Lá chắn vững vàng giữa tâm dịch

Lá chắn vững vàng giữa tâm dịch
Từ khi TP Chí Linh bùng phát dịch đến nay, 100% CBCS Công an TP Chí Linh tăng cường làm nhiệm vụ. Gần 40 chốt kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19, trong đó có 5 chốt cấp tỉnh, 15 chốt cấp thành phố và 13 chốt cấp xã, phường; các xã, phường, thôn, khu dân cư thành lập thêm 51 chốt; khởi động lại 156 tổ cộng đồng phòng, chống dịch…


Từ 0h ngày 16/2, Hải Dương thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh. Đây là biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trên địa bàn,khi mà dịch bệnh vẫn đang có diễn biến hết sức phức tạp.Cùng với cả hệ thống chính trị, những ngày này, CBCS Công an tỉnh Hải Dương lại tiếp tục xông pha nơi tuyến đầu. Gác lại công việc gia đình, họ lặng lẽ làm người “gác cửa”, trở thành tấm lá chắn vững vàng giữa tâm dịch.

Vợ cùng chồng nơi tuyến đầu chống dịch

“Sao ba mẹ đi làm lâu về thế ạ! Tết cũng không ở nhà với con…”, câu nói trong trẻo của con thơ khiến Thiếu tá Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Công an phường Hoàng Tân, TP Chí Linh (Hải Dương) và những người đồng chí, đồng đội cảm thấy sống mũi cay cay.

Từ khi TP Chí Linh bùng phát dịch đến nay, 100% CBCS Công an TP Chí Linh tăng cường làm nhiệm vụ. Gần 40 chốt kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19, trong đó có 5 chốt cấp tỉnh, 15 chốt cấp thành phố và 13 chốt cấp xã, phường; các xã, phường, thôn, khu dân cư thành lập thêm 51 chốt; khởi động lại 156 tổ cộng đồng phòng, chống dịch…

Lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương kiểm tra các chốt chống dịch sáng 16/2.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hòa tăng cường chốt dịch ngay từ ngay đầu tiên dịch bùng phát ở TP Chí Linh. Từ con số ban đầu là 7 F0, 172 F1 và 655 F2… Đến ngày 16/2, phường Hoàng Tân đã có 22 F0, 241 F1, 715 F2, 460 F3. Số F1 cách ly tại nhà (được sự đồng ý của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Chí Linh) là 6 người; 109 F1 đã được về nhà và hướng dẫn cách ly tại nhà; 4 F0 đã được điều trị khỏi, trở về địa phương…, chỉ con số đó thôi đã phần nào nói lên áp lực và cường độ công việc của anh và đồng đội.

Cùng với việc trực tiếp phụ trách chốt kiểm dịch, Thiếu tá Nguyễn Văn Hòa còn quán xuyến, phụ trách công việc chung của các chốt kiểm dịch trên địa bàn phường. Những ngày đầu, anh và đồng đội phải đối mặt với không ít khó khăn. Công an phường Hoàng Tân có 6 CBCS thì 1 cán bộ tăng cường đảm bảo ANTT tại Công ty POYUN - ổ dịch lớn nhất của lần bùng phát dịch này, còn lại thì chia nhau thực hiện nhiệm vụ tại 5 chốt trên địa bàn phường, vừa phải căng mình kiểm soát tại chốt, vừa kết hợp truy vết. Khi dịch xảy ra, ở 3 khu dân cư trên địa bàn có 3 đám cưới được tổ chức.

Thật không may, tại đám cưới có trường hợp xét nghiệm dương tính nên việc truy vết hết sức khó khăn. Những ngày đó, anh cùng đồng đội ngày đêm truy vết, có khi thức trắng cả đêm. Vất vả là thế, nhưng ai cũng hăng say làm nhiệm vụ, bởi họ hiểu, phải truy tận cùng để có biện pháp đưa đi cách ly. Rồi khi bắt đầu tiến hành nhiệm vụ tại chốt, do nhận thức, 1 bộ phận nhân dân đã cho rằng các chốt cản trở việc đi lại, gây phiền hà…

Vừa làm nhiệm vụ, anh cùng đồng đội lại tích cực giải thích, tuyên truyền, dần dần người dân cũng hiểu, chia sẻ và chấp hành việc kiểm soát của lực lượng làm nhiệm vụ.

