Bong bóng tulip và bài học tâm lý đám đông

Trong bộ phim tình cảm lãng mạn này, thứ hấp dẫn nhất thực tế lại là câu chuyện về thị trường tài chính với nhiều bài học thú vị liên quan tới bản chất của tiền bạc và sự giàu có. Trong một đoạn phim, nhân vật Jan, chàng họa sĩ giải thích với Sophia rằng sắc màu xanh biếc thường thấy trong những bức tranh tuyệt vời thời Phục Hưng là thứ màu người ta phải rất khó khăn mới có thể nhập nó về từ bên kia đại dương, có giá trị gấp 5 lần vàng, thường chỉ dành cho các khách hàng quen và các nghệ sĩ giàu có nhất. Giá trị của mọi loại hàng hóa rõ ràng không chỉ được quyết định bởi giá trị sử dụng mà còn bởi mức độ khó khăn để có được nó.

Nổi lên trong phim là hình ảnh đầy sức gợi mở về thị trường giao dịch củ hoa tulip. Mặc dù các giao dịch thường được diễn ra trong các quán rượu đầy những kẻ xay xỉn và gái mại dâm, song củ hoa lại được cất giữ trong các tu viện. Sự đối lập giữa quán bar ồn ào xô bồ với nơi chốn linh thiêng chính là ẩn dụ thể hiện rõ nét sức mạnh chi phối toàn xã hội của đồng tiền.

Họa sĩ Jan Brueghel cảnh báo về sự hiếu kỳ đối với hoa Tulip.

Loài hoa hiếu kỳ

Tulip lần đầu được người Thổ Nhĩ Kỳ đưa tới Tây Âu vào cuối những năm 1500 và nhanh chóng trở thành một sự hiếu kỳ tương tự những gì các loại gia vị và các tấm thảm từ phương Đông từng làm. Tulip thực tế có nguồn gốc từ Constantinople (Istanbul ngày nay). Conrad Gesner, người tự nhận mình là công dân châu Âu đầu tiên đã thấy cành hoa tulip đầu tiên vào năm 1559 tại một vườn hoa tại Augsburg và giới thiệu về cho giới nhà giàu tại Hà Lan, chưa bao giờ nghĩ rằng loài hoa này sẽ trở nên một hiện tượng khuynh đảo cả một vùng trời châu Âu chỉ một thời gian ngắn sau đó.

Thời điểm những năm 1630, Hà Lan bước vào kỉ nguyên vàng của giao thương. Nơi đây trở thành trung tâm trao đổi hàng hóa khổng lồ với những con thuyền lớn mang các loại gia vị và thảm dệt của phương Đông về châu Âu. Và trên những con tàu chở hàng hóa qua lại tấp nập là một thứ không ai ngờ sẽ làm đảo lộn Hà Lan.

Tulip hoàn toàn khác tất cả những loài hoa tại châu Âu thời bấy giờ và không ngạc nhiên khi nó trở thành một món hàng xa xỉ, chỉ có thể xuất hiện trong khu vườn của giới thượng lưu giàu có, đến nỗi “một kẻ giàu có sẽ bị xem là kém tinh tế nếu không có nổi một bộ sưu tập hoa tulip”. Nhà thơ Cowley viết về tulip: “Chẳng khác gì vàng bạc và lụa là, chỉ đôi mắt của những kẻ sang trọng nhất mới thực sự xứng đáng để ngắm nhìn vẻ đẹp đó”.

Tầng lớp thương nhân trung lưu Hà Lan nhanh chóng bị cuốn vào trào lưu này và chạy theo cơn sốt hoa tulip. Những người muốn thể hiện sự giàu có của mình dựng lên những dinh thự lộng lẫy, bao quanh là vườn hoa rộng lớn, xinh đẹp đủ sắc màu và chắc chắn không thể thiếu hoa tulip.

Ban đầu, lý do chính khiến hoa tulip trở thành một món hàng được khao khát chủ yếu bởi giá thành quá cao và cũng bởi sự “mong manh” của loài cây này. Việc chiết ghép gần như là không thể và quá trình trồng củ tulip đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật cũng như sự chăm sóc đặc biệt.

Một cành Semper Augustus được bán với giá 5.500 florins, tương đương 540.000 USD theo thời giá ngày nay.

Tuy nhiên, giữa những chuyến hàng, không ai biết là còn một thứ nhỏ bé với sức mạnh khủng khiếp hơn, “virus” hoa tulip, thứ khiến những bông hoa xinh đẹp bị "vỡ". Nét “vỡ” này càng làm cho bông hoa tulip thêm phần rực rỡ. Trên nền trắng của cánh hoa, xuất hiện những dải màu kéo dài dọc theo bông hoa. Semper Augustus là dòng hoa "vỡ” được săn lùng nhiều nhất ở thời điểm này.

Khi ấy, không ai biết thứ gì có thể khiến một bông tulip bị “vỡ”. Họ trồng hoa với hi vọng những bông tulip sẽ "vỡ" chẳng khác nào ngóng chờ trúng số độc đắc. Nhiều người thậm chí còn nghĩ ra những cách quái dị khác nhau để tạo nên hiệu ứng này: trộn phân chim bồ câu vào phân bón, trộn vữa tróc ra từ tường cũ, hay thậm chí là rắc lên đất trồng những thứ chất nhuộm tự chế.

Ai cũng muốn một phần “miếng bánh” thơm ngon, càng nhiều người mong muốn có được củ hoa tulip, giá của loại hoa này lại càng tăng cao.

Cơn đầu cơ điên loạn

Hoa tulip trở thành cơn sốt ở thị trường châu Âu vào khoảng giữa thế kỷ XVI, thậm chí còn được coi như biểu tượng cho địa vị và quyền lực. Mùa thu năm 1636, thời điểm mà điều thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tại Hà Lan không phải là chỉ số chứng khoán mà chính là giá của những bông hoa tulip. Lượng cầu hoa tulip đã vượt hẳn lượng cung. Hà Lan mới phục hồi sau cơn khủng hoảng kinh tế và người nông dân nơi đây đã có tiền để mạnh tay tiêu pha. Việc mua bán củ hoa tulip trở thành cách đầu cơ điên cuồng vì nhiều người tin rằng giá loại "cổ phiếu" này sẽ tăng mạnh trong tương lai.

Khi cầu vượt quá cung và cơn đầu cơ tích lũy lên đến đỉnh điểm, thậm chí 1 củ hoa có thể đổi được 1 cỗ xe kéo, hàng chục tấn lúa mạch hay hàng trăm cân phomat. Có người còn đồng ý đổi 5 hecta đất lấy 1 củ hoa. Giá củ hoa tăng nhanh đến chóng mặt. Có những thời điểm một số củ tulip hiếm nhất được bán với giá tương đương 100.000 USD ngày nay và chỉ trong 1 tuần giá đã có thể tăng gấp đôi.

Nguồn cầu cho loài hoa tulip đã đạt đỉnh điểm khi các giao dịch không chính thống nhiều đến mức Sở Giao dịch chứng khoán Amsterdam lúc bấy giờ phải niêm yết chính thức hợp đồng hàng hóa hoa tulip tại các chi nhánh ở Rotterdam, Harlaem, Leyden, Hoorn và nhiều thị trấn khác.

Mô tả giá của hoa tulip trong cơn sốt những năm 1600.

Trong cơn đầu cơ hỗn loạn, rất nhiều cá nhân đã giàu lên nhanh chóng. Doanh nhân, thợ nề, mục sư và cả luật sư đều trở thành những thương nhân đổ mạnh dòng vốn ra thị trường như những con thiêu thân. Không ít người tin rằng niềm đam mê dành cho tulip sẽ kéo dài vĩnh viễn và khắp nơi trên thế giới sẽ đổ về Hà Lan để mua cho bằng được hoa tulip, cho dù giá cả có cao cách mấy đi chăng nữa.

Tuy nhiên, cũng có những kẻ cẩn trọng nhanh chóng nhận ra rằng ảo tưởng này sẽ đi đến hồi kết. Những kẻ giàu có không còn mua hoa chỉ để bày, họ tranh thủ bán chúng để thu tiền về. Những kẻ cuối cùng trong cơn đầu cơ sẽ là những nạn nhân chịu lỗ nặng nề.

Bong bóng vỡ

Khi suy nghĩ ấy lan rộng, mọi chuyện nhanh chóng thay đổi. Niềm tin biến mất, tất cả chỉ còn lại sự hoảng loạn. Tháng 2-1637, thị trường bỗng nhiên đổ sập do các tay đầu cơ chi phối thị trường quyết định bán tháo. Giá củ hoa rơi thẳng đứng chỉ còn 1% giá trị, khiến nhiều người mất sạch tài sản.

Rất nhiều người vài tháng trước vẫn còn mơ hồ về cái gọi là “nghèo đói” ở đất nước giàu có này, đã nhận ra rằng toàn bộ tài sản của họ nằm trọn ở những cánh hoa vô tri và giờ vô giá trị. Thậm chí ngay cả khi giá bán chỉ bằng 1/4 giá gốc ban đầu cắt lỗ, cũng không có ai chịu rút hầu bao ra cả.

Lan tràn khắp nơi là bầu không khí hoảng loạn và những tiếng than khóc. Người ta đổ lỗi cho nhau, đổ lỗi cho những kẻ tạo nên trào lưu và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người khác. Những người khác, sau một thời gian ngắn, từ những kẻ vô danh trở thành giới quý tộc, nay lại trở về xuất phát điểm. Nhiều thương gia giàu có trở thành những kẻ ăn mày. Nhiều người đau đớn nhìn tài sản tiêu tan mà không thể làm gì.

Người ta cố cứu vãn tình hình bằng cách tổ chức hàng loạt buổi họp công chúng để vực dậy niềm tin trong giới đầu tư. Những người nắm giữ củ hoa tulip nhất trí rằng họ cần cử đại diện tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền. Tuy nhiên, Amsterdam thay vì có giải pháp hỗ trợ người dân, lại cho rằng các nhà buôn cần phải tự vực dậy và có kế hoạch cho riêng mình.

Mãi sau đó, trước sức ép từ dư luận, Sở Giao dịch Amsterdam mới ra quyết định rằng tất cả những hợp đồng ký trước tháng 11-1636 - thời điểm đỉnh cao của cơn sốt hoa tulip - sẽ được vô hiệu hóa cho người mua nếu người mua chịu trả 10% giá trị hợp đồng cho người bán. Tất nhiên, quyết định này chẳng đủ để thỏa mãn những thương gia đang nắm trong tay những củ tulip ở thời điểm giá lên tới 6.000 florins - nay chỉ còn chưa đến 1/10 giá trị.

Bìa Tiểu thuyết “Tulip Fever” của Deborah Moggach.

Đơn kiến nghị cũng được trình lên Hội đồng nhân dân tại La Haye song những hy vọng chẳng kéo dài lâu. Sau 3 tháng phân tích tình hình, khi thị trường ngày càng lao dốc, giới chức tuyên bố rằng họ không thể cứu thị trường tulip và các thương gia phải tự mình xoay xở bằng cách đấu giá những lô hàng của mình. Không tòa án nào chịu thụ lý các tranh chấp bởi tất cả đều cho rằng các thương vụ tulip là những canh bạc chứ không phải những hợp đồng theo pháp luật.

Bong bóng hoa tulip vỡ, kéo những kẻ chưa kịp thoát khỏi làn sóng đầu cơ xuống tận đáy nghèo khổ, trong khi tiền đã đổ vào túi của những kẻ kết thúc cuộc chơi từ sớm.

Về sau, “Tulip Mania” trở thành thuật ngữ mà người ta hay sử dụng để nói về các bong bóng tài chính, khi giá cả của một mặt hàng nào đó tăng cao đột biến nhưng vẫn có những cá nhân sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để mua và số tiền vượt quá giá trị thực của thứ hàng hóa này rất nhiều lần.

Tuy nhiên, có vẻ nhân loại đã quên rất nhanh những bài học về bong bóng tài chính khi chúng từng nhiều lần diễn ra về sau này như bong bóng South Sea thế kỷ XVIII, sự sụp đổ của phố Wall cuối năm 1929 dẫn đến cuộc Đại suy thoái chấn động lịch sử, bong bóng công nghệ Dotcom, hay gần đây hơn và cơn sốt tiền ảo Bitcoin.

Trên thực tế, sự quan tâm của công chúng đến thị trường ngày càng tăng cũng có thể xem là một nguyên nhân dẫn đến sự hình thành các bong bóng và điều này rất dễ trở nên trầm trọng hơn với các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều câu chuyện nhắm đến khía cạnh giật gân, đặc biệt là kiểu các đợt tăng giá khiến nhiều người giàu lên nhanh chóng chỉ sau một đêm.

Nhiều bài báo được định hình theo kiểu “vẽ đường cho hươu chạy”, vô hình trung lôi kéo người ta tham gia vào cuộc đua. Thậm chí, những bài viết bàn về nguy cơ bong bóng và các rủi ro đi kèm hơn tất cả lại càng tạo ra cảm giác kích thích mạo hiểm, tạo điều kiện cho bong bóng hình thành.

Eddy Elfenbein, tác giả cuốn “Growth Stock Advisor”, từng viết: “Bong bóng là thị trường đi lên liên tục mà bạn chẳng thể tìm nổi một vị trí cho mình”.

Thái Hân (Tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn