Nỗ lực thực hiện 3 giảm, đảm bảo an toàn giao thông

Từng theo chân các cán bộ CSGT làm nhiệm vụ, tôi phần nào thấu hiểu sự vất vả của các anh để đảm bảo an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn. Các ca tuần tra thường khép kín 24/24h, không kể nắng mưa, sương gió. Bởi chỉ “ngơi” đi một chút là TNGT có thể xảy ra...

5 năm qua, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí; hằng năm trong nhiệm kỳ, số vụ TNGT trung bình giảm 6%, ùn tắc giao thông từng bước được khắc phục, ngăn chặn hiệu quả tệ nạn đua xe trái phép; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trên các tuyến giao thông, nhất là mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, pháo nổ… góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội, phục vụ thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh của đất nước.

Đó là những kết quả nổi bật trong công tác bảo đảm ATGT nhiệm kỳ vừa qua, là kết quả của sự chung sức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của lực lượng CAND.

Cán bộ CSGT tuyên truyền Luật giao thông tới người dân.

Từng theo chân các cán bộ CSGT làm nhiệm vụ, tôi phần nào thấu hiểu sự vất vả của các anh để đảm bảo an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn. Các ca tuần tra thường khép kín 24/24h, không kể nắng mưa, sương gió. Bởi chỉ “ngơi” đi một chút là TNGT có thể xảy ra. Có những đêm, cả đội nghiệp vụ không ai được nghỉ ngơi vì phải tập trung xử lý trường hợp vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành yêu cầu kiểm tra của lực lượng chức năng, thậm chí cố tình chống đối, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.

Như đêm 25 rạng sáng ngày 26/8, tổ công tác của Đội TTKS số 3, Phòng Hướng dẫn TTKS giao thông đường bộ cao tốc, Cục CSGT làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đến khoảng 2h30 sáng 26/8, khi tổ công tác tuần tra lưu động đến Km188+300 qua địa bàn xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì), chiều về Hà Nội, tổ công tác phát hiện xe bán tải BKS 29C-851… vi phạm dừng đỗ xe trên cao tốc. Lỗi này khá nguy hiểm, nhất là thời điểm ban đêm, trời tối, tầm nhìn hạn chế, các phương tiện lưu thông trên đường rất dễ đâm vào gây tai nạn. Tổ công tác kiểm tra, phát hiện tài xế ngồi trong xe có biểu hiện say xỉn, không chấp hành yêu cầu xuất trình giấy tờ cũng như việc kiểm tra nồng độ cồn.

Thay vào đó, tài xế này chốt cửa “cố thủ” trong xe, chỉ kéo hé kính xuống, thừa nhận mình đã uống rượu. Trước biểu hiện say rượu của tài xế, tổ công tác đã giải thích, tuyên truyền để tài xế nhận thức được việc nguy hiểm lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia, lại đỗ trên đường cao tốc. Song, nam tài xế vẫn nhất quyết không chịu xuống xe làm việc với tổ công tác. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, đến khoảng 6h sáng cùng ngày, khi không thể thuyết phục được tài xế, tổ công tác đã mời Công an địa bàn đến, đồng thời điều xe cẩu đến đưa phương tiện về tạm giữ để xử lý theo quy định.

Như vậy, chỉ riêng xử lý trường hợp vi phạm trên, lực lượng chức năng đã phải mất cả đêm, mất rất nhiều công sức mới xong. Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện trên đường, lực lượng chức năng tổ chức cảnh báo từ xa để các lái xe biết, giảm tốc độ, phòng ngừa tai nạn.

Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị do lực lượng CSGT làm chủ công, TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí nhưng hiện nay, mỗi ngày có hơn 20 người ra đi không bao giờ trở về, mỗi năm có gần 10 nghìn người chết, hàng chục nghìn người bị thương gây ra nỗi đau cho hàng nghìn gia đình, con mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ mất con. Đặc biệt, những người chết, bị thương chủ yếu trong độ tuổi lao động, gây thiệt hại lớn về tài sản.

So với đầu nhiệm kỳ, số người chết, số người bị thương đều đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Thời gian gần đây vẫn liên tục xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, khiến nhân dân lo lắng. Ùn tắc giao thông vẫn diễn ra tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Tình trạng lái xe sử dụng ma túy, rượu bia, vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn còn xảy ra khá phổ biến...

Chính vì vậy, Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ cho phép xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 và Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền sống, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người; khắc phục bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật, dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực. Dự án Luật đã được các cơ quan chức năng đóng góp ý kiến, thẩm tra và sẽ được trình Quốc hội thảo luận trong kỳ họp thứ X, Quốc hội khoá XIV tới đây.

Trong tờ trình dự án Luật Bảo đảm TTATGT, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, mục tiêu cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng Luật là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người, bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Về cơ sở khoa học, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là việc thiết lập, duy trì, củng cố, thúc đẩy trạng thái tham gia giao thông có nền nếp, kỷ cương, trật tự, an toàn đối với người và phương tiện tham gia giao thông, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật, phòng ngừa, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông xảy ra. Bản chất của trật tự, an toàn giao thông là điều chỉnh các hoạt động giao thông “động” liên quan đến hành vi của người tham gia giao thông.

Trên cơ sở đó, Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ điều chỉnh về các chính sách: Quy tắc giao thông; phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển và giải quyết ùn tắc giao thông; giải quyết tai nạn giao thông; thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm và trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Trong quá trình xây dựng Luật. Bộ Công an đã nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, qua đó cho thấy các quốc gia đều có luật riêng về TTATGT, tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông. Việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng phù hợp với xu hướng chuyên hoá trong xây dựng pháp luật hiện nay. Dự thảo Luật gồm 8 chương, 71 điều, quy định rõ ràng, đầy đủ hơn một số nguyên tắc giao thông.

Dự thảo Luật cũng quy định nhiều điểm mới trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, quản lý lái xe thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu có kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu có liên quan. Người học lái xe được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; được đào tạo kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông, các kiến thức và kỹ năng phòng ngừa TNGT, kỹ năng sơ cứu ban đầu TNGT, văn hoá ứng xử khi lái xe và các vấn đề bảo đảm TTATGT; chú trọng sát hạch kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường giao thông công cộng.

Hiện nay, Bộ Công an thực hiện sắp xếp tổ chức, tinh gọn biên chế đã đảm bảo Công an 4 cấp, đã triển khai Công an xã trên toàn quốc. Khi dự án Luật được thông qua, sẽ đảm nhận tốt các công tác được giao trong Luật, tăng đầu việc được giao nhưng không tăng biên chế, đảm bảo tính chuyên sâu, tiến tới văn minh trong tham gia giao thông, bớt dần tai nạn thảm khốc, thiệt hại con người, tài sản. Bộ Công an sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân về đảm bảo TTATGT, có giải pháp để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tác giả bài viết: Phương Thuỷ

Nguồn tin: cand.com.vn