6 vấn đề khiến "Chiến tranh lạnh" Mỹ-Trung nóng

Với việc chính phủ Mỹ ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, còn Bắc Kinh yêu cầu các nhân viên ngoại giao Mỹ rời cơ quan đại diện ở Thành Đô trong vòng 24h đồng hồ, căng thẳng giữa hai cường quốc này đã đạt đến mức nghiêm trọng nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao hơn bốn thập kỷ trước.

Nhiều rủi ro cho công dân, doanh nghiệp cả hai nước

Thực tế thì trong lĩnh vực quốc phòng, thương mại, công nghệ, nhân quyền và các vấn đề khác, hành động và sự trả thù của bên này hay bên kia đã leo thang mạnh mẽ dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, mặc dù cá nhân tỷ phú này từng nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nay thì chính quyền Washington còn đang cân nhắc đến lệnh cấm du lịch tới Mỹ với 92 triệu thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc và có thể trục xuất bất kỳ thành viên nào hiện đang ở ở nước này nếu thấy cần thiết.

Orville Schell, Giám đốc Trung tâm quan hệ Mỹ-Trung Quốc tại Hiệp hội Châu Á nói: “Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào vòng xoáy nguy hiểm. Mức độ nghiêm trọng của cuộc đối đầu đã tạo ra những thách thức cụ thể và chỉ có thể giải quyết được thành một cuộc xung đột của các hệ thống và giá trị”.

Đồng quan điểm này, Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung Quốc, cho biết ông đã hoảng hốt trước những lời chỉ trích và động thái ngày càng tăng từ hai siêu cường đang chiếm 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. “Nếu họ la hét với nhau và đóng sầm cửa thì thế giới là một nơi rất không ổn định và các doanh nghiệp không thể lập kế hoạch”, ông Craig Allen nhận xét.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản hồi năm ngoái.

Natasha Kassam, một chuyên gia về Trung Quốc và cựu nhà ngoại giao Úc tại Viện Lowy cho biết, sự phát triển căng thẳng đến vào thời điểm khiến "nhiều người tin rằng căng thẳng Mỹ-Trung không thể tồi tệ hơn".

Còn nhà cựu ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc Jeff Moon thì nói: "Mỹ và Trung Quốc đã dành ba năm qua để xé toạc mối quan hệ trong hơn 4 thập kỷ”. Trong khi đó, Guy Saint-Jacques, cựu Đại sứ Canada tại Bắc Kinh, nói rằng sự thúc đẩy rõ ràng của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với việc "tách rời" kinh tế từ Trung Quốc có thể gây ra "hậu quả địa chính trị lâu dài".

Bởi lẽ, kể từ khi thúc đẩy tham gia kinh tế tăng mạnh với việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, hai nền kinh tế đã phát triển gần gũi hơn bao giờ hết. Năm 2018, trước khi Washington đưa ra một loạt thuế quan đối với Bắc Kinh trong lần đầu tiên trong cuộc chiến thương mại của mình, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, với tổng thương mại trị giá 660 tỷ USD, là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Mỹ và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ.

Nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ, tất cả mọi thứ, từ sản xuất và công nghệ đến Hollywood và NBA, tất cả đều phụ thuộc vào Trung Quốc như một nguồn thu chính. Vô số các tổ chức văn hóa và cao đẳng Mỹ cũng hoạt động tại Trung Quốc. Và khi sự ngờ vực lẫn nhau tăng lên thì rủi ro cũng đặt ra cho những công dân bình thường ở cả hai phía.

Bên ngoài Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô.

COVID-19 và phong trào chống Trung Quốc

Theo các nhà phân tích, chính quyền Washington đã đổ lỗi cho Trung Quốc đã phát tán virus SARS-CoV-2 vốn lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Phía Mỹ đã nhiều lần mô tả virus này theo thuật ngữ phân biệt chủng tộc và kỳ thị, gọi nó là virus Vũ Hán, virus Trung Quốc và Kung Flu.

Ngày 4-7 vừa qua, Tổng thống Donald Trump còn tuyên bố, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc gieo rắc dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu. Đồng thời, ông Trump cũng ra lệnh cắt đứt quan hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cáo buộc tổ chức này mắc những thiếu sót trong phản ứng ban đầu của Trung Quốc đối với dịch bệnh. Tiếp đó, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc tin tặc Trung Quốc cố gắng đánh cắp thông tin về nghiên cứu của Mỹ về vaccine COVID-19.

Về phần mình, Trung Quốc đã bác bỏ các cuộc tấn công của Mỹ nhằm đổ lỗi cho nước này về dịch bệnh COVID-19, đồng thời chỉ trích Chính phủ Mỹ phản ứng kém đối với dịch bệnh. Các nhà tuyên truyền của Trung Quốc còn thúc đẩy phản biện, rằng lính Mỹ có thể là nguồn gốc của virus trong chuyến thăm Vũ Hán vào tháng 10 năm ngoái.

Tàu sân bay và máy bay chiến đấu của Mỹ tập trận trên Biển Đông.

Thêm hàng loạt cuộc đối đầu và trừng phạt mới

Khi tham gia tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Donald Trump được cho là giành chiến thắng một phần nhờ những cáo buộc rằng Trung Quốc đang khai thác mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia với Mỹ. Và trong suốt 4 năm cầm quyền, ông đã liên tục ra lệnh áp dụng một loạt thuế quan trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng đã trả đũa khiến hai nước rơi vào một cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 2 năm. Trong khi một thỏa thuận “hoà hoãn” được tuyên bố một cách hiệu quả vào tháng 1 với việc ký kết cái gọi là thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” với việc hầu hết các mức thuế đều không được nới lỏng, Mỹ và Trung Quốc đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề này.

Trung Quốc từ lâu đã bị chính quyền Mỹ cáo buộc ăn cắp công nghệ và bước leo thang lớn nhất là Washington tìm kiếm, thiết lập một danh sách đen quốc tế của Huawei - công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc với cáo buộc công ty này hỗ trợ cho những nỗ lực của Trung Quốc xâm nhập vào cơ sở hạ tầng viễn thông của các quốc gia khác để giành lợi thế chiến lược.

Giám đốc tài chính của Huawei đã bị giam giữ tại Canada kể từ tháng 12-2018 với lệnh dẫn độ sang Mỹ về tội gian lận. Tuần trước, Anh tuyên bố họ đứng về phía Mỹ trong việc cấm các sản phẩm của Huawei khỏi mạng không dây tốc độ cao.

Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đã bị đóng cửa.

Ngoài ra, chính quyền quyền Tổng thống Donald Trump đã hạn chế mạnh mẽ số lượng công dân Trung Quốc có thể làm việc cho các tổ chức tin tức Trung Quốc tại Mỹ.

Trung Quốc cũng trả đũa bằng cách ra lệnh trục xuất các nhà báo từ Thời báo New York, Washington Post, Tạp chí Phố Wall và thực hiện các bước khác cho thấy những trở ngại tiếp theo đối với hệ thống báo chí Mỹ ở Trung Quốc. Lo ngại về khả năng hạn chế hơn nữa đối với các nhà báo làm việc tại Trung Quốc, Thời báo New York tuần trước tuyên bố rằng họ đã chuyển phần lớn trung tâm tin tức của mình ở Hong Kong tới Seoul, Hàn Quốc.

Đồng thời, Washington cũng đã thực hiện các bước để hủy thị thực của hàng ngàn sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Mỹ những người có quan hệ trực tiếp với các trường đại học liên kết với Quân đội giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Theo giới chức Mỹ, những vụ trục xuất như vậy báo hiệu những hạn chế giáo dục có thể hơn nữa và chính phủ Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách áp dụng lệnh cấm visa đối với người Mỹ.

Tháng 11-2019, ông Donald Trump, với sự hỗ trợ của lưỡng đảng, đã ký ban hành luật có thể trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông, những người bị cho rằng ra lệnh và thực hiện lệnh đàn áp những người ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông - trung tâm tài chính châu Á được Trung Quốc bảo đảm một số biện pháp tự trị.

Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ lại tuyên bố đang thực hiện các bước để chấm dứt tình trạng giao dịch ưu đãi của Hong Kong với Mỹ sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh mới. Còn trong tháng 7, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số quan chức Trung Quốc, bao gồm cả một thành viên cao cấp của Đảng Cộng sản, liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Huyền Chi (tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn