Nâng cao công tác vận động đầu thú và thanh loại đối tượng truy nã

Nâng cao công tác vận động đầu thú và thanh loại đối tượng truy nã
Ngày 11/9/2020, Ban Chỉ đạo công tác truy nã Bộ Công an (Ban Chỉ đạo 327/BCA) tổ chức họp nhằm đánh giá thực trạng công tác truy nã, cùng thống nhất các giải pháp chỉ đạo thực hiện tốt hơn công tác xác minh, truy bắt, vận động đầu thú và thanh loại đối tượng truy nã trong thời gian tới.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo 327/BCA chủ trì buổi họp.

Báo cáo kết quả công tác truy nã 08 tháng đầu năm 2020 nêu rõ: Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác truy nã tội phạm nói chung, nhưng lực lượng Công an trong cả nước đã vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Kế hoạch, Điện, Mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ Công an và Ban Chỉ đạo 327/BCA.

Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động phối hợp, rà soát số đối tượng truy nã theo hệ lực lượng, tổ chức tuyên truyền, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú; phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong và ngoài lực lượng Công an áp dụng tổng hợp các biện pháp tổ chức xác minh, truy bắt đối tượng truy nã... Qua đó, 08 tháng đầu năm 2020, lực lượng Công an trong cả nước đã bắt, vận động, thanh loại được 3.884 đối tượng truy nã (tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2019); trong đó, đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại được 984 đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Có được kết quả đó, là do Công an các đơn vị, địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người bị truy nã ra đầu thú; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp có Thư kêu gọi đầu thú do lãnh đạo liên ngành gửi đến thân nhân của đối tượng truy nã, qua đó đã vận động được 1.206 đối tượng truy nã, chiếm gần 1/3 tổng số đối tượng truy nã đã bị bắt, vận động đầu thú, thanh loại trong 08 tháng đầu năm 2020.

Đồng thời, Công an các đơn vị, địa phương cơ sở cũng đã làm tốt công tác đăng ký, quản lý cư trú, nắm hộ, nắm người, từ đó phát hiện những đối tượng truy nã đang lẩn trốn trên địa bàn dưới các thủ đoạn như thay đổi đặc điểm nhận dạng, nhân thân, sử dụng chứng minh nhân dân của người khác, làm giả giấy tờ để được cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân.

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận những tồn tại, khuyết điểm, hạn chế, bài học kinh nghiệm và chỉ rõ những nguyên nhân, khó khăn trong công tác truy bắt, truy tìm, thanh loại đối tượng truy nã, để góp phần đưa ra những giải pháp căn cơ đẩy mạnh công tác truy bắt, truy tìm đối tượng truy nã trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận tại buổi họp, Thứ trưởng Lê Quý Vương ghi nhận, biểu dương những nỗ lực,cố gắng của Công an các đơn vị, địa phương trong công tác truy bắt, vận động, thanh loại đối tượng truy nã trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định, việc truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú đảm bảo các yêu cầu về pháp luật, nghiệp vụ, không để xảy ra oan sai, góp phần giải quyết hàng ngàn vụ án; kết quả trên cũng đã góp phần phòng ngừa tội phạm, kìm chế sự gia tăng của tội phạm trong thời gian qua.

Để công tác truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại đối tượng truy nã đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quý Vương yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương, nhất là chỉ huy các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác truy nã trong phòng, chống tội phạm, để có biện pháp, giải pháp hiệu quả hơn trong công tác truy nã thời gian tới. Tiếp tục nâng cao công tác nghiệp vụ cơ bản để phục vụ công tác truy bắt, vận động đối tượng truy nã; chú trọng công tác vận động đối tượng truy nã ra đầu thú.

Thường trực Ban Chỉ đạo 327/BCA cần nhanh chóng kiện toàn tổ chức, nhanh chóng ban hành quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của từng thành viên trong Ban Chỉ đạo. Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phân công cán bộ theo dõi chặt chẽ công tác truy nã tội phạm tại Công an các đơn vị, địa phương; yêu cầu Công an các địa phương rà soát, lập danh sách các đối tượng truy nã trong cả nước để có kế hoạch rà soát, xác minh.

Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra và Văn phòng Bộ Công an nghiên cứu tham mưu hoàn thiện, bổ sung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về công tác truy nã tội phạm cho phù hợp với quy định pháp luật hiện nay và tăng cường phối hợp với Văn phòng Interpol xác minh truy bắt đối tượng truy nã trốn ra nước ngoài...

Tác giả bài viết: Trần Xuân

Nguồn tin: cand.com.vn