Dịch bệnh xảy ra vào dịp gần Tết Nguyên đán Tân Sửu, mật độ dân cư đi lại và người ở phương xa về quê ăn Tết khá đông nên công việc của anh và đồng đội gặp không ít áp lực. Ngoài việc dừng phương tiện để kiểm tra còn đảm bảo ANTT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng thời xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.

Những ngày anh cùng đồng đội căng mình ở các chốt kiểm dịch thì nơi tuyến đầu, vợ anh - một cán bộ của Trung tâm y tế TP Chí Linh, làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 1 của Hải Dương cũng chẳng về nhà; hai con còn nhỏ phải gửi nhờ ông bà ở quê trông nom chăm sóc. Trong những ngày Tết đến xuân về, lãnh đạo Công an TP Chí Linh cũng tạo điều kiện cho Hội Phụ nữ Công an TP Chí Linh chuẩn bị những thứ đồ dùng cần thiết cho CBCS đón Tết tại các chốt.

5 ngày Tết đã qua đi, kỷ niệm đọng lại sâu sắc nhất trong tâm trí của người Trưởng Công an phường là tình cảm của những người dân trên địa bàn với những cán bộ làm nhiệm vụ. Khi chỉ còn cách thời điểm Giao thừa không lâu, một cụ ông gần 80 tuổi, mang theo một cặp bánh chưng còn nóng hổi tìm đến chốt kiểm dịch của Công an phường Cộng Hòa rồi nói: “Các cháu ăn Tết, lấy sức mà chống dịch. Bánh ông vừa luộc nóng hổi, ngon lắm. Các cháu ăn hết, mai ông lại mang cho…”.

Bao nhiêu năm công tác trong lực lượng vũ trang, những cái Tết xa gia đình không phải là ít, nhưng vào những ngày Tết đến, xuân về, anh và các thành viên của chốt kiểm dịch cũng không khỏi chạnh lòng. Nhớ nhà, nhớ con, vào những lúc nghỉ ngơi khi thay ca, trước lúc ăn cơm rồi đi ngủ, anh và đồng đội lại tranh thủ gọi điện nói chuyện với các con và vợ qua Zalo, Facebook; đồng thời tranh thủ gọi điện chúc Tết ông bà 2 bên nội ngoại. Các con của anh nhớ bố mẹ, chỉ hỏi sao ba mẹ đi làm lâu về thế, Tết này không về mừng tuổi con. Trong những ngày Tết, vợ lo lắng cho chồng, chồng cũng canh cánh nỗi lo cho vợ.

“Vợ tôi cũng vất vả, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân dương tính… Hai vợ chồng chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng, chiến thắng dịch, bệnh để gia đình lại được đoàn tụ, xã hội trở lại cuộc sống bình thường. Đây là cái Tết đầu tiên gia đình tôi ly tán, mỗi người 1 nơi”, Thiếu tá Nguyễn Văn Hòa tâm sự.

Các chốt kiểm soát dịch ở phường Hoàng Tân, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương tăng cường làm nhiệm vụ.

Hoãn cưới, tham gia chốt chống dịch

“Anh và đồng đội giữ gìn sức khỏe…,”, cuộc gặp gỡ ngắn ngủi vào ngày mùng 2 Tết, khi vợ sắp cưới cùng đoàn công tác của Công an huyện Nam Sách (Hải Dương) có mặt tại các chốt làm nhiệm vụ, cũng khiến Trung úy Phạm Thế Hiển, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Nam Sách, cảm thấy xốn xang. Cả hai chỉ đứng nói chuyện hỏi thăm tại chốt cách nhau hơn 2m trong vòng vài phút, sau đó vợ sắp cưới của anh lại tiếp tục theo đoàn công tác đi các chốt khác. Vài phút gặp gỡ ngắn ngủi, tuy xa mà gần, tuy gần mà xa nhưng cũng làm cả 2 vơi đi nỗi nhớ và cũng thêm động lực để họ tin tưởng rằng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi…

