Iran đối mặt với muôn trùng gian khó


Người phát ngôn cơ quan tư pháp của Iran Gholamhossein Esmaili phát biểu với báo giới rằng một số tù nhân sẽ được phép ra tù và hưởng án treo sau khi thử âm tính với COVID-19. Iran đang gặp muôn vàn khó khăn khi vừa phải đối phó với những hệ luỵ từ lệnh cấm vận của Mỹ, vừa phải đối mặt với dịch COVID-19 đang bùng phát.

Đường phố vắng ngắt, các trường học và rạp chiếu phim đóng cửa; trung tâm mua sắm vắng lặng. Những que diêm xếp thành dãy xuất hiện bên những máy rút tiền hay thang máy để người dùng có thể nhấn nút mà không phải chạm ngón tay vào những bề mặt kim loại có khả năng nhiễm COVID-19

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng đền thờ Imam Reza ở thành phố Mashhad, Iran ngày 27-2.

Ở những nơi công cộng, nhiều người không còn bắt tay hay ôm hôn để chào hỏi, thay vào đó họ chạm giày vào nhau. Làm việc và học tập từ xa đã trở thành chuẩn mực. Các lớp học ngôn ngữ buổi tối vốn phổ biến ở thủ đô Tehran giờ trống không. Lưu lượng truy cập Internet tăng 40% khi người Iran làm việc tại nhà.

Thậm chí cả người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei cũng tổ chức họp báo qua video. Chính quyền đã áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19, bao gồm hủy bỏ lễ cầu nguyện thứ Sáu, đóng cửa trường học cho đến ngày 8-3, đóng cửa Quốc hội cho đến khi "có thông báo tiếp theo" và hạn chế người dân đi lại trong nước.

Cho tới lúc này, gần 30 quan chức Chính phủ Iran và nghị sĩ nhiễm COVID-19, một cố vấn cấp cao cho lãnh tụ tối cao đã qua đời. Bộ Y tế Iran đề xuất điều 300.000 dân quân đến từng nhà khử trùng. Công tố viên hàng đầu cảnh báo bất kỳ ai đầu cơ tích trữ khẩu trang và các vật tư y tế công cộng khác có nguy cơ bị tử hình.

COVID-19 bùng phát ở Iran vào thời điểm nước này đang gặp nhiều khó khăn khi nền kinh tế bị bóp nghẹt vì các lệnh trừng phạt của Mỹ. Hệ thống y tế Iran được đánh giá là khiêm tốn, trang thiết bị thiếu thốn, đặc biệt trong hoàn cảnh nước này bị Mỹ cấm vận kinh tế.

Từ nhiều năm nay, các nhà máy sản xuất thuốc tại Iran đã phải đương đầu với vô vàn khó khăn khi nước này phải hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ và cộng đồng quốc tế. Các lệnh trừng phạt khiến hầu hết những nhà máy ở Iran đều rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu, vật tư, trang thiết bị.

Mặc dù trong số những lệnh trừng phạt, viện trợ hàng hóa, dược phẩm và thiết bị y tế cho mục đích nhân đạo là những ngoại lệ. Tuy nhiên, hầu hết các nhà cung cấp đều không muốn bán hàng cho Iran vì lo sợ bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt. Trong khi đó, các ngân hàng đều chủ động từ chối các giao dịch liên quan đến Iran cũng vì lý do trên. Do đó, nhiều nhà máy tại nước Cộng hòa Hồi giáo phải tìm mọi cách để khắc phục khó khăn.

Trong một lá thư chung với các chuyên gia khác được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet hồi tháng 8-2019, ông Irinaj Harirchi, Thứ trưởng Bộ Y tế Iran, thừa nhận các vòng trừng phạt kinh tế khác nhau kể từ năm 1980 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề y tế và phúc lợi của người dân Iran.

Trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát tại Iran, các chuyên gia đang kêu gọi Mỹ giảm bớt các hạn chế về thương mại nhân đạo với Iran, điều này sẽ cho phép Trung Quốc và các quốc gia thân cận khác của Iran, bao gồm Nga, cung cấp viện trợ y tế và nhân đạo cho Cộng hòa Hồi giáo trước khi căn bệnh này leo thang thành một cuộc khủng hoảng lớn hơn trong khu vực.

Li Guofu, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, một nhóm chuyên gia tham vấn ở Bắc Kinh có liên kết với Bộ Ngoại giao cho biết, Trung Quốc có thể đóng vai trò chính trong việc giúp đỡ Iran trong cuộc khủng hoảng này. "Trong khi căn bệnh này là mới và thế giới có thể có ít kinh nghiệm trong việc đối phó hoặc chữa khỏi, Trung Quốc nên hợp tác với các nước khác để tìm hiểu những gì Iran cần và cung cấp viện trợ như khẩu trang và các thiết bị bảo vệ khác”, ông nói.

Ngày 3-3, một chiếc máy bay chở hàng 7,5 tấn thiết bị y tế và bảo hộ cần thiết phục vụ cho cuộc chiến chống COVID-19 đã đến Iran. Đây là lô hàng viện trợ do WHO cung cấp bao gồm thiết bị y tế và bảo hộ cho hơn 15.000 người và bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 để sàng lọc cho 100.000 trường hợp.

Ông Mike Ryan, Giám đốc Chương trình tình huống y tế khẩn cấp của WHO cho biết, Iran đang đối mặt với nhiều vấn đề trong công tác ứng phó dịch COVID-19 bao gồm thiếu nguồn cung cấp thiết bị bảo hộ và năng lực chăm sóc đặc biệt những người bị bệnh nặng.

Trong khi đó, một phát biểu ngày 4-3, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết đã từ chối một lời đề nghị giúp đỡ từ phía Mỹ và cáo buộc chính lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đã cướp đi khả năng y tế của Iran. Tổng thống Hassan Rouhani nói Iran sẽ vượt qua dịch bệnh với con số tử vong “tối thiểu”.

Đức Quý (Tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn