Chuyện về cô gái đan len


Chỉ khi tìm hiểu kỹ về nó, nghe những chuyện người trong nghề nói ra, thì mới biết, những nghề đó đã không mất đi, mà nó vẫn luôn luôn còn tồn tại bởi lý do còn có rất nhiều người yêu những nghề ấy, và nhiều người cũng rất cần và rất thích những sản phẩm handmade xưa cũ đó: nghề đan len.

Niềm đam mê

Trong góc của căn phòng trọ chật hẹp nhưng gọn gàng được Quỳnh xếp đầy những cuộn len và những chiếc áo khăn thành phẩm. Vừa nói chuyện vừa thoay thoáy que đan, nhưng những dòng tâm sự của Quỳnh về nghề mà cô yêu mến không hề bị đứt đoạn. Đan áo đã thành nghề kiếm sống của Quỳnh, mang lại thu nhập cho cô số tiền không hề nhỏ, mặc dù nó là nghề tay trái.

Quỳnh luôn mang theo đồ đan, kể cả khi đi uống cà phê với bạn.

Tốt nghiệp Khoa Xã hội học Trường Đại học Nhân văn Hà Nội, đã từng làm cho một công ty về lĩnh vực truyền thông, và cũng từng làm báo, nhưng do dịch COVID-19 nên Quỳnh nghỉ ở nhà. Với nhiều người, trong giai đoạn giãn cách xã hội, họ ở nhà rảnh rỗi, có thời gian chăm chút gia đình thì Quỳnh lại bận rộn hơn với nghề tay trái.

Tuy dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp nhưng Quỳnh vẫn mạnh dạn nhập rất nhiều len về để đan, bởi cô nắm được xu hướng thị trường, mặc dù mùa đông đã hết và mùa hè ít người đặt hàng hơn. Nhưng không phải không có. Hằng ngày Quỳnh vẫn đan áo đều đều và còn gửi cả về cho mẹ cô ở quê đan giúp mới kịp hàng trả khách.

Đan len đã là nghề của Quỳnh từ hơn chục năm nay, và những mũi đan đầu tiên cô học từ mẹ. Mẹ Quỳnh là giáo viên, và chỉ tiền lương không thì không đủ sống, nên mẹ Quỳnh phải kiếm thêm thu nhập bằng nghề đan. Khi ấy, Quỳnh vẫn còn là một cô bé mới học lớp 12, và thi đại học. Vốn là học sinh chuyên Sử, nhưng khi thi đại học khối C, Quỳnh lại không đậu. Có lẽ sự kỳ vọng quá lớn rồi lại bị thất vọng khiến Quỳnh buồn một thời gian dài.

Đúng thời điểm này, nghề đan len đã đến với Quỳnh một cách thật tình cờ. Có mẹ từng là giáo viên, quê ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, nghề giáo viên thời điểm ấy cũng còn khó khăn, mẹ Quỳnh đan len thêm để kiếm sống. Gặp đúng lúc hụt hẫng, Quỳnh tìm đến nghề đan len cùng mẹ. Thế rồi Quỳnh từ sự giúp mẹ rồi đến yêu thích công việc này từ lúc nào không hay.

Đến nỗi sau này khi đã là sinh viên rồi, đi đâu Quỳnh cũng kè kè túi len và que đan bên cạnh. Đến giờ, khi xa mẹ, xa quê lên thành phố sống, nghề đan len của Quỳnh như đã ngấm vào máu, cô rất ham mê và công việc này theo cô suốt từ thời sinh viên đến tận bây giờ.

Ngồi nói chuyện với tôi, Quỳnh vẫn đang đan một chiếc áo len màu hồng. Trước thân áo có đan xen hình trái tim. Tôi hỏi về chiếc áo. Quỳnh cho biết, đó là một chiếc áo cô đan cho một bạn trong tận Đà Nẵng đặt hàng. Chiếc áo này bạn ấy tặng cho bạn gái, có in hình tên của đôi bạn đang yêu nhau.

Quỳnh nói len đan tay có thể sáng tạo nhiều kiểu theo ý tưởng của khách nên nhiều bạn trẻ hay cặp đôi thường đặt theo thiết kế riêng; hay có những bộ khăn mà chỉ cần nhìn vào đó là người ta biết hai bạn nam nữ đang quàng khăn là một cặp, chiếc khăn đan với những chi tiết và màu sắc đối xứng nhau.

Quỳnh cho biết, cho dù những chiếc máy dệt có cho ra rất nhiều chiếc áo với những kiểu cách khác nhau, thì có một bộ phận khách hàng vẫn thích đồ hande made. Và đồ làm bằng tay vẫn luôn luôn có giá trị cao hơn những chiếc làm máy. Những chiếc áo, khăn được người đặt đan, đa số là do sự chắc chắn, do ý nghĩa của món đồ được làm bằng tay, rất thích hợp với việc gợi nhớ kỷ niệm, vì vậy sản phẩm được đặt mua để làm quà rất nhiều.

Một sản phẩm của Quỳnh: Hai chiếc khăn cho một cặp đôi đang yêu nhau, được chú thích: “Chỉ cần quàng khăn, ai cũng hiểu hai bạn là một đôi”.

Những câu chuyện của những khách hàng của Quỳnh cũng khá đặc biệt. Người thì thích áo đôi, khăn đôi, nhưng phải là đồ hande made để sở hữu sự đặc biệt, sự khác biệt có một không hai, người thì muốn tặng người thân ở nước ngoài xa xôi, bằng sự kỳ công của đan tay cho dày dặn và chắc chắn, người lại muốn sở hữu chiếc áo len để tặng bà, tặng mẹ, những thế hệ ngày xưa thích những chiếc khăn áo bằng len đan tay. Chính vì thế, những chiếc áo len, khăn len đan tay có thể nói là những món đồ đặc biệt ở thời nay, mà chỉ những người thích khác biệt một chút mới muốn sở hữu nó.

Có những câu chuyện mà Quỳnh kể cũng khá xúc động. Có một bạn khách năm nào cũng đặt áo của Quỳnh từng nói: “Cho ông bà bố mẹ tiền nhiều khi cũng chả cần, nhưng mua được món quà tặng thì đi khoe khắp xóm”. Người lớn tuổi chỉ cần tình cảm, những món đồ tỉ mẩn nhiều ý nghĩa hơn là về tiền bạc. Cũng bởi thế, những chiếc khăn, chiếc áo của Quỳnh vẫn luôn được khách hàng lựa chọn khi mua làm quà cho người thân ở quê, cho bạn bè ở xa. Những món đồ mang tới sự ấm áp cho người dùng, và gửi tới sự nhớ thương của người tặng”.

Ký ức của một thời

Còn với người làm nghề, đan len cũng là một công việc rất dễ tạo đam mê, nhất là giữa thời buổi xã hội tiến triển nhanh chóng như hiện nay, nhiều người mong muốn sống chậm lại một chút, để có thể tĩnh tâm. Cô gái đan len, nhưng học giỏi Văn, giỏi xã hội ấy đã chọn một cách để sống mà nhiều người cũng muốn có: “Tháng Tư về… Dường như Hà Nội gom hết cái nồng nàn và dịu nhẹ vào loài hoa thanh khiết mang tên loa kèn… Bỏ qua những muộn phiền bởi kinh tế mùa COVID, quên đi sự xô bồ, ồn ã của phố thị ngoài kia, tận hưởng những phút giây an yên, vui vẻ”. Ấy là lúc Quỳnh đắm mình vào đan len và hưởng thụ mùi thoang thoảng của loài hoa loa kèn mà cô cảm nhận, cho dù nhiều người ít cảm nhận được hương hoa của loài hoa ấy.

Với sự phát triển của công nghệ, những sản phẩm đan tay có cơ hội được quảng bá đến nhiều người, chính vì thế, thị trường đồ đan tay cũng không hề kém sôi động. Thời tiết lúc này đã vào tháng tư, nhưng trong phòng của Quỳnh vẫn chất đầy những cuộn len và thành phẩm, vẫn có những đơn đặt hàng được gửi đi. Và một mình Quỳnh không làm xuể, cô vẫn phải nhận hàng và đặt hàng nhiều người để đan kịp trả áo cho khách. Chính mẹ cô, cũng phải hỗ trợ cô để kịp trả cho khách sản phẩm đúng hẹn.

Ở một vùng quê nghèo, có một bóng hình luôn theo dõi cô con gái đã lớn tuổi nhưng chưa chịu lấy chồng chỉ vì cô thương mẹ. Trong một status trên mạng, hình ảnh người mẹ cô yêu quý được chụp từ đằng sau, được chú thích bởi những lời rất dễ thương: “Mẹ dạy mình những mũi đan đầu tiên, học cách đan áo căn bản, học cách tôn trọng những món đồ handmade… Mẹ đang đan len và chú mèo già tò mò ngồi bên cạnh. Khung cảnh yên bình này mình muốn lưu giữ nó mãi mãi”.

Không chỉ đan áo, Quỳnh còn có một ấp ủ, đó là nhờ sự phát triển của internet, cô sẽ có một mạng lưới cộng tác viên rộng rãi, giúp cho công việc ngày một phát triển và cô sẽ mở những lớp dạy đan, móc cho những ai yêu quý nghề này - một công việc mà theo cô, không chỉ giúp cải thiện cuộc sống mà còn khiến nhiều người cùng đam mê.

Thời đại công nghiệp hóa, mọi thứ đều diễn ra nhanh, nhưng ở một góc độ nào đó, những giá trị xưa cũ vẫn có một chỗ đứng, và vẫn có giá trị với bất cứ ai yêu thích. Nghề đan len đã là nghề kiếm sống của nhiều người trong thời điểm đầy khó khăn vất vả, giờ đây, tuy không phải là nghề hot, nhưng cũng phù hợp với một số người và quan trọng, khi người ta kêu gọi giới trẻ sống chậm bớt đi, kêu gọi sự tập trung chú ý khi công nghệ đã lấy mất đi điều đó, thì nghề đan len đã đem lại giá trị đó.

Nhắc đến nghề đan len, sẽ gợi lại cho nhiều người về một thời còn khốn khó, nhưng cũng đầy kỷ niệm. Cô gái đan len tên Quỳnh, đã chọn được cho mình một lối đi riêng cũng khác biệt, độc đáo. Nhờ sự hoạt bát, thông minh nên cô đã biết tận dụng công nghệ để phát triển nghề đan cho mình, tạo ra một mạng lưới cộng tác viên đan len và bán hàng, để cô có thêm thu nhập mà vẫn thỏa được niềm đam mê của mình. Một sản phẩm của Quỳnh: Hai chiếc khăn cho một cặp đôi đang yêu nhau, được chú thích: “Chỉ cần quàng khăn, ai cũng hiểu hai bạn là một đôi”.

Trên mạng Facebook hiện nay có rất nhiều hội nhóm cùng tiêu chí, nghề nghiệp và các thành viên có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trên đó. “Cộng đồng đan và móc” là một trang fapage của những người yêu thích nghề đan. Quỳnh cũng là một thành viên của nhóm với 5,5K người.
Ngô Chuyên

Nguồn tin: cand.com.vn