Chàng kiến trúc sư trẻ đắm đuối với giấc mơ xây 1.000 trường học vùng cao


"Chết hụt" khi xây trường

Chúng tôi gặp Quý vào một buổi sáng đầu tháng Chạp, rét cắt da cắt thịt. Anh vừa kết thúc một dự án xây trường tại thôn Nà Ma (xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn). Trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió miền cao, khuôn mặt anh vẫn lấp lánh niềm vui khi kể với chúng tôi về hành trình dựng xây ngôi trường mơ ước cho những học sinh trên vùng rẻo cao của tỉnh Bắc Kạn.

"Trong công trình này, thực ra tôi chỉ là người khảo sát, thiết kế và thi công. Còn toàn bộ kinh phí gần 1 tỷ đồng là do được nhiều tổ chức, cá nhân cùng đóng góp. Dù có nhiều kinh nghiệm trong việc xây trường, nhà bán trú cho học sinh vùng cao, song chúng tôi cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả để có thể đưa được các nguyên vật liệu và thi công. Những cơn mưa rừng cũng như nhiều cản trở về mặt địa hình khiến cho phải mất 5 tháng trời, công trình gồm 1 phòng học, 1 nhà công vụ, 1 nhà bếp cùng sân chơi và khu phụ trợ cho điểm trường Mầm non thôn Nà Ma mới hoành thành".

Phạm Đình Quý cùng các em học sinh tại một ngôi trường mới.

Cũng như đa số các điểm trường mầm non, tiểu học ở vùng cao, để đến trường, các thầy cô giáo cũng như em học sinh tại điểm trường Nà Ma đều phải trèo đèo lội suối băng qua những cung đường hết sức khó khăn. Cũng có thể đi xe máy vào, song phải là tay lái "cứng", đồng thời phải rất vất vả mới có thể đến trường. Do đó, nhu cầu có một tổ hợp công trình chắc chắn vững chãi là để cô và trò cùng học, cùng chơi và cũng có thể nghỉ lại những khi thời tiết quá khắc nghiệt là hết sức cấp thiết.

Cũng chính vì thế, ý tưởng xây dựng cơ sở vật chất cho điểm trường này đã được Đài tiếng nói Việt Nam huy động nhiều nhà tài trợ, phối hợp cùng kiến trúc sư Quý để bắt tay vào thực hiện. Đầu tháng 1-2021 công trình đã được khánh thành trong niềm hân hoan của chính quyền xã Phúc Lộc, cô trò và các bậc phụ huynh.

"Dựng trường ở Nà Ma dù gặp nhiều khó khăn vất vả, song vẫn chưa là gì so với một số điểm trường khác, như trường Lủng Cáng (xã Đường Thượng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang). Ngôi trường này được dựng trên một diện tích hẹp đến nỗi khi mà xây xong còn không có được một chỗ đặt chân để chụp ảnh. Nó nằm cheo leo trên vách núi. Để có thể đi vào đó buộc phải vượt qua một con đường đá lởm chởm dài đến 3km. Thêm nữa, tại đây không có điện, nước cũng cực kỳ khan kiếm. Tôi cùng anh em, bà con dân bản phải xách từng can nước từ chân núi vừa bò vừa cõng lên để có thể trộn vữa, đổ bê tông. Cảm giác khi ấy không khác gì Tôn Ngộ Không phải đeo trái núi ở Ngũ Hành Sơn. Lúc ấy, vừa thấy thương mình một phần, mà thương bà con dân bản bội phần. Song khi nghĩ đến chỉ một thời gian ngắn nữa các em học sinh đã có một ngôi trường vững chắc để học, có một sân nho nhỏ để chơi thì bao mệt mỏi đều tan biến" - Quý thổ lộ.

Thậm chí, đã có lần trong quá trình khảo sát điểm trường để thi công, kiến trúc sư Quý còn phải đối mặt với thần chết. Anh kể lại: "Hôm đó tôi vừa khánh thành một ngôi trường ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) rồi tiếp tục lên Điện Biên để thăm một ngôi trường ở trên đó để chuẩn bị thi công. Ngôi trường này đã khởi công rồi nhưng mưa nên chưa thi công được. Hôm đó tôi tranh thủ lên để lấy vật liệu và khảo sát thêm vài điểm nữa.

Do hôm trước mưa to, đường trơn nên đến đoạn xuống dốc, chiếc xe ôtô đã "trôi tự do" sát vực thẳm. Tài xế cố gắng phanh, và may sao là nó đã dừng lại ngay mép vực. Khi tôi mở cửa xe thì cảm giác tim đập thình thịch, mồ hôi vã ra như tắm vì chỉ cần nhích thêm vài centimet nữa thôi là chiếc xe đã trôi xuống. Rất may là nó không trôi xuống và tôi chỉ còn biết cảm ơn trời phật".

"Anh còn đi xây trường ở khắp nơi"

Năm 2018, Quý vinh dự được bình chọn là một trong 10 nhân vật truyền cảm hứng của giải thưởng WeChoice Awards. Danh hiệu ấy chắc chắn là rất xứng đáng với anh, bởi trong vòng khoảng 5 năm (từ 2013-2018) Quý đã vận động các nhà hảo tâm và trực tiếp thi công, hoàn thiện hơn 100 ngôi trường/nhà bán trú cho học sinh và giáo viên ở vùng cao.

Những điểm trường vốn xơ xác, heo hút nằm tại nhiều bản làng xa xôi ở các tỉnh miền núi, biên giới từ Hà Giang, Điện Biên, Sơn La cho đến Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam… đã lần lượt được anh và cộng sự khảo sát, thi công, hoàn thiện để các học trò nghèo cũng như thầy cô có nơi gieo con chữ.

Kể về "cơ duyên" từ ông giám đốc một công ty Kiến trúc từng rất thành công, nay lại trở thành kẻ "vác tù và", Phạm Đình Quý chia sẻ: năm 2012, trong một chuyến từ thiện cùng bạn bè đến Trường Tiểu học Trung Lý (xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa), Quý tình cờ nhìn thấy phía xa xa có những túp lều như lều vịt. Hỏi thăm, thầy hiệu trưởng cho biết đấy là "nhà" của các em học sinh trọ học.

Do hầu hết các em đều ở xa điểm trường, có em nhà xa đến vài chục kilomet, nếu đi về hàng ngày thì sẽ rất mệt mỏi, không thể theo học nên bố mẹ các em đã chặt tre nứa, dựng lên những túp lều tạm bợ làm chỗ ăn ngủ cho các em. Lần mò đến tận nơi, Quý vô cùng xót xa khi thấy trong túp lều con con bằng nứa lá, gió có thể thổi tung bất cứ lúc nào là một chiếc giát bằng tre con con, một ít chăn màn và cái bếp củi khói mù mịt. Có đến cả chục túp lều như vậy nằm rải rác trên sườn núi. Hàng ngày, các em học sinh tự nấu nướng, ăn ngủ, học hành trong những túp lều tồi tàn như thế.

Chứng kiến cảnh ấy, một ý tưởng thôi thúc Quý là phải tìm cách nào đó dựng cho các em một căn nhà vững chãi, tử tế để các em có được điều kiện học hành tốt hơn. Quý đã vận động bạn bè người thân góp tiền để xây trường, song sau nhiều tháng mà chỉ có trong tay được 50-60 triệu, không đủ để xây một căn phòng tàm tạm. Mà càng để lâu anh lại càng thấy có lỗi với các em học sinh, thế là Quý "chơi liều" bằng cách cứ mua nguyên vật liệu để dựng trước một cái nền xi măng cho bằng phẳng vững chãi.

"Vì cứ nói suông thì chẳng ai tin, nên tôi vừa bắt tay vào khởi công, vừa tiếp tục vận động quyên góp. Chẳng ngờ chỉ sau ít ngày, số tiền ủng hộ lên đến mấy trăm triệu. Qua vài tháng, số tiền quyên góp đã cán mốc gần 700 triệu đồng, tôi hết sức vui mừng và triển khai công tác xây dựng một cách nhanh chóng".

Không thể tả nổi niềm vui, niềm hạnh phúc của chàng kiến trúc sư "thất nghiệp" khi chứng kiến khu nhà bán trú được mọc lên, cùng cả khu phụ gồm bếp, nhà vệ sinh, bể nước và sân chơi. Và rồi do vẫn thừa tiền, Quý tiếp tục khảo sát và xây thêm nhà bán trú thứ hai, thứ ba…Thời gian sau đó Quý cứ đi mê mải khắp nhiều huyện xã vùng cao của nhiều tỉnh miền Bắc, miền Trung để khảo sát và thực hiện việc xây dựng. Cho đến cuối năm 2018, đã có khoảng 100 ngôi trường, nhà bán trú đã được xây dựng từ nguồn tiền của rất nhiều cá nhân, tập thể ủng hộ thông qua Quý.

Có một điều đáng nói là với hơn 100 điểm trường xây dựng, tương đương số tiền hàng chục tỉ tiền quyên góp của vô số "Mạnh thường quân", chưa có ai từng nghi ngờ người "thợ cả" Phạm Đình Quý. Một trong những lý do người ta tin tưởng giao tiền cho anh xây trường là vì anh luôn công khai mọi khoản chi phí. Với mỗi dự án, anh lại có một bảng tính kê khai mọi hạng mục chi tiết và công khai trên trang cá nhân của mình. Thậm chí đến 5 năm sau, nếu có ai hỏi, anh vẫn sẽ trả lời số tiền ấy được tiêu vào đâu, nhằm mục đích gì.

Có người thấy anh kiến trúc sư bỏ nhà bỏ cửa suốt năm suốt tháng cứ lang thang miền ngược thì bảo Quý bị khùng, bị điên. Song Quý chỉ cười, nói với tôi rằng ai nói gì mặc họ, còn xây trường cho trẻ vùng cao với anh đã trở thành đam mê. Nó ngấm vào máu của anh rồi. Và khi làm việc này với tâm trong sáng thì luôn được rất nhiều người ủng hộ, ngay cả bệnh tật cũng thoái lui. Còn vợ và hai con của anh đều hiểu sở thích có phần "dị" của chồng, cha mình. Họ không ngăn cản, ngược lại đều ủng hộ, thông cảm với con người lạ kỳ suốt ngày đánh võng đường núi, nói chuyện gì cũng quy ra xây được mấy cái trường cho trẻ em. Anh ôm hoài bão lớn, thế nên buộc phải hy sinh những thứ của riêng bản thân mình.

Trước khi chia tay chúng tôi, Quý bảo rằng anh mơ ước có thể cùng cộng đồng xây dựng khoảng 1.000 trường học cho trẻ em nghèo ở những vùng đặc biệt khó khăn. "Làm được chừng ấy thì tôi nghĩ mình có thể nghỉ được rồi, và tôi cũng đã có giải pháp để thực hiện" - Quý nói mà đôi mắt anh long lanh. Và chúng tôi cũng rất tin là mơ ước ấy sẽ sớm thành hiện thực!

Làm từ thiện rất cần sự tinh tế, khoa học

Những ai theo dõi trang Facebook của Quý đều có thể thấy suốt từ tháng 10 đến tháng 12-2020, khi mà nạn lũ lụt ở miền Trung đang hết sức phức tạp, thì cũng là lúc Quý đang ở trong "rốn lũ" để tham gia cứu trợ. Quý bảo, do rất đồng cảm với hoàn cảnh của người dân vùng cao, nên khi nghe tin bão lụt nghiêm trọng tại các tỉnh Quảng Trị, Huế, Quảng Nam… thì anh đã lập tức có mặt. Anh tin rằng mình sẽ có thể dùng chút sức lực nhỏ bé của mình để có thể giúp đỡ được những người dân đang rất mong mỏi sự trợ giúp từ cộng đồng.

Nhờ uy tín có sẵn, khi Quý lên tiếng xin tiền, hàng cứu trợ người dân vùng lũ thì đã có rất nhiều người hưởng ứng. Có những cá nhân thậm chí chuyển khoản cho anh hàng trăm triệu đồng. Cũng do có kinh nghiệm trong việc từ thiện nên Quý tự thấy nếu một mình mình mang tiền đi phân phát cho dân thì không thể kham nổi, và sẽ dễ xảy ra tình trạng không khoa học, gây phiền hà cho người dân. "Không nên để cho họ phải đợi vài tiếng đồng hồ chỉ để nhận vài thùng mì tôm, vài triệu đồng".

Nghĩ thế, Quý đã liên hệ với chính quyền địa phương, sử dụng loa phóng thanh và mạng xã hội để lên danh sách, công khai các loại hàng, số tiền cứu trợ rồi mời họ đến nhận. Với phương pháp này, người dân được nhận một cách nhanh chóng, tất cả đều có thể kiểm tra nên không ngại có chuyện khuất tất gì ở đây. Nhờ vậy mà nhiều tỷ đồng do các tập thể cá nhân quyên góp đã được Quý "giải ngân" một cách khoa học, đúng người, tạo được sự tin tưởng ở các bên.

Minh Khang

Nguồn tin: cand.com.vn