Bà Aung San Suu Kyi: “Tôi không là Margaret Thatcher, cũng không là Mẹ Teresa”


“Đây là mùa đông thứ tám mà tôi phải ra khỏi giường vào mỗi sáng, ngắm nhìn vẻ tươi sáng trong ngần của thế giới và tự hỏi có bao nhiêu người tù ở kia có thể ngốn ngấu cái đẹp của Hemanta (mùa đông) mà các thi nhân của chúng ta đã mô tả đầy khắc khoải. Sẽ thật thú khi đọc những vần thơ về mùa đông sau những bức tường vững chắc của nhà tù, đóng lại trước những giọt sương bàng bạc và ánh dương mỏng như mạng tơ, hương thơm thoang thoảng của hoa mùa đông và vị đầy đặn của món ăn ấm nóng” - Aung San Suu Kyi viết những dòng này nhiều năm trước, không lâu sau khi án quản thúc tại gia của bà kết thúc, trong một tập thư mang tên “Thư gửi từ Miến Điện” mà nội dung của nó được lần lượt đăng tải lần đầu trên tờ nhật báo Mainichi Shimbun của Nhật Bản, từ tháng 11 năm 1995 đến cuối năm 1996.

Đó là quãng thời gian ngắn ngủi tạm gọi là “tự do” trong đời bà Suu Kyi - vị chính trị gia nổi tiếng của Myanmar từng giành giải Nobel Hòa bình vì những đấu tranh cho quyền con người - bởi đến năm 2000 bà lại bị chính phủ quân đội giam lỏng trở lại.

Chân dung bà Aung San Suu Kyi.

Giờ đây, sau cuộc đảo chính chấn động của quân đội tại Myanmar vào tháng 2 vừa qua, bà Aung San Suu Kyi, lúc này đang là người nắm giữ vị trí cao nhất trong Chính phủ Myanmar, hẳn đã phần nào hiểu cái cảm giác mà bà luôn băn khoăn tự hỏi ngày trước. Bà lại bị đột kích và bắt giam một lần nữa, mà lần này không chỉ là quản thúc.

“Cuộc đời của một kẻ nổi loạn thì không bao giờ nhàm chán”, bà viết một cách mỉa mai ở một trong những lá thư cách đây hơn 20 năm của mình và hơn ai hết, cuộc đời bà là minh chứng cho câu nói ấy. Không phải là một cuộc đời vinh quang hay thất bại, không phải một cuộc đời tốt đẹp hay đáng phê phán, cụm từ đúng nhất với cuộc đời của Aung San Suu Kyi là “không bao giờ nhàm chán”.

Người ta thường phân biệt anh hùng và tội đồ. Một người đã là anh hùng thì không thể là tội đồ và ngược lại. Nhưng Aung San Suu Kyi là cả anh hùng và tội đồ. Khi bà nhận giải Nobel năm 1991 trong sự ngỡ ngàng của chính bà (thời điểm đó bà còn bị chính phủ quân đội quản thúc và phải mãi hơn hai mươi năm sau khi đã hoàn toàn tự do, bà mới có thể đến Oslo đọc diễn văn nhận giải), hội đồng trao giải đã ca ngợi Suu Kyi là “một trong những ví dụ phi thường về lòng can đảm của một công dân ở châu Á trong những thập niên gần đây”, “một biểu tượng quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống lại sự đàn áp” và vinh danh bà vì “sự hỗ trợ cho rất nhiều người trên khắp thế giới, những người đang nỗ lực đạt đến quyền dân chủ, quyền con người và sự hòa giải dân tộc bằng các biện pháp hòa bình”.

Thế nhưng, đến khi khủng hoảng Rohingya nổ ra vào năm 2016-2017 khi quân đội tàn sát hàng ngàn người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar, nhiều người bị giết, hãm hiếp, thiêu cháy dã man và hơn 1 triệu người phải tháo chạy khỏi đất nước, người ta lại cho rằng giải Nobel đã trao cho bà Aung San Suu Kyi - người đứng đầu chính phủ khi ấy - là một “nỗi hổ thẹn”.

Truyền thông phương Tây từ tụng ca bà đã quay lưng với bà: “Từ một biểu tượng hòa bình đến một pariah”, The Guardian đã giật tít như thế. Từ “pariah” vốn để chỉ đẳng cấp thấp nhất trong hệ thống đẳng cấp caste của Ấn Độ, giai cấp hạ tiện nhất, như thể hiện sự khinh thường đối với Suu Kyi.

Mặc dù vậy, thật khó để không cảm thấy choáng váng với sự đổi thay quá nhanh của Aung San Suu Kyi. Làm sao một phật tử, sau khi chứng kiến một vị trụ trì đáng kính thay đổi cả một vùng đất nhờ sử dụng tiền cúng dường cho việc cải thiện đường sá và đời sống cư dân, đã viết rằng “Một vài người đã chất vấn liệu có phù hợp không khi nói về những thứ như là metta (lòng nhân ái) và thissa (chân lý) trong ngữ cảnh chính trị.

Nhưng, chính trị là về con người và những gì chúng tôi đã trông thấy ở Thamanya chứng minh rằng tình yêu và chân lý có thể làm con người rung động mạnh mẽ hơn bất cứ sự cưỡng chế nào”, làm sao chính người đó có thể là cùng người đã giữ im lặng và không hành động khi quân đội dùng trực thăng chiến đấu nã súng vào hàng ngàn người Rohingya yếu thế.

Người biểu tình ở Myanmar bảo vệ và đòi trả tự do cho Aung San Suu Kyi vào tháng 2-2021 sau khi bà bị lật đổ và bắt giam.

