Bất ngờ một cõi Thiên Thai


Tương truyền Thiên Thai là nơi các nàng tiên hạ giới để hái những trái đào thơm trong rừng. Họ ca múa trong những đêm trăng rồi xuống sông khỏa nước. Dân làng xưa đã hát: “Trèo lên trái núi Thiên Thai/ Thấy đôi chim phượng ăn xoài trên cây/ Đôi ta được gặp nhau đây/ Khác gì chim phượng gặp cây ngô đồng”.

Trầm luân chín ngọn ngàn năm

Với vẻ đẹp thơ mộng dãy núi Thiên Thai luôn dịu dàng xanh tươi bên dòng sông Đuống. Vua Lý Thánh Tông đã cho xây hai chùa (Tĩnh Lự, Đồng Lâm - năm 1055) và hành cung trên núi. Trong những cuộc kinh lý lên vùng Đông Bắc, vua thường hành lễ và nghỉ ngơi tại núi Thiên Thai.

Trải dài hàng trăm năm qua các triều đại Lý, Trần nơi đây trở thành trung tâm Phật giáo cả nước. Ngôi chùa Tĩnh Lự được coi là Quốc Tự. Đất quanh vùng trở nên thịnh vượng. Bến nước dòng sông luôn luôn tấp nập thuyền bè buôn bán. Vùng văn hóa Kinh Bắc hình thành nơi đây. Nhưng sau đó Phật giáo đã mất dần vị trí quốc đạo, những ngôi chùa và di tích trên núi Thiên Thai bị đổ nát, hoang phế.

Thiên Thai bị bỏ quên theo thời gian. Sông Đuống lặng lẽ buồn cô quạnh dưới chân núi. Mãi tới mấy trăm năm sau khi tình cờ chúa Trịnh Tráng đi kinh lý đồn thú vùng Đông Bắc đã dừng chân tại bến đò Thiên Thai.

Chúa ngỡ ngàng về cảnh đẹp nơi đây. Sau khi dò hỏi, chúa Trịnh Tráng mới hay đây đã từng là đô hội thịnh vượng một thời. Ngay lập tức chúa đã ứng tiền, đồng thời kêu gọi các quan lại triều đình nhà Lê cùng đóng góp, để xây lại chùa Tĩnh Lự (năm 1648).

Đó là ngôi chùa lớn trăm gian và một hành cung rộng khắp. Chúa Trịnh Tráng muốn đây sẽ là nơi an nghỉ cuối đời của mình. Thiên Thai phồn thịnh trở lại. Những cánh rừng đã được trồng rừng thông mới. Dòng sông Đuống vui reo với đoàn tàu thuyền đậu bến Thiên Thai. Những đàn chim đậu về hót véo von suốt ngày đêm.

Khu đền thờ thái sư Lê Văn Thịnh.

Nhưng rồi Thiên Thai lại bị bỏ rơi sau hàng trăm năm giữa chiến cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh. Lịch sử bị cuốn theo nạn binh đao liên miên qua các triều đại nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn. Chín ngọn núi Thiên Thai hoang tàn. Những công trình văn hóa bị phá hủy. Nhất là khi giặc Pháp đến xâm lược. Chúng đập bỏ chùa để xây đồn bốt trên núi cao. Chúng muốn kiểm soát tuyến đường lên Đông Bắc thông về Hà Nội.

Sau này chùa Tĩnh Lự đã được dân làng Đông Cứu xây dựng lại. Nhưng đó chỉ là một ngôi chùa nhỏ của làng. Thiên Thai bị rơi vào quên lãng. Hiện trên núi còn hệ thống lô cốt Pháp để lại từ thập niên 40. Nền cũ chùa Tĩnh Lự chỉ còn một bia đá được khắc vào thời chúa Trịnh Tráng. Bia ghi lịch sử ngôi chùa đã được xây dựng lại cách đây hơn 400 năm ra sao.

Nhưng câu chuyện bất ngờ đã xảy ra tại Đông Cứu. Trong lần tu sửa ngôi đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh (1050-1096), người dân trong làng đã phát hiện ra một bức tượng rồng đá lớn (năm 1991). Các nhà chuyên môn thật sự ngạc nhiên với cấu trúc của bức tượng đời Hậu Lê (1533-1788). Đó là con rồng tự cắn mình cùng những móng vuốt đang giày vò thân xác. Đồng thời rồng còn có một tai đặc và một tai rỗng. Những nhà sử học đã nhận ra đó là biểu tượng cho một câu chuyện đầy bi kịch của Thái sư Lê Văn Thịnh.

Số mệnh của thái sư đã gắn với vụ án hồ Dâm Đàm thời Lý Nhân Tông (1072-1128). Bức tượng như một lời minh oan cho tội âm mưu giết vua của Thái sư Lê Văn Thịnh (xảy ra năm 1095). Đó là hình ảnh sám hối của bậc đế vương đã hãm hại trọng thần.

Thật trớ trêu thay: “Than cho có mắt như mù/ Tai nghe chẳng thể so đo dữ lành/ Gây nên oán hận chúng sanh/ Hối không kịp nữa sao đành lòng ta”. Bức tượng rồng đã được Thủ tướng Chính phủ xếp vào loại bảo vật quốc gia (1992)

Tình ca Thiên Thai

Có thể nói, nhà thơ Lê Quý Đôn (1726-1784) là người đầu tiên có những cảm xúc với vẻ đẹp bồng lai tiên cảnh của núi Thiên Thai. Ông đã viết: “Một ngọn núi khác cao vút các núi khác đều vươn theo/ Dòng sông nước chảy lượn quanh như chiếc đai vàng”.

Những khúc dân ca như “Lý Thiên Thai” luôn được vang lên theo thời gian. Điệu lý với câu hát tình yêu đã được sinh ra từ phiên chợ bến sông bên núi. Các cô gái luôn thẹn thùng với câu hát dễ thương: “Chàng buông vạt áo em ra/ Để em đi chợ kẻo đà chợ trưa/ Chợ trưa rau sẽ héo đi/ Lấy chi nuôi mẹ, lấy gì nuôi em”.

Nhiều đám quan họ đã giao lưu và hát về núi Thiên Thai với nỗi niềm lưu luyến mộng mơ. Trên dòng sông Đuống những đoàn thuyền rồng vào mùa trẩy hội như trôi đi trong lời ca rộn ràng.

Bia đá khắc ghi lịch sử chùa Tĩnh Lự.

Không ít nhà thơ và nhạc sĩ đã từng viết về núi Thiên Thai với cảm xúc dạt dào. Đầu tiên phải nói đến thi sĩ Hoàng Cầm. Ông có sự gắn bó với Thiên Thai từ rất sớm. Đó là khổ thơ tình dễ thương: “Ai về bên kia sông Đuống/ Cho ta gửi tấm the đen/ Mấy trăm năm ước hẹn tình duyên/ Tiếng trống hội làng giục giã/ Trên núi Thiên Thai/ Gửi về may áo cho ai/ Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?” (Bên kia sông Đuống).

Hoặc đó còn là tâm hồn ấm áp của nhà thơ Hồng Hà một người con của Kinh Bắc. Khi ông viết về tuổi thơ: “Lại về qua núi Thiên Thai/ Núi Thiên Thai nửa thôi dài ngày mưa/ Tôi trèo qua suối tuổi thơ/ Dấu chân vỏ hến trong mơ còn hồng”. Và mới đây nữ sĩ Ngu

yễn Thị Mai (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) đã làm bài thơ tiễn con gái về làm dâu xứ quan họ. Lời thơ vang vọng giai điệu dân gian sâu lắng: “Con về Kinh Bắc quê hương/ Theo người ngoan đất văn chương hiền tài/ Mẹ ngồi tạ núi Thiên Thai/ Nối duyên loan phượng lâu dài tình con”.

Cùng gắn bó với những giai điệu quan họ, các nhạc sĩ cũng thể hiện ở nhiều cung bậc khác lạ với Thiên Thai. Trong đó phải kể đến ca khúc cuối cùng của nhạc sĩ Huy Du trước khi ông mất (2007). Tiếng lòng cất lên với miền quê thân thương làm lay động lòng người qua ca khúc “Một thuở Thiên Thai”.

Lời ca buồn xa vắng: “Loan phượng bay rồi bao giờ trở lại/ Gió se buồn man mác mây trôi”. Chừng bảy năm sau đó, nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác ca khúc “Mẹ tôi” cũng gây bất ngờ khi cảm xúc với núi Thiên Thai.

Giai điệu nghẹn ngào mang âm hưởng dân gian: “Trèo lên dẫy núi Thiên Thai ối a mẹ ngồi trông ánh mây vàng/ Mẹ ơi! Hãy dắt con theo ối a để con mãi bên mẹ/ Mẹ ơi! Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình/ Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ”.

Ca sĩ Tùng Dương là người đầu tiên biểu diễn thành công ca khúc này năm 2014. Sau đó ca sĩ Đồng Lan cũng trình bày ca khúc “Mẹ tôi” rất ấn tượng vào năm 2017.

Lễ hội Thập đình

Tại đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh theo thông lệ còn diễn ra lễ hội của mười làng quanh vùng núi Thiên Thai. Mười làng đều tôn thờ Thái sư Lê Văn Thịnh là Thành Hoàng làng. Đây là trường hợp hiếm có trong hệ thống đình làng ở nước ta.

Người trông coi đền cho biết còn làng Đình Tổ (huyện Thuận Thành - Bắc Ninh) cũng tôn Thái sư Lê Văn Thịnh là Thành Hoàng làng. Ông kể sau khi Thái sư Lê Văn Thịnh bị đi đầy trên đất Phú Thọ. Chỉ ít năm sau đó, thái sư lực tàn sức kiệt đã trở lại quê hương. Không ngờ ngài về tới làng Đình Tổ thì mất. Mọi người đã xây mộ rồi dựng đình thờ ngài.

Theo thông lệ 10 làng quanh vùng tổ chức lễ hội vào mùng 5 và 6 tháng Hai hằng năm. Khởi phát rước kiệu từ các đình về tập trung tại Đình Cả (thôn Bảo Tháp) bên núi Thiên Thai. Lễ hội diễn ra tại đây. Hàng ngàn khách thập phương kéo về trẩy hội. Làng nào cũng chuẩn bị tham gia phần hội thật tưng bừng. Nhất là các cuộc thi hát quan họ.

Các anh Hai, chị Hai đều trổ tài khoe sắc trong làn điệu quê hương. Đâu đâu cũng ngân vang câu ca: “Người về em vẫn (í i ì i có mấy) trông theo/ Trông (ư ư) nước (tình chung là như) nước chảy/ Mà này cũng có trông bèo/ Trông bèo là bèo trôi/ Người ơi! Người ở đừng về…”. Khi ấy trên núi Thiên Thai rừng đào thơm ngát tỏa bóng bên dòng sông trong xanh. Đó là ngày Tết chung của mười làng vào lễ hội xuân.

Vương Tâm

Nguồn tin: cand.com.vn