Vì lợi ích người dân hay doanh nghiệp?


Nhiều phát sinh bất bình đẳng

Gần đây, 11 doanh nghiệp vận tải hành khách Quảng Ninh đã có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về tình trạng “xe dù, bến cóc” tuyến Hà Nội - Quảng Ninh.

Theo đơn kêu cứu, hàng ngày có trên 1.500 xe chạy tuyến Hà Nội – Quảng Ninh nhưng chỉ có khoảng 300 xe là được cấp phép hoạt động tuyến cố định, còn lại phần lớn là các xe dòng Limousine 10 chỗ, 16 chỗ, 19 chỗ và xe giường nằm 41 chỗ mang biển đăng ký Quảng Ninh hoặc Hà Nội hoạt động dưới hình thức như tuyến cố định, thường xuyên tùy tiện chạy vòng vo đón khách tại nhà ở Quảng Ninh và Hà Nội vào tất cả các khung giờ.

Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị chuyển xe khách cố định tuyến ngắn thành xe buýt

Các xe này thường đè giờ xe hoạt động trên tuyến cố định Hà Nội - Quảng Ninh, khiến doanh nghiệp chạy tuyến cố định đang trên bờ vực phá sản.

Nói tới đơn kêu cứu kể trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho rằng đó là ví dụ điển hình của mâu thuẫn xung quanh việc quản lý các loại hình vận tải hiện nay. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chia ra 5 loại hình vận tải gồm: Vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và du lịch. Song sau 10 năm thực hiện luật, việc phân chia này đến nay không còn phù hợp...

“Các mâu thuẫn trong kinh doanh vận tải có nguyên nhân do khoa học công nghệ phát triển, công nghệ kết nối giữa người có nhu cầu và người cung cấp vận tải rất thuận tiện, trong khi điều kiện kinh doanh tuyến cố định chặt chẽ, điều kiện kinh doanh hợp đồng lại lỏng lẻo. Bên cạnh đó, các tiêu chí để phân loại giữa xe buýt và xe tuyến cố định lại rất gần nhau. Điều này đang khiến vấn đề mất an ninh trật tự trong hoạt động vận tải trở nên “nóng”, nổi lên là mâu thuẫn giữa xe taxi với xe hợp đồng, mâu thuẫn trong quản lý xe hợp đồng với xe tuyến cố định” - ông Quyền nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Công ty Vận tải Thành Tuyên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Tuyên Quang cho rằng, giữa các loại hình chưa có sự công bằng. Ba năm nay, xe Limousine không nộp thuế, tuy chưa có con số chính xác nhưng với trên 100.000 xe, Nhà nước thất thu thuế rất lớn. Nhiều người ở Tuyên Quang nhưng mua xe biển số Hà Nội không sang tên đổi chủ để tránh kiểm soát của Công an.

Vì vậy, cần phải sang tên đổi chủ mới kiểm soát được thực trạng này. Còn theo ông Lưu Huy Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Hà, 20 năm qua, tình hình vận tải hành khách chưa bao giờ lộn xộn như bây giờ. Từ khi Hà Nội đẩy dần các bến xe ra ngoài trung tâm, người dân tiếp cận xe khách rất khó khăn thì họ tìm phương tiện khác thay thế. Việc này tạo điều kiện cho “xe dù, bến cóc” phát triển, nhất là xe Limousine bùng phát. "Tuyến Thái Bình - Mỹ Đình trước đây có 100 xe khách song bây giờ có tới 600 xe Limousine vào Hà Nội mỗi ngày", ông Hà nêu dẫn chứng.

Đề xuất chuyển xe khách tuyến ngắn thành xe buýt, phản đối bến xe “ảo”

Nhìn từ thực tế, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải nên xem xét giải pháp cho phép các xe chạy tuyến khách cố định có cự ly dưới 200km, tần suất chạy xe lớn, chuyển thành các tuyến xe buýt.

Tiêu chí phương tiện của xe buýt chạy nội đô và xe buýt đường dài sẽ khác nhau. Luồng tuyến xe buýt xuất phát ở hai đầu bến xe thì không khác hoạt động của xe khách hiện nay, cơ quan chức năng chỉ phải xác định điểm đón trên đường ở đâu, còn nếu doanh nghiệp muốn điểm đầu cuối vượt ra ngoài bến xe thì cần nghiên cứu thêm.