Giây phút ấy nhanh chóng qua đi, Trung úy Phạm Thế Hiển và các thành viên của chốt kiểm dịch Nam Tân lại bắt tay vào nhiệm vụ. Họ cẩn trọng ghi lại tên tuổi, số điện thoại, số lượng hàng hóa. Sau đó, tất cả được phun khử khuẩn rồi mới cho mang đồ ra vào…

Thiệp cưới đã in, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng..., lễ cưới dự định tổ chức vào cuối tháng 2/2021, tức khoảng giữa tháng 1 âm lịch, nhưng Trung úy Phạm Thế Hiển đang tăng cường cho chốt chống dịch Nam Tân và bạn gái đã chủ động hoãn cưới, cùng đồng chí, đồng đội lại bắt tay vào chống dịch.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 3 này, địa bàn Nam Sách tình hình diễn biến khá phức tạp. Khi “ổ dịch” của huyện Nam Sách có 7 ca dương tính, Trung úy Phạm Thế Hiển nhận nhiệm vụ tăng cường trực tiếp đi vào tâm dịch. Cũng như các chốt kiểm dịch khác, thời gian đầu, anh và các thành viên của chốt phải đối mặt với không ít khó khăn. Anh chia sẻ: Thời gian đầu, tâm lý người dân rất hoang mang… Nỗi lo sợ càng lớn hơn khi khi một số trường hợp F0 chưa truy vết được nguồn lây bệnh khiến cho tình hình trong xã khá phức tạp.

Cùng với việc trực chốt, anh cùng đồng đội kiên trì tuyên truyền, giải thích với người dân. Từ đó, người dân cũng nhận thức được phần nào và hạn chế đến những điểm chốt. Vất vả nhất có lẽ là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Tân Sửu, khi nhu cầu vận chuyển hàng hoá, nhu yếu phẩm ngày Tết của người dân tăng cao. Tạo điều kiện cho người dân nhưng anh và cán bộ trực chốt vẫn đảm bảo đúng quy định phòng, chống dịch. Khi có người đến đề nghị chuyển đồ thì các anh thực hiện ghi tên tuổi địa chỉ, số lượng loại hàng, đồng thời phun khử khuẩn sau đó mới cho mang đồ ra vào.

“Là một Cảnh sát hình sự, hằng năm vào dịp Tết đều phải trực nhưng khi hết ca trực vẫn về nhà để phụ giúp gia đình dọn dẹp hay mua sắm một số đồ Tết, dự bữa cơm sum họp cùng gia đình. Tết năm nay bố mẹ chuẩn bị đón con dâu mới nên cũng có nhiều niềm phấn khởi. Tuy nhiên, khi dịch xảy ra, em phải đi vào tâm dịch, hoãn cưới thì bố mẹ và gia đình cũng có chút buồn, hụt hẫng. Vì thế, hàng ngày em đều điện thoại nhắn tin về cho gia đình để động viên bố mẹ”, Trung úy Phạm Thế Hiển cho biết.

Tham gia ở chốt còn có một đồng chí đoàn thanh niên và đồng chí thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện, chiều 30 Tết, anh em cùng bày mâm ngũ quả đồ lễ nho nhỏ để có chút không khí Tết khi xa nhà. Thời khắc Giao thừa, tất cả lực lượng chốt cùng chờ đợi rồi trao nhau câu chúc giản đơn, sức khoẻ gia đình hạnh phúc, cùng nhau động viên hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, anh em sẽ được gặp nhau không phải ở nơi này mà là ở một hoàn cảnh khác.

Thiếu tá Phạm Văn Hòa hay Trung úy Phạm Thế Hiển chỉ là 2 trong số hàng nghìn CBCS Công an tỉnh Hải Dương đang căng mình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch tại tỉnh Hải Dương – địa bàn đang nóng nhất cả nước về tình hình dịch COVID-19. Trực và ứng trực 100% quân số, sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ bất kể ngày hay đêm là trạng thái mà toàn lực lượng Công an tỉnh Hải Dương đã kích hoạt từ ngày đầu có dịch. Ngay trong đêm 2-2, nhiều CBCS thuộc Công an tỉnh đã tăng cường xuống chi viện cho các chốt tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn…

Thành lập thêm 17 chốt kiểm dịch cấp tỉnh

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại đến ngày 15/2, tỉnh Hải Dương đã triển khai tổng số 321 chốt kiểm soát dịch cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã với tổng số 1120 CBCS Công an tham gia thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, có 8 chốt kiểm soát dịch cấp tỉnh. Từ 0h ngày 16/2, khi áp dụng cách ly xã hội toàn tỉnh, Công an tỉnh đã tham mưu triển khai thêm 17 chốt cấp tỉnh với tổng số 114 CBCS Công an tăng cường từ các đơn vị.

