Có những người lính xin cầm tay Bác sĩ, gọi “mẹ ơi” rồi mãi mãi ra đi...


Tháng 12, tháng có Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi nhớ đến anh - một người lính, một bác sĩ có hàng chục năm lăn lộn trong quân đội. Ngồi lại với anh để nghe những câu chuyện về việc cứu chữa bệnh cho các chiến sĩ từ thời chiến đến thời bình, ở những cao điểm trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc đến biên giới Tây Nam vài chục năm về trước, những hải đảo xa xôi của Tổ quốc hôm nay hay tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc mà lòng rưng rưng xúc động. Nghe những câu chuyện như thế mới giật mình: Hóa ra những hiểu biết của mình về những người vừa mang màu áo xanh của lính, vừa mang màu áo trắng lương y là vô cùng ít ỏi.

Không chỉ là nhiệm vụ

- Nhà báo Phan Đăng:Thưa anh, có lẽ tôi sẽ nhớ đến một “Thầy thuốc nhân dân” Nguyễn Hồng Sơn nhiều hơn là một “ông giám đốc” Bệnh viện 175 Nguyễn Hồng Sơn. Và tôi tò mò là khi nghe người ta gọi mình là “Thầy thuốc nhân dân”, anh có một cảm xúc như thế nào?

- Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn: Khi đã trở thành một người lính, một anh bộ đội thì tôi hiểu là mình đã là của nhân dân rồi. Đến khi tốt nghiệp Học viện Quân y, đi phục vụ thương, bệnh binh trên khắp các chiến trường thì chúng tôi luôn cảm nhận rõ trách nhiệm của mình là chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho quân đội và nhân dân. Và đến khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân thì tôi lại càng ý thức cái trách nhiệm đó nhiều hơn.

- Bây giờ nhớ lại, anh có thể chia sẻ là sau khi tốt nghiệp, ra trường, anh đã gắn bó với những người lính như thế nào được không?

- Không! Từ khi còn là sinh viên, chúng tôi đã tiếp xúc với người lính rồi, lúc đó chúng tôi làm những công việc mà anh em trong trường gọi là “y hôi”. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với những người lính ở chiến trường là vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, khi những xung đột ở biên giới phía Bắc vẫn đang diễn ra. Chúng tôi đã đến những điểm chốt, điểm cao của vùng biên giới phía Bắc và trực tiếp khám sức khỏe cho những người lính. Sau này, có điều kiện đi công tác nhiều hơn và đặc biệt là khi về với Bệnh viện Quân y 175 thì lại được tiếp xúc nhiều với thương, bệnh binh ở chiến trường biên giới Tây Nam. Phải nói, đối diện với vết thương của đồng đội, rồi đối diện với những đồng đội hy sinh ngay trên tay mình đã tạo nên những cảm xúc rất lớn cho những thầy thuốc trẻ. Tôi còn nhớ mãi một kỷ niệm khi lên chốt 203, đồi 201 thuộc bản Phia Cáy, xã Tà Lùng, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Bây giờ lên đây rất dễ dàng nhưng ngày đó đường đi khó khăn, vất vả vô cùng. Khi lên đến nơi, chúng tôi khám chữa bệnh, rồi còn hát cho các chiến sĩ nghe những bài như: “Hoa sim biên giới”, “Khúc hát chia xa” của nhạc sĩ Trần Tiến. Và, sau đó trở về, xuống đến chân đồi thì đã là chiều rồi. Khi chúng tôi về tới sư đoàn Bộ thì đã nửa đêm. Lúc ấy điều gì xảy ra bạn biết không? Vừa về đến sư đoàn thì bất thình lình nhận được tin: pháo kích của địch đã bắn vào quả đồi ấy và toàn bộ chiến sĩ trên chốt đã hy sinh. Có thể nói, cảm xúc lúc đó khủng khiếp lắm. Không ai nói với ai nhưng nước mắt cứ trào ra. Lúc ấy tôi nghĩ: các bạn ấy trẻ quá, mới chỉ 17-18 tuổi! Trước đó, nói chuyện với mình, họ bảo rằng họ chưa biết thành phố, chưa biết đời sống trong thành phố nó như thế nào. Họ muốn có một lần được vào xem thành phố. Vậy mà chưa kịp thực hiện cái mong muốn hết sức giản đơn ấy, họ đã mãi mãi ra đi.

