Truy vết thần tốc giữa tâm dịch Hải Dương

Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 Công an tỉnh Hải Dương với thành phần tham gia đều là CBCS trẻ, tinh nhuệ đã đóng vai trò quan trọng vào việc đẩy nhanh tốc độ, đảm bảo truy vết và xác định chính xác nguồn lây nhiễm…


Ngày 19/2, ổ dịch xã Kim Liên, huyện Kim Thành, Hải Dương ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên là nam giới, SN 1982, là thợ xây hàng ngày đi làm cùng đội thợ gồm 11 người. Theo điều tra ban đầu, bệnh nhân không có liên quan dịch tễ đến các bệnh nhân đã phát hiện trước đó. Đến sáng ngày 21/2, tại xã Kim Liên đã xác định thêm 6 ca mắc liên quan đến bệnh nhân này.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch mới tại xã Kim Liên, huyện Kim Thành, Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 của Công an tỉnh Hải Dương phối hợp Công an huyện Kim Thành nhanh chóng rà soát, khoanh vùng, truy vết các trường hợp có liên quan đến 7 ca dương tính tại ổ dịch xã Kim Liên.

Một ngày làm việc của các thành viên Tổ công tác đặc biệt phòng, chống COVID-19.

Đến 20h ngày 21/2, Tổ công tác đặc biệt phối hợp với Công an huyện Kim Thành đã truy vết được 219 trường hợp F1, 205 trường hợp F2, 205 trường hợp F3 của ổ dịch thứ 6 này - Trung tá Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Đội 5), Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương cho biết. Suốt nhiều ngày qua, anh và 11 thành viên của Tổ làm việc không có ngày nghỉ, 24/24h thay phiên nhau ứng trực để truy tìm các F.

“Chúng tôi là cán bộ Tổ công tác đặc biệt của Công an tỉnh Hải Dương đang làm nhiệm vụ. Để phục vụ công tác rà soát, truy vết, phòng, chống dịch bệnh, mong chị hợp tác cung cấp lịch trình…”, giọng Thượng uý Vũ Văn Nam, cán bộ Đội 5, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương, một thành viên của Tổ công tác đặc biệt khản đặc.

Vừa trực tiếp phụ trách công tác phòng, chống COVID-19 tại địa bàn được phân công là huyện Kinh Môn, Thượng uý Vũ Văn Nam còn được giao nhiệm vụ tổng hợp số liệu của Tổ công tác đặc biệt để báo cáo ban giám đốc về công tác truy vết. Bất kể lúc nào, nhận lệnh là lên đường, phối hợp với Công an các địa phương.

Cuộc điện thoại kéo dài gần 10 phút, Thượng uý Nam vẫn kiên trì giải thích… “Với vài trăm cuộc gọi trong ngày, anh em trong Tổ công tác đặc biệt đều khản đặc tiếng; có đồng chí còn bị ù tai…” - Thượng uý Vũ Văn Nam chia sẻ.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, sự vào cuộc đầy nhiệt tình, trách nhiệm của các thành viên Tổ truy vết đặc biệt, việc truy vết đã được rút ngắn từ 2-4 ngày. Cách làm này đặc biệt có hiệu quả với các trường hợp có ngành nghề nhạy cảm, shipper… Đến nay, các lực lượng của Công an tỉnh đã rà soát, truy vết “thần tốc” không kể ngày đêm xác định 18.892 F1, 68.130 F2, 47.820 F3 phục vụ hiệu quả công tác cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch.

Trong đó, riêng Tổ công tác đặc biệt đã xác định được 50 nguồn lây nhiễm F0. Nổi bật là: trong thời gian ngắn, đã xác định toàn bộ 389 F1, gần 4.000 F2 của bệnh nhân BN 1983 - nhân viên công ty chuyển phát nhanh Thuận Phong ở Cẩm Giàng là ca bệnh và các F1 có lịch trình di chuyển hết sức phức tạp; và đã nhanh chóng xác định chính xác nguồn lây nhiễm tại ổ dịch số 15 Trần Sùng Dĩnh, P. Hải Tân, TP Hải Dương (trước đó nghi ngờ là ca nhiễm bệnh trong cộng đồng, không rõ nguồn lây, Bộ Y tế đề nghị phong tỏa thành phố để ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan, sau khi Tổ công tác đặc biệt xác định được chính xác nguồn lây nhiễm đã dừng việc phong tỏa thành phố Hải Dương).

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Dương đã tiến hành khởi tố vụ án để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Kể lại quá trình xác định lịch dịch của bệnh nhân BN 1983, Thượng uý Vũ Hải Nam chia sẻ: Tối 6/2, Tổ công tác đặc biệt nhận được thông tin từ cơ quan y tế xác định anh Đ.V.N. là nhân viên giao hàng của 1 Công ty chuyển phát nhanh có văn phòng mở tại thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Anh Đ.V.N. có lịch trình di chuyển rất phức tạp, tiếp xúc với nhiều người, ở các địa bàn khác nhau...

Trong quá trình này, bởi nhiều lý do, trong đó có việc bảo vệ thông tin người dùng nên các thông tin liên quan đến các trường hợp đã tiếp xúc với anh Đ.V.N thu được rất hạn chế. Đây cũng là khó khăn trong việc nhanh chóng truy vết F1 của công dân Đ.V.N…

Ngay trong đêm, trực tiếp đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã đến làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 huyện Cẩm Giàng, đồng thời chỉ đạo Công an huyện Cẩm Giàng phối hợp cùng với các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang, Nam Sách, Gia Lộc, thành phố Hải Dương phố áp dụng đồng bộ các biện pháp công tác, khai thác thông tin lịch trình di chuyển của Đ.V.N. để rà soát.

Trong một ngày, tổ truy vết đặc biệt của Công an tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Công an huyện Cẩm Giàng xác định được 268 người là F1 của anh Đ.V.N. Từ đó, phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương thực hiện cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế số F1 nói trên và tại gia đình đối với những người F2, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Công việc của các thành viên tổ công tác không phải lúc nào cũng thuận buồm, xuôi gió.

Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của công tác truy vết, Công an tỉnh Hải Dương phối hợp chặt chẽ với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) trong tiếp nhận, xử lý thông tin về các trường hợp nhiễm bệnh; huy động tổng số... Đồng thời, theo chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, Tổ công tác đặc biệt phòng, chống COVID-19 của Công an tỉnh Hải Dương được thành lập với nhiệm vụ tham gia phối hợp với lực lượng của Công an cấp huyện thực hiện nhiệm vụ truy vết thần tốc, triệt để các trường hợp nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh COVID-19 phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh kể từ ngày 7/2.

Công việc của các thành viên tổ công tác không phải lúc nào cũng thuận buồm, xuôi gió. 12 thành viên trong tổ công tác phải quản lý 12 địa bàn.

Thượng uý Nam cho biết: Thời điểm dịch bùng phát đúng vào trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu; trong khi việc gọi điện thoại lại tiến hành bất cứ thời điểm trong ngày nên có khi gọi điện thoại mà người nghe không nhấc máy. Trường hợp nhấc máy thì lại cho rằng đây là trò lửa đảo nên không hợp tác, cung cấp thông tin… Một số thì do sợ bị cách ly, lại đưa ra các thông tin sai sự thật.

Khi hỏi đến, họ nói rằng không đi đâu, không tiếp xúc với ai? Trong những trường hợp này, cán bộ Tổ truy vết đặc biệt của Công an tỉnh Hải Dương phải kiên trì, nhẫn nại giải thích, để họ hiểu rằng phục vụ cho việc truy vết phục vụ cho sức khoẻ của bản thân, cộng đồng. Sau đó, phải tiến hành đối chiếu các thông tin… Thời gian truy xét 14 ngày, đây là quãng thời gian không phải là ngắn. Những lúc ấy, thành viên Tổ truy vết đặc biệt phải gợi ý để họ nhớ lại.

