Bao giờ mới hết rác "độc" trên mạng?

Về phần mình, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương xác định việc đăng tải clip "xin vía học giỏi" của YouTuber Thơ Nguyễn lên mạng xã hội là hành vi vi phạm cung cấp, chia sẻ thông tin, cổ súy mê tín dị đoan. Với hành vi này, YouTuber Thơ Nguyễn đã bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng mức phạt này quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Hình phạt chưa tương xứng

Với mức phạt như trên đối với hành vi vi phạm của Thơ Nguyễn, nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh đã phản ứng dữ dội, vì mức phạt quá nhẹ. Anh Lê Văn Minh ở quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) có con gái đang học lớp 6 cho biết: "Người này sai phạm nặng như vậy nhưng chỉ bị phạt 7,5 triệu đồng. Đầu độc tâm hồn nhiều trẻ thơ mà chỉ bị phạt vậy cho nên video bẩn tràn lan là đúng thôi, phạt thế này sao đủ sức răn đe, cần phải xóa kênh Youtube này luôn".

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương và Công an tỉnh làm việc với YouTuber Thơ Nguyễn.

Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, Thơ Nguyễn giải trình rằng do chính sách của TikTok chỉ cho đăng tải mỗi đoạn video có thời lượng tối đa là 60 giây nên có tình trạng là video nêu trên được đăng tải ở hai thời điểm khác nhau (không liên tục) gây hiểu nhầm cho cộng đồng mạng.

Việc biện hộ cho hành vi vi phạm này của YouTuber Thơ Nguyễn là không hợp lý, thậm chí không chấp nhận được, vì bản thân Thơ Nguyễn phải biết đang làm clip phục vụ đối tượng là trẻ em. Trẻ thấy có video với hình ảnh bắt mắt là nhấn vào xem, không thể xem hết phần 1 rồi đi tìm phần 2 và trong mỗi phần đều riêng biệt, không thể hiện cụ thể phần 1 và phần 2. Nếu TikTok cho đăng video có thời lượng tối đa là 60 giây thì người đăng phải làm video đủ thời lượng quy định của mạng xã hội này. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì không có chuyện TikTok tự cắt video dài ra làm hai mà chỉ những video đủ thời lượng dưới 60 giây mới đăng lên được.

Thơ Nguyễn cũng phải biết muốn học giỏi không thể cầu xin từ bên ngoài, mà cần sự nỗ lực chăm chỉ học tập, nhưng vẫn đăng những video nhảm nhí này lên mạng cho trẻ xem. Có nghĩa là YouTuber này bất chấp hậu quả như thế nào, chỉ cần có nhiều lượt xem video để có tiền.

Quá nhiều rác "độc" trên mạng xã hội

Công tác kiểm soát mạng xã hội không chặt chẽ, mức xử phạt đối với những trường hợp vi phạm còn quá nhẹ nên những video không sạch vẫn nhan nhản trên mạng xã hội.

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy trên Youtube còn có nhiều video độc hại khác, như kênh Mazk TV (1,78 triệu người đăng ký), trong đó có video quay diễn tả cách ăn kẹo dẻo hình con mắt rất kinh dị đăng ngày 6-9-2019 có đến 1.165.259 lượt xem. Trong video, người nam thanh niên có mái tóc nhuộm màu tím với thân hình hộ pháp tự giới thiệu tên là Mazk Phá Phách. Người này để trên bàn trước mặt 10 chiếc kẹo hình con ngươi mắt và ăn với sự thể hiện kinh hãi.

Mazk Phá Phách đăng video ăn kẹo dẻo hình con mắt. (Ảnh cắt từ video).

Mazk cắn đôi chiếc kẹo dẻo và nói bên trong có nước màu đỏ như máu. Lúc này có một người mặc áo thun đen được Mazk gọi tên là anh Chuối đi vào và nói: "Ăn kẹo hình mắt kinh dị quá vậy?", thì Mazk nói loại kẹo mắt hiện đang hot rồi bảo người tên Chuối ăn thử. Khi Chuối bẻ đôi chiếc kẹo dẻo, hai thanh niên la lên "ở bên trong có máu", rồi ăn kẹo. Mazk cho biết giá mỗi chiếc kẹo này 20 ngàn đồng, Chuối liền nói: "Đúng là đồ chơi cho con nít, mắc mà độc hại nữa…", nhưng Mazk nói "không hề độc hại nha".

Điều mà chúng tôi bất ngờ khi đọc các bình luận bên dưới, hầu hết là trẻ em và đều thể hiện thích thú rồi hỏi nơi bán loại kẹo này để mua!

Khi đang xem video trên của Mazk, chúng tôi thấy rất nhiều video liên quan đến ăn kẹo dẻo hình con mắt hiện ra tiếp theo. Trong đó, đáng chú ý là kênh BiBoBen có video "100% Kẹo Dẻo Trái Cây Trolli Hình Con Mắt" đăng ngày 20-6-2019 với 286.423 lượt xem. Trong video, hai trẻ em còn khá nhỏ thích thú ăn kẹo hình con mắt. Cách quay video này chắc chắn là người lớn và đăng video lên mạng không thể là trẻ em.

Nhấn vào video tiếp theo là "Thử ăn kẹo dẻo hình Con Mắt, Trái Đất" đăng 9-12-2019. Video này của kênh Triple-Double (Hòa Râm), một nam thanh niên cùng 2 bạn nữ ngồi ăn kẹo dẻo hình con mắt cũng thể hiện sự ghê sợ.

Anh Nguyễn Thanh Hưng nhà ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh cho biết thỉnh thoảng anh cho con trai xem trên Youtube, vợ chồng anh bận việc nghĩ bé chủ yếu xem các video ca nhạc, hoạt hình thông thường của thiếu nhi nên ít khi để ý. Có lần anh tình cờ nhìn lên màn hình ti vi con đang xem thấy có điều gì đó không ổn, anh quan sát thấy con đang xem phim hoạt hình nhưng có xuất hiện nhân vật mặt mũi ghê quá. Mắt của nhân vật hoạt hình thâm đen, sâu hoắm, tóc xõa nhìn rất sợ nhưng cháu vẫn chăm chú xem.

"Lúc này tôi liền hỏi con đang xem phim gì vậy, con trai nói xem phim hoạt hình chứ không biết tên phim, con nói cứ xem hết phim này thì phim khác tự động hiện lên. Tôi kiểm tra thì biết đây là phim Chú bé đất sét. Thoạt đầu xem thấy bình thường nhưng thỉnh thoảng có cảnh ma quỷ xuất hiện, vì vậy buổi tối cháu không dám đi ngủ một mình, mặc dù đã 8 tuổi", anh Hưng chia sẻ.

Hai cô gái trong video ăn kẹo dẻo...

Còn chị Trần Thị Khánh Vân ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh cho biết chị hết hồn khi thấy con gái xem video trên mạng mà những người trên đấy ăn bánh kẹo hình một số bộ phận cơ thể người. Đấy là kênh 123 GO! CHALLENGE Vietnamese với video "Thử Thách Xanh Đỏ". Tên video thì rất bình thường nói về màu sắc, nhưng nội dung thì không đơn giản như vậy. Nhân vật trong video là 2 cô gái người nước ngoài có thuyết minh tiếng Việt, trên 2 đĩa trước mặt để những chiếc kẹo dẻo hình con ngươi mắt, hai người này ăn thể hiện sự ghê sợ. Một video khác của kênh này, 2 cô gái trên ăn kẹo dẻo hình não.

Chị Vân cho biết: "Thấy video có vấn đề bất ổn, tôi lập tức tắt ngay ti vi và giải thích cho con biết không nên xem phim này, nhưng cháu thể hiện sự bực bội khi bị mẹ tắt ti vi đột ngột, tôi có giải thích thì cháu vẫn không nghe. Ngày hôm sau, tôi tiếp tục giải thích và hướng cháu xem những video về phim hoạt hình của Việt Nam. Nhưng nói thật là phim hoạt hình của ta dành cho trẻ em chưa phong phú, chưa hấp dẫn, chưa thu hút trẻ em".

... và hình não (ảnh cắt từ video).

Chỉ cần gõ chữ "kẹo dẻo hình con mắt" tìm kiếm trên trang Google, lập tức xuất hiện rất nhiều trang bán hàng trực tuyến như Shopee, Lazada,… bán loại kẹo dẻo kinh dị hình con ngươi mắt, hàm răng… cùng nhiều video ăn kẹo dẻo hình một số bộ phận cơ thể người trên Youtube.

Ngoài phim ảnh bạo lực, các video ăn sản phẩm bánh kẹo hình các bộ phận cơ thể người đang nhiễm vào đầu trẻ thơ thói hư tật xấu, tính bạo lực dã man. Trong đó, có sự tiếp tay của một số bậc phụ huynh sẵn sàng mua những loại kẹo kinh dị này cho con ăn, thậm chí mua về cả nhà cùng ăn rồi quay video đăng lên mạng. Kẹo bán tràn lan và video "bẩn" đăng khá lâu rồi nhưng không có một cơ quan quản lý nào vào cuộc ngăn chặn.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho rằng trẻ vị thành niên thường bắt chước, thực hành những điều trên mạng chỉ bảo hoặc các trào lưu biến tướng khác, nhưng công tác quản lý, bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội hiện nay còn khá lỏng lẻo. Pháp luật chưa thật sự sâu sát về vấn đề trên, khi phát hiện vụ việc các nhà quản lý phải buộc bên cung cấp nền tảng phải tháo bỏ nội dung và chế tài nghiêm những người vi phạm. Yêu cầu người đăng tải nội dung phải xin lỗi công khai trên không gian mạng.

Việc các video có nội dung độc hại trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đã làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, nhiều trẻ từng treo cổ tự tử nghi do học theo video "Thử thách Cá voi xanh", "Thử thách Momo"… đăng trên YouTube.

Để bảo vệ con cái, trách nhiệm trước tiên là cha mẹ cần quan tâm kiểm soát không cho trẻ sử dụng thiết bị thông minh, nếu thỉnh thoảng cho xem thì phải thường xuyên chú ý đến nội dung con đang xem, nếu thấy bất thường phải chuyển sang nội dung khác và giải thích cho con hiểu không nên xem những video độc hại. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng khá đau đầu trước sự đòi hỏi sử dụng mạng của con cái, có người tắt wifi, có người giấu thiết bị thông minh…

Mới đây có trường hợp xử lý khá thông minh và hiệu quả của một bà mẹ, đó là khi đứa con đòi xem điện thoại nhiều, lúc bé ngủ, người mẹ đã dùng son phấn màu đen tô xung quanh hai mắt của bé. Khi ngủ dậy, mẹ cho bé soi gương, thấy mắt mình bị đen, bé đã khóc và sợ, người mẹ nói rằng do con xem điện thoại nhiều quá nên mắt bị thâm đen xấu, từ đấy bé không dám đòi xem điện thoại.

Cũng có trường hợp con luôn đòi xem ti vi, nói mãi con không nghe, người mẹ để con xem và không cho con ăn uống gì, con đòi ăn mẹ cũng không cho ăn. Đến khi con đói quá kêu thì mẹ giải thích con xem thì cũng phải ăn phải nghỉ, con biết mệt thì tivi cũng vậy. Con không cho tivi nghỉ nó cũng sẽ mệt lả đi, nó bệnh luôn là con không xem được, vậy là bé đã nghe theo lời mẹ.

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, ngoài trách nhiệm của cha mẹ trong kiểm soát con cái, thì câu chuyện trẻ em với mạng xã hội cần được cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn. Các chuyên gia, cơ quan bảo vệ trẻ em cần cụ thể hóa vấn đề trẻ em với không gian mạng, ngăn chặn những video độc hại trên mạng…

Nhà nước cần có qui định nếu mạng xã hội là của nước ngoài như Facebook, Youtube… phải tuân thủ quy định của Việt Nam, những người đăng tải video lên mạng vi phạm quy định phải xử phạt thật nặng chứ không thể thả nổi như hiện nay.

Hoàng Long

Nguồn tin: cand.com.vn