Làm sao một người từng viết trong những lá thư đầy rung cảm của mình rằng “Khi chúng tôi đòi hỏi sự dân chủ, tất cả những gì chúng tôi đòi hỏi là con người được sống yên bình trong vòng luật pháp, được bảo vệ bởi những cơ quan đảm bảo cho quyền lợi của chúng tôi, những quyền lợi cho phép chúng tôi giữ gìn nhân phẩm, chữa lành những vết thương đã mưng mủ quá lâu và được yêu và có đủ can đảm để phát triển. Chẳng lẽ điều đó là một đòi hỏi quá đáng lắm sao?”, một người được coi là biểu tượng chỉ sau Nelson Mandela về chống độc tài, người đã hy sinh cả hạnh phúc cá nhân - không thể chăm sóc con cái trong nhiều năm và không thể gặp chồng bà trong những tháng năm ông chiến đấu với bạo bệnh - vì cuộc đấu tranh cho công lý, lại cũng có thể chính là người đã cao giọng đáp trả “Hãy chỉ cho tôi một quốc gia không có vấn đề gì về nhân quyền” trước những chỉ trích của truyền thông quốc tế. Phải chăng với Aung San Suu Kyi lúc này, đòi hỏi được sống yên bình, được gìn giữ nhân phẩm, được chữa lành những vết thương, đã trở nên quá đáng và vô lý mất rồi?

Người biểu tình chống lại bà sau vụ Rohingya vào tháng 11-2016.

Làm sao một người từng bất bình trước những vụ bắt bớ vô tội vạ của chính quyền quân đội, như khi một gánh biểu diễn a-nyeint (một môn nghệ thuật truyền thống) bị tống giam sau một buổi diễn châm biếm, lại cũng là người đã cho bắt giam hai nhà báo muốn tìm hiểu sự thật về vụ thảm sát Rohingya?

“Bà ấy từng là một chính trị gia đứng về phía dân chủ và nhân quyền, trong đó có cả quyền tự do báo chí nhưng từ ngày nắm quyền lực, bà ấy rõ ràng đã thất bại trong việc chiến thắng những vấn đề đó. Chính phủ của bà cũng hào hứng trong việc bắt giam nhà báo và những người chống đối y hệt như chính phủ quân đội trước đó”, Bill Richardson - một nhà ngoại giao Mỹ từng quen biết Suu Kyi trong 25 năm bình luận.

Mặc dù thế, có lẽ chỉ chúng ta mới là những người vỡ mộng về Aung San Suu Kyi. Còn Aung San Suu Kyi thì không bao giờ ảo tưởng về bản thân mình. Bà bảo mình không đời nào giống như Margaret Thatcher nhưng cũng không phải là Mẹ Teresa. Bà bảo bà đâu có bao giờ gọi mình là Mẹ Teresa. Ý rằng, xin đừng kỳ vọng bà toàn thiện hay đức hạnh.

Sinh ra trong một gia đình chính khách nổi tiếng và được hưởng một nền giáo dục đáng để ghen tị, Aung San Suu Kyi, ngoài là một chính trị gia, còn là một nhà trí thức và đọc những gì bà viết mở ra rất nhiều những góc nhìn độc đáo về văn hóa nghệ thuật. Trong một bài viết mà theo tôi là đặc sắc bậc nhất của bà mang tên “Cái đẹp và cái xấu”, bà kể hồi còn học ở Oxford, trong một lớp học về tiệc trà Nhật Bản, vị giáo sư cho các học sinh xem tấm ảnh một bậc nghệ nhân cầm trong tay chiếc bát gốm được ông nặn hết sức tinh xảo nhưng bản thân ông lại đang đứng trên tấm thảm hết sức thô kệch trong nhà mình, thứ mà, một cách vô thức, vẫn đập vào mắt vị nghệ nhân ấy ngày qua ngày.

Nguyên tắc mà Suu Kyi học được từ giáo sư là: “Để thâu thập những thứ thật sự tốt, một người phải nhận ra được cả cái đẹp và cái xấu”. Từ đó, bà bắt đầu suy tư về Myanmar, “miền đất của của sự quyến rũ và sự tàn ác”, nơi mà bà cho rằng người ta có thể tìm thấy sự ấm áp, dịu dàng, sự can đảm, yêu thương nhiều hơn bất cứ đâu, “song những kẻ bày tỏ sự căm ghét và niềm hận thù, đồng thời say sưa hủy diệt và nghiền nát chúng ta, cũng là người Miến Điện, đồng bào của chúng ta”.

Nguyên tắc ấy hẳn cũng có thể áp dụng cho chính Aung San Suu Kyi, cho cuộc đời bà, một cuộc đời mà tự nó đã nói lên tất cả sự mâu thuẫn có thể có nơi một con người, đặc biệt là, nơi một chính trị gia giàu lý tưởng, giàu tham vọng, với một niềm tin rất giản đơn nhưng lại sống trong một thế giới không đơn giản. Hình ảnh cả trăm ngàn người Myanmar xuống đường biểu tình đòi quân đội thả tự do cho bà bất chấp bị đàn áp không ngừng bằng bạo lực trong những ngày qua, đặt bên hình ảnh vài năm trước, khi người Rohingya biểu tình giương cao những khẩu hiệu về nỗi đau và nỗi tức giận của họ, ta sẽ thấy chúng vừa khác nhau - một bên ủng hộ Aung San Suu Kyi, một bên chất vấn bà, mà lại vừa giống nhau - cùng là sự phẫn nộ của người dân.

Được sùng bái, bị hận thù, được tung hô, bị đạp đổ, Aung San Suu Kyi có thể là bất cứ thứ gì trừ sự nhàm chán. Bà kết luận rằng: “Tôi chỉ là một chính trị gia” - điều đó nói lên tất cả.

Hiền Trang

Nguồn tin: cand.com.vn