Cảnh giác với tín dụng đen hậu đại dịch

Với lãi suất 5-7 ngàn đồng/ triệu/ ngày (tương đương 180-250%/năm), rất dễ họ sẽ trở nên khánh kiệt. Bên cạnh đó, tín dụng đen còn ẩn chứa nguy cơ gây mất an ninh trật tự...

1. Cuối năm 2019, anh Trần Văn M. (cùng vợ là chị Trần Thị P. cùng quê Nam Định) vui ra mặt khi dọn về căn hộ chung cư tại khu đô thị Thanh Hà. Căn nhà này có thể nói là “giấc mơ có thật” của hai vợ chồng. Bởi chị P. làm kế toán ở một công ty tư nhân, còn anh M. chạy xe Grab. Sau nhiều năm dành dụm, họ có trong tay khoảng hơn 300 triệu đồng - chưa đủ mua được mảnh đất cắm dùi.

Lợi dụng tình cảnh người dân khó khăn sau dịch bệnh, các công ty tài chính đẩy mạnh hoạt động cho vay mà thực chất là tín dụng đen.

Được sự động viên của gia đình, bạn bè, anh chị đã vay được khoảng 200 triệu đồng không lãi suất. Còn thiếu khoảng 500 triệu đồng nữa, anh chị “cắm” sổ đỏ của căn nhà để vay ngân hàng. Trong vòng 5 năm, mỗi tháng hai vợ chồng phải trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng khoảng 10 triệu đồng. Với thu nhập lúc đó của hai vợ chồng thì vẫn còn dư vài triệu để tích cóp trả nợ người thân, bạn bè.

Tuy nhiên, anh chị vừa trả tiền được 2 tháng thì đại dịch COVID-19 ập đến. Công ty của chị P. bị mất thưởng, giảm lương, thu nhập chỉ còn chưa đầy 50% so với bình thường. Những chuyến xe của anh P. cũng phập phù, mỗi ngày chỉ chạy được vài chuyến. Mặc dù đã giảm đến tối đa nhu cầu sinh hoạt thì mỗi tháng anh chị vẫn thiếu hàng chục triệu để trả tiền gốc và lãi ngân hàng. Không còn cách nào khác, anh M. buộc phải tìm đến một công ty tư vấn tài chính.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, giấy tờ của vợ chồng anh M., công ty đồng ý cho anh “vay nóng” 10 triệu đồng trong một tháng, với lãi suất 7 ngàn đồng/triệu/ngày. Tiếng là vay 10 triệu, song anh M. chỉ mang về được 7 triệu 900 ngàn đồng.

Mỗi ngày còn phải đến “nộp” hoặc chuyển khoản cho công ty hơn 300 ngàn đồng nữa. Chưa trả hết được một tháng thì vợ anh bị sa thải, anh M. tiếp tục phải vay gói 10 triệu nữa. Vậy là mỗi ngày anh phải kiếm đủ 700 ngàn đồng nộp cho công ty, nếu thiếu sẽ bị tính lãi cộng dồn sang ngày hôm sau.

Chỉ trong vòng vài tháng, anh M. đã thiệt hại mấy chục triệu đồng mà anh vẫn phải vay tiếp, vì vợ anh vẫn chưa tìm được việc làm mới. Chỉ nguyên tiền trả gốc và lãi cho ngân hàng đã đủ toát mồ hôi. Nhìn số nợ nhảy múa từng ngày, anh M. bàn với vợ phải bán đi chiếc xe máy của chị P., bán cả ti vi, điện thoại, máy tính... để trả hết nợ cho tín dụng đen. Song, anh chưa nhìn ra thứ gì để bán tiếp, khi sắp đến ngày trả nợ ngân hàng.

Bi đát hơn, gia đình anh Hoàng Long (quê Tuyên Quang) cả hai vợ chồng đều mất việc cùng lúc. Từ khi bắt đầu có dịch, hai đứa con đã phải “sơ tán” về nhờ ông bà nội ngoại. Hai vợ chồng bám trụ tại Hà Nội cố gắng cày cuốc trả khoản tín dụng đen mấy trăm triệu mà năm ngoái anh Long vay để phẫu thuật cho đứa con gái. Vốn là bảo vệ nhà hàng, anh Long mất việc đã nhiều tháng nay. Đã thế ngày nào anh cũng phải xoay hơn 1 triệu đồng để chuyển cho công ty tài chính.

Quẫn quá, anh liều vay thêm để “thả con lô” mong kiếm được “một mớ”. Song số nợ cứ chồng chất mà “thần lô” vẫn chưa phù hộ được lần nào. Nợ nần đã khiến Long trở thành con người mất nhân cách, bất cứ người thân sơ nào anh cũng hỏi vay tiền và... không trả. Do chây ì trả nợ, đám xã hội được công ty tài chính thuê đã mấy lần bắn tin cho anh Long để dọa nạt.

2. Có thể nói, đánh vào nhu cầu cần vay nóng của nhiều người dân, các công ty tài chính không chỉ tăng cường quảng bá tại các bốt điện, thân cây... mà còn tích cực hoạt động trên môi trường Internet. Với chiêu bài “giải ngân nhanh, lãi suất thấp”, các đối tượng đã “hút máu” được nhiều người, khiến cho họ sống khốn sống khổ.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, khách hàng có nhu cầu vay chỉ cần đăng thông tin vào một nhóm cho vay online trên các trang mạng xã hội ngay lập tức sẽ có người với danh nghĩa là nhân viên của tổ chức cho vay tiền online liên hệ tư vấn. Nhiều ưu đãi, tiện ích hấp dẫn luôn được đưa ra để mời chào như: cho vay chỉ trong thời gian ngắn, nhận tiền ngay trong ngày, vay không cần tài sản thế chấp, không cần liên hệ với người thân để đòi nợ. Cho đến khi “con mồi” đã sập bẫy, ngay lập tức hàng loạt chi phí phát sinh được liệt kê, dẫn đến số tiền phải trả bị đội lên khủng khiếp.

Một ổ nhóm tín dụng đen bị Cảnh sát hình sự triệt phá đầu năm 2020.

Thử truy cập vào app vaynhanh... đập vào mắt chúng tôi là thông tin: “Chỉ cần CMND, duyệt vay ngay 20 phút, chấp nhận nợ xấu ngân hàng”. Nhập thông tin theo hướng dẫn chỉ vài phút đã có người gọi điện tư vấn, tự xưng là nhân viên đại diện cho tổ chức tín dụng thông báo khoản vay đã được phê duyệt.

Người này yêu cầu cung cấp các thông tin như: số CMND, 3 số điện thoại người thân, sổ hộ khẩu và tài khoản ngân hàng qua zalo. Sau khi hoàn thiện thủ tục, người vay được thông báo nhận tiền ngay trong ngày nhưng số tiền thực nhận chỉ có 1,4 triệu đồng (trong khi khoản vay là 2 triệu). Khi hỏi lại, bên tư vấn trả lời phải trừ trước 600 nghìn tiền phí hồ sơ, bảo hiểm khoản vay, tuy nhiên đến kỳ hạn trả tháng sau, người nhận nợ vẫn phải thanh toán đủ số tiền 2 triệu kèm lãi phát sinh.

Mới đây, cơ quan công an vừa triệt phá một đường dây cho vay thông qua các ứng dụng trên điện thoại như “Vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online”, lãi suất vay lên đến hơn 1000%/năm. Đường dây cho vay nặng lãi này do một số đối tượng người Trung Quốc thiết lập với khoảng 40 nhân viên người Việt có nhiệm vụ xét duyệt, thẩm định cho vay và đòi nợ hơn 60.000 người vay trải dài khắp 60 tỉnh, thành phố.

Các đối tượng lợi dụng ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người mất việc làm nên có nhu cầu về tài chính để chi tiêu hoặc thanh toán nợ nần nhưng không đủ điều kiện vay tiền từ ngân hàng. Từ đó, họ tìm đến vay trực tuyến vì điều kiện vay đơn giản, chấp nhận lãi suất cao. Kết quả là khó khăn lại chồng thêm khó khăn, khi con số nợ phải trả cả gốc lẫn lãi lớn hơn gấp nhiều lần số tiền vay thực tế, thêm vào đó tinh thần người vay luôn trong trạng thái hoảng loạn, lo lắng.

3. Theo một chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội, thời gian qua, CSHS đã nghiêm túc thực hiện Kế hoạch 231 “Tổ chức điều tra cơ bản công tác quản lý về an ninh trật tự và phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các cơ sở, đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính trên địa bàn thành phố”. Sau 3 năm triển khai thực hiện, các đơn vị nghiệp vụ đã phát hiện hơn 1.000 vụ việc có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Trong đó có 244 vụ phạm pháp hình sự với 589 đối tượng có liên quan và 760 vụ việc đổ chất bẩn, chất thải xác định có mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động vay, cho vay tài chính, cầm đồ.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nhiều người dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn, buộc họ phải vay tín dụng đen. Nửa đầu năm 2020, Công an TP Hà Nội đã khám phá hàng loạt các vụ Cướp tài sản, Cưỡng đoạt tài sản, Đánh bạc, tổ chức đánh bạc liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Điển hình như ngày 4/5/2020, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tổ chức điều tra vụ cố ý gây thương tích do tín dụng đen. Tài liệu cơ quan công an xác định anh Nguyễn Huy V. (sinh năm 1981, trú tại phường Phúc Xá, Ba Đình) vay Nguyễn Xuân Ánh (trú tại phường Bạch Đằng, Ba Đình) số tiền 150 triệu đồng, lãi suất 6.000 đồng/ triệu/ ngày. Anh V. đã trả được 72 triệu đồng.

Chiều ngày 4/5/2020, nhân viên của Ánh gọi cho anh V. đòi tiền. Do chưa có nên anh V. xin khất. Bất ngờ, khoảng 17 giờ 30 cùng ngày, Ánh cùng 3 thanh niên đến cửa hàng của anh V., hành hung anh gây thương tích. Cơ quan công an đã tạm giữ Ánh và đồng bọn để điều tra, xử lý.

Trước đó ngày 14/2/2020 Phòng CSHS làm rõ hai đối tượng Hoàng Thị Hòa (sinh năm 1985, trú tại chung cư MD Complex Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Hoàng Văn Linh (sinh năm 1987, trú tại Thủy Nguyên, Hải Phòng) chuyên cho vay lãi nặng. Tài liệu điều tra cho thấy chị Cao Thị Thùy L. (sinh năm 1986 trú tại Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) vay của Hòa số tiền 700 triệu đồng với lãi suất 7.000 đồng/triệu/ngày.

Từ khi vay tiền cho đến tháng 5/2019 chị L. đã trả cho Hòa khoảng 2 tỷ đồng (gồm cả gốc và lãi). Hòa cho rằng chị L. vẫn nợ đối tượng 1,6 tỷ đồng nữa và yêu cầu chị L. cam kết trả trong thời hạn 3 năm. Đến tháng 10/2019, Hòa yêu cầu chị L. phải trả cho đối tượng số tiền là 4 tỷ đồng do phạt trả chậm. Chị L. không đồng ý nên Hòa cho người theo dõi và chặn đánh làm chị L. bị thương.

Ngày 27/4 Công an quận Hoàng Mai tiếp nhận xử lý một vụ việc Cố ý gây thương tích do tín dụng đen. Đối tượng Trần Huy K. cho anh Phạm Văn N. vay 4 triệu đồng. Do anh N. chưa có tiền trả, K. gặp anh N. ngoài đường liền dùng kéo đâm anh N bị thương. Hiện cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi cố ý gây thương tích.

Theo cơ quan công an, tình hình tội phạm tín dụng đen vẫn còn nhiều phức tạp. Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan công an, thì bản thân người dân cần phải tự biết cân đối tài chính của gia đình, chỉ nên vay mượn tại các tổ chức tín dụng có uy tín, hết sức cảnh giác với tín dụng đen…

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cảnh báo nạn “tín dụng đen”

Vừa qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo thủ đoạn “tín dụng đen” để người lao động không sập bẫy.

Theo cơ quan này, dịch bệnh COVID-19 diễn ra nhiều tháng qua đã và đang gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, việc làm và đời sống của người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Cần đi sâu, nắm chắc tình hình tâm tư, nguyện vọng, việc làm, đời sống, những khó khăn, bức xúc của đoàn viên, người lao động; định kỳ tổng hợp, báo cáo tình hình doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền để đoàn viên, người lao động hiểu, nắm rõ tình hình, diễn biến dịch bệnh, các giải pháp của Chính phủ, các cấp công đoàn và ngành, địa phương, nỗ lực của doanh nghiệp, từ đó giúp người lao động yên tâm, tin tưởng và tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp, góp phần khôi phục sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.

Công đoàn cần chú trọng thông tin, truyền thông rộng rãi tới người lao động về tính ưu việt, lợi ích lâu dài khi tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, khuyến cáo người lao động chỉ đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp bất khả kháng, không thực hiện mua bán, cầm cố, thế chấp sổ bảo hiểm xã hội.

Các cấp công đoàn cũng cần tuyên truyền sâu rộng các quy định về tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động để người lao động lựa chọn phương án phù hợp, đảm bảo quyền lợi lâu dài, hạn chế tình trạng viết đơn thôi việc do bị tác động; về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen”, từ đó cảnh giác, không sa vào “tín dụng đen” dưới mọi hình thức.

M.Tiến - M.Trí

Nguồn tin: cand.com.vn