Tam truyền thất bổn


Liền kề làng tôi là làng Còi, nơi ra đời Chi đội vũ trang Lê Trực, tiền thân của Trung đoàn 18 Anh hùng. Đó là Trung đoàn chủ lực đầu tiên của tỉnh Quảng Bình - nay thuộc sư đoàn 325, Quân đoàn 2.

Làng có cả một trung đoàn bộ đội chính quy đứng chân nên lực lượng dân quân làng tôi cũng rất mạnh. Điều đặc biệt hơn nữa, tuy là dân quân du kích nhưng nền nếp chính qui cũng răm rắp chẳng kém gì quân chủ lực.

Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Truyền thống đó vẫn được giữ gìn và phát huy trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chẳng hạn như chế độ báo động sẵn sàng chiến đấu: Có hôm là báo động thật, huy động dân quân đi bắt phi công Mỹ, đi đẩy hàng quân sự của bộ đội thả trôi ngoài sông, đi đào hầm sập cứu người bị bom vùi… Nhưng nhiều hôm chỉ là báo động giả, để kiểm tra quân số và trang bị vũ khí, xong lại ai về nhà nấy.

Dù là báo động thật hay giả thì lần nào Trung đội Dân quân cơ động của làng tôi cũng nhanh chóng, khẩn trương, đông đủ, trang bị vũ khí không thiếu thứ gì. Trong đó, có 2 thứ bất ly thân là ống bương đựng nước uống và túm ngô rang làm lương khô, quê tôi gọi là sạu rang.

Đồng chí Dượng Mẹt Lê là Trung đội trưởng Trung đội dân quân của làng luôn luôn quán triệt anh em trong trung đội là: "Thực túc thì binh cường, non lương thì rũ trôốc cúi (rũ đầu gối). Các đồng chí quên chi (gì) thì quên, chơ (chứ) nhất định không được quên ống nước và túm sạu rang!".

Xin nói rõ thêm về nhiệm vụ đi "đẩy hàng" ngoài sông. Hàng là những thùng phuy các cỡ và những bao ni-lon dày màu xanh, mỗi bao to như cái bàn học trò, trôi từ thượng nguồn về cùng những khúc gỗ và củi rều. Tôi nghe người lớn thì thào rằng đó là xăng dầu, lương thực, thực phẩm… chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hồi đó quê tôi nghèo đói lắm, thiếu từ hột gạo đến giọt dầu, lũ trẻ tụi tôi thường ngày đến trường với cái bụng lép kẹp. Cảm giác thèm ăn hầu như thường trực từ người lớn đến trẻ con. Đói đến thế nhưng tuyệt nhiên không ai dám đụng đến một bao hàng của bộ đội chiến trường trôi ngoài sông.

Nhỡ có thùng phuy, bao hàng nào dạt vào bờ, vướng phải lùm cây hay mô đá không trôi được thì bất cứ ai trông thấy cũng tự giác đẩy ra giữa dòng cho chúng trôi tiếp về xuôi. Ấy là chuyện ban ngày, còn ban đêm thì có các tiểu đội dân quân chèo thuyền đến các lùm cây, mô đá để "đẩy hàng". Tất cả các làng hai bên bờ sông đều làm như thế.

Mãi sau này tôi mới biết, ấy là những chuyến hàng theo đường bộ, đường sắt từ miền Bắc vô đến vùng "cán xoong" khu Bốn, vượt qua được mấy trọng điểm phía thượng nguồn sông Gianh thì mười phần đã bị bom đạn Mỹ đốt phá chỉ còn đôi ba.

Để tránh những trọng điểm trên đây, về mùa nước lũ, hàng được vận chuyển bằng xe goòng vào tập kết ở cung đoạn ga Đò Vàng - Tân Ấp rồi thả xuống sông cho trôi về hạ bạn, tức là vùng Thanh Khê - Ba Đồn. Dưới đó, người ta sẽ vớt hàng lên ca nô, ngược theo sông Son lên vùng Phong Nha - Kẻ Bàng để ôtô chở tiếp vô miền Nam theo 2 tuyến đường Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây…

Sau Tết Mâu Thân năm 1968, máy bay Mỹ tạm ngưng ném bom miền Bắc, làng tôi trở lại thanh bình, không còn cảnh bom rơi đạn nổ, nhưng đồng chí Trung đội trưởng Dượng Mẹt Lệ luôn luôn thấm nhuần câu nói của cổ nhân là "văn ôn võ luyện" nên thỉnh thoảng Trung đội dân quân vẫn cứ phải báo động sẵn sàng chiến đấu.