Mỗi chốt sẽ bố trí 6 cán bộ Công an chia làm 3 ca, cùng với các lực lượng quân đội, y tế, thanh niên xung phong…, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch 24/24h. Như vậy là từ 0h ngày 16/2, sẽ có tổng số 27 chốt kiểm soát dịch COVID-19 cấp tỉnh hoạt động trên địa bàn tỉnh Hải Dương để kiểm soát tối ưu 100% người và phương tiện qua lại. Với quyết tâm cao độ ngăn chặn sự lây lan, kiểm soát dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, Công an tỉnh Hải Dương đã xây dựng phương án, triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư cho 17 chốt cấp tỉnh được tăng cường để các chốt nhanh chóng đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả tối ưu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài các chốt cấp tỉnh, từ 0h ngày 16/2, toàn tỉnh lập thêm 43 chốt cấp huyện và 94 chốt cấp xã. Từ 0h ngày 16/2, các chốt đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả tối ưu trong công tác chống dịch COVID-19.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, các chốt đã góp phần quan trọng kiểm soát dịch bệnh, xử lý các trường hợp sai phạm. Mới đây, vào lúc 20h40 ngày 13/2, tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 cầu Bình (TP Chí Linh), tổ công tác phát hiện Phạm Quang Hưng (SN 1973, thường trú ở số 94 Cao Bá Quát, phường Hải Tân, TP Hải Dương) và em trai khi đi xe máy đến chốt kiểm dịch không dừng lại thực hiện yêu cầu kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra khỏi địa bàn TP Chí Linh. Khi phát hiện Hưng đi theo lối đường gom cạnh quốc lộ 37 được khoảng 100m, chuyển sang xe ôtô của bạn đợi sẵn trên đường, đang định về nhà tại TP Hải Dương thì bị tổ công tác tiến hành kiểm tra; yêu cầu 3 đối tượng (Hưng, em trai Hưng và bạn Hưng trên xe ôtô) quay lại chốt kiểm soát để lập biên bản vụ việc.

Quá trình làm việc với tổ công tác tại chốt kiểm soát, Hưng nhận mình đã uống rượu trước đó và xin tổ công tác bỏ qua cho mình. Sau khi bị tổ công tác xử lý, Hưng đã chống đối. Chốt kiểm dịch đã lập biên bản vụ việc, bàn giao đối tượng, tài liệu cho Công an TP Chí Linh đang củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý nghiêm các đối tượng trên theo quy định.

Giám sát chặt chẽ việc ra vào chốt kiểm soát dịch COVID-19. Từ 0 giờ ngày 16/2, Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương đã kiểm tra hoạt động của các chốt kiểm soát dịch COVID-19 cấp tỉnh tại TP Hải Dương, các huyện Kim Thành và Bình Giang.

Ghi nhận, biểu dương tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc của các lực lượng trong việc thành lập chốt, Đại tá Lê Ngọc Châu đồng thời yêu cầu các chốt khẩn trương bổ sung các trang thiết bị khác còn thiếu như bình phun khử khuẩn, máy đo thân nhiệt; trang phục phòng hộ, kính chắn giọt bắn, găng tay, khẩu trang khi làm nhiệm vụ tránh bị lây nhiễm trong khi làm nhiệm vụ. Đồng thời, yêu cầu các lực lượng thực hiện nghiêm việc kiểm soát, chỉ cho người, phương tiện ra vào chốt đúng quy định của tỉnh như phương tiện chở hàng, nhu yếu phẩm thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất, xe lực lượng chống dịch, công nhân làm việc tại các doanh nghiệp, công ty…


Tác giả bài viết: Xuân Mai

Nguồn tin: cand.com.vn