Trang sử hào hùng An ninh Khu VIII

Trang sử hào hùng An ninh Khu VIII
Từ năm 1961 đến năm 1976, lực lượng An ninh Khu VIII đã góp phần viết nên trang sử hào hùng truyền thống cách mạng. Ghi nhận đóng góp và hy sinh to lớn đó, có 5 tập thể đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, 33 đơn vị và 35 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Hàng ngàn chiến sĩ an ninh thuộc Công an các tỉnh Khu VIII cũ (nay là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và An Giang) đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Sự hy sinh, đóng góp của lực lượng An ninh Khu VIII với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc đã tô thắm trang sử vàng truyền thống của lực lượng CAND…

Khu lưu niệm An ninh Khu VIII được khởi công trong tháng 8-2020, nhằm phục dựng lịch sử, tôn vinh giáo dục truyền thống CAND cho thế hệ trẻ. Ghi nhớ công ơn thế hệ cha anh, nhằm đáp ứng nguyện vọng của các đồng chí Công an lão thành từng chiến đấu ở chiến trường Khu VIII, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Cán bộ Công an tỉnh Đồng Tháp vui mừng gặp cán bộ An ninh khu VIII và thu thập kỷ vật lịch sử.

Khu VIII, vùng đất nằm giữa Nam Bộ Việt Nam, chính thức thành lập cùng với các khu khác trên toàn quốc sau Cách mạng Tháng 8-1945. Trong chiến tranh, Khu VIII có nhiều tên gọi khác nhau, số lượng các tỉnh do tách nhập cũng thay đổi.

Đây là vùng nông thôn đồng bằng, địa hình trống trải, sông rạch, kênh đào chằng chịt, riêng khu vực Tây Bắc thuộc tỉnh An Giang có một số đồi núi thấp. Khu vực phía Đông và phía Nam, nơi tập trung dân cư đông đúc, kinh tế dồi dào, ruộng vườn phì nhiêu. Còn khu vực phía Bắc chiếm gần một nửa diện tích là vùng Đồng Tháp Mười mênh mông, mùa nắng đồng khô cỏ cháy, kênh rạch dậy phèn, mùa mưa, mùa nước nổi, nước sông Cửu Long, Vàm Cỏ Tây tràn vào, cả vùng ngập nước mênh mông như biển, dân cư thưa thớt.

Khu VIII cũng là vành đai án ngữ phía Tây và Nam Sài Gòn, địa bàn chiến lược nối liền hai khu Đông và Tây Nam Bộ. Trong đó Mỹ Tho là xương sống, chiến trường trọng điểm, địa bàn trung chuyển nối liền Sài Gòn với các tỉnh Tây Nam Bộ, cửa ngõ phía Nam của căn cứ cách mạng Đồng Tháp Mười. Nhân dân Khu VIII giàu truyền thống yêu nước, có tinh thần quật khởi, đoàn kết, cần cù trong lao động và dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp, An ninh Khu VIII có quá trình phát triển rất lâu dài và tồn tại trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Nhiều địa danh được ghi trong lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc cùng nhiều sự kiện nổi danh không chỉ ở trong nước mà còn lan rộng ra quốc tế. Như sự kiện Đồng Khởi (Bến Tre), sự kiện lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng, sau này là Quốc kỳ của Việt Nam xuất hiện ở Đình Long Hưng (Tiền Giang), chiến thắng Ấp Bắc (Mỹ Tho), chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung (Đồng Tháp). Các chiến thắng vang dội, có sự đóng góp to lớn của lực lượng An ninh miền Nam nói chung và lực lượng An ninh Khu VIII nói riêng.

Trung tướng Võ Thái Hòa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an đã đề xuất xây dựng Khu lưu niệm An ninh Khu VIII. Lãnh đạo Bộ Công an đã đồng ý, giao Công tỉnh Đồng Tháp nghiên cứu, đề xuất xây dựng. Đến nay, Công an tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức gặp gỡ các đồng chí Công an lão thành tham gia kháng chiến thuộc An ninh Khu VIII, khảo sát địa điểm và đề xuất lãnh đạo Viện Lịch sử CAND và Công an các tỉnh Khu VIII cũ, về chủ trương xây dựng khu lưu niệm.

