Bi kịch gia đình: Tột cùng nỗi đau của người cha


Nỗi lòng người trong cuộc

Ngày 20-5-2021, TAND Cấp cao đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1953, trú ở xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội) đã bị TAND TP Hà Nội xử phạt 7 năm 6 tháng tù giam về tội Giết người.

Có mặt từ sáng sớm, bà Ngọc Thị Tươi (vợ ông Đức) khuôn mặt đầy khắc khổ, lo lắng. Bà bảo, bà và người nhà đi xe máy từ 7h sáng ra đến đây. Còn anh Nguyễn Văn Tú (người bị ông Đức đâm) cùng anh trai của mình đi taxi vì đang phải ngồi xe lăn. Đôi mắt rơm rớm, bà Tươi bảo: "Không biết ông ấy có được giảm án mà về với gia đình không".

Bà Tươi rơm rớm chia sẻ về hoàn cảnh gia đình.

Hôm đầu ông Đức bị bắt, bà còn giấu hàng xóm láng giềng, bảo rằng ông đi làm ăn xa... Rồi bà tâm sự, kể từ ngày ông Đức vướng vòng lao lý, gia đình khó khăn càng thêm khó khăn hơn. Mình bà phải ở nhà tần tảo nuôi mẹ chồng già năm nay đã 105 tuổi. Trong khi Tú phải nằm viện chữa trị, có những lúc tưởng chừng không qua khỏi. Có bao nhiều tiền của, tài sản trong nhà bà đều dồn hết chữa bệnh cho con. Chi phí chữa trị cho Tú khi ấy cũng hết hơn 100 triệu.

Bà Tươi kể, cứ sáng sáng bà lại ra sông mò hến đến hơn 12 giờ trưa, nắng chang chang mới trở về nhà. Một ngày chỉ bán được mấy chục nghìn đồng, rồi trồng rau nuôi con gà, con cá bán lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình. Tuổi già, sức yếu, bà chỉ làm được có vậy. Con cái cũng khó khăn, chẳng ai phụ giúp được gì. Chồng lại đang vướng vòng lao lý chỉ vì bi kịch gia đình đã nhen nhóm từ lâu.

Theo hồ sơ vụ án, vợ chồng ông Nguyễn Văn Đức sống gần nhà với gia đình anh Nguyễn Văn Tú, là con đẻ. Quá trình sinh sống, họ không xảy ra mâu thuẫn, xích mích gì lớn lao. Tuy nhiên, từ khoảng tháng 3-2020, anh Tú thường xuyên chửi bới bố mẹ và vợ.

Chiều 14-6-2020, anh Tú đi chơi về. Thấy chị Tuyến (là vợ Tú) đang nấu cơm trong bếp, anh Tú đi vào mở nồi cơm. Nhìn ít cơm, Tú dùng chân đá nồi cơm và nói: "Mày nấu thế này thì ăn một mình đi". Sau đó, Tú chửi và đuổi vợ cút đi. Bị chồng đuổi, chị Tuyến kêu to: "Bố mẹ ơi, nó đánh con". Nghe tiếng kêu của con dâu, vợ chồng ông Nguyễn Văn Đức chạy sang phòng khách nhà Tú.

Anh Tú khó nhọc bước lên bậc thềm để vào phòng xét xử.

Đến nơi, bà Tươi nói: "Sao mày lại thế"? Sao mày lại đánh nó?". Tú không trả lời mẹ, quay sang chửi đổng bằng những lời lẽ thô tục. Tú văng lời hỗn láo: "Chúng mày thích chết thì vào hết đây".

Nghe con trai nói vậy, ông Đức bực tức nói: "Tao thích chết thì mày làm gì được tao?". Vừa dứt lời, ông Đức bị con trai cầm ấm tích trên bàn, giơ lên, định ném về phía mình. Chứng kiến cảnh đó, người cha ra gốc cây nhãn gần đó lấy gậy đinh ba bằng kim loại, đâm nhiều nhát vào con rồi ra cơ quan Công an đầu thú.

Về phía anh Tú, sau khi bị cha đâm đã được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng. Rồi được chuyển đến Bệnh viện Việt - Đức cấp cứu. Anh Tú cũng đã bị tổn hại tới 99% sức khỏe.

Tại phiên toà Xét xử phúc thẩm, vì dịch COVID - 19 đang diễn biến phức tạp, nên người nhà bị hại và bị cáo không được vào nhiều. Chỉ có vợ anh Tú đẩy xe lăn vào dự với tư cách là người bị hại. Bà Tươi buộc phải ở ngoài cửa phòng xét xử. Gần đây sức khoẻ của Tú đã khá hơn, có người dìu Tú mới nhích chân được từng bước khó nhọc. Nhưng suốt buổi xét xử, ngồi lâu mỏi chân, chị Tuyến, vợ Tú phải dìu chồng đứng dậy vịn vào thanh chắn cho thoải mái. Còn bà Tươi cứ ở ngoài thấp thỏm xin vào phòng xét xử để được gặp chồng nhưng không được. Giờ giải lao, bà tranh thủ xin vào nhìn chồng hỏi han rồi lại đi ra.

Giờ giải lao, bà Tươi tranh thủ xin vào gặp chồng.

