Biên giới Ấn-Trung lại nóng

Nước cờ đầu tiên

Hai nước đã có nhiều động thái đàm phán về căng thẳng biên giới. Ngày 4-9, tại Moscow, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã gặp nhau bên lề cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Đây là cuộc gặp quân sự cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi căng thẳng bùng phát dọc biên giới Trung-Ấn trong những tháng gần đây.

Thực tế, việc hai Bộ trưởng Quốc phòng gặp nhau trực tiếp tự bản thân nó đã là một tín hiệu tích cực và tạo ra bầu không khí cần thiết để hai nước giải quyết tranh chấp biên giới và hạ nhiệt tình hình trên thực địa. Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cũng có kế hoạch gặp nhau vào ngày 10-9. Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phụng Hòa và người đồng cấp Rajnath Singh đã đặt nền tảng quan trọng cho cuộc gặp giữa các ngoại trưởng hai nước. Vấn đề biên giới phức tạp giữa Trung Quốc và Ấn Độ không thể được giải quyết trong một cuộc họp nhưng vai trò của hai Bộ trưởng Quốc phòng sẽ rất quan trọng trong việc hạ nhiệt những xích mích ở biên giới.

Vấn đề biên giới Trung-Ấn, vốn đã “nằm im” trong nhiều thập niên, đã trở thành “một ngọn núi lửa hoạt động” trở lại trong những năm gần đây.

Mặt trận kinh tế là nước cờ đầu tiên mà New Delhi lựa chọn trong “cuộc đấu” trực diện với Bắc Kinh. Xung đột biên giới nghiêm trọng lần này đã làm dấy lên làn sóng chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ tại Ấn Độ. Dước tác động của làn sóng này, trong 3 tháng qua, Chính phủ Ấn Độ đã phát động nhiều đợt tấn công kinh tế nhằm vào Trung Quốc, lần lượt đưa ra các chính sách, biện pháp nhằm hạn chế các doanh nghiệp của Trung Quốc xuất khẩu sang Ấn Độ, đầu tư và kinh doanh tại Ấn Độ. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường của quan hệ kinh tế Trung-Ấn.

Trong lĩnh vực thương mại, từ tháng 7 đến nay, Chính phủ Ấn Độ đã hạn chế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, các biện pháp hạn chế khác cũng đã bước vào giai đoạn tranh luận cuối cùng. Nhiều biện pháp hạn chế kinh tế của Ấn Độ đối với Trung Quốc đã tạo ra cục diện hai bên cùng chịu tổn thất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Căng thẳng biên giới Ấn-Trung vẫn là vấn đề nan giải trong quan hệ hai nước.

Đối với Ấn Độ, việc hạn chế nhập khẩu sản phẩm và đầu tư của Trung Quốc sẽ gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế của người dân và hiệu quả kinh tế của Chính phủ Ấn Độ. Về lĩnh vực thương mại, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, việc hạn chế nhập khẩu các sản phẩm của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với chính Ấn Độ. Năm 2019, Ấn Độ đã nhập khẩu một lượng hàng hóa từ Trung Quốc trị giá khoảng 68 tỷ USD và Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Ấn Độ. Trong đó, các sản phẩm điện cơ, thiết bị cơ khí, hóa chất công nghiệp và đồ nhựa chiếm gần 80% lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc hạn chế thương mại của Ấn Độ đối với Trung Quốc sẽ nâng cao chi phí vận hành sản xuất liên quan đến những lĩnh vực nói trên.

Vượt tầm kiểm soát?

Nếu hai nước còn tiếp tục “căng” với nhau, nhiều chuyên gia không loại trừ khả năng chiến tranh không mong muốn sẽ xảy ra. Trung tướng D.S.Hooda, người đứng đầu Bộ Chỉ huy phía Bắc của quân đội Ấn Độ giai đoạn 2014-2016, nói: “Tình hình trên thực địa rất nguy hiểm và có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Tất cả phụ thuộc vào việc liệu hai bên có thể kiểm soát tình hình rất dễ biến động này và đảm bảo rằng nó không lan sang các khu vực khác hay không?”.

Sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Ngụy Phụng Hòa của Trung Quốc, bên lề cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Moscow hôm 4-9, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đưa ra thông cáo có đoạn: “Cả hai nước nhất trí không bên nào nên thực hiện thêm bất kì hành động nào có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc leo thang căng thẳng ở khu vực biên giới”.

Còn trong một bản tin về cuộc gặp được đăng trên website chính thức, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết ông Ngụy Phụng Hòa nói rằng hai bên nên thúc đẩy hòa bình, ổn định và nỗ lực để hạ nhiệt căng thẳng hiện thời. Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ tăng cường kiểm soát các lực lượng tiền tuyến, kiềm chế và “tránh cố tình thổi phồng và lan truyền thông tin tiêu cực”.

Tuần trước, hai nước đã cáo buộc lẫn nhau vì có những hành động khiêu khích mới, bao gồm cáo buộc các binh sĩ hai bên xâm phạm lãnh thổ của nhau. Ấn Độ nói rằng binh sĩ của họ đã hai lần ngăn chặn những động thái “khiêu khích” của quân đội Trung Quốc. Ngược lại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc quân đội Ấn Độ vượt qua đường kiểm soát đã được thiết lập và có hành động khiêu khích dọc theo đường biên giới.

Wang Lian, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng không chắc sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh công khai bởi cả hai bên đều thể hiện sự kiềm chế trong những xung đột gần đây. Tuy nhiên, New Delhi đang chịu sức ép từ tâm lý chống Trung Quốc ở trong nước và đang được khích lệ bởi những biện pháp chống Bắc Kinh cứng rắn hơn của Mỹ.

Giáo sư Wang Lian nói: “Tôi không cho rằng Ấn Độ sẽ tiến xa tới mức tham gia vào một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn hơn nhưng tôi tin là cả hai bên đang có một số động thái chuẩn bị cho khả năng đó”.

Hà Phương (Tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn