Có nên làm người tốt ở trên facebook?


Ngày còn nhỏ, khi gia đình tôi mới dọn đến khu tập thể. Mỗi lần có khách ở quê ra chơi giữa trưa, cha tôi lại ra hiệu cho tôi ra đóng khẽ cánh cửa sổ và cửa chính lại. Chuyện là, người quê thường hay ăn to nói lớn mà khu tập thể lại liền kề nên ông sợ hàng xóm mất giấc nghỉ trưa. Chuyện con gà, con vịt cũng phải kể, chuyện năm nay sẽ cấy mấy sào ruộng cũng kể… Thôi thì đúng là người thật, việc thật, mồ hôi nước mắt cả nên ăn to nói lớn cũng phải.

Mới có hơn hai chục năm mà khu tập thể lụp xụp ngày nào đã thành khu phố đẹp đẽ. Chẳng biết bây giờ những người bà con quen “ăn to, nói lớn” dưới quê tôi đã thành thạo dùng face book chưa, nhưng trên mạng xã hội, người ta còn tự tin mạnh mẽ hơn rất nhiều. Mấy cô có thân hình đẹp, dù bận rộn đến mấy, đến hè cũng phải cố cho được vài tấm ảnh với bikini táo bạo đến mức hàng xóm cũng phải ngỡ ngàng.

Các chị hay lam, hay làm bấy lâu vất vả giờ được ôm bó hoa đứng cạnh anh nhân viên hãng xe trong ngày “cưới em 4 bánh”, mấy cô, mấy chú vừa được thăng chức lên ông, bà thì khoe đứa cháu kháu khỉnh… Thôi thì cứ gọi là mỗi người có một niềm vui, cũng là có sao nói vậy. Có khoe ra thì cũng nhận về những lời chúc mừng, động viên chân thành thêm ấm lòng.

Vì cứu cô gái gặp nạn, người đàn ông bị đâm - nguồn vnexpress.net

Nhưng người ta lên mạng xã hội để mong mọi con mắt đều hướng về phía mình. Một trong những sức hút ấy là cách khoe mình vừa làm người tốt, việc tốt. Thực ra, dù người tung ảnh, viết tus có phần sôi nổi một chút cũng không hề hấn gì. Những gì tốt đẹp cần được lan tỏa.

Có anh bạn từng bảo tôi: “Ngày xưa, tớ có thích làm từ thiện đâu, lúc ấy mình nghĩ, người nghèo thì đã có chính quyền ở thôn, xã lo, sức đâu mà lo hết được. Ấy vậy mà, từ lúc kết bạn được với cô bạn, thấy cô ấy chia sẻ hình ảnh lặn lội đến các thôn cùng, xóm vắng mới hiểu hết cái khổ của bà con. Có khi làm quần quật cả năm, một trận lũ rừng, hỏa hoạn, mưa đá là mất sạch, thôi thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no…”.

Nhưng có phải tất cả những gì chúng ta nhìn thấy đều là bản chất của sự thật? Câu hỏi ấy dường như vẫn treo lơ lửng như câu đố trong đầu mỗi người khi bỗng dưng bắt gặp một người “vác tù và hàng tổng”.

Người tốt từ lâu đã đồng nghĩa với kẻ cơ hội, việc tốt đồng nghĩa với chiêu trò. Mỗi khi có một người dám đứng ra làm việc lương thiện, có ý nghĩa, người ta thường đặt ra câu hỏi: Họ có động cơ gì? Nhớ cách đây chừng mươi, mười lăm năm, ở các bến xe khách còn khá nhốn nháo, nhiều hành khách ở nông thôn ra thành phố thường mắc lừa bởi những người tốt bê vác hộ rồi đòi tiền thù lao.

Trước đây, ở một số bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, không ít bệnh nhân khi đến các phòng điều trị nhận giường còn phải trả phí cho “cò” giữ giường. Khi giá trị đạo đức bị xuống cấp, lòng tốt trở thành phương tiện để kẻ xấu kiếm lợi, người ta có quyền nghi ngờ, quyền phủ định sự tồn tại của nó trong cuộc sống.

Rất nhiều bậc cha mẹ từng dặn dò con cái, hễ ra đường có ai bắt chuyện, ai tự dưng hào phóng giúp mình thì đó chính là cái bẫy của kẻ cắp, kẻ xâm hại, mưu đồ bắt cóc… Việc cái tốt đồng nghĩa với cạm bẫy đã gieo vào lòng trẻ một tinh thần cảnh giác và sự mất niềm tin từ đó dẫn đến bàng quan với cuộc sống. Người tốt có cơ hội làm việc tốt không? Hình như không dễ.

Báo chí từng đưa tin vụ việc người nhà nạn nhân khi biết tin đã lao thẳng đến bệnh viện, không cần hỏi rõ đầu đuôi đã đâm bị thương người đã đưa nạn nhân đi cấp cứu bởi nghĩ anh ta là thủ phạm. Lại có trường hợp, người nhặt được chiếc ví tiền sau khi trả lại từng bị chính chủ nhân của chiếc ví “gây sự” vì cho rằng đã bị thất thoát một số tiền… Làm người tốt đồng nghĩa với sự nguy hiểm, với nguy cơ trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào.

