoán biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, cả chính trị lẫn quân sự.

Ông Erdogan cũng tỏ ra không mấy tin tưởng vào sự hậu thuẫn của các đồng minh. Sau cuộc họp ở Brussels và sau những phát biểu không thật sự mạnh miệng của Tổng Thư ký Stoltenberg, ông Erdogan dường như đã nhận ra rằng việc “mượn oai hổ” để hù dọa “gấu” là không có tác dụng. Cho dù ông có thể kích hoạt Điều 5 trong Hiến chương NATO để lôi kéo các thành viên khối này bảo vệ mình, kết quả sẽ ra sao? Cùng lắm thì cũng lại tái diễn màn “đấu khẩu” qua lại giữa Nga và NATO, không hơn không kém.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 29-2 cho biết các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã không đạt được tiến bộ nào trong vài tháng qua và vấn đề Idlib xem chừng chỉ có thể được giải quyết bởi Tổng thống Vladimir Putin của Nga và Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một quan chức cấp cao chính phủ Ankara cho biết một cuộc họp giữa hai vị nguyên thủ quốc gia dự kiến sẽ diễn ra tại Moscow vào ngày 5-3 tới. Tại đó hai ông sẽ bàn bạc các bước đi sắp tới cho cả hai bên tại Idlib và người ta mong đợi sẽ có thỏa thuận đột phá.

An Châu (tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn