4 “đại gia” công nghệ của Mỹ phải điều trần những gì?

Ngày 29-7, CEO của 4 tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ gồm Jeff Bezos (Amazon), Tim Cook (Apple), Sundar Pichai (Google) và Mark Zuckerberg (Facebook) sẽ phải điều trần bằng hình thức trực tuyến trước Tiểu ban chống độc quyền của Hạ viện Mỹ. Phiên điều trần đánh dấu lần đầu tiên 4 CEO này cùng xuất hiện trước Quốc hội Mỹ.

3 cuộc điều tra

Theo thông báo được Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đưa ra hôm 25-7, Giám đốc điều hành (CEO) của 4 “đại gia” công nghệ gồm Amazon, Apple, Google và Facebook sẽ tham gia phiên điều trần vào ngày 29-7 tới, liên quan các cáo buộc về hành vi độc quyền.

Tuyên bố chung của Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jerrold Nadler và Trưởng Tiểu ban chống độc quyền thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện David Cicilline nhấn mạnh, 4 tập đoàn công nghệ này có vai trò rất quan trọng trong đời sống người dân Mỹ.

Do đó, việc lãnh đạo của Amazon, Apple, Google và Facebook tham gia phiên điều trần sẽ giúp hoàn tất cuộc điều tra về các cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền.

Điều này cũng có nghĩa là CEO Amazon Jeff Bezos, CECO Apple Tim Cook, CEO Facebook Mark Zuckerberg và CEO Sundar Pichai của Alphabet, công ty sở hữu Google và YouTube, sẽ làm chứng như một phần trong cuộc điều tra đang diễn ra của Tiểu ban chống độc quyền đối với sự thống trị của các nền tảng kỹ thuật số. Phiên điều trần đánh dấu lần đầu tiên CEO của cả 4 tập đoàn công nghệ này cùng xuất hiện trước Quốc hội Mỹ.

Từ trái qua: Mark Zuckerberg, Sundar Pichai, Tim Cook và Jeff Bezos.

Nguồn tin từ tờ Business Insider cho hay, từ tháng 6-2019, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã mở cuộc điều tra về hành vi độc quyền nhằm vào Amazon, Apple, Google và Facebook.

Tháng 6 năm nay, Tiểu ban chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp đã tổ chức các phiên điều trần với các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn. CEO của những công ty công nghệ này đã làm chứng về các hành vi độc quyền được cho là của những tập đoàn công nghệ khổng lồ này. Và bây giờ đến lượt đại diện của 4 “đại gia” công nghệ cùng nhau trả lời các câu hỏi dựa trên kết quả điều tra của ủy ban.

Do đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các CEO dự kiến sẽ xuất hiện từ xa thông qua phần mềm gọi video. Các nhà lập pháp đang hy vọng sẽ có được các phiên điều trần được thực hiện trong một ngày và xem xét việc mở rộng các cuộc điều trần nếu cần.

Được biết, ngoài cuộc điều tra và điều trần trước Tiểu ban chống độc quyền thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện, "bộ tứ" quyền lực thế giới công nghệ Mỹ cũng đang đối mặt với các cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ.

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cũng đã điều tra Facebook về các vụ mua bán gần đây.

Những vấn đề phải giải trình

Các CEO của 4 “đại gia” công nghệ Mỹ được yêu cầu phải xuất hiện, không thể đưa ra bất kỳ lý do gì để trốn tránh và trả lời rõ ràng mọi loại câu hỏi mà họ nhận được, kể cả những câu hỏi liên quan hoặc ảnh hưởng, tác động xấu đến hình ảnh của công ty.

Như đối với Google- tập đoàn vốn đang là đối tượng của nhiều cuộc điều tra chống độc quyền đến từ nhiều nước khác nhau, đây là lần đầu tiên của CEO Sundar Pichai đứng trước Quốc hội Mỹ kể từ năm 2018.

Các nhà lập pháp có thể sẽ tập trung vào sự thống trị của Google trong thị trường tìm kiếm và quảng cáo, vì vậy, câu hỏi được đưa ra đối với CEO Sundar Pichai sẽ xung quanh việc liệu công ty có giữ một sân chơi công bằng hay không.

Bloomberg gần đây đã báo cáo rằng, những thay đổi của Google đối với thanh công cụ tìm kiếm đã khiến cho các doanh nghiệp trực tuyến tốn kém hơn khi tiếp cận khách hàng. Nhiều công ty công nghệ mong muốn Tiểu ban chống độc quyền thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ buộc Google trả lời các chủ đề liên quan để giải mã doanh nghiệp kỹ thuật số phức tạp này.

Bên cạnh đó, các nhà lập pháp Mỹ cũng có thể thẩm vấn cách thức kinh doanh quảng cáo kỹ thuật số của Google đã thu lợi từ nội dung độc hại trực tuyến như thế nào. Tương tự, họ cũng có thể hỏi về phát ngôn thù hận trên YouTube, mặc dù một số chủ đề này có thể lấy đi sự tập trung từ các vấn đề chống độc quyền.

Google cũng có thể bị hỏi về Trung Quốc. Cuối cùng, Google còn phải trả lời câu hỏi về các cuộc điều tra chống độc quyền mà họ phải đối mặt từ một số quốc gia khác nhau. Đầu tháng này, hãng Politico thông tin rằng bang California đang chuẩn bị tiến hành cuộc điều tra riêng của mình về Google, nâng số tiểu bang điều tra “đại gia” công nghệ này lên con số 49 bang.