Nhưng có lẽ, làm người tốt trên mạng xã hội còn khó khăn hơn dù chúng ta có địa vị thấp hay cao trong xã hội, bởi cư dân mạng có vô vàn cách để phán xét. Nếu bạn là nhân viên, bạn giúp lãnh đạo có tuổi một việc gì dù rất nhỏ, nếu hình ảnh được “tung” lên mạng xã hội, người ta sẽ coi đó là sự nịnh bợ, bạn ngay lập tức bị bêu riếu đến mức cảm thấy không dám bước ra đường. Và ngược lại, bất kì bạn thật tâm tới đâu, nhưng khi ra tay giúp một người có vị trí thấp hơn mình, bạn sẽ bị cho là “làm màu”, là “mị dân” để che đi những vết đen về nhân cách…

Người thông minh nhất, an toàn nhất là những ai đứng sau bàn phím, ẩn mình kín đáo đến mức không ló đầu ra cả ở khung hình của ảnh đại diện nhưng không bao giờ họ sao nhãng công việc “canh gác” đạo đức xã hội. Chỉ cần ai ló đầu ra là họ vung nhát gươm kết liễu số phận một hình ảnh, một việc làm. Chính “bóng ma” dư luận mạng xã hội khiến cả những người làm việc tốt dẫu là “cây ngay” vẫn kinh sợ phải “chết đứng”.

Người có tâm sáng, làm việc thiện thì đâu cần quan tâm, chờ đợi sự “cho phép” của dư luận. Những ngày qua, trên nhiều tờ báo, trên mạng xã hội lan tràn hình ảnh một cựu Phó Chủ tịch quận tự mình bỏ tiền mua xe cứu thương, đăng kí các thủ tục pháp lý và trực tiếp cầm lái đưa đón bệnh nhân nghèo trên nhiều tuyến đường dài.

Phản bác lại “đống gạch đá” của cư dân trên face book cho rằng ông ta “làm màu” là một lập luận khá thuyết phục: Có giỏi thì hãy cứ “làm màu” được như ông đi! Đó cũng là một cách để chúng ta sàng lọc độ thành thật trong động cơ của người làm việc thiện: ông ta làm vì mục đích gì? Một người đàn ông đã đứng tuổi, đã về hưu cần uy tín để thăng tiến? Để đánh lừa dư luận ư? Hình như người đã và đang làm việc tốt đó chỉ làm vì món nợ với lương tâm mình và không mấy bận tâm về dư luận.

Ông Đoàn Ngọc Hải một mình lái xe từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội - nguồn VietNamnet

Người làm việc tốt trên face book giúp những người đang gặp khó khăn, hoạn nạn tìm thấy lối thoát, để chúng ta thêm vững lòng tin ở những gì tốt đẹp trong cuộc đời này. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta làm quen, kết bạn dễ dàng đến thế nhờ mạng xã hội. Cánh cửa của mạng xã hội mở ra đón nhận “gió lành”, “gió độc”, cái xấu khá nhiều nhưng sự tử tế, tốt đẹp cũng không ít.

Không thể phủ nhận hằng ngày sự xuất hiện của những việc làm tử tế sẽ như ngọn đèn sáng để làm “rạng” tâm hồn của nhiều người, nhất là thế hệ trẻ. Qua thời gian, với sự sàng lọc tự nhiên, ai là người thực tâm hành thiện sẽ đọng lại trong tâm trí chúng ta. Chắc hẳn, việc làm tốt đẹp của “cô, “bác”, “anh”, “chị”… ấy sẽ thấm vào tâm hồn thế hệ trẻ như một bài học đạo đức tốt đẹp với sức lan tỏa rất tự nhiên chứ không hề gò ép, giáo điều.

Để làm người tốt trên face book cần phải hết sức dũng cảm nhưng cũng rất dễ dàng nếu thực tâm hành thiện. Điều thiện khi được chia sẻ rộng rãi sẽ tạo ra hiệu ứng tốt, được nhân lên rất nhiều và có lẽ sẽ giúp chính bản thân người đang thực hiện gặp thuận lợi khi được sự tương trợ, hưởng ứng.

Khi một việc làm của chúng ta luôn được giám sát bằng con mắt của cộng đồng, bản thân ý nghĩa việc làm sẽ định hướng dư luận thay vì chịu sự phán xét của những “anh hùng bàn phím”. Cứ đi là đến, dẫu vượt qua chông gai. Có lẽ, nếu mang trong mình tâm thiện, biết thương yêu người khác, vì cộng đồng thì chúng ta vẫn cần trở thành người tốt trên face book.

Dẫu rằng ở đâu đó người ta mượn mạng xã hội để “diễn” trò câu like theo kiểu Vlog nào đó, nhưng hãy đừng quên, chúng ta đang cổ súy cho cái tốt đẹp, cái lương thiện chứ đâu phải đang tự tung hô mình. Người tốt trên face book đúng nghĩa lúc nào cũng cần lắm chứ!

Bùi Việt Phương

Nguồn tin: cand.com.vn