Kiến nghị này được nhiều doanh nghiệp vận tải đồng tình. Theo ông Lưu Huy Hà những xe khách tuyến cố định có tần suất lớn, cự ly giữa hai điểm dưới 200km nên chuyển sang xe buýt. Nếu xe buýt được vào sâu trung tâm thì càng phục vụ người dân đi lại tiện lợi, các thành phố và các tỉnh đỡ phải bỏ ngân sách ra bù lỗ cho loại hình này như hiện nay. "Nếu xe khách không được chuyển đổi mà cứ hoạt động như hiện nay thì các doanh nghiệp vận tải chết dần", ông Hà nói.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Vận tải- thương mại và dịch vụ Đất Cảng, nhận định vì bến xe vắng khách nên có tình trạng các doanh nghiệp vận tải hiện nay bỏ bến chạy dù. Đội xe Limousine thì núp bóng xe hợp đồng mọc lên nhanh chóng làm cho hoạt động vận tải trở lên hỗn loạn, không thể kiểm soát.

Trong khi đó, xe khách và xe buýt đều phục vụ hành khách công cộng nhưng đang có khoảng cách xe về chính sách, như xe buýt được miễn giảm các khoản thuế, bù giá và ưu tiên sử dụng hạ tầng thì doanh nghiệp vận tải tuyến cố định gần như không được ưu đãi gì. Thậm chí, xe khách phải chịu di chuyển luồng tuyến do phát triển đô thị, nhiều doanh nghiệp đã phá sản vì những thay đổi đó.

Trong khi Hiệp hội Vận tải ô-tô cùng đại diện một số đơn vị đồng tình với ý kiến chuyển đổi mô hình hoạt động thì tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng phương án quản lý loại hình vận tải trá hình Limousine bằng công nghệ hay còn gọi là “bến xe ảo”.

Tỉnh Quảng Ninh đề xuất thành lập trung tâm quản lý, điều hành hoạt động vận tải với với nhiệm vụ kiểm soát, phát hiện các vi phạm trên hệ thống giám sát hành trình, kiểm soát hoạt động xe hợp đồng bằng công nghệ thông tin; thống kê phục vụ công tác thu thuế, chỉ đạo điều hành của tỉnh… Nếu mô hình thành công, Quảng Ninh sẽ có “bến xe ảo” đầu tiên và rất có thể nó là mô hình hay để nhân rộng cả nước.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Chi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Quảng Ninh cho rằng nhiều nhược điểm trong xây dựng đề án bến xe ảo này vì thiếu tính thực tế, gây lãng phí ngân sách nhà nước, tạo tâm lý bất ổn trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Theo ông Chi nếu bến xe ảo đi vào hoạt động sẽ hợp thức hoá cho xe “dù” và tạo điều kiện để vô số bến “cóc” ra đời; bến xe ảo chỉ nắm bắt được số liệu danh sách xe hoạt động tại một đầu nhưng thực chất không thể quản lý được tại các địa phương đối lưu; “bến xe ảo” không thực tế trong quản lý, các ban ngành không cùng đồng bộ trong cơ chế quản lý sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn trong kinh doanh vận tải khách; không giải quyết được các vấn đề chống thất thu thuế…

Cán cân “công bằng” lại đặt lên vai nhà quản lý

Không phải đối việc để xuất của các doanh nghiệp nói trên, song ông Nguyễn Văn Tuyển, Phó phòng Vận tải, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho hay, việc phát triển xe buýt đi các tỉnh kế cận thay thế xe khách cần nghiên cứu thêm vì hành khách đi trên các tuyến cao tốc thì phải tính đến vấn đề an toàn cho hành khách.

Lực lực chức năng từng nhiều lần xử lý xe Limousin vi phạm. (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Có những tuyến xe cố định không phát triển song có tuyến đi Lào Cai, Nghệ An vẫn phát triển tốt, nhiều xe vẫn xin vào bến. Do đó, cần phân tích để có chính sách phát triển hài hòa giữa xe buýt và xe khách dưới 1.000km", ông Tuyển nói. Trong khi đó, bày tỏ ủng hộ chủ trương "buýt hóa", bà Phan Thị Thu Hiền, Tổng cục phó Tổng cục Đường bộ, nhấn mạnh chuyển đổi các tuyến xe khách cố định sang xe buýt đang là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp vận tải.

Do đó, bà Hiền đề nghị Sở Giao thông- vận tải Hà Nội xem xét các tuyến xe dài khoảng 100km như các xe đi Nam Định, Thái Bình để chuyển thành tuyến buýt. Đây là giai đoạn ngắn hạn để giải quyết các tồn tại hiện nay của xe khách cố định. Tất nhiên, xe buýt đường dài sẽ có khác biệt so với tuyến xe buýt nội đô thông thường về phương tiện, điểm đỗ, tần suất...

Dù là chuyển đổi mô hình hoạt động nào, dù là “bến ảo” hay bến thật, thì điều quan trọng nhất là những nhà quản lý nên tính toán, xem xét kỹ để đưa ra được những quy định đảm bảo quyền lợi của hành khách và đơn vị kinh doanh. Nếu ranh giới quyền lợi không được đảm bảo công bằng sẽ dẫn đến mất an ninh trật tự trong hoạt động vận tải.

Phạm Huyền

Nguồn tin: cand.com.vn