Trong khi đó, Apple dù đã cố gắng tránh được nhiều phản ứng dữ dội chống độc quyền hơn một số thành viên khác trong danh sách điều trần, nhưng có một mối lo ngại ngày càng tăng giữa các nhà lập pháp là Apple Store và hệ sinh thái ứng dụng rộng hơn đang làm tổn thương các nhà phát triển.

Apple có các quy tắc hạn chế đối với các nhà phát triển App Store, bao gồm thuế 15%-30% cho các giao dịch mua trong ứng dụng mà các bên thứ ba từ lâu đã tranh luận là không công bằng, mặc dù Apple nói rằng nó phù hợp với tỷ lệ của đối thủ cạnh tranh.

Spotify là một trong những công ty có tiếng nói nhất về chủ đề này và tháng trước, Basecamp, nhà phát triển ứng dụng email Hey, cũng đã công khai sự bất bình của mình.

App Store là nhà sản xuất doanh thu lớn thứ hai của Apple sau iPhone, nhưng các ứng dụng của Apple không tuân theo các quy tắc như bên thứ ba và từ lâu bị rằng mang lại cho Apple một lợi thế không công bằng so với đối thủ. Một vấn đề khác cũng gây nhức nhối là quy trình phê duyệt của Apple cho các ứng dụng mới, do đó, mong các nhà lập pháp sẽ cố gắng thăm dò một số cơ chế bí mật đằng sau hậu trường.

Câu hỏi được đưa ra lúc này là làm thế nào để chúng ta biết Apple đang thực hiện điều này một cách nghiêm túc? Gần đây, Apple đã tiến hành một nghiên cứu bảo vệ việc cắt giảm 30%, mà theo họ là tương tự như các khoản phí do Google, Amazon và các tổ chức khác tính phí.

Điều đó có thể đúng, nhưng Tư pháp Hạ viện Mỹ ít quan tâm đến quy mô tương đương của chia sẻ doanh thu mà quan tâm nhiều hơn đến những cách mà Apple có thể gây tổn hại cho các nhà phát triển.

Thương vụ mua Fitbit của Google đang bị Liên minh châu Âu giám sát chặt.

Facebook thì có khả năng sẽ phải đối mặt với sự giám sát về các vụ mua bán trong quá khứ của mình, điều mà các nhà lập pháp cho rằng Facebook đã sử dụng như một chiến thuật để vô hiệu hóa các mối đe dọa cạnh tranh.

Công ty này đã mua lại Giphy vào đầu năm nay với giá 400 triệu USD, làm gióng lên hồi chuông cảnh báo chống độc quyền. Các nhà lập pháp cho rằng, việc Giphy tiếp cận trên web có thể giúp mở rộng hoạt động theo dõi quảng cáo khổng lồ của Facebook.

Trong 16 năm thành lập, Facebook đã mua lại một loạt các công ty lớn và nhỏ như Instagram và WhatsApp lần lượt vào năm 2012 và 2014. Hai thương vụ này giúp Facebook trở thành một người khổng lồ công nghệ toàn cầu.

Vào năm 2013, Facebook đã mua Onavo Mobile, một ứng dụng sử dụng AI để xác định các công ty khác có thể mua hàng tốt. (Facebook sau đó đã đóng ứng dụng này khi nổ ra tranh cãi). Hiện Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cũng đã điều tra Facebook về các vụ mua bán gần đây.

Ngoài ra, các nhà lập pháp cũng có thể đặt câu hỏi về các biện pháp của Facebook để ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch trên nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19 và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Cuối cùng là Amazon. Tập đoàn này đã thu hút được sự giám sát nặng nề từ các cơ quan quản lý chống độc quyền trong năm qua về việc đối xử với các công ty bên thứ ba bán sản phẩm thông qua trang web của mình.

Một cuộc điều tra của Wall Street Journal hồi tháng 4 cho thấy Amazon thường xuyên sử dụng dữ liệu lượm lặt được từ những người bán bên thứ ba trên trang của mình để định hình kế hoạch phát triển các sản phẩm nhãn riêng.

Tiết lộ này đã khởi động một cuộc điều tra chống độc quyền sâu rộng nhằm vào Amazon ở EU. Gần đây, hàng chục nhà đầu tư và doanh nhân nói với The Wall Street Journal rằng Amazon đã đầu tư vào công ty của họ, giành quyền truy cập vào thông tin độc quyền, trước khi tung ra các đối thủ cạnh tranh.

Nhiều người trong số các công ty khởi nghiệp đã bị nghiền nát trong quá trình này và nói rằng họ không thể cạnh tranh với Amazon một khi công ty ra mắt dịch vụ riêng. Amazon phủ nhận các cáo buộc rằng họ đã sử dụng thông tin bí mật.

Amazon sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi về đại dịch COVID-19, nhất là sự gia tăng bất ngờ trong các đơn đặt hàng trực tuyến. Sự an toàn của công nhân tại các kho hàng của Amazon cũng là một điểm gây tranh cãi.

Một số công nhân đã đình công vào đầu năm nay để phản đối các điều kiện làm việc và nhiều công nhân kho của Amazon đã chết vì virus SARS-CoV-2. Amazon khẳng định rằng họ đã cung cấp nhiều thiết bị bảo vệ và thường xuyên làm sạch kho của mình để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Phiên điều trần ngày 29-7 đánh dấu lần đầu tiên CEO Jeff Bezos làm chứng trước Quốc hội Mỹ và quá khứ của ông về mối thù với Tổng thống Donald Trump cũng như quyền sở hữu The Washington Post có thể là một chủ đề để bị đặt câu hỏi.

Khánh Chi

Nguồn tin: cand.com.vn