Ở Bệnh viện 175 của chúng tôi có rất nhiều hoàn cảnh các thương, bệnh binh khác nhau. Có lần, khi cảm nhận là mình không còn sống thêm được bao lâu nữa, một bạn thương binh rất trẻ nói với chị bác sĩ là: “Bác sĩ ơi, cho con cầm tay bác sĩ để được gọi một tiếng “Mẹ” được không?”. Và sau câu gọi “Mẹ ơi”, bạn ấy đã ra đi. Đấy là những khoảnh khắc, những kỷ niệm cực kỳ xúc động đối với những người làm nghề y trong quân đội.

- Nói về những mất mát hy sinh của người lính đối với Tổ quốc, nhân dân mình, có một câu chuyện cũng rất thời sự và rất đau lòng, thưa anh. Đó là cách đây ít tháng, khi cơn bão lịch sử quét qua miền Trung, khiến nhiều nhà máy, nhiều công nhân, nhiều người dân bị cô lập thì rất nhiều chiến sĩ của chúng ta đã âm thầm thực hiện công tác cứu hộ. Và, trong quá trình âm thầm cứu hộ đó, có những người đã không may hy sinh. Phải nói sự dấn thân và hy sinh của người lính luôn có thể diễn ra bất cứ lúc nào, cả trong thời chiến lẫn thời bình, đúng không anh?

- Với người lính, việc thực hiện công tác cứu hộ ở miền Trung vừa qua là một nhiệm vụ. Đấy trước hết phải là một nhiệm vụ. Mà về nguyên tắc, với người lính, đã là nhiệm vụ thì bắt buộc phải thực hiện. Nhưng, bên cạnh nhiệm vụ còn là nhiều điều khác nữa. Nó là trách nhiệm với cộng đồng, là tình người với nhau, là tính nhân văn vốn có bên trong mỗi chúng ta. Tôi nghĩ là không phải những cuộc thiên tai hôm nay mà trong nhiều cuộc thiên tai trước đây, rồi nhiều cuộc chiến tranh của đất nước trước đây, đời này qua đời nọ, thế hệ những người lính cha anh rồi đến thế hệ chúng tôi cũng đều như vậy cả. Tuổi trẻ với biết bao ước mơ, khát vọng nhưng khi Tổ quốc gọi thì luôn sẵn sàng “xếp bút nghiên” cầm súng lên đường thôi. Và tôi tin là những thế hệ người lính trẻ sau chúng tôi cũng vậy, đứng trước một nhiệm vụ, họ không chỉ cố gắng hoàn thành vì nó là một nhiệm vụ, mà còn để cảm thấy thanh thản với tấm lòng, với lương tâm người lính.

Những chuyến bay đêm ra Trường Sa cứu người

- Thưa anh, tôi biết là hiện nay Bệnh viện Quân y 175 có thực hiện việc khám, chữa bệnh và cấp cứu cho các chiến sĩ của chúng ta ở quần đảo Trường Sa. Nếu không có gì bí mật, anh có thể chia sẻ để bạn đọc hiểu rõ hơn về công tác y tế đặc thù này không?

- Đương nhiên là có rất nhiều đơn vị tham gia công tác đảm bảo quân y. Nhưng, Bệnh viện 175 của chúng tôi là tuyến chính phục vụ cho quần đảo Trường Sa. Tôi có thể nói khái quát là y tế biển đảo đã có sự phát triển rất rõ rệt trong thời gian qua. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, một tổ quân y của chúng tôi chỉ có 3 người, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất vô cùng khó khăn. Bây giờ, ở Trường Sa chúng ta đã có một trung tâm y tế khang trang, trang thiết bị hiện đại, giải quyết được căn bản những cấp cứu nội khoa và ngoại khoa. Thứ hai là giờ đây chúng ta có một hệ thống TeleMedicine, tức là truyền hình trực tuyến, khám chữa bệnh trực tuyến, kết nối biển đảo với đất liền. TeleMedicine giúp chúng ta chẩn đoán chính xác nhất và lựa chọn chỉ định điều trị tốt nhất trong hoàn cảnh thực tại. Có thể nói, TeleMedicine đã làm thay đổi một cách căn bản chất lượng y tế biển đảo.

Thứ ba là hệ thống vận chuyển cấp cứu bằng trực thăng và thủy phi cơ. Nó giúp công tác y tế biển đảo ngày hôm nay, đó là việc vận chuyển các bác sĩ từ đất liền ra đảo và các bệnh nhân từ đảo về đất liền đã được cải thiện đáng kể. Ba điều này tạo ra những hiệu quả đặc biệt, củng cố niềm tin của chiến sĩ và đặc biệt với những ngư dân đang ngày đêm bám biển lao động sản xuất. Bây giờ những chiến sĩ và những người dân đi biển đều ý thức được rằng ở trên biển, đặc biệt là quần đảo Trường Sa đã có một nơi có thể cứu giúp họ trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm tới tính mạng.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ về cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, giao thông vận tải thì trong công tác y tế biển đảo, tôi vẫn muốn đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố con người. Làm thế nào mỗi bác sĩ ra Trường Sa không phải chỉ là người có bản lĩnh, mà còn có khả năng từ một thầy thuốc chuyên khoa trở thành một thầy thuốc đa khoa để có thể giải quyết được nhiều mặt bệnh? Chúng ta không thể đưa cả một bệnh viện y như trong đất liền ra ngoài đấy mà chúng ta chỉ có thể đưa ra những bác sĩ cùng lúc có thể giải quyết được nhiều loại bệnh. Tóm lại, những bác sĩ ra đó đều phải có kiến thức đa khoa, có khả năng thực hành đa khoa rất tốt.

- Tôi hiểu những điều này. Nhưng, thưa anh, tôi tò mò là với những ca khẩn cấp, bắt buộc phải đưa chiến sĩ về đất liền thì hiện nay chúng ta đang thực hiện như thế nào?

- Đây là điều mà tôi đang muốn nói. Trước tiên, chúng ta phải phân loại xem bệnh nhân nào thì để lại, bệnh nhân nào thì đưa về đất liền. Với những bệnh nhân phải đưa về đất liền khẩn cấp, chúng ta có thể đưa ngay bằng trực thăng, thủy phi cơ. Tần suất bay ra đảo cấp cứu cũng vô cùng, có lúc 1 tháng 1 ca, có lúc 1 tuần 4-5 ca và mới đây nhất, chúng tôi đã thực hiện cùng lúc một chuyến bay đêm ra 2 đảo, hai đảo cách xa nhau nên chuyến bay phải dừng nghỉ để tiếp nhiên liệu.

- Rõ ràng là những chuyến bay không hề đơn giản!

- Chắc chắn là không thể dễ dàng, đơn giản được! Không thể biết chắc là trong khoảng tổng cộng 6 giờ bay ra - bay về, trong điều kiện đêm tối, thời tiết phức tạp thì những rủi ro nào cũng có thể ập đến. Những năm qua, có rất nhiều ca bệnh nặng, từ chấn thương sọ não, đa chấn thương, viêm tụy cấp, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng... đến những ca nhồi máu cơ tim. Từng có người đang gác đèn biển bị nhồi máu cơ tim, gục ngã ngay chân ngọn đèn biển. Khi biết tin các bác sĩ của Bệnh viện 175 đang trên đường bay ra đảo, anh ấy đã nói rằng mình phải cố gắng sống chờ bằng được các bác sĩ. Đó là một ca cấp cứu thành công và chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Trực thăng đã giúp chúng tôi giành giật được “giờ vàng” quý giá để cứu sinh mạng người bệnh.

- Tôi không phải là người trong ngành y nên không hiểu rõ những kiến thức y học. Nhưng, theo cách hiểu thông thường của tôi thì những ca nhồi máu cơ tim là rất nặng. Vậy thì một người bệnh đợi 3 tiếng để máy bay ra tới nơi, rồi đợi thêm 3 tiếng nữa để máy bay đưa về đất liền liệu có là quá dài không, thưa anh?

- À, phác đồ cấp cứu thế nào, quân y tại chỗ thế nào thì ở ngoài đó mọi người đã nắm được rồi. Họ sẽ thực hiện những giải quyết cấp bách ban đầu, mà chúng tôi gọi là “first aid” (sơ cứu). Nói tóm lại là trong lúc chờ đợi máy bay, họ đều đã biết phải làm những gì, không làm những gì rồi. Sau đó, khi bác sĩ tới nơi, đưa bệnh nhân lên máy bay thì việc hội chẩn được thực hiện ngay trên máy bay. Đến khi có sóng, tất cả những thông số sức khỏe của bệnh nhân sẽ được báo về bệnh viện và ở viện chúng tôi sẽ chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ. Khi máy bay hạ cánh, bệnh nhân được đưa thẳng vào phòng can thiệp.

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG GTCT.

- Trong những trường hợp hết sức khẩn cấp, cần phải phẫu thuật ngay trên máy bay thì sao? Hiện nay chúng ta đã phẫu thuật được ngay trên máy bay trực thăng chưa, thưa anh?

- Với điều kiện hiện nay thì chúng tôi chưa thực hiện được những ca lớn nhưng những ca nhỏ như mở khí quản, chọc dẫn lưu khoang màng phổi để giải phóng chèn ép, đặt ống nội khí quản, giải quyết đường hô hấp, đã có hệ thống máy cấp cứu di động theo máy bay... thì có thể làm ngay được. Hiện nay chúng ta chỉ có trực thăng thông thường, gọi là helicopter để vận chuyển bệnh nhân và thực hiện những điều kiện thực hiện thủ thuật tối khẩn cấp cứu sống người bệnh nhưng chúng tôi hy vọng là trong tương lai chúng ta sẽ có trực thăng chuyên dụng y tế, gọi là medicopter để có thể triển khai phẫu thuật ngay trên máy bay. Xin kể thêm là không chỉ có máy bay trực thăng, bây giờ chúng ta cũng có cả những thủy phi cơ, có khả năng hạ cánh ngay trên mặt biển, từ đó tiếp cận được cả những đảo chìm, nơi không có đường băng, không có sân bay cho trực thăng đáp xuống.

- Thưa anh Nguyễn Hồng Sơn, khi nói chuyện với các bác sĩ, tôi có nghe đến một khái niệm trong ngành y, đó là “y tế thảm họa”. Và, theo tôi hiểu, đó là công tác y tế trong những trường hợp rất đặc thù như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh,... liệu có đúng không ạ?

- Y học thảm họa thì đúng hơn. Có thể hiểu đây là một ngành y học nhằm đáp ứng hiệu quả nhất công việc cứu chữa con người khi thảm họa xảy ra. Thảm họa thì có 2 loại là thảm họa do thiên nhiên gây ra, ví dụ như lũ lụt, sóng thần, cháy rừng, mưa bão, sạt lở, lũ ống, lũ quét, động đất... và thảm họa do con người gây ra, ví dụ như chiến tranh, xung đột, tai nạn hàng loạt, cháy nổ v.v...

- Vậy thì việc cứu chữa khẩn cấp cho những chiến sĩ ở biển đảo, trong điều kiện thời bình hôm nay không nằm trong nội hàm của y học thảm họa?

- Nếu như không diễn ra trong hoàn cảnh chiến tranh thì đúng là không phải y học thảm họa. Nhưng, để làm tốt, làm thật hiệu quả công việc này thì tôi có thể nói là khâu chuẩn bị diễn ra không khác gì chuẩn bị cho một trận đánh. Lúc nãy tôi vừa kể bay đêm là những chuyến bay hết sức nguy hiểm, đặc biệt là bay biển, phải đối mặt với những cơn gió, cơn lốc bất thường. Vậy nên tổ lái không những phải có kinh nghiệm mà còn phải có bản lĩnh, có sự phối kết hợp nhuần nhuyễn với các bộ phận trên đảo và trên đất liền. Rồi khả năng tổ chức chỉ huy điều hành; khả năng tác chiến nữa. Cần phối kết hợp tất cả những điều này một cách chính xác để công tác cứu chữa bệnh là nhanh nhất, mà lại phải chất lượng nhất. Chỉ cần một bộ phận, một đơn vị liên quan không đồng bộ, không hòa hợp là có thể hỏng hết. Vì vậy, tôi mới nhiều lần chia sẻ rằng, khi thấy các bác sĩ và đội ngũ kĩ thuật bắt đầu bước chân lên máy bay thì người chỉ huy phải đợi cho đến khi đưa được bệnh nhân về bệnh viện mới có thể cảm thấy an lòng.

- Vâng. Lúc đó các bác sĩ đi làm nhiệm vụ cũng không khác gì ra trận!

- Đúng vậy! Không khác gì ra trận.

- Thưa anh. Khi nói về y học thảm họa, thật sự là tôi vẫn nhớ đến những thiên tai, thảm họa ở miền Trung nước ta cách đây chưa lâu. Ở trên chúng ta vừa nhắc tới những chiến sĩ âm thầm thực hiện công tác cứu nạn và sau đó chính họ đã gặp nạn. Với kinh nghiệm của một người nghiên cứu về y học thảm họa, anh nghĩ gì về điều này? Liệu có bài học nào xung quanh câu chuyện này có thể đúc rút hay không?

