Chuyện của những người trở về từ bãi vàng


1.Những năm tháng ăn rừng ngủ núi, Lê Văn Tỉnh (SN 1975) đã thấm thía đầy đủ cái nghiệp đào vàng, tàn đời bạc bẽo thế nào. Nhưng vì miếng cơm manh áo, vì kế sinh nhai mà bao nhiêu chàng trai tràn đầy sức lực, hăm hở "đốt" tuổi trẻ vào các hầm vàng. Năm 2000, Lê Văn Tỉnh rời quê Hương Sơn (Hà Tĩnh) đi vào Quảng Nam làm phu vàng. Ngày ấy, làng của ông có đến ngót chục người ra đi tìm ước mơ đổi đời mang tên vàng.

Ông Tỉnh và một người bạn là Tiến "béo" (Nguyễn Văn Tiến) được chủ mỏ tên Quý thâu nhận. Từ trung tâm xã Phước Kim (Phước Sơn, Quảng Nam), nhóm phu vàng vượt suối, luồn rừng, len lỏi một ngày thì vào tới bãi vàng. Rừng hoang, gió ngày đêm gào thét trên những vạt rừng không làm chùn tay cuốc tay xẻng của thợ đào vàng. Sau 3 tháng làm phu vàng, ông Tỉnh được chủ mỏ cho phụ trách khâu nổ mìn phá đá.

Đời phu vàng, vất vả đi kèm với hiểm nguy nhưng vẫn có những con người bất chấp tất cả để lao vào.

Tiếng đá nổ long trời lở đất, mùi khét lẹt của thuốc nổ lẫn trong mùi tanh nồng của quặng vàng lúc nào cũng ám đặc trên người của ông và phu vàng. Mỗi trận nổ mìn xong, phu vàng phải lao vào bới đất, móc đá mở lối dẫn vào hầm tìm vàng sâu hun hút trong lòng núi. Từ trên bờ nhìn xuống hầm, chỉ thấy chỏm đầu của phu vàng cựa quậy thật chậm chạm. Ở dưới đó, vừa thiếu oxi, vừa chật chội và nguy hiểm hơn là hầm có thể sập bất cứ lúc nào.

Một ngày giữa tháng 6-2001, chứng kiến cái chết tức tưởi, đau thương của một bạn vàng tên Hải, quê Nghệ An, ông Tỉnh hoảng sợ. Hải hôm ấy được phân công xuống hầm cào lớp đất đá rơi vãi trong trận mưa đêm. Chỉ vừa múc được một xô đá đưa lên thì bỗng có tiếng ầm rất lớn, đất đá từ miệng hầm ào xuống từng mảng lớn, chỉ trong một phút khối lượng khổng lồ đã lấp hết nửa hầm vàng. Người ta chỉ nghe thấy một tiếng thét duy nhất của Hải, rồi chìm vào thinh không. Chủ mỏ quyết định lấp bỏ hầm vàng, lấp luôn cả một thân xác đang nằm lạnh lẽo dưới đáy núi.

Thương đến xé lòng, nhưng ông Tỉnh và các phu vàng không dám hé răng nửa lời khuyên can hay ý kiến gì với chủ mỏ. Ở đây, những cái chết như thế đã thành quen, người ta xem mạng người rẻ hơn một thỏi vàng.

Năm đó, Hải vừa bước sang tuổi 21, chưa vợ con, cũng chưa một lần yêu. Giấc mơ đổi đời từ vàng thật chua chát. Nếu có nhiều vàng thì chủ mỏ giàu chứ cánh phu vàng là người làm thuê, hưởng lương theo ngày lao động. Mỗi ngày qua đi là những mất mát tổn hại về sức khỏe, tinh thần không gì bù đắp nổi.

Mùa mưa ở rừng Phước Sơn, ngoài muỗi vắt còn là những trận sốt rét nhừ người. Nhiều người không chết vì vàng mà chết vì căn bệnh quái ác của núi rừng. Cứ vài tháng, ông Tỉnh lại được chủ mỏ cho ra ngoài mua thuốc nổ và nhu yếu phẩm. Trên con đường xuống núi, qua bãi Khe Tăng (Phước Kim), những ngôi mộ phu vàng chết rồi chôn dọc đường đã không còn lạ lẫm với ông Tỉnh nữa.

2.Đời phu vàng, chứng kiến cảnh thương tật, chết chóc riết rồi cũng chai sạn trong tâm hồn ông Tỉnh. Mỗi ngày, đoàn quân phu vàng từ khắp nơi vẫn đổ về rừng, trong đó có những thanh niên vừa mới lớn, chưa đủ tuổi lao động. Nhìn khuôn mặt nhợt nhạt xanh xao vì thiếu ăn và kiệt sức của chúng, nhiều lúc ông Tỉnh không cầm nổi lòng. Vào một đêm giáp Tết năm 2005, ông Tỉnh đã đưa ra một quyết định táo bạo, giải cứu Lương Văn X. (16 tuổi).

T. bây giờ đã có cuộc sống ổn định sau khi từ bỏ giấc mơ vàng.

Trước đó hơn 1 tháng, bãi vàng đón nhận một nhóm phu vàng, trong đó có chàng trai Lương Văn X. Nhà X. ở bản Piêng Coọc, xã biên giới Mai Sơn (Tương Dương, Nghệ An), do quá khó khăn nên X. đã theo người lớn đi phu vàng ở Quảng Nam.

Ngày rời bản ra đi, trong đầu X. chỉ mường tượng đến vàng và những bữa cơm no, em không hề biết mình đang đi vào cõi "một phần sống chín phần chết". Sang ngày thứ 2, X. lên cơn sốt rét co rúm lại, tím tái cắt không còn giọt máu.

Người X. như một con chuột, yếu ớt đến mềm nhũn. Ai cũng phải lao động, có thương xót cũng chỉ tặc lưỡi lắc đầu, vì họ chẳng có khả năng giúp được X. Đêm nằm nghe gió hú, nghe rõ tiếng rên của cậu bé, ông Tỉnh xót xa. Ông bàn với Tiến "béo" về việc khiêng X. xuống núi. Tiến "béo" lắc đầu phán: "Xuống núi bây giờ không chết vì bệnh mà chết vì té vực".

Đúng là như thế, vì đường xuống xã một bên là vực sâu, dốc đứng, một bên đất lở, đá lăn. Người khỏe mạnh đi một mình không bám chắc có thể trượt chân té. Mà đã ngã thì sẽ lăn một mạch xuống khe, thường là bỏ mạng, ai may mắn sống sót thì cũng dập nát người.

Không nỡ nhìn chàng thanh niên phải bỏ xác nơi hầm vàng, ông Tỉnh năn nỉ bằng được Tiến "béo" đồng hành cùng mình. Khi Tiến đồng ý, ông còn rủ thêm được một người nữa.

Phước Sơn đêm mưa phùn ẩm ướt, chiếc cáng khiêng X. là chiếc võng đã rách tả tơi. 3 con người luồn rừng, đội mưa, dậm từng bước chân một vượt qua gờ đá trơn trượt, qua con suối chảy cuồn cuộn nước lũ. 7 giờ sáng hôm sau, họ khiêng X. ra tới xã. X. lúc này đã lịm đi, toàn thân cứng đơ, lạnh giá.

X. được điều trị tích cực tại Bệnh viện huyện Phước Sơn và hồi phục sau 2 tuần. Ngày xuất viện, ông Tỉnh đã gặp X., dúi cho cậu ít tiền và khuyên chân thành: "Hãy rời khỏi đây, ra thành phố kiếm việc nhẹ nhàng mà làm, đừng bao giờ bước chân vào chốn rừng thiêng nước độc này nữa". X. rớt nước mắt, nghe lời ông Tỉnh.

Một trong những ngôi mộ vô danh của phu vàng.

Từ một phu vàng, ông Tỉnh dần chiếm được cảm tình của chủ mỏ. Họ giao cho ông phụ trách mảng hậu cần, thuốc nổ và hóa chất. Công việc độc hại, nguy hiểm nhưng cho ông Tỉnh một khoản thu nhập khủng. So với cánh phu đào, ông Tỉnh ngon lành hơn.

Sau 7 năm bới đất tìm vàng, ông Tỉnh quyết định rút lui, khi cảm thấy cơ thể có dấu hiệu của việc nhiễm độc. Giữa lúc chủ mỏ làm ăn sa sút, ông Tỉnh viện cớ việc gia đình rồi lặng lẽ "chuồn". Có một số vốn, ông Tỉnh dẫn vợ và hai con vào TP Hồ Chí Minh mua được căn nhà nhỏ ở quận Tân Bình, sống bằng nghề bán cơm cho công nhân khu công nghiệp Tân Bình.

Thoát được kiếp vàng, nhưng ông Tỉnh vẫn còn day dứt, đau đáu với các thế hệ phu vàng sau này. "Qua anh em, ngày nào tôi cũng hỏi tin tức về người đào vàng. Tôi luôn ám ảnh với những phận người ở đó", ông Tỉnh bộc bạch.

3.Trong quán cơm của ông Tỉnh có một chàng thanh niên đen nhẻm, gầy gò, đôi mắt phảng phất nỗi buồn. Đó là Phan Văn T. (21 tuổi, quê Hà Tĩnh). T. chính là cậu bé đã chạy trốn khỏi bãi vàng, khi không chịu nổi sự vất vả, khổ cực cùng những đe nẹt, hăm dọa của chủ mỏ.

Những ngày làm phu vàng, T. đã chứng kiến vô vàn bi kịch, cũng như cuộc sống đầy rẫy cạm bẫy ở đây. Trong một ngày, người thì bị đá rơi vào đầu ngấp ngoải, người thì sốc ma túy lăn đùng ra chết, T. quá hoảng sợ đã bỏ trốn khỏi bãi vàng.

T. lao mình ra giữa đêm tối mịt mùng sương giăng, chạy thục mạng theo quán tính chứ không hề biết định hướng. Trời gần sáng, T. thấy những ngọn khói len vào mây trên đỉnh núi thật cao. T. trèo lên ngọn cây nhìn cho rõ thì phát hiện một bản làng với những căn nhà sàn nhấp nhô trên triền núi. Mừng quá, T. chạy về phía con người. T. được một hộ dân cho ăn cơm rồi dẫn ra nhà trưởng thôn nhờ giúp đỡ. Lúc này, T. mớt biết mình đã đi lạc sang huyện Nam Giang.

Trưởng thôn bắt xe cho cậu về nhà, còn cho thêm một ít tiền lộ phí đi đường. Ông căn dặn T. đủ điều, và khuyên đừng bao giờ chôn vùi tuổi trẻ vào bãi vàng nữa, sẽ chẳng có giàu sang, đổi đời nào cho kiếp phu vàng cả.

Từ "địa ngục" trở về, T. thất thểu, lang thang không tìm được việc làm. Rồi câu chuyện của T. cũng đến tai ông Nguyễn Văn Chiến, người Hương Sơn, là bạn vong niên với ông Tỉnh. Ông Chiến kể về cậu bé phu vàng vừa đào thoát, ông Tỉnh lập tức muốn gặp T. để hỏi rõ sự tình. Sự đồng cảm, tình thương với số phận phu vàng, ông Tỉnh đã mua vé xe cho T. vào TP Hồ Chí Minh và xin cho cậu vào làm công nhân tại khu công nghiệp. T. được gia đình ông Tỉnh cưu mang, cho ăn ở miễn phí tại quán cơm.

Gần 3 năm qua, T. chăm chỉ cần cù lao động, cuộc sống ổn định, có tiền gửi về giúp cha mẹ ở quê. Nhớ về những tháng ngày "ăn đất" tìm vàng, T. cảm thấy rùng rợn. Nơi "cổng trời" Phước Kim vẫn còn hàng chục ngôi mộ không bia, không nhang khói của phu vàng xấu số. "Nếu em không chạy thoát vào ngày hôm đó, có thể em cũng sẽ trở thành một nấm mồ hoang ở cái nơi thăm thẳm hoang vu ấy", T. nghẹn ngào nói.

Ngọc Thiện

Nguồn tin: cand.com.vn