Năm 2017, lãnh đạo Bộ Công an cùng đoàn công tác đã khảo sát thực tế khu vực An ninh Khu VIII trước đây tại ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự và tại ấp 4, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an thống nhất phương án đề xuất của Công an tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh thuộc An ninh Khu VIII cũ, việc xây dựng khu lưu niệm tại ấp 4, xã Mỹ Long.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn, xây dựng khu lưu niệm tại xã Mỹ Long có nhiều điều kiện thuận lợi. Đây chính là nơi xây dựng khu căn cứ An ninh Khu VIII từ năm 1955 đến năm 1959 và có nhiều địa điểm gắn với lịch sử An ninh Khu VIII như: Kênh Xáng Phèn, Hội Đồng Tường, gần kênh Nhứt. Khu vực xã Mỹ Long cũng là nơi dừng chân, hoạt động của lãnh đạo Trung ương Cục, Xứ ủy Nam Kỳ, Khu ủy Khu VIII…

Các kỷ vật là đồ dùng trong sinh hoạt được chế tạo từ vỏ bom napan thu được trong các trận chiến.

Việc xây dựng khu lưu niệm kết hợp được với du lịch, gần với quần thể Di tích lịch sử Xẻo Quýt, Khu di tích đặc biệt cấp quốc gia Gò Tháp - nơi khai quật khảo cổ di tích lịch sử, di tích văn hóa thời kỳ Óc Eo và đền thờ hai vị Anh hùng dân tộc Thiên Hộ Dương - Đốc Binh Kiều. “Khu lưu niệm sớm hoàn thành là điểm son giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ Công an 5 tỉnh Khu VIII cũ nói riêng và lực lượng Công an nhân dân nói chung. Nơi sưu tầm và lưu trữ các hiện vật, giáo dục lực lượng CAND hôm nay thấy được truyền thống vẻ vang của thế hệ cha, anh ngày trước”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn nhấn mạnh.

Đến nay, Công an tỉnh Đồng Tháp đã thu thập được 70 kỷ vật của những người tham gia An ninh Khu VIII, sinh sống trên địa bàn. Công an tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Viện Lịch sử CAND, tổ chức gặp gỡ 62 đồng chí nguyên là cán bộ An ninh Khu VIII và 13 đồng chí chi viện cho An ninh Khu VIII, sinh sống tại Hà Nội. Kết quả thu thập được 160 hiện vật cùng một số thông tin liên quan đến Kỷ yếu An ninh Khu VIII. Các kỷ vật được ghi chép, lập hồ sơ khoa học, thể hiện lý lịch hiện vật rõ ràng, theo các giai đoạn lịch sử và sẽ tiến hành trưng bày khi khu lưu niệm được xây dựng hoàn thành.

“Những kỷ vật này hết sức ý nghĩa đối với từng đồng chí nguyên là cán bộ, chiến sỹ của lực lượng An ninh đã từng chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Từng cây kéo, tấm khăn, bình nước cho đến thùng đạn, balô, dao găm… và những chiến lợi phẩm được ta thu giữ của địch”, Trung tá Trần Thanh Phong - cán bộ sưu tầm kỷ vật lịch sử An ninh Khu VIII, bày tỏ. Những kỷ vật giúp thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu được về con người, chiến công và sự hy sinh đóng góp của lực lượng CAND trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Khu VIII là nơi đóng góp nhiều sức người, sức của, đảm bảo tiếp vận trên các hành lang chiến lược trên bộ, trên biển. Khu VIII là vùng đồng bằng trống trải, tính chất chiến trường “cài răng lược”, địch, ta xen kẽ trong từng xóm ấp và ngay cả trong từng gia đình, nhưng lòng dân vẫn hướng về cách mạng. Từ cán bộ nhân viên các ngành, cho đến chiến sỹ lực lượng vũ trang đều sống trong dân, được nhân dân đùm bọc chở che. Vì vậy, căn cứ địa cách mạng ở Khu VIII không phải dựa vào địa hình mà dựa vào lòng dân. Nhân dân Khu VIII một lòng theo cách mạng, không một thế lực phản động hay ngoại bang nào có thể khuất phục.


Tác giả bài viết: Võ Văn Vĩnh

Nguồn tin: cand.com.vn