- Đây là vấn đề mà tôi cho rằng chúng ta phải suy nghĩ và nhìn nhận một cách tổng hòa. Trước hết là câu chuyện về địa lý, thời tiết. Thứ hai là khả năng dự báo của chúng ta. Và đối với quân đội thì đương nhiên nhiệm vụ trinh sát, đánh giá tình hình trong quá trình tổ chức cứu hộ, cứu nạn là hết sức quan trọng. Muốn vậy chúng ta phải có kiến thức sâu sắc về y học thảm họa. Tôi rất mong trong thời gian tới, y học thảm họa sẽ được phổ cập rộng và nhiều hơn, bởi nước ta là nước có nguy cơ thảm họa cao, dù là do thiên nhiên hay con người. Khi chúng ta ý thức rõ điều này thì chúng ta sẽ có các biện pháp hữu hiệu như giáo dục, diễn tập, sự chuẩn bị cơ sở vật chất một cách tốt nhất... để có thể đối phó hiệu quả nhất với nhiều loại hình thảm họa. “Thao trường đổ mồ hôi - chiến trường bớt đổ máu”, làm thế nào vẫn hoàn thành thật tốt nhiệm vụ mà giảm thiểu được những hy sinh, mất mát luôn là vấn đề canh cánh trong lòng mỗi chúng ta.

- Xin cảm ơn anh!

- Thưa anh, năm 2018 lần đầu tiên Việt Nam đưa Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC 2.1) thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Anh có thể chia sẻ việc tuyển chọn nhân viên cho nhiệm vụ đặc biệt này diễn ra như thế nào hay không?

- LHQ có khung tiêu chí rất rõ ràng để đánh giá và cho phép các cá nhân hay tập thể đi làm nhiệm vụ quốc tế. Để chính thức sang châu Phi làm nhiệm vụ, chúng ta phải trải qua nhiều lần sát hạch như thế, từ việc tổ chức biên chế, trang thiết bị, yêu cầu chuyên môn, đến những khung pháp lý về cư xử, quan hệ đối với nội bộ LHQ, chính quyền và người dân bản địa.

- Rồi cả rào cản ngôn ngữ nữa.

- Về điều này, lúc đầu chúng tôi đã rất lo lắng, bởi để một y tá, điều dưỡng có khả năng nói chuyện thành thạo với người bản địa bằng tiếng Anh không phải điều đơn giản nhưng tôi cũng cảm thấy tự hào vì các đồng nghiệp của tôi đã cố gắng vượt qua chính mình. Hiện nay bệnh viện chúng tôi đã có tới hơn 120 người đạt trình độ IELTS 5.0, có người đạt tới 8.5, có điều dưỡng viên còn tốt nghiệp trình độ thạc sĩ về điều dưỡng. Vì vậy, đến lúc này, nguồn nhân lực của chúng tôi luôn sẵn sàng.

- Những nhân viên của BVDC 2.1 sẽ trở thành những “đại sứ Việt Nam” đối với phái bộ và người dân bản địa? Anh có thể chia sẻ thêm ý nghĩa của nhiệm vụ này và cảm xúc của anh?

- Thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình vừa thể hiện vai trò, trách nhiệm của quốc gia đó với cộng đồng thế giới, cũng vừa là cơ hội để giới thiệu với bạn bè thế giới về con người, đất nước, văn hóa Việt Nam, hình ảnh “anh bộ đội Cụ Hồ”, người chiến sĩ quân y cách mạng. Trước đây người ta chỉ nghĩ Việt Nam là một đất nước chiến tranh, nghèo đói, còn giờ đây, chúng ta đã mang đến cho họ sự nhìn nhận khác về một Việt Nam vững vàng trên đà phát triển. Họ nói rằng chúng ta có rất nhiều món ăn ngon và họ rất thích ẩm thực Việt Nam. Tuy chỉ là một BVDC nhưng nó đủ tạo ra những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam đối với đa chủng tộc trong phái bộ và người dân bản địa.

Đặc biệt hơn nữa, tôi đã không cầm được nước mắt khi lá cờ đỏ sao vàng kéo lên trên nền “Tiến quân ca” hùng tráng do dàn quân nhạc nước ngoài biểu diễn, các đại biểu đa sắc tộc của phái bộ đứng lên chào cờ, các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam ngẩng đầu kiêu hãnh trong buổi nhận Huân chương của LHQ. Tôi tự hào về BVDC 2.1, các đồng đội, đồng nghiệp. chiến sĩ, học trò của tôi, những điều họ làm được đã tạo dấu ấn mạnh mẽ và sức lan tỏa tuyệt vời. Tự hào về quân đội ta, Tổ quốc ta, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế.

Phan Đăng (thực hiện)

Nguồn tin: cand.com.vn