Là cán bộ nữ duy nhất trong Tổ công tác đặc biệt, Trung tá Bùi Thị Giang, Đội phó thuộc Phòng An ninh Chính trị Nội bộ, Công an tỉnh Hải Dương cũng có một số khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Xong chị cũng sắp xếp công việc gia đình, ứng trực 100 % cùng cán bộ đơn vị.

Trung tá Bùi Thị Giang chia sẻ: Cũng như đồng đội, áp lực lớn nhất với chị cũng là việc phải truy vết thần tốc các F1, dựng danh sách và thông tin cá nhân cụ thể các F2 để sẵn sàng phương án F2 thành F1 để nhanh chóng tổ chức đi cách ly tập trung. Có những thời điểm, trong 2 ngày chị và đồng đội đã truy vết, dựng thông tin cá nhân hàng nghìn F2 . Cho đến bây giờ, Trung tá Giang vẫn không quên được cảm giác lần đầu tiên nhận nhiệm vụ tại Tổ công tác đặc biệt.

Vào một ngày giáp Tết nguyên đán, chị đang ở đơn vị thì được nhận được lệnh họp gấp, sau cuộc họp ngay lập tức lên đường đến tâm dịch Cẩm Giàng. Cảm giác thật sự là như đi ra trận, rất bâng khuâng…, nhưng khi vào việc, tất cả dồn tâm vào nhiệm vụ được giao.

Trong khi dịch bệnh phức tạp thì trên không gian mạng cũng diễn biến phức tạp không kém. Trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin giả, tin sai sự thật, các tin nhạy cảm... gây hoang mang dư luận, cùng với đồng đội Trung tá Bùi Thị Giang đã phát hiện 119 tin, yêu cầu bóc gỡ 89 tin, xử phạt 5 trường hợp vi phạm hành chính trên không gian mạng liên quan tình hình dịch bệnh.

Một ngày làm việc của các thành viên Tổ công tác đặc biệt phòng, chống COVID-19

Tôi muốn dùng đoạn tin nhắn của Sở Y tế tỉnh Hải Dương chuyển đến cán bộ Công an tỉnh Hải Dương thay lời kết cho bài viết như một lời tri ân với những cán bộ Công an tỉnh Hải Dương ở nơi tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ: Ngày 18/2, Sở Y tế nhận được thông báo của Công an tỉnh có nhiều công dân thực hiện khai báo y tế qua kênh Zalo (do Công An tỉnh xây dựng).

Một số trường hợp khai báo có dấu hiệu ho, sốt, khó thở tại cộng đồng và có liên quan đi đến các ổ dịch trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là kênh tham khảo để các trung tâm y tế huyện/TX/TP báo cáo với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của huyện/TX/TP triển khai tới tổ COVID-19 cộng đồng để nắm bắt rà soát các thông tin giúp cho công tác phát hiện COVID-19 trong cộng đồng đạt hiệu quả hơn. Bên Y tế đã triển khai trên nhóm Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của ngành y tế rồi nhé. Cảm ơn anh em bên Công an nhé!

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, được sự đồng ý của Đại tá Lê Ngọc Châu, Công an tỉnh Hải Dương đã sáng tạo Zalo khai báo y tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Sau khi đưa vào sử dụng, hệ thống Zalo đã phát huy tác dụng. Bắt đầu từ ngày 17/2, sau 2 ngày đã có hơn 19.000 người dân khai báo y tế điện tử qua kênh Zalo do Công an tỉnh thiết lập.

Từ các thông tin được cung cấp, CDC Hải Dương hàng ngày sẽ chiết xuất các danh sách trên và gửi thông tin cho các đơn vị triển khai, khai thác những trường hợp có yếu tố nguy cơ…, góp phần ngăn chặn dịch bệnh COVID-19.

Tác giả bài viết: Xuân Mai

Nguồn tin: cand.com.vn