Tất nhiên là báo động giả. Giả mà nghiêm như thật nên ai nấy vẫn chấp hành răm rắp. Nhưng báo động giả mãi cũng nhàm, cũng chán. Nhiều chiến sĩ dân quân vốn rất tích cực gương mẫu đã bắt đầu có biểu hiện qua quýt chiếu lệ, nhiều hôm báo động tập trung mà cứ đủng đỉnh lừ đừ như ông từ vô đền…

Nhà thơ Mai Nam Thắng, (mainamthang@gmail.com)

Trước tình hình đó, đồng chí Dượng Mẹt Lê đề nghị cấp trên giao thêm nhiệm vụ cho Trung đội Dân quân cơ động là đi bắt quân… hủ hóa. Nghĩa là đi bắt những đôi… yêu nhau không đúng nơi, đúng chỗ. Đôi nào thậm thà thì thụt ngoài đồng bãi bụi bờ đều là quân hủ hóa hết! Trai chưa vợ, gái chưa chồng cũng bắt giải về nhà kho Hợp tác xã, ngồi đó, dưới ánh đèn dầu và những con mắt xã viên mà tìm hiểu cho đàng hoàng ngay ngắn. Còn các cặp đôi đã có vợ có chồng mà còn ngoại tình, đú đởn thì cứ lập biên bản tại chỗ rồi gô cổ lôi về cho xã giải quyết…

Sau khi ý kiến trên đây được cấp trên chấp thuận, đồng chí Dượng Mẹt Lê đề nghị bổ sung thêm Mự Ngụ - một quần chúng tốt, đang trong diện cảm tình - vào Trung đội Dân quân cơ động. Đây là việc làm nhất cử lưỡng tiện, vừa để thử thách ý thức phấn đấu của quần chúng cảm tình, vừa đỡ rầy rà phức tạp khi anh em tập kích bắt quả tang trai trên gái dưới; hoặc khi chúng nó, - tức là quân hủ hóa, - đã truột mấn (váy) cởi chạc nịt (dây thắt lưng) thì việc bắt tận tay, day tận mặt không lẽ để mấy thằng đàn ông áp sát? Phải là trai dẫn trai mà gái dẫn gái, trai bắt trai mặc lại quần áo và gái bắt gái phải kéo váy lên.

Nhận nhiệm vụ hôm trước, ngay hôm sau Mự Ngụ được xuất quân. Số là chập tối hôm đó, đồng chí Trung đội trưởng Dượng Mẹt Lê đi thả trúm bắt lươn, phát hiện xa xa một cặp trai gấy (gái) đang đi về hướng máng Cây Gạo. Đồng không, mông quạnh, máng Cây Gạo lại có một triền đê cao, với tinh thần cảnh giác cao độ và đã được trui rèn qua những năm tháng chiến tranh, Dượng Mẹt Lệ nhìn theo đôi trai gái rất chi là khả nghi. Không thể để chậm trễ, chậm trễ trong trường hợp này lỡ lươn đã chui vô ống, trống đã nằm trên mái rồi thì có mà… loạn.

Nghĩ là làm, vứt hết đồ nghề bên bờ ruộng, Dượng Mẹt Lệ chạy tắt cánh đồng về làng hội ý chớp nhoáng trong Ban lạnh đạo (lãnh đạo) rồi phát lệnh báo động Trung đội Dân quân cơ động lên đường chiến đấu. Mự Ngụ thuộc biên chế Tổ Cứu thương, đáng lẽ phải đi sau cùng, nhưng vì Mự Ngụ là quần chúng ưu tú thuộc diện cảm tình đang thử thách, nên đồng chí Dượng Mẹt Lê đề nghị bổ sung Mự Ngụ vô Mũi Xung kích, đi đầu hàng quân, còn dượng sẽ đi khóa đuôi.

Đoàn quân đội hình hàng dọc dò dẫm tiến theo bờ mương nhằm hướng máng Cây Gạo. Mật lệnh được truyền khẩu đúng bài bản bộ đội Trung đoàn 18 huấn luyện năm xưa, cứ người đi trước truyền cho người đi sau. Đến khi đồng chí Dượng Mẹt Lê đi cuối đoàn quân nhận được mật lệnh truyền xuống là "Mự Ngụ mất túm sạu rang", lập tức dượng truyền lệnh ngược trở lên: "Cử hai đồng chí quay lại tìm túm sạu rang cho Mự Ngụ!".

Lại cứ người đi sau truyền khẩu lên cho người đi trước, lên đến Mũi Xung kích thì Mự Ngụ tá hỏa: "Túm sạu rang của tui còn đây mà!". Trần trình phân giải cãi cọ một hồi thì ra mật lệnh ban đầu là: "Mự Ngụ chú ý, tất cả đã sẵn sàng!". Nhưng vì truyền khẩu tam sao thất bản, một lúc thì thành ra là: "Mự Ngụ mất túm sạu rang".

Đi tập kích mật phục bắt quân hủ hóa mà cãi nhau ỏm tỏi như mổ bò thì khác chi lạy ông tui ở bụi nầy? Trận đánh thất bại hoàn toàn. Mự Ngụ bị đồng chí Dượng Mẹt Lê phê bình gay gắt. Bao nhiêu công lao ròng rã phấn đấu cảm tình coi như đổ xuống sông xuống biển. Mự Ngụ cáu lắm, khoát tay tuyên bố: "Từ ni (nay) ai mần (làm) Xung Kích tiên phong thì mần, tui nỏ (không làm)!".

Chuyện của một thời hồn nhiên công tác, giờ kể ra như là chuyện bịa, chuyện đùa.

Mai Nam

Nguồn tin: cand.com.vn