“Bố già”, từ góc xem khác

Ngót nửa thế kỷ sau, năm 2021, ở nửa bên kia của trái đất, nhà sản xuất/ biên kịch/ đạo diễn/ diễn viên Trấn Thành có lẽ rồi cũng trở thành một tên tuổi bất tử của lịch sử điện ảnh Việt Nam khi tung ra rạp bộ phim trùng với tên phim của Francis Coppola huyền thoại: "Bố già".

Nhiều người đã lên tiếng phàn nàn về sự trùng lặp nhan đề tác phẩm này. Tuy nhiên, nếu cởi mở hơn và nếu chịu xem phim từ giác độ lý thuyết liên văn bản, thì đây là sự trùng lặp có thể chấp nhận được: "Bố già" của Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng (đồng đạo diễn) là một cái nháy mắt với "Bố già" của Francis Coppola, chứ không phải là sự ăn theo dễ dãi. Vì nó cũng kể những câu chuyện về một vị gia trưởng, người chủ, người chịu trách nhiệm chính, người hết lòng bao bọc và yêu thương các thành viên còn lại trong gia đình; chỉ có điều một bên là ông trùm tội phạm gốc Italia (mafia) đầy quyền lực và giàu có, một bên là ông hành nghề chở hàng thuê đã nghèo rớt mà lại còn lắm bệnh ở một xóm lao động Sài Gòn. Cái khác biệt từ cùng một nhan đề ắt sẽ làm bật lên nhiều ý nghĩa.

Đạo diễn Francis Coppola trong một cảnh quay bộ phim “Bố già” (The Godfather).

Nhưng nếu chỉ là thế, chỉ có thế thôi, thì phim "Bố già" phiên bản Việt Nam rõ ràng là chưa đủ để giúp cho cái tên Trấn Thành trở thành bất tử. Mà bí mật của sự bất tử ở đây chính là các kỷ lục phòng vé kỳ vĩ choáng ngợp, những cơn địa chấn thật sự, mà "Bố già" của Trấn Thành đã xác lập khi phim được đưa ra thị trường điện ảnh. Để cho tiện, tôi sẽ lược trích thông tin cập nhật từ Wikipedia ngày 24 tháng 4 năm 2021, về hành trình một tháng huy hoàng của bộ phim này: "Theo công bố của nhà phát hành Galaxy Studio, tính từ 18h đến hết ngày 5 tháng 3 năm 2021 (ngày đầu tiên chiếu rạp), "Bố già" thu được 10,6 tỷ đồng và trở thành bộ phim điện ảnh có doanh thu chiếu sớm cao thứ hai tại thị trường Việt Nam, chỉ sau "Avenger: Hồi kết". Trong ngày 6 tháng 3, phim thu về thêm 22 tỷ đồng từ hơn 3.000 suất chiếu, phá vỡ kỷ lục cũ của "Cua lại vợ bầu" (19,6 tỷ đồng) và trở thành phim Việt Nam có doanh thu trong một ngày cao nhất mọi thời đại, nâng tổng doanh thu lên gần 33 tỷ đồng sau một ngày rưỡi… Ngày 29 tháng 3, "Bố già" trở thành phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 5 triệu vé bán ra. Ngày 5 tháng 4, nhà phát hành công bố doanh thu hơn 400 tỷ đồng cùng 5,3 triệu vé được bán sau một tháng công chiếu".

Những kỷ lục này quả thực là những kỷ lục sẽ rất khó xô đổ, vì thế Trấn Thành mới đầy cơ hội trở thành một cái tên bất tử trong lịch sử điện ảnh nước nhà. Trên thực tế, nhiều nhà sản xuất, đạo diễn và phê bình phim Việt Nam hào hứng tin rằng những kỷ lục ấy mới chỉ là cú "tạo trớn" để điện ảnh phim truyện nội địa tiếp tục trỗi dậy, vươn tới, đạt được những thành công to lớn hơn, ví như những tác phẩm "phim nghìn tỷ" chẳng hạn. Nhưng người viết bài này thì không giàu mơ mộng như vậy, nói chính xác hơn, không cả tin như vậy. Vì nếu xét về tương quan giữa một bên là hạ tầng rạp chiếu, phòng chiếu, mức giá vé, với một bên là sự phân bổ dân cư, mức sống và nhu cầu đến rạp để hưởng thụ nghệ thuật điện ảnh của khán giả Việt Nam, thì con số 5,3 triệu vé bán ra trong một tháng, tương đương với hơn 400 tỷ đồng thu về, đã là con số trong mơ, và giấc mơ thì không vô hạn như nhiều người vẫn nghĩ, vậy tốt nhất là đừng nên mơ thêm.

Trấn Thành với vai diễn ông Sang, người bố khắc khổ trong phim “Bố già”. Ảnh: L.G.

Cũng đừng so sánh về tiềm năng khai thác thị trường giữa điện ảnh Việt Nam với điện ảnh các nước trong khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Bởi đó là những thị trường điện ảnh thực sự, được hình thành và vận hành từ sớm, theo một cách rất bài bản, mang tính chiến lược cao, bởi những tay nhà nghề và giàu tài năng. Và điều quan trọng hơn cả là ở những quốc gia ấy, nhu cầu vào rạp để xem phim của công chúng khán giả - cũng như nhu cầu đọc sách và mua sách, nhu cầu đến bảo tàng để nhìn ngắm hiện vật trưng bày, đến nhà hát để nghe hòa nhạc hoặc xem vở diễn, đến triển lãm nghệ thuật để thưởng ngoạn tranh tượng - là nhu cầu thường trực và phổ biến. Nên so sánh tiềm năng khai thác khán giả của điện ảnh giữa 97 triệu dân Việt Nam với 52 triệu dân Hàn Quốc thì nó cũng lãng mạn như lời bài hát "Uyên ương hồ điệp mộng" vậy: "Không biết rằng sống ở trên đời đã là chuyện điên rồ, lại còn mơ ước bay lên đến tận trời cao…".

Chuyện chưa dừng lại ở đây. Cứ giả định là cơ quan thuế đã xác nhận tính chân xác cho con số doanh thu 400 tỷ trong tháng đầu công chiếu của phim "Bố già" phiên bản Việt Nam - và nó sẽ còn tiếp tục tăng thêm khi được chiếu ở nước ngoài - thì điều gì sẽ xảy ra? Nhiều nhà báo, nhà phê bình điện ảnh đã lo ngại rằng cái thành công tiền bạc đột ngột, choáng váng đến mức gây đau tim ấy của phim "Bố già" rất có thể sẽ biến nó thành một thứ "mẫu gốc" về chủ đề và phong cách thực hiện cho sự ăn theo của nhiều bản sao, bản dập kém chất lượng về sau.

Lo ngại ấy là có cơ sở. Vì bản chất của công nghiệp điện ảnh và công nghiệp văn hóa nói chung là như vậy: Sản xuất hàng loạt, nhắm vào những phân khúc thị trường rộng lớn nhất, khai thác đến cùng kiệt những mô thức ăn khách nhất và chỉ chịu bỏ qua khi xuất hiện những mô thức khác, mới hơn, năng sản hơn, hứa hẹn những lợi nhuận bán hàng cao hơn. Thế nhưng, đến đây thì một loạt câu hỏi buộc phải đặt ra: Rốt cuộc thì cái "mẫu gốc" ấy - tức phim "Bố già" của Trấn Thành - nó là cái gì, như thế nào? Tại sao nó lại đạt thành công đến thế về doanh thu?

Và đây là câu trả lời của tôi: Phim "Bố già" của nhà sản xuất Trấn Thành, do Trấn Thành viết kịch bản, đồng đạo diễn và đóng vai chính, là một bộ phim hài - tâm lý xã hội thường thường bậc trung. Cho dẫu đồng sự của Trấn Thành, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, đã vài lần khen ngợi hết lời về năng lực biên kịch và đạo diễn của bạn mình, và cho dẫu không ít phóng viên văn hóa văn nghệ/ giải trí của các báo lớn nhỏ đã không ngại bốc "Bố già" lên tận mây xanh, thì tôi vẫn cứ thấy những lổn nhổn rất khó nuốt trôi ở bộ phim hài - tâm lý xã hội này. Sự hài hước chẳng hạn. Vì luôn cố tỏ ra hài hước cho nên cảm giác về cái hài - như một phạm trù mỹ học tích cực - mà bộ phim mang đến cho khán giả, cụ thể là tôi, rất yếu. Trấn Thành chọc cười khán giả trong các gameshow trên truyền hình như thế nào thì các nhân vật của phim "Bố già" cũng làm y hệt, nghĩa là chỉ bằng cường điệu hóa các hành động, động tác; láu lỉnh hóa các câu thoại, tạo sự bất ngờ bằng cách chơi trò chơi đồng âm dị nghĩa, hoặc "bắt trend".

Xin được nói ngay: Đó là cách gây cười của tiểu phẩm/ kịch tivi, chứ không phải của cinema hài. Về phương diện tâm lý xã hội cũng vậy. Là một bộ phim đặt trọng tâm ở việc mô phỏng hiện thực đời sống đương đại - chứ không phải làm ra một hiện thực nghệ thuật khác, một "ánh trăng lừa dối", và có lẽ do đó mà nó nhận được nhiều lời hào phóng khen là "rất gần gũi", là "thấm đẫm chất đời" - nhưng phim "Bố già" lại thường hay vấp phải sự bất hợp lý. Bất hợp lý với logic đời thực, bất hợp lý với logic diễn tiến của hành động truyện, và bất hợp lý cả với logic phát triển tâm lý nhân vật.

Tôi xin lấy hai ví dụ để chứng minh. Một: Ở đâu trên đất Sài Gòn, vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI rồi, mà vẫn có những gia đình lao động nghèo dùng đầu đĩa CD và tivi dày cả gang tay như những vật dụng hàng ngày? Chúng là đồ cổ rồi, nếu dùng, chỉ có thể là những tay chơi ưa sưu tầm vết tích ngày cũ mà thôi. Rõ ràng, hoài niệm hình ảnh quá khứ mà đặt không đúng chỗ đã ít nhiều dẫn đến sự lố của khâu tạo bối cảnh (nghe nói khá công phu và ngốn nhiều tiền bạc).

Và hai: Nhân vật chính của phim, ông Ba Sang, được mô tả là người sẵn sàng và đã luôn hy sinh tất cả tiền bạc, danh dự, sức khỏe, mạng sống của mình vì anh em và con cháu trong gia đình. Thế mà rồi khi được con trai mình, Youtuber Quắn, khai thông triết lý: "Ai cũng chỉ có một cuộc đời, mạng ai người đó sống", thì rất lạ, ông chấp nhận luôn việc Quắn cho mình quả thận, dẫu biết trước rằng tình thế rất bấp bênh, rằng cái chết có thể ập đến với cả hai chứ không phải một, và rằng dù sao chăng nữa ông vẫn có một đứa cháu gái bé bỏng, con của Quắn, cần được nuôi nấng, chăm sóc ở trên đời.

Trong lần trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, Trấn Thành đã phần nào tự lý giải cho sự thành công của phim "Bố già", đại khái: "Khán giả càng đến rạp xem phim của tôi đông bao nhiêu thì càng chứng tỏ họ có vấn đề về tâm lý bấy nhiêu". Theo một cách nghĩ tích cực, có lẽ Trấn Thành đúng. Trạng thái tâm lý/ tinh thần của xã hội đương đại luôn có những nỗi lo sợ, bất an, nhất là trong các vấn đề về xung đột giữa các thế hệ, về hạnh phúc của mỗi cá nhân đơn trị giữa những quan hệ gia đình chồng chéo. Họ có thể tìm thấy sự chia sẻ, đồng cảm, sự an ủi, vỗ về, thậm chí lời giải cho các vấn đề tâm lý của mình bằng phim ảnh, như phim "Bố già" của Trấn Thành chẳng hạn.

Nhưng xét cho cùng, phải mua vé vào rạp xem phim thì mới biết trong phim có lời giải, và lời giải có thỏa đáng hay không. Mấu chốt ở chỗ là phải kéo được khán giả đến rạp, càng đông càng tốt. Để làm điều này thì, như một quy luật của xã hội tiêu dùng, nhiều khi nghệ thuật bán hàng lại cần thiết hơn nghệ thuật sản xuất nhiều lần. Và Trấn Thành, qua chiến lược làm truyền thông cho phim "Bố già", đã chứng minh mình là người bán hàng giỏi nhất.

Hoài Nam

Nguồn tin: cand.com.vn