Cần khai mở lịch sử và văn học trung đại của người Mường Hòa Bình


Đã thế, những nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh Hòa Bình lâu nay cũng không có mấy quan tâm đến giai đoạn này.

Từ đó có thể nói, lịch sử và văn học trung đại và cận đại của tỉnh Hòa Bình đang còn là một khoảng trống. Khoảng trống này đang tạo thiệt thòi cho người Hòa Bình, khó khăn trong giảng dạy lịch sử địa phương của các cấp, các trường học. Không ít người có chung tâm sự, tỉnh Hòa Bình thành lập năm 1886, đến 2021 mới là 135 năm, thế trước đó vùng đất này thế nào, có những nhân vật, sự kiện gì trong lịch sử chung của cả nước?

Trước hết xin điểm lại một số tác phẩm sớm viết về người Mường, tỉnh Mường. Từ đầu thế kỷ hai mươi, các học giả Pierre Grosst, Jeann Cuisinier người Pháp hay Trần Từ (Nguyễn Đức Từ Chi) người Việt đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu về người Mường, tỉnh Mường. Nhưng căn cứ tác phẩm của họ thì thấy, họ mới kịp nghiên cứu những điều chung về dân tộc học, chế độ nhà lang, ruộng đất, các nghi lễ, tổ chức săn bắn, tổ chức làng Mường… chứ chưa kịp viết về lịch sử về văn học của Hòa Bình.

Tấm bia Hạ Mã tại cổng làng Thao Cả, xã Vĩnh Tiến, Kim Bôi, Hòa Bình!

Rất may khi học giả Pierre Grori viết cuốn “Tỉnh Mường Hòa Bình” xuất bản lần đầu tiên năm 1926 bằng tiếng Pháp, trong đó có 37 trang gần như biên niên sử ghi trong khoảng thời gian ngắn từ khi thành lập tỉnh Mường 1886 đến năm 1910 (24 năm).

Cuốn thứ hai: “Người Mường địa lý nhân văn và xã hội học” của tiến sỹ văn học Jeann Cuisiner xuất bản lần đầu vào năm 1948 dày gần 900 trang kèm gần 126 ảnh đen trắng, được coi là nguồn tài liệu, cứ liệu đồ sộ, phong phú, được trình bày một cách khoa học – nghiên cứu một cách toàn diện và sâu sắc về dân tộc Mường Việt Nam, được các nhà khoa học đánh giá cao… thì nội dung đúng như tên sách chỉ tập trung vào địa lý, nhân văn của vùng người Mường, trong đó có tỉnh Mường Hòa Bình chứ không viết hay nghiên cứu lịch sử hay đề cập đến văn học.

Cuốn thứ ba: “Người Mường ở Hòa Bình” của Trần Từ tức Giáo sư Nguyễn Đức Từ Chi, sách dày 371 trang, nhưng cũng là đi sâu hơn, kỹ hơn về ruộng lang, cạp váy Mường, vũ trụ luận Mường qua đám tang, người Mường và tiếng Mường chứ không viết về lịch sử tỉnh Mường.

Theo thiển nghĩ của chúng tôi về sự trống vắng này có mấy nguyên nhân:

Thứ nhất, thời trung đại, vùng Mường tức tỉnh Hòa Bình hiện nay thuộc các tỉnh khác như Sơn Tây, Hưng Hóa, Thanh Hóa, Ninh Bình và Hà Nội… mà đối với các tỉnh kia thì các vùng Mường ven, có thể coi là phụ cận nên có thể cũng không được chú ý. Đến 1886, thành lập tỉnh Mường thì tỉnh Mường của người Mường chứ không phải của người An Nam (người Kinh theo cách gọi của người Pháp), nên những học giả, trí thức người Kinh không quan tâm viết về vùng Mường. Mặt khác, chính người Mường cũng không muốn bộc lộ mình.

Tiến sỹ văn học Jeanne Cuisinier đã nhận xét: “Một vài gia đình phong kiến, từ đời này qua đời khác, giữ những tập biên niên của gia đình giống như những cuốn “gia phả” của người Annam, song những gia đình này rất không muốn cho người lạ xem những tập đó và người ấy sẽ bị mất mối thiện cảm của họ nếu như cố ý nài xem những tài liệu đó” (trang 24 – Người Mường địa lý và nhân văn – Nhà xuất bản Lao động dịch nguyên bản LES MUONG géographie hunaine. Musée de Lhomme, Palais de Chailot, Place du Trocad é ro (16e) – 1948).

Thứ hai, đối với người Mường kể từ sau cách mạng tháng Tám 1945 và thậm chí ngay cả đến nay lại ảnh hưởng yếu tố thời cuộc. Lịch sử trung đại, cận đại của người Mường gắn với lịch sử chế độ lang đạo hay chính là lịch sử nhà lang, do đó càng không được quan tâm nghiên cứu. Không những thế, rất nhiều sách ghi bằng chữ Hán – Nôm của người Mường do các nhà lang lưu giữ bị tiêu hủy. Từ đó càng tạo sự mặc cảm đối với những trí thức, nhà lang Mường, đến nỗi họ phải giấu kín những sách, những sắc phong chữ Hán – Nôm mà gia đình họ có.

Thứ ba, khi có ý kiến nghiên cứu về lịch sử, văn học trung đại của người Mường thì không được mấy người quan tâm, thậm chí còn bị cho là “dở hơi” vì “Người Mường làm gì có chữ viết mà tìm văn bản...”. Họ không biết rằng người Mường đã dùng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ cùng với người Kinh. Các dòng họ lớn của người Mường gắn với các triều đại phong kiến Việt Nam và nối đời làm quan lang lãnh đạo dân Mường. Ngay từ khi chưa thành lập tỉnh Mường thì không ít nhà lang Mường được triều đình điều đi cai quản các vùng Mường ở Sơn Tây, Hưng Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, Hưng Yên…

Nhiều người Mường là tướng giỏi: có người Mường họ Đinh Công ở mường Động, Bạch Công ở Nật Sơn, Quách Tất ở Lạc Thủy… được coi là người của Hoàng tộc (sách của người Pháp đã đề cập). Ông Đinh Như Lệnh, sinh 1365, làm tướng dưới thời vua Trần Dụ Tông; ông Đinh Quý Khiêm được phong Phụ quốc tướng quân; Ông Đinh Văn Cương được nhà Lê phong “Phụ quốc Thượng tướng quân Uy lộc hầu; Ông Đinh Công Trinh được triều hậu Lê phong Quận công Tuyên úy sứ và đã từng tụ quân ở Ngọc Lâu – Lạc Sơn rồi cho người vào Thanh Hóa đón Lê Đạt, Lê Cán ra phục dựng nhà Lê.

Về đời tư, ông Đinh Công Trinh có bà vợ thứ 4 là nguyễn Thị Ánh, chị em cùng cha khác mẹ với đại văn hào Nguyễn Du; Tuần phủ Đinh Công Xuân người gốc mường Động được người Kinh làng Hòa Trúc, huyện Quốc Oai lập đền thờ; ông Quách Đình Nhật gốc ở mường Nội, xã Hạ Bì làm quan Át sát tỉnh Sơn Tây; Tuần phủ Đinh Công Thịnh là người đầu tiên thành lập Trường Kỹ nghệ tại tỉnh Hòa Bình…

Về văn học trung đại và cận đại của tỉnh Hòa Bình, chúng ta đã từng biết đó là: Thơ khắc đá của vua Lê Lợi từ 1432 tại Chợ Bờ (nay còn bài thơ trên bia đá); Truyện thơ viết về ông Đinh Công Trinh dài 348 câu viết bằng chữ Hán – Nôm đã được dịch ra chữ quốc ngữ và đã xuất bản; Diễn ca Hòa Bình quan Lang sử khảo dài 340 câu của ông Quách Điêu (Đồ Gàn) in trên Tạp chí Nam Phong số 100 năm 1925, từ trang 359 đến 363 và nhiều bài báo khác của ông.

Đáng chú ý hơn khi đọc được thông tin của Bùi Thế Tùng: Trong cuốn từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Thế Bá do Nhà Xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2006 đề cập đến một nhân vật là Quách Điêu, nhà văn, biệt hiệu Đồ Gàn, không rõ năm sinh, năm mất. Người dân tộc Mường quê ở Mãn Đức, Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình.

Ông vốn dòng dõi quan Lang, thông Hán văn, nghiên cứu nhiều về lịch sử và phong tục người Mường, biên soạn bộ “Hòa Bình quan lang sử khảo”. Sách ông có chép trong Minh Đô sử và được Sở Cuồng Lê Dư giới thiệu trong Tạp chí Nam Phong trước năm 1945 ở Hà Nội. “Hòa Bình tỉnh quan lang sử khảo” do ông biên soạn dựa theo “Minh Đô sử”. Theo Sở Cuồng Lê Dư giới thiệu trong Nam Phong vào năm 1925 (Ất Sửu Khải Định thứ 10). Sách chép các sự việc của người Mường theo lịch sử có hệ thống từ cuối đời Hùng Vương…

Để kết bài viết ngắn này, chúng tôi đưa đến bạn đọc một thông tin đến ngỡ ngàng, đó là có một con đường ở TP Hồ Chí Minh mang tên người Hòa Bình - đường Quách Điêu. (Nhờ nhà giáo Bùi Định, tôi biết được thông tin này). Tra trên mạng thì biết, đường Quách Điêu chạy qua xã Vĩnh Lộc A dài 3.408m, rộng 7,5m, hai làn xe.

Cuối năm 2019, nhà nước đầu tư 49 tỷ 733 triệu đồng nâng cấp đường Quách Điêu trong sự vui mừng của nhân dân trong vùng. Việc một người Mường Hòa Bình được mang tên một con đường tại TP Hồ Chí Minh vừa là niềm tự hào, vừa đặt ra trách nhiệm cho giới nghiên cứu về lịch sử, văn học trung đại, cận đại của tỉnh Hòa Bình còn rất nhiều điều đáng quan tâm và làm rõ!

Lê Va

Nguồn tin: cand.com.vn