Bờ xưa và tôi


Tôi sinh ra tại một miền quê đồng bằng cửa ngõ phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội. Như bạn bè cùng trang lứa, tuổi thơ của tôi đi qua cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Những buổi chiều ngớt tiếng bom, chúng tôi ra cánh đồng và nhìn về phía Tây, thấy mờ xa núi xanh trập trùng. Người lớn bảo với chúng tôi, nơi mờ xa ấy là Hòa Bình đấy! Trong tiềm thức của tôi khi ấy, Hòa Bình chỉ có vậy.

Cuối những năm 60 của thế kỷ XX, có một lớp Y sỹ sơ tán về quê tôi. Trong số học sinh ở nhà tôi có một người con gái tên Xuyên quê ở Kim Bôi - Hòa Bình mà chúng tôi gọi bằng cô Xuyên. Do còn quá nhỏ nên chúng tôi cũng không biết hỏi cô Xuyên xem Hòa Bình như thế nào?

Thế rồi lớp Y sỹ ấy mau chóng giải thể vì giặc Mỹ đe doạ dùng B52 "đưa miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá". Hơn 10 năm sau, tỉnh Hòa Bình sáp nhập với tỉnh Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình. Tôi - chàng trai đồng bằng 18 tuổi nhận quyết định lên công tác tại tỉnh Hòa Bình với tâm trạng bồn chồn lần đầu tiên được đến nơi miền xa xanh ấy và biết đâu sẽ gặp lại cô Xuyên?

Tháng 10/1977, số Công an trẻ miền xuôi lên nhận công tác tại tỉnh Hòa Bình thì nhiều, nhưng cùng tôi về Công an huyện Đà Bắc có Đào Văn Minh quê Phú Xuyên (sau là Trưởng phòng Chống tội phạm về ma túy, Trưởng Công an huyện Kim Bôi); Hoàng Viết Nha quê ứng Hòa (cán bộ Công an Hà Tây đã nghỉ hưu) và Nguyễn Tài Thú quê Hoài Đức.

Hôm rời quê hương lên tỉnh miền núi Hòa Bình, đối với tôi là một kỷ niệm, một thử thách đầu đời không bao giờ quên. Các bạn Minh, Nha, Thú còn biết đường ra bến xe Hà Đông mua vé đi ôtô Chợ Bờ lên Đà Bắc (Chợ Bờ là huyện lỵ huyện Đà Bắc). Riêng tôi, nào có biết Chợ Bờ là Đà Bắc nên đã đi xe lên thị xã Hòa Bình. Quốc lộ 6 lúc đó đang nâng cấp để phục vụ khởi công Công trình Thuỷ điện Hòa Bình, xe lên thị xã Hòa Bình phải đi vòng Kim Bôi ra dốc Cun rồi quành vào bến xe Đồng Tiến.

Trời đã về chiều, cái lạnh đầu đông cộng với tâm thái của kẻ lần đầu tiên xa nhà làm tôi không khỏi hoang mang. Tôi đã ngồi ở ghế đá trong nhà chờ ở bến xe Đồng Tiến và ôm chiếc ba lô "con cóc"- kỷ vật đời quân ngũ của bố, trong đó đựng mấy bộ quần áo chờ sáng.

Những chuyến đò đưa tác giả ngang thác Bờ qua sông Đà.

Mờ sáng hôm sau, tôi hỏi thăm đường lên Đà Bắc thì mới biết phải đi ngược lại thị xã lên Chợ Bờ. Thế là tôi quyết định đi bộ. Từ bến xe Đồng Tiến vào đến chân dốc Cun khoảng 8 km đường nhựa; từ chân dốc Cun lên đến Chợ Bờ là 25km đường đất bụi mù bởi xe tải quá cảnh Đoàn 2 và Đoàn 20 sang nước bạn Lào.

Cứ thế, ba lô trên vai tôi đi. Khoảng 11 giờ trưa, tôi đến bến phà Bờ thì cũng là lúc hành khách xe ca Hà Đông - Chợ Bờ xuống xe để lên phà qua sông Đà. Còn tôi, không biết là mình cũng được xuống phà nên đã tìm thuê đò. Và chính trong lúc lơ ngơ tìm đò qua sông ấy, tôi gặp ngay thác Bờ.

Trời, giữa một vùng sông nước mênh mông, núi non hùng vỹ là thế, một quần thể núi đá mọc lên giữa lòng sông. Cứ thế tôi ngắm đến say mê và mong sao nhanh chóng được lạc vào quần thể thiên nhiên độc đáo này.

Sang sông, tôi tiếp tục đi bộ gần 3 km nữa mới về Công an huyện Đà Bắc. Bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi cứ nghĩ cái sự ngây ngô của kẻ khù khờ như tôi có lẽ là một thử thách đầu tiên nhưng rất quan trọng đối với sự nghiệp công tác của tôi ở miền núi Hòa Bình.

Một đứa con của đồng bằng, lại là con trai một, do chiến tranh, bố đang ở chiến trường nên tôi chưa được đi khỏi nhà ngoài 20 km, nay đến Đà Bắc - huyện miền núi cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình thì hẳn không sao kể hết sự bỡ ngỡ. Nhưng chính tình cảm của bà con miền núi Đà Bắc khi đó và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình sau này đã cưu mang và giúp tôi khôn lớn. Xin được kể lại vài kỷ niệm trong muôn vàn tình thương đó:

Lần đầu tiên tôi được cử đến bản Mái xã Hiền Lương, vùng đồng bào dân tộc Mường. Từ Chợ Bờ đi bộ men theo bờ sông Đà, qua hàng chục cây cầu cheo vắt vẻo bên núi, bên sông rồi vào trung tâm xã Hiền Lương thì trời đã xẩm tối. Từ xóm Ké, tôi phải trèo một cái dốc dựng đứng trong sương mù dày đặc.

Đến đoạn bằng, trời tối mịt lại gặp ngã ba đường mòn mà không biết đường nào là đường về bản. Trong lúc bối rối đến phát khóc thì bỗng có tiếng mõ trâu lốc cốc phía trước. Tôi mừng rỡ như gặp người. Thế là tôi theo tiếng mõ trâu về bản. Lần đầu tiên tôi ý thức được câu "Cái khó ló cái khôn" của các cụ nhà ta.

Đi bộ ròng rã một ngày đường, lúc mò mẫm giữ rừng thì cái sợ át cái đói, bây giờ đến bản rồi, cái đói mới hành hạ sức trai 18 của tôi. Tôi trèo màn thang lên một nhà sàn đầu bản. Nhà ngoài tối om chỉ leo lét ánh lửa hắt ra từ bếp. Bên cạnh bếp, một bà mế đang lúi húi quạt xôi gấc nghi ngút khói. Đang đói, tôi nhìn thấy xôi gấc mà nuốt nước miếng.

Mế hỏi han rồi bảo tôi ra ngoài nghỉ cho đỡ mệt. Mế thoăn thoắt trải đệm cho tôi nằm, lấy chăn cho tôi đắp. Mặc dù rất đói nhưng do cái mỏi rã rời của một ngày rừng lại được cái ấm, cái thơm của chăn đệm vỗ về nên tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Khi được đánh thức dậy để ăn cơm, tôi thấy nhà có thêm người và ai cũng ra chào tôi. Một mình tôi một mâm cơm, cơm trắng chứ không phải xôi gấc. Điều này làm tôi cứ thắc mắc.

Được ngủ một giấc, được ăn cơm no, tôi tỉnh táo hẳn ra và bắt đầu hỏi chuyện gia đình. Và những ngày sau đó, tôi tế nhị biết được bữa ăn của gia đình nào có phải xôi gấc mà là củ nâu, một thứ củ mà bà tôi dùng để nhuộm vải.

Tôi bàng hoàng, cổ như nghẹn lại mặc dù bữa trượt "xôi gấc" đã qua lâu. Cả nhà ăn củ nâu trong khi tôi ngủ để cho tôi yên lòng ăn bát cơm trắng. Hiểu biết đầu tiên của tôi về người miền núi là như vậy. Tình cảm đầu tiên của người miền núi - những người còn chưa thạo tiếng phổ thông dành cho tôi là như vậy.

Chuyến công tác thứ hai của tôi là đến xã Yên Hòa với bà con người Tày. Cũng một ngày đi bộ cật lực qua dốc Sung, dốc Kìa rồi vào xóm Lang. Đêm đông, sương muối rét cắt da cắt thịt. Tôi được gia chủ trải đệm dày bảo nằm rồi bà mẹ miền núi đắp cho tôi 5 cái chăn. Một lúc sau tôi nóng toát mồ hôi nhưng tôi không bỏ bớt chiếc chăn nào vì đó là tình của mẹ miền núi. Cảm động trước tấm lòng của mẹ, tôi không sao ngủ được. Bên bếp, dáng mẹ còng đang ngồi giữ lửa làm sáng lên núi rừng.

Cứ thế, bao chuyến công tác là bấy nhiêu tình cảm của bà con người Mường, người Tày, người Dao ... dành cho tôi. Những đêm cuối tháng trời tối đen như mực, mẹ miền núi lại đốt đuốc đưa tôi đến các bản họp an ninh. Mẹ dạy tôi giơ đuốc ngang, lửa sắp tắt thì dốc đuốc xuống. Già làng dạy tôi qua suối thì đi nghiêng người cho bớt sức cản của nước.

Những đêm trăng rừng sao mà sáng láng mà dịu êm đến thế, cùng gái bản trai Mường chúng tôi ca hát. Tôi được nghe được học những làn điệu ví đúm tình tứ, thiết tha của người Mường, điệu khắp uyển chuyển duyên dáng của người Tày, điệu múa chuông rộn rã của người Dao...

Năm 1978, trong đợt công tác bảo vệ đổi tiền tại xã Ngòi Hoa, lần đầu tiên tôi được đi đò qua sông, tức là qua thác Bờ để sang sông. Với tay lái diệu nghệ của chủ đò mà chúng tôi cứ chòng chành theo nhịp mái chèo. Tuy vậy, tôi vô cùng thích thú khi được tiếp cận những hòn núi nhỏ mang những hình thù độc đáo giữa sông Đà.

Đò cập bến, chúng tôi phải vượt dốc Chủa gần như dựng đứng để vào xã Ngòi Hoa. Tại bàn đổi tiền hôm ấy, chúng tôi gặp mấy cô giáo trẻ đang cắm bản tại nơi đây. Trong những cô giáo trẻ ấy có Đỗ Thị Hải Yến - người vợ của tôi bây giờ.

Những ý nghĩ 3 năm nghĩa vụ miền núi trong tôi vắng đi lúc nào không biết. Mỗi lần viết thư về nhà, tôi dành nhiều nhất để kể chuyện miền núi cho ông bà, bố mẹ và các chị, em tôi. Vì cũng như tôi khi chưa lên miền núi, nhà tôi nào có ai biết gì về Hòa Bình. Tôi kể ở miền núi có nhiều đệm, nhiều chăn. Có đệm, có chăn riêng cho khách. Chăn, đệm, chiếu lại có mảnh vải khâu ở mép để đánh dấu đâu là đầu trên, đâu là đầu dưới.

Ông tôi, một người biết chữ nho, mắt sáng lên: ""Đấy, đích thị là văn hoá đấy cháu ạ. ""Thế rồi 2 con trai của chúng tôi sinh ra tại huyện Đà Bắc. Khi được 5 tuổi một lần cháu lớn về quê, thấy quả mướp to, cháu bảo với cụ: ""Cụ ơi! trái này để làm mạ cụ nhé! ""Ông nội tôi không hiểu chắt bảo để làm mạ là thế nào, khi được tôi giải thích, làm mạ tiếng Mường là làm giống thì ông tôi ngạc nhiên và tâm đắc cách nói của người Mường. Tình cảm ấy, văn hoá ấy đã dinh dưỡng tâm hồn tôi, khởi phát trong tôi những tứ thơ để rồi hàng chục năm sau, những vần thơ đầu tiên của tôi được viết ra, được xuất hiện trên Báo Văn nghệ Hòa Bình và không ít báo chí ở Trung ương.

Sau 16 năm công tác tại huyện Đà Bắc, tôi được chuyển ra Công an tỉnh. Đây là dịp tôi được đến với bà con các dân tộc trong tỉnh. Được tìm hiểu kỹ hơn, rộng hơn bản sắc văn hoá các dân tộc miền núi Hòa Bình. Càng đi, tôi càng cảm nhận cái nghĩa tình mộc mạc, trong sáng của con người miền núi, cái đẹp mê hồn của phong cảnh Hòa Bình.

Trong mọi công việc, tôi biết dựa vào các già làng như dựa vào cây si, cây đa; trong mắt tôi "gái bản là nụ hoa", bên tôi "trai mường như cây nghiến". Tôi trân trọng tinh thần hiếu học, thực học để vượt nghèo của người dân xã Ngổ Luông ở lưng núi Trường Sơn; an ninh Hòa quyện với văn hoá của làng Bôi Câu ở Kim Bôi; cảm phục tấm lòng vì dân của một người Dao đi mở đất - Bàn Văn Hương để có một Thung Rếch trù phú như hôm nay; kính phục sự vận dụng truyền thống với hiện đại của "Cụ Cảnh sát Giao thông" Bùi Văn Chuôm ở xóm Cháy xã Liên Vũ huyện Lạc Sơn với mô hình ngăn chặn tai nạn giao thông ngay từ ổ nhà; và còn rất nhiều cái hay, cái đẹp, cái tình, cái lý đã, đang và tiếp tục tiềm ẩn trong đời sống của bà con nhân dân các dân tộc trong tỉnh Hòa Bình. Lộ thiên đấy mà trầm tích đấy. Nếu chúng ta biết trân trọng, tìm tòi và phát huy thì trầm tích thành lộ thiên và ngược lại. Nhất là tỉnh Hòa Bình khi chưa thành lập thì đã rừng, đã núi đã sử thi Đẻ đất, Đẻ nước bất hủ…

Thấm thoắt mới ngày nào mà tôi đã là công dân của miền núi Hòa Bình đã 43 năm. Mới ngày nào tôi và cô giáo trẻ Hải Yến gặp nhau, trêu nhau ở bàn đổi tiền ở xã Ngòi Hoa (1978) mà nay chúng tôi đã là một gia đình đầm ấm 3 thế hệ với 10 nhân khẩu trên quê hương thứ hai - Hòa Bình.

Điều tôi luôn nghĩ tới và khẳng định là nếu tôi không lên công tác và định cư ở miền núi Hòa Bình thì tôi không thể và không bao giờ có thể trở thành nhà văn, nhà báo. Lại nữa, hoàn thành nhiệm vụ của ngành Công an, tôi được tín nhiệm bầu là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình đến nay là hai nhiệm kỳ 2012 - 2017 và 2017 - 2020.

Những đêm, đứng ở ban công nhà mình nhìn bầu trời Hòa Bình phì nhiêu ánh sáng, tôi thầm cám ơn: Hòa Bình không phải nơi tôi sinh ra nhưng Hòa Bình là nơi tôi lớn!

Lê Va

Nguồn tin: cand.com.vn