Chơi với kẻ thù!

Một bối cảnh khác

Hơn một tháng sau thỏa thuận bình thường hóa quan hệ UAE-Israel, những phân tích cho thấy ngày càng rõ nét hơn những tác động của thỏa thuận này đối với diện mạo địa chính trị vùng Trung Đông.

Ngày 13-8, Bộ ngoại giao Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) ra tuyên bố cho biết Thái tử Mahamed bin Zayed Al Nahyan của UAE đã đạt được thỏa thuận với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc điện đàm ba bên diễn ra cùng ngày, theo đó UAE đồng ý thực hiện bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Israel.

Việc UAE và Israel đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ là một sự kiện nổi bật trong đời sống chính trị Trung Đông, dẫu không phải là bất ngờ do lẽ trong suốt quá trình đàm phát diễn ra, hai bên đã chủ động rò rỉ tin tức để thăm dò và chuẩn bị trước dư luận.

Đây cũng không phải lần đầu tiên một quốc gia Arập đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel. Trước UAE đã có Ai Cập và Jordan đạt được các thỏa thuận tương tự. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã diễn ra trong một bối cảnh chính trị hoàn toàn khác với khi Ai Cập ký hiệp ước hòa bình với Israel năm 1979 và Jordan ký năm 1994.

Bởi vậy, những tác động và hệ lụy của thỏa thuận UAE-Israel đối với khu vực Trung Đông cũng khác.

Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif al-Zayani, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al-Nahyan tại lễ ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ.

Thoát khỏi mớ bòng bong

Với UAE, thỏa thuận đạt được với Israel cho phép nước này tiếp tục duy trì một vị thế nổi bật ở khu vực trong bối cảnh những khó khăn chồng chất xuất hiện, thách thức quyền lực những quốc gia “tuy nhỏ nhưng có võ” như UAE.

“Võ” ở đây chính là nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào giúp cho không chỉ các nước lớn trong khu vực như Arập Saudi mà ngay cả những quốc gia nhỏ như UAE vẫn có được tiếng nói có trọng lượng trên bàn cờ chính trị quốc tế.

Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy UAE đang gặp phải những thử thách lớn khi triển khai đường lối đối ngoại của mình.

5 năm trôi qua kể từ khi UAE tham gia liên minh do Arập Saudi dẫn đầu can thiệp vào Yemen nhằm chống phiến quân Houthis (được cho là do Iran hậu thuẫn) nhưng cuộc nội chiến Yemen kể từ năm 2015 đó đã trở thành một thảm họa nhân đạo khổng lồ.

Tiếp đó, lệnh cấm vận chung chống Qatar cũng không mang lại hiệu quả nào đáng kể. Các khoản đầu tư lớn vào Ai Cập nhằm duy trì một hình mẫu ổn định trong thế giới Arập cũng thất bại.

Tóm lại là hỗn loạn.

Việc đạt được thỏa thuận với Israel giúp UAE thoát ra khỏi mớ bòng bong, đạt được một số lợi ích trước mắt, ít nhất là tránh khả năng bị cô lập một khi tình hình chính trị ở các nước đồng minh Arập của UAE “có biến”. Israel là nước vẫn âm thầm phản đối việc dân chủ hóa các nước Arập, một sự tương đồng với chính sách của UAE vốn coi phong trào “Mùa xuân Arập” là mối đe dọa sự ổn định của các nhà nước có tầm ảnh hưởng nhờ dầu mỏ...

UAE coi Iran là kẻ thù và cũng như Israel, chống lại thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền Tổng thống Obama ký với Tehran, cùng hết sức thất vọng khi Tổng thống Trump từ chối phát động chiến dịch quân sự chống lại các lực lượng Iran khi các giàn khoan dầu của A rập Saudi bị máy bay không người lái tấn công (được cho là do Iran tổ chức mặc dù phiến quân Houthis ở Yemen nhận trách nhiệm).

Một mắt xích bị đánh thủng

Với Israel, ngoài tác dụng làm công luận trong nước lạc hướng khỏi những lùm xùm liên quan đến cá nhân Thủ tướng Netanyahu, ký được thỏa thuận với UAE là thêm một mắt xích trong cái vòng vây thù nghịch nhắm vào Tel Aviv bị đánh thủng. Nó cho Israel thêm cơ hội khẳng định tính hợp pháp của nước này trong trật tự khu vực ở Trung Đông.

Thỏa thuận với UAE, quốc gia trước đây vẫn ủng hộ nguyện vọng về một nhà nước của người dân Palestine, cũng sẽ cho phép Israel có thêm dư địa để rộng tay giải quyết vấn đề Palestine. Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án việc sáp nhập thung lũng Jordan, thỏa thuận hòa bình với UAE giúp tạo ra hình ảnh một nhà nước Israel yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng “chơi với kẻ thù” để đổi lấy hòa bình.

Trên thực tế, đã không có bất cứ một vùng đất nào được trả lại cho người Palestine. Thỏa thuận đặt ra yêu cầu Israel phải dừng tiến trình sáp nhập khu Bờ Tây của người Palestine nhưng Tel Aviv chỉ coi đây là một động thái tạm thời; điều đó có nghĩa bất kỳ lúc nào Israel cũng có thể nối lại tiến trình hoặc sử dụng nó như một con bài chính trị dùng để mặc cả trong các cuộc đàm phán trong tương lai nhằm đạt được tối đa lợi ích.

Cũng như UAE, kẻ thù của Israel là Iran.

Người Palestine ở khu Bờ Tây biểu tình phản đối thỏa thuận UAE-Israel.

Cơ hội vàng cho ông Trump

Kể từ khi “Thỏa thuận thế kỷ” (về hòa bình Trung Đông) do ê-kíp của Tổng thống Trump vạch ra được công bố và quảng cáo rùm beng, tiến trình này vẫn hoàn toàn bế tắc.

Đó là điều đương nhiên khi mà Palestine, một bên trong ván bài chính trị do Washington dự tính sắp đặt, từ chối tham gia cuộc chơi mà họ biết chắc mười mươi là sẽ thiệt đơn thiệt kép.

Do vậy, việc làm trung gian dẫn tới sự thành công của thỏa thuận hòa bình giữa “hai kẻ thù” rất có thể được sử dụng để ghi điểm như một chiến tích quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump, giảm bớt tác động tiêu cực do bế tắc của “Thỏa thuận thế kỷ”. Con ễnh ương thỏa thuận UAE-Israel có thể biến thành con bò thành tựu trong chính sách đối ngoại của Mỹ!

Thỏa thuận UAE-Israel cho phép chính quyền Tổng thống Trump khẳng định rằng thất bại của “Thỏa thuận thế kỷ” chỉ là tạm thời và Washington đang cố gắng khôi phục lại những cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ của “Thỏa thuận thế kỷ”.

Đặc biệt là khi ngày bầu cử Tổng thống Mỹ đã đến rất gần, đây còn là cơ hội vàng để ông Trump chuyển hướng sự chú ý của cử tri khỏi những thất bại trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19, các chỉ số kinh tế suy thoái sau đại dịch và tình trạng chia rẽ sắc tộc do cái chết của người đàn ông da đen George Floyd.

Và cũng như UAE và Israel, Washington coi (chính quyền) Iran là kẻ thù của mình.

Như vậy, nhìn lại thỏa thuận UAE-Israel và vai trò của Mỹ trong việc đạt được thỏa thuận này, có thể nhận thấy một mẫu số chung gắn kết cả ba quốc gia xung quanh thỏa thuận này: đều coi Iran là kẻ thù.

Nói cách khác, dẫu UAE thuộc thế giới Arập từng có thời gian dài thù nghịch với Israel và ở chiều ngược lại, Israel cũng từng có tới vài ba cuộc chiến tranh nóng với các nước Arập nhưng cả hai phía đều thấu hiểu phương châm: kẻ thù của kẻ thù là bạn!

“Chơi với kẻ thù” để cùng chống một kẻ thù chung là sách lược chính đã dẫn tới thỏa thuận lịch sử giữa UAE và Israel. Còn Mỹ, trong vai trò trung gian để thúc đẩy đạt được thỏa thuận, cũng đạt được mục tiêu của mình: xác lập sự khởi đầu cho một liên minh tiềm tàng chống Iran.

“Nạn nhân” vĩ đại

Trong bối cảnh địa chính trị mà sách lược “chơi với kẻ thù” này đang được triển khai ở Trung Đông, có một “nạn nhân” vĩ đại: người Palestine!

Hai hiệp ước Oslo lần lượt ký tại Washington, Mỹ vào năm 1993 và Taba, Ai Cập năm 1995 đã khởi đầu cho tiến trình hòa bình Oslo mà người Palestine hy vọng sẽ hình thành một nước Palestine. Đổi lại, Palestine công nhận nhà nước Israel và Israel công nhận Tổ chức giải phóng Palestine PLO là đại diện cho người Palestine, đối tác trong các cuộc đàm phán.

Nhưng, với những diễn biến khó lường trong đời sống chính trị khu vực Trung Đông cùng sự can dự của các nước lớn, vai trò của người Palestine trong các cuộc đàm phán dần sút giảm. Họ dần bị đẩy sang bên lề trong các cuộc đàm phán. Những lời hứa mơ hồ về một nhà nước trong tương lai ngày càng lùi xa.

Khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần II năm 2003 lật đổ chính quyền Iraq vô hình trung tạo ra một khoảng trống quyền lực mà Iran sẵn sàng lấp đầy. Những năm sau đó, Iran ngày càng củng cố sức mạnh, bị coi là mối đe dọa với các quốc gia Hồi giáo dòng Sunny trong khu vực và cả của Mỹ kể từ khi ông Trump vào Nhà Trắng. Các nước Arập trong khu vực quan tâm đến việc đối phó với cái mà họ coi là “mối hiểm họa” đến từ Iran hơn là vấn đề của người Palestine. Cuộc đấu tranh của người dân Palestine đòi có một quốc gia dần trở nên thứ yếu, xếp đằng sau những ưu tiên khác.

Tiếp đó, “Mùa xuân Arập” bùng nổ đe dọa sự ổn định của các thể chế ở khu vực này một lần nữa buộc các quốc gia Arập phải quan tâm đến nội tình của chính họ hơn là đi giải quyết vấn đề cho người Palestine.

Đến khi chính quyền Tổng thống Trump đưa ra “Thỏa thuận thế kỷ” và người Palestine từ khước nó với lý do quá thiên vị cho bên Israel, họ càng trở nên cô đơn trên hành trình vạn dặm tìm kiếm một nhà nước cho mình.

Sau UAE, rất có thể một vài quốc gia Arập nhỏ khác như Bahrain, Oman, Mauritania sẽ theo chân để tìm kiếm những thỏa thuận với Israel.

Nhưng, các nước lớn như Arập Saudi, bất chấp thực tế là đối thủ cạnh tranh quyết liệt ảnh hưởng với Iran trong khu vực, cũng sẽ không vội vàng thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình riêng rẽ với Israel.

Bởi lẽ họ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng những phản ứng trong nước, từ phía các lực lượng ủng hộ đòi hỏi chính đáng có một nhà nước cho người dân Palestine.

Yên Ba

Nguồn tin: cand.com.vn