Khi bước vào phòng xử án, nhìn thấy con trai đang ngồi thất thần trên chiếc xe lăn ngoài cửa, đôi mắt ông Đức lại đỏ hoe. Suốt phiên toà phúc thẩm, thi thoảng ông lại lấy tay dụi đôi mắt rơm rớm nước rồi lại ngoái lại tìm xem vợ còn ngồi dưới không.

Khi được Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi, bị cáo có dùng gậy đinh ba đâm con không, bị cáo Đức trình bày rất nhiều lý do, nguyên nhân khiến ông tức giận đâm con trai. HĐXX phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần, bị cáo Đức mới trả lời là có. Trình bày tại toà và xin được giảm nhẹ hình phạt, ông Đức cho biết: "Chỉ vì bị cáo uất ức không dạy được con. Con bị cáo nhiều lần đánh chửi bố mẹ và vợ. Có lần bị cáo còn bị con đánh vỡ đầu. Con cái thì ai cũng thương nhưng lần ấy như giọt nước tràn ly, bị cáo sợ con đánh vợ mình, lúc đấy hai mẹ con đang cãi chửi nhau. Con bị cáo cũng văng lời thách thức nên bị cáo bức xúc quá mới ra nông nỗi này... Sau khi gây ra sự việc, bị cáo đã nhận thức được đó là hành vi nguy hiểm, bị cáo rất ân hận".

Nhận định vụ việc, HĐXX cũng cho rằng, hành vi của ông Đức một phần do lỗi của bị hại: "Không chỉ là hôm xảy ra vụ việc, mà trước đó có rất nhiều lần bị hại đánh chửi bố mẹ. Bố mẹ là người sinh thành, nuôi dưỡng mình lớn khôn, nhà lại nghèo không báo hiếu cho bố mẹ mà lại có những hành vi bất hiếu là không thể chấp nhận được. Nên hành vi phạm tội của bị cáo có phần lỗi của bị hại. Giờ lớn tuổi cả rồi, không phải trẻ con nữa nên bị hại cần phải nhận thức được hành vi của mình… Bị hại phải khắc ghi vào xương tuỷ, phải nhận thức được hành vi của mình".

Chân dung đứa con bất hiếu

Thực tế, trước khi xảy ra vụ án đau lòng khiến con tàn tật, bố vướng vòng lao lý, Tú là một kẻ chơi bời, lêu lổng, còn ông Đức là một người nông dân hiền lành, chân chất. Vợ chồng ông Đức có 4 đứa con, nhưng Tú luôn được ông bà quan tâm, lo lắng nhiều hơn cả. Ông bà còn vay tiền đầu tư cho Tú mua ôtô để đi lái taxi. Nhưng với bản tính chơi bời, lười lao động, nên Tú thường xuyên cờ bạc, lêu lổng. Cả xe ôtô, xe máy Tú đều mang đi cắm lấy tiền chơi bài khiến bố mẹ và vợ nhiều lần muối mặt đi chuộc lại.

Bà Tươi tất tả theo chồng ra tận xe

Không những thế, Tú còn công khai ngoại tình, đưa người tình về nhà rồi gây sự, chửi mắng, "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" với vợ. Những lần như thế, vợ chồng ông Đức lại phải sang bảo vệ con dâu, khuyên ngăn con trai nhưng Tú bỏ ngoài tai tất cả, thậm chí còn đánh chửi, hành hung bố mẹ. Đã có lần, ông Đức bị Tú cầm xẻng, gậy đuổi đánh khiến ông phải lên Công an xã trình báo. Rồi có lần Tú đấm mẹ tím mắt và cầm gậy tre vụt sượt mang tai. Có lần khác, ông Đức bị Tú dùng ghế gỗ đánh vào đầu phải khâu 8 mũi... Dù Công an xã đã nhiều lần gọi Tú lên khuyên răn nhưng trở về nhà Tú vẫn chứng nào tật ấy. Và đỉnh điểm khiến ông Đức không kiềm chế được là vụ việc xảy ra ngày 14-6-2020.

Được phát biểu tại phiên toà, bị hại Nguyễn Văn Tú cũng đã nhận thức được sai lầm của mình. Dù được cứu sống và tỉnh táo nhưng Tú vẫn bị thương tích 99%. Suốt những ngày nằm viện, người đồng hành cùng Tú không phải là những người tình Tú đưa về mà lại là người vợ từng bị Tú hắt hủi, người mẹ mà Tú từng chửi bới đánh đập. Tú ân hận nhận ra sai lầm cũng như tình thương gia đình dành cho mình nên đã viết đơn kháng cáo xin giảm án cho bố.

Xét thấy hành vi của bị cáo Đức một phần do lỗi của bị hại, gia đình bị cáo Đức từng được UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen vì đã hiến đất làm đường trong xây dựng nông thôn mới nên Toà đã tuyên phạt bị cáo Đức 5 năm 6 tháng.

Kết thúc phiên toà, bà Tươi lại lẽo đẽo theo đoàn dẫn giải chồng mình ra xe về trại giam. Dáng người tất tả, đôi mắt rơm rớm, bà nhìn theo chiếc xe chở chồng khuất dần mới ra cùng con dâu, con trai để trở về nhà.

Ngọc Anh - Ngọc Trâm

Nguồn tin: cand.com.vn