Ca khúc trong phim truyền hình Việt: Ngày càng khởi sắc


Nhiều bộ phim phát sóng đã lâu nhưng ca khúc trong phim vẫn có một đời sống riêng, lâu dài, bền chặt hơn trong lòng công chúng. Và điều đáng mừng là ngày càng có nhiều ca khúc trong phim mang sức sống như vậy

Từ nhiều năm qua, "Chào VTV New year Concert" luôn là một trong những chương trình nghệ thuật được đầu tư công phu về mọi mặt từ nội dung, âm nhạc đến công nghệ hình ảnh, sân khấu.

Không phải ngẫu nhiên mà chương trình "Chào 2021" do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, được đầu tư công phu, hoành tráng, phát sóng vào ngày đầu tiên của năm mới 2021 mang chủ đề "Nơi tình yêu bắt đầu" là tập hợp những ca khúc trong những bộ phim truyền hình ăn khách thời gian qua. Điều đó cho thấy, ca khúc trong phim truyền hình không chỉ mang ý nghĩa của bộ phim đó mà đã trở thành một tác phẩm âm nhạc thực sự.

Cùng với sự ra đời và phát triển của phim truyền hình, một loạt ca khúc đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả, trở thành một phần không nhỏ trong đời sống âm nhạc nước nhà.

Ca sĩ Mai Hoa tái hiện lại bối cảnh phim bằng ca khúc trong phim “Chuyện phố phường”.

Tại "Chào 2021", khán giả có mặt trực tiếp tại khán phòng hay xem qua truyền hình đã được thưởng thức lại các ca khúc trong những bộ phim từ thời kỳ đầu như "Người Hà Nội", "Những nẻo đường phù sa", "Của để dành", "Đất và người"... cho đến những bộ phim được sản xuất gần đây như "Vệt nắng cuối trời", "Về nhà đi con", "Hai phía chân trời", "Lặng yên dưới vực sâu", "Tuổi thanh xuân", "Hoa hồng bên ngực trái"...

Chương trình "Nơi tình yêu bắt đầu" thực sự là một bữa tiệc bằng âm nhạc với 24 tiết mục đưa người xem khám phá gia tài ca khúc khá phong phú mà các nhạc sĩ viết nhạc cho phim đã làm được trong hơn 20 năm qua.

Tham gia chương trình là các ca sĩ nổi tiếng như Thanh Lam, Mỹ Linh, Thu Phương, Quang Dũng, Phương Thanh, Tùng Dương, Hà Anh Tuấn, Phương Linh...

Đạo diễn Cao Trung Hiếu cho biết, ê kíp thực hiện chương trình mong muốn kể lại câu chuyện bằng âm nhạc. Thông qua những ca khúc quen thuộc, thậm chí thuộc nằm lòng với khán giả, sẽ không chỉ giúp khán giả nhớ lại những bộ phim đã từng thu hút hàng triệu khán giả ngồi trước màn hình mà còn cho thấy sức sống bền bỉ của các ca khúc khi mang một đời sống riêng. Sức sống của các ca khúc trong phim truyền hình đó đã được minh chứng bằng những con số cụ thể. Chỉ sau 4 ngày phát sóng, chương trình nghệ thuật "Nơi tình yêu bắt đầu" đã thu hút hơn 209 nghìn lượt xem trên Youtube.

Phim truyền hình Việt ngày càng chiếm được tình cảm yêu mến từ phía khán giả chính từ việc phim được đầu tư từ kịch bản, bối cảnh, trang phục, diễn xuất cho đến âm nhạc. Khi được chú ý đúng mức, thì hiệu quả thu hút của phim nâng lên rõ rệt.

Trường hợp bộ phim "Về nhà đi con" với ca khúc "Cảm ơn con nhé" là một ví dụ. Khi phim mới chỉ phát sóng được một vài tập thì ca khúc "Cảm ơn con nhé" của nhạc sĩ Quốc An đã nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả. Giai điệu tha thiết, trữ tình, ca từ gần gũi, mộc mạc và xúc động thể hiện trọn vẹn tình cảm của người cha dành cho con đã chạm tới trái tim khán giả.

Ngay lập tức, ca khúc được người hâm mộ chia sẻ trên mạng xã hội. Sau này, khi bộ phim đã kết thúc nhưng ca khúc vẫn thường xuyên được biểu diễn trên các sân khấu. Ca khúc được nữ ca sĩ Phạm Quỳnh Anh lựa chọn để học trò của mình tại The Voice Kids 2019 thể hiện.

Bản thân nhạc sĩ Quốc An cho biết anh cũng khá bất ngờ khi ca khúc được đón nhận nồng nhiệt như vậy. Để đáp lại tình cảm yêu mến của khán giả, nhạc sĩ Quốc An thực hiện MV cho ca khúc này ngay sau đó.

Ngoài ra, một loạt ca khúc được khán giả yêu thích cùng với sức hút của bộ phim trong thời gian qua như "Khi tình yêu bắt đầu" (phim "Cả một đời ân oán"), "Mê cung" (phim "Mê cung"), "Lặng yên" (phim "Lặng yên dưới vực sâu")... Thậm chí có những ca khúc nhạc phim còn được khán giả nhớ nhiều hơn cả bộ phim.

Ca sĩ Mỹ Linh trình bày ca khúc “Chị tôi”, ca khúc trong bộ phim “Người Hà Nội” tại sân khấu Chào 2021.

Khác với nhạc thị trường, dòng ca khúc cho phim góp phần hình thành nên một số tác giả chuyên viết nhạc cho phim. Nhạc sĩ Vũ Thảo được gọi là "ông vua viết nhạc phim" vì số lượng ca khúc ông viết cho phim truyền hình có thể lên tới hàng trăm tập phim. Trong số đó phải kể tới ca khúc "Những bước chân lặng lẽ" (trong seri phim "Cảnh sát hình sự"). Vượt ra khỏi khuôn khổ của ca khúc cho phim, "Những bước chân lặng lẽ" được ví như một trong những tác phẩm thuộc thể loại "ngành ca" của lực lượng Cảnh sát hình sự.

Nhạc phim cũng đã góp phần đưa tên tuổi nhạc sĩ đến gần với công chúng hơn. Nếu như trước đây, nhạc sĩ Trọng Đài được công chúng biết đến nhiều ở lĩnh vực khí nhạc nhưng khi có những ca khúc viết cho phim, công chúng biết tới ông nhiều hơn.

Ngoài ca khúc "Hà Nội đêm trở gió" viết cho một vở kịch, nhạc sĩ Trọng Đài được khán giả biết đến thông qua những ca khúc như "Chị tôi" (phim "Người Hà Nội"), "Chuyện phố phường", "Đất và người", "Đường đời", "Hương đất"... trong những bộ phim cùng tên. Đặc biệt, những ca khúc của ông viết cho phim thường được thể hiện qua giọng của ca sĩ Mai Hoa cũng là người vợ của ông. Đến nay, gia tài nhạc phim của nhạc sĩ Trọng Đài đã lên tới con số gần 50 phim.

Được biết tới với vai trò là diễn viên nhưng sự ra đời của các ca khúc do Phùng Tiến Minh viết cho phim đã khiến người nghe thật sự bất ngờ. Vượt ra khỏi khuôn khổ một bộ phim, có ca khúc của anh như "Nơi tình yêu bắt đầu" liên tục làm mưa làm gió trên các sân khấu lớn hay các cuộc thi âm nhạc. Giờ đây, cái tên Phùng Tiến Minh đã được khán giả nhắc đến như một nhạc sĩ thực thụ với một loạt ca khúc được yêu thích như "Vệt nắng cuối trời", "Con đường hạnh phúc" và gần đây nhất là ca khúc "Yêu là thế ư?" trong bộ phim đang thu hút đông đảo khán giả là "Hướng dương ngược nắng".

Hay, dù ít xuất hiện trên báo chí, truyền thông nhưng nhạc sĩ Lê Anh Dũng lại vô cùng đắt sô trong việc viết ca khúc cho phim. Một số lượng lớn ca khúc anh viết cho phim phát sóng vào khung giờ vàng đều được khán giả yêu mến "Lầm lỡ " (phim: "13 nữ tù"), "Đến nơi bình yên" (phim "Cảnh sát hình sự"), "Đường xa tuyết trắng" (phim "Hai phía chân trời"), "Mãi chỉ là giấc mơ" (phim "Tình khúc bạch dương"), "Tìm lại lời ru" (phim "Lời ru mùa đông", "Nơi xa cuối trời" (phim "Yêu đến tận cùng"), "Tình yêu muộn màng" (phim "Hướng dương ngược nắng")...

Mỗi ca khúc của Lê Anh Dũng đều có ca từ đẹp, lãng mạn, bay bổng như một bài thơ. Ca khúc "Hạnh phúc mong manh" (phim "Sống chung với mẹ chồng") do Khánh Linh thể hiện không chỉ đầy ắp nỗi niềm tâm tư của nhân vật chính Minh Vân mà còn như cùng chia sẻ nỗi niềm của nhiều người phụ nữ khi rơi vào hoàn cảnh mong manh trong tình yêu, hôn nhân.

Các nhà chuyên môn đều cho rằng viết ca khúc cho phim tưởng đơn giản nhưng lại là công việc không hề dễ dàng. Nếu như với một ca khúc thông thường có thể viết bất kỳ đề tài nào mình muốn. Nhưng để viết ca khúc cho phim, các nhạc sĩ đều phải nghiên cứu kịch bản để nội dung ca khúc bám sát với mạch phim nhất. Trong khi yếu tố hay, hấp dẫn vẫn phải đảm bảo.

Chính vì thế, như nhạc sĩ Lê Anh Dũng chia sẻ, mỗi lần viết nhạc cho phim, anh đều phải đọc kỹ kịch bản, thậm chí ra tận trường quay để quan sát. "Tôi luôn cố gắng để có được một tác phẩm hoàn chỉnh hơn, chuyên nghiệp hơn ở từng khâu. Đó sẽ không chỉ là một bài hát cho phim mà hoàn toàn có thể đứng độc lập được" - nhạc sĩ Lê Anh Dũng cho biết.

Nhạc sĩ Quốc An tâm sự, anh luôn viết nhạc cho phim trong tâm thế viết ca khúc chứ không phải viết riêng cho phim để làm sao khi kết thúc phim, bài hát vẫn tiếp tục sống được.

Ca khúc trong phim đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong mỗi một bộ phim. Chất lượng của các ca khúc đã góp phần đưa bộ phim tới gần khán giả hơn. Có những bộ phim đã phát sóng trước đó cả chục năm nhưng khi lời ca, giai điệu của ca khúc cất lên, khán giả vẫn mường tượng được câu chuyện với những nhân vật của bộ phim đó. Chính vì thế, âm nhạc trong phim ngày càng được chú trọng. Thậm chí, các nhà sản xuất phim còn tung ca khúc ra trước để thu hút sự quan tâm của khán giả trước khi phim lên sóng.

Khánh Thảo

Nguồn tin: cand.com.vn