Kinh tế châu Âu điêu đứng vì dịch bệnh

Thị trường đã phản ứng dữ dội và một số ngành nghề đã phải chịu ảnh hưởng lớn từ cú sốc COVID-19. Chỉ số S P 500 giảm gần 18% so với mức đỉnh vào giữa tháng 2, trong khi Eurostoxx 50 sụt giảm gần 25% tính đến cuối tuần trước. Phản ứng này mạnh mẽ hơn hẳn so với trong các thời kỳ dịch bệnh trước đây. Các thước đo tính biến động của thị trường tài chính, chẳng hạn như VIX, đã đạt tới những mức độ chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.

Nhu cầu về hàng không đã chứng kiến sự sụt giảm ngay lập tức và rất mạnh mẽ. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế ước tính thiệt hại doanh thu toàn cầu đối với ngành vận tải hành khách rơi vào khoảng từ 63 đến 113 tỷ USD. Giá cổ phiếu ngành hàng không đã giảm gần 25% kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát. Con số này cao hơn 21 điểm phần trăm so với mức giảm vào thời điểm tương tự trong cuộc khủng hoảng dịch SARS năm 2003.

Các nước châu Âu đã và đang buộc phải áp dụng nhiều biện pháp cách ly.

Ngành du lịch Italy đã chứng kiến sự sụt giảm 40% - 80% sau khi dịch bùng phát và dự báo tình hình sẽ còn tồi tệ hơn do lệnh phong tỏa toàn quốc đã được áp dụng. Pháp cũng chứng kiến sự sụt giảm 30 - 40% số lượng du khách do dịch bệnh lan tràn.

Các biện pháp hạn chế tương tác xã hội gây ra những tác động kinh tế lớn vượt xa tác động đối với các ngành nghề. Ngay cả trong thời đại kỹ thuật số, phần lớn nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào những tương tác giữa con người với nhau. Ban đầu, nguyên nhân dẫn tới cú sốc trong nền kinh tế châu Âu là những gián đoạn đối với chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh virus lây lan, các biện pháp tăng cường phong tỏa đã được thực hiện ở các quốc gia châu Âu, nhất là Italy.

Khi các biện pháp phong tỏa được thực hiện, hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau. Ban đầu, dịch bệnh chủ yếu tác động tới ngành du lịch và vận tải. Tuy nhiên, các biện pháp càng kéo dài và càng trở nên toàn diện thì toàn bộ nền kinh tế càng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Cú sốc kinh tế này là sự kết hợp giữa những hiệu ứng của cả cung lẫn cầu. Cú sốc ban đầu về nguồn cung xuất phát từ sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và tiếp sau đó là tác động của việc người lao động không thể đến nơi làm việc. Cú sốc ban đầu về nhu cầu xuất phát từ sự không chắc chắn về tình hình y tế và sức khỏe, khiến người tiêu dùng giảm bớt tương tác vật lý với người khác và khiến các công ty trì hoãn đầu tư. Sự sụt giảm thu nhập và doanh thu do đó đã khiến nhu cầu tiếp tục giảm.

Điều này đến lượt nó lại dẫn tới sự cắt giảm nguồn cung khi các công ty gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên và đáp ứng các nghĩa vụ tài chính. Những tác động gián tiếp có khả năng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi các biện pháp phong tỏa được duy trì trong thời gian dài hơn. Nhu cầu sẽ giảm khi người tiêu dùng trì hoãn hay thậm chí hủy bỏ tiêu dùng.

Mặc dù mức độ tiêu dùng trong một số loại hình tiêu dùng có thể sẽ được bù đắp sau khi cuộc khủng hoảng y tế đã chấm dứt nhưng khả năng là các loại hình khác sẽ không thể khôi phục được - chẳng hạn như việc đi ăn tại các nhà hàng. Cuối cùng, nhu cầu chịu tác động của hiệu ứng lòng tin. Do quan ngại về tương lai, các công dân có thể sẽ gia tăng mức tiết kiệm phòng ngừa, giảm chi tiêu.

Hoạt động đi lại quốc tế có thể bị hạn chế trong thời gian dài.

Dịch bệnh này càng kéo dài thì những khó khăn kinh tế cũng càng dai dẳng. Rõ ràng, châu Âu và các nơi khác trên thế giới không phải là Trung Quốc. Châu Âu đã bỏ lỡ thời điểm để có thể khoanh vùng virus trong những khu vực nhất định và do đó, câu hỏi thực sự là các biện pháp phong tỏa tốn kém về kinh tế nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của các hệ thống y tế có thể làm chậm đến mức nào sự lây lan của virus trong hoàn cảnh hiện nay?

Việc mở cửa hay đóng cửa biên giới cũng đòi hỏi phải có cách tiếp cận phối hợp đối với đại dịch này. EU cần một quan điểm chung về sự lựa chọn giữa mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp phong tỏa và hậu quả kinh tế trực tiếp, đồng thời lưu ý tới những điều kiện cụ thể để phổ biến ở từng quốc gia trong khối. Tình trạng không có sự phối hợp phản ứng chắc chắc sẽ khiến cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế ở các quốc gia thành viên EU trở nên tồi tệ hơn so với khi có sự phối hợp.

Và giờ đây, khi đại dịch đã trở nên nghiêm trọng thì sẽ đòi hỏi phải có sự phối hợp ở cấp độ toàn cầu. Trong bối cảnh virus lây lan chóng mặt ở cả châu Âu và Mỹ, cũng cần phải xem xét những hậu quả đối với Trung Quốc, nơi được cho là đã cơ bản khống chế được dịch bệnh và các nền kinh tế khác. Dịch bệnh càng lan rộng ở Mỹ và châu Âu thì Trung Quốc, Nhật Bản và các nền kinh tế khác sẽ càng phải hạn chế đi lại vào đất nước họ nếu muốn ngăn chặn virus lây lan trở lại. Kết quả là hoạt động đi lại quốc tế có thể bị hạn chế trong thời gian dài.

Hơn nữa, khi các trung tâm thương mại toàn cầu lớn ở châu Âu và Mỹ chứng kiến GDP và sản lượng của họ sụt giảm thì thương mại toàn cầu và các chuỗi cung ứng với Trung Quốc và các nền kinh tế khác cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, các biện pháp ở châu Âu và Mỹ, như trước đây là Trung Quốc, sẽ có khả năng gây ra những tác động gián tiếp, ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu.

Huy Thông (Tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn