Chờ đợi sự trở lại của những Gameshow về nhảy múa

Kỳ vọng lớn đối với một chương trình giải trí?

“Nhóm nhảy siêu Việt” là phiên bản Việt hóa từ chương trình rất nổi tiếng về nhảy múa của Mỹ - “Americans Best Dance Crew”. Cùng với “So you think you can dance”, “Americans Best Dance Crew” từng gây sốt trên toàn thế giới khi lần đầu xuất hiện vào năm 2008.

Trả lời báo giới, giám khảo, biên đạo Việt Max chia sẻ, “hơn 10 năm về trước thì “Americans Best Dance Crew” là chương trình gây bùng nổ và thôi thúc sự phát triển mạnh mẽ của giới đam mê nhảy múa chúng tôi. Không chỉ vậy, nó còn là nguồn cảm hứng rất lớn và là tư duy biên bài cho các nhóm nhảy. Giờ đây, khi chương trình về Việt Nam thì sẽ là một cơ hội đầy quý trọng dành cho các nhóm nhảy”.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của “Nhóm nhảy siêu Việt” trên sóng truyền hình không ồn ào hay nhận được sự quan tâm nhiều của giới truyền thông. Có lẽ một mặt là do các gameshow trên truyền hình đã qua thời kỳ đỉnh cao, không còn sức hút với khán giả. Mặt khác, nghệ thuật múa vốn vẫn được coi là “nàng công chúa ngủ quên chưa được đánh thức” nên không quá nhiều người quan tâm đến lĩnh vực này hẳn cũng là điều dễ hiểu.

Giảm khảo và MC của chương trình “Nhóm nhảy siêu Việt”. Từ trái sang: MC Diệp Bảo Ngọc, Giám khảo Việt Max, nghệ sĩ múa Tuyết Minh, MC Trần Anh Huy.

Một số người kỳ vọng rằng, “Nhóm nhảy siêu Việt” sẽ làm “tái sinh lại một thời huy hoàng cho các nhóm nhảy, vũ công”. Có lẽ, đây là kỳ vọng quá lớn đối với một chương trình giải trí bởi thực tế cho thấy, đã từng có không ít chương trình về nhảy múa xuất hiện rầm rộ rồi rơi vào quên lãng một cách khó hiểu.

Dù thế nào thì với một người yêu nghệ thuật múa, tôi vẫn háo hức đón đợi và mong chờ “Nhóm nhảy siêu Việt” sẽ tạo được cú hích, dù rất nhỏ thôi, giúp nghệ thuật múa được nhiều người biết đến. Thông qua chương trình, khán giả dễ dàng tiếp cận với các nhóm nhảy hiện nay có nhiều cống hiến và truyền được năng lượng tích cực, thông điệp nghệ thuật có ý nghĩa đến với công chúng. Qua đó, khán giả hiểu rõ hơn về nghệ thuật nhảy múa và trân trọng sự lao động nghiêm túc của người nghệ sĩ.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, điều đáng tiếc là tham gia “Nhóm nhảy siêu Việt” mùa đầu tiên chỉ có một số nhóm nhảy đến từ phía Nam do những khó khăn về thời gian, kinh phí tổ chức. Số lượng đội tham gia dự thi mới chỉ dừng lại ở con số 8, bao gồm: MUG, Fido Crew, 218 Dance Crew, The Lyricíst, Life Dance Team, Son, Mania Family, Sài Gòn Kidies. Tuy nhiên, đây đều là những đội thi có chất lượng, các đội đều có thành viên hoặc thậm chí cả nhóm đã từng đạt được thành tích cao tại các cuộc thi cấp khu vực và quốc tế.

Đáng mong chờ nhất phải kể đến sự xuất hiện của biên đạo Quang Đăng, tác giả của vũ điệu “Rửa tay” gây sốt toàn cầu thời gian qua và nhóm nhảy “Life Dance”. Nhóm nhảy này từng gây ấn tượng tốt khi tham gia cuộc thi “Asias Got Talent 2019”. Thế mạnh của “Life Dance” là những tác phẩm kết hợp nhuần nhuyễn giữa múa đương đại và truyền thống. Trong chương trình này, biên đạo tài năng Alex Tú sẽ đảm nhận vai trò dẫn dắt nhóm nhảy “The Lyricíst”. Xuân Thảo – Đình Lộc, cặp đôi trưởng thành từ sân chơi “Thử thách cùng bước nhảy” sẽ dẫn dắt nhóm nhảy “Mania Family”… Nhìn chung, 8 nhóm nhảy sẽ là 8 sắc thái, phong cách khác nhau và đều có thế mạnh riêng.

Vì sao gameshow nhảy múa khó đi đường dài?

Vài năm trước đây, trong sự phát triển ồ ạt của các gameshow truyền hình, các chương trình về nhảy múa đã ra đời và gây được ấn tượng mạnh mẽ với khán giả. Vào thời điểm đó, gameshow về nhảy múa được đánh giá là món ăn tinh thần mới lạ, “chất”, “sạch”, ít chiêu trò nhất.

Đầu tiên phải kể đến “Bước nhảy hoàn vũ - Dancing with the star”, với sự tham gia của người chơi là các nghệ sĩ tên tuổi trong làng giải trí Việt, kết hợp với các vũ công chuyên nghiệp nước ngoài. Fomart chương trình mới lạ, độc đáo cùng với sức hấp dẫn từ tên tuổi của các nghệ sĩ nổi tiếng đã giúp “Bước nhảy hoàn vũ” thu hút được lượng lớn khán giả. Sau “Bước nhảy hoàn vũ” còn có phiên bản “nhí” dành cho trẻ em.

“Life Dance” – một trong những nhóm nhảy tham gia gameshow “Nhóm nhảy siêu Việt” mùa đầu tiên.

Có lẽ, chương trình thành công nhất về nhảy múa lên sóng truyền hình ở Việt Nam là “Thử thách cùng bước nhảy - So You Think You Can Dance” (do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh phối hợp sản xuất, phát sóng mùa đầu tiên năm 2012). Chương trình thực sự là sân chơi nghệ thuật nghiêm túc của những vũ công chuyên nghiệp. Lần đầu tiên, khán giả được chứng kiến sự khổ luyện, vất vả, sự đánh đổi mồ hôi và nước mắt của vũ công để có được những màn trình diễn tỏa sáng vài phút ngắn ngủi trên sân khấu.

Tài năng, sự “biến hóa” đa dạng của các thí sinh qua thử thách ở mỗi phần thi đã chinh phục và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. “Thử thách cùng bước nhảy” đã rất thành công khi mang đến bức tranh đầy màu sắc về nghệ thuật múa và diễn viên múa. Từ chương trình này, những diễn viên múa, vũ công như Lâm Vinh Hải, Quang Đăng, Đình Lộc, Xuân Thảo, Huỳnh Mến, Phạm Lịch, Thái Sơn… được rất nhiều khán giả biết đến. Sau cuộc thi, những gương mặt tài năng này tiếp tục có những đóng góp tích cực cho nghệ thuật múa trẻ.

Ngoài “Bước nhảy hoàn vũ”, “Thử thách cùng bước nhảy” còn có một số gameshow nhảy múa khác ra đời cùng thời điểm như “Bước nhảy ngàn cân”, “Vũ điệu xanh”, “Vũ điệu đam mê”, “Bước nhảy xì tin”… Tuy nhiên, “tuổi thọ” của những gameshow này không dài, sức hút giảm sút qua các mùa và đều phải “dừng cuộc chơi” trong sự nuối tiếc của khán giả.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao gameshow về nhảy múa không đi được đường dài trong khi luôn được đánh giá là chất lượng? Có thể thấy rằng, những gameshow về nhảy múa ra đời trong thời điểm “nở rộ” gameshow trên truyền hình. Vào thời điểm đó, gần như tất cả các lĩnh vực nghệ thuật đều được “gameshow hóa”. Sự phát triển ồ ạt của các gameshow khiến khán giả rơi vào tình trạng “bội thực”, chương trình giảm sức hút là điều không tránh khỏi.

Sự cạnh tranh gay gay gắt giữa các nhà sản xuất gameshow khiến họ buộc phải chọn lọc, “đầu tư” có trọng điểm vào những chương trình mang lại lợi nhuận cao. Rõ ràng, gameshow về nhảy múa không đủ yếu tố đại chúng hay “chất liệu” để gây sốc cho khán giả như những lĩnh vực nghệ thuật khác, nhất là âm nhạc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chia tay của những gameshow nhảy múa.

Với phần lớn khán giả, nghệ thuật múa vẫn là một điều gì đó xa lạ, khó tiếp cận. Thị trường hoạt động của diễn viên múa không rộng lớn hay mang tính đại chúng như các lĩnh vực nghệ thuật khác. Sự thành công của các gameshow phụ thuộc rất lớn vào chất lượng thí sinh. Với tần suất cuộc thi dày đặc trong khi số lượng nghệ sĩ múa tài năng không nhiều thì sự hấp dẫn của các cuộc thi giảm sút cũng là điều không khó lý giải.

Sau nhiều năm vắng bóng, sự trở lại của gameshow nhảy múa như “Nhóm nhảy siêu Việt” là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, nghệ thuật múa cần nhiều hơn những chương trình như thế với lộ trình dài và chiến lược cụ thể hơn. Bằng không, “Nhóm nhảy siêu Việt” cũng chỉ có thể nhen lên vài tia lửa nhỏ, rồi lại tắt lịm như sự xuất hiện của những chương trình gameshow nhảy múa xuất hiện trước đó.

“Nhóm nhảy siêu Việt” là cuộc thi đầu tiên dành cho các biên đạo và nhóm nhảy tại Việt Nam, với mục đích mang đến cho khán giả những góc nhìn chân thật về nghề biên đạo múa cũng như công việc của họ. Theo thể lệ của chương trình, mỗi tuần, các biên đạo và nhóm nhảy sẽ bốc thăm chủ đề ngẫu nhiên và cùng thi đấu.

Ban Giám khảo sẽ chọn ra ba biên đạo và nhóm nhảy tài năng nhất để bước vào vòng chung kết với tổng trị giá giải thưởng là 450 triệu đồng. Hai giám khảo cố định của chương trình là nghệ sĩ múa Tuyết Minh và Biên đạo Việt Max. Trần Anh Huy và Diệp Bảo Ngọc là MC của chương trình. “Nhóm nhảy siêu Việt” lên sóng vào 20h00 thứ 7 hằng tuần trên VTV3, bắt đầu từ 22/5/2021.

Tường Phạm

Nguồn